Lễ vật dâng Chúa Hài Đồng
LỄ VẬT DÂNG CHÚA HÀI ĐỒNG
“Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”
(Mt 2, 11)
Mùa Giáng Sinh đã về, không khí vui đón Noel rộn ràng khắp nơi. Gia trưởng lại chuẩn bị đưa cả gia đình đi dự lễ Giáng Sinh. Sau đó cùng chiêm ngắm hang đá Belem, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và cho thế giới được hưởng một mùa Giáng Sinh an bình thánh đức.
Cũng theo lẽ thường tình, khi quỳ gối bên máng cỏ Chúa Hài Đồng, mỗi người trong chúng ta thường hay thủ thỉ cùng Chúa những lời cầu xin : Xin cho sức khỏe bình an, xin cho công ăn việc làm thuận buồm xuôi gió, xin cho con cái mạnh khỏe, biết vâng lời, vân vân và vân vân. Nói một cách khác, con người thường chỉ đến với Chúa khi cần, và chỉ để xin những điều, theo mình nghĩ, là có lợi nhất cho bản thân.
Biết rằng, cầu xin với Thiên Chúa là điều hay, vì mọi thành quả tốt đẹp mà chúng ta đã và đang được hưởng, phải xác quyết bằng đức tin rằng, đều từ Thiên Chúa ban cho. Song, lẽ nào, ta chỉ đến với Chúa bằng tâm tình cầu xin ?
1. Những tâm tình đến với hang Belem năm xưa.
Ngày xưa, khi Con Một Thiên Chúa giáng sinh nơi hang bò lừa tồi tàn vùng Belem, đối tượng đến với Thiên Chúa sớm nhất lúc bấy giờ lại là những mục đồng đơn sơ, nghèo nàn và thất học. Thiên thần Chúa khi ấy đã hiện ra với họ và truyền tin mừng : “ Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11). Họ đã ngay lập tức đến với Belem, đến với Chúa trong tâm tình ca tụng, tôn vinh.
Sau họ, là những nhà chiêm tinh phương Đông, theo dấu ngôi sao lạ dẫn đường mà tìm đến Belem. “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 11). Nghĩa là, họ đã đến với Belem, đến với Chúa trong tâm tình thờ lạy và hiến dâng.
Còn một đối tượng nữa cũng muốn tìm đến Belem nhưng hoàn toàn không có thiện tâm. Đó là vua Hêrôđê. Nhà vua này muốn đến Belem với một dã tâm triệt hạ Đấng có thể sẽ làm lung lay vương quyền của ông. Nhưng, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, dã tâm ấy đã không thể thực hiện được.
Như vậy, những con người đến được với hang Belem ngày ấy chỉ là những con người khiêm hạ, biết tin vào Đấng Cứu Thế và mặc lấy tâm tình TÔN VINH, THỜ LẠY và HIẾN DÂNG.
2. Những tâm tình đến với hang Belem hôm nay.
Ngẫm về những bước chân mang theo những tấm lòng đến với hang Belem ngày xưa, để mỗi chúng ta hôm nay biết mặc lấy một tâm tình xứng hợp mỗi khi đưa gia đình đến quỳ gối trước hang đá Belem.
a. Đó là tâm tình tôn vinh, cảm tạ và thờ lạy.
Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho ta và vì mỗi chúng ta. Chính nhờ Ngài, mà nhân loại được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi, được phục hồi phẩm giá là con Thiên Chúa, một đảm bảo vững chắc quyền thừa kế Nước Trời. Quỳ gối trước máng cỏ Belem, mỗi người chúng ta hãy biết tôn vinh, cảm tạ và thờ lạy Tình Yêu của Thiên Chúa. “Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, con xin chúc tụng, cảm tạ và thờ lạy Ngài, vì Ngài đã giáng sinh cho con và vì con”.
b. Đó là tâm tình hiến dâng.
Khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Hài Đồng chính là Đấng Emmanuel - Đấng Cứu Thế, thì thái độ sống khôn ngoan nhất chính là hiến dâng cho Ngài tất cả những gì thuộc về mình, đặt toàn bộ cuộc đời mình trong sự bảo bọc chở che của Ngài. Hãy học nơi các nhà chiêm tinh phương Đông ngày xưa tiến dâng lên Chúa Hài Đồng vàng bạc, nhũ hương và mộc dược theo cách của thời đại hôm nay :
- Của cải vật chất qua lao khó nghề nghiệp tạo ra, suy cho cùng đích cũng là của Chúa trao ban, vì Ngài đã phán:” Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5). Vì vậy nếu đang được sống trong một điều kiện vật chất tốt hơn nhiều người, phải biết sử dụng của cải cách chính đáng. Đừng vỗ ngực huênh hoang : “Tiền bạc do tay tôi làm ra, tôi xài sao chẳng được”. Không thể như thế ! Một chai rượu ngoại hàng triệu VNĐ trên bàn ăn mà không có lý do chính đáng thì thật bất nhẫn khi nó đánh đổi bằng cả tháng thu nhập của người nghèo. Đồng tiền thu hoạch cả một vụ mùa vợ chồng con cái vất vả làm ra, sẽ là bất công tội lỗi khi đem đặt lên chiếu bạc… Hãy sử dụng đồng tiền làm ra cho nhu cầu chính đáng của vợ chồng con cái, san sẻ với tha nhân bằng tình bác ái, chung tay xây dựng cộng đồng vì lợi ích chung. Làm được như vậy, chính là ta đang dâng “vàng bạc” lên Chúa Hài Đồng như các nhà chiêm tinh xưa.
- Ta cũng dâng lên Chúa những hương thơm của đời ta, giống như nhũ hương thuở ấy. Đó là trí tuệ, là tài năng, là thời giờ mà Chúa đã trao ban. Những hương thơm ấy không phải chỉ để thỏa mãn bản thân mà còn phải biết dành cho Chúa qua việc phục vụ tha nhân. Cách này hoặc cách khác, công khai hoặc âm thầm đều có thể làm mà dâng cho Chúa : Một công việc trong Ban hành giáo, một việc chung vì ích lợi cộng đồng, một sự tận tụy với tha nhân…, sẽ giúp cho lòng mình biết mở ra với anh em thay vì khép kín. Không chỉ thế, hương thơm đời ta còn là con cái Chúa ban. Cha mẹ cần phải biết vun trồng ơn gọi cho con cái mình, và sẵn sàng dâng cho Chúa những thợ gặt của tương lai.
- Nếu chẳng có mộc dược mà dâng Chúa Hài Đồng, thì hãy dâng tất cả những đắng cay, nhọc nhằn của đời mình lên cho Chúa, biến nó thành chất lưu dẫncho mộc dược của Thiên Chúa phát huy. Đó là cảnh nhà thiếu trước hụt sau, vợ chồng bệnh tật, con cái thất học lêu lổng, vụ mùa thất bát, giả cả bấp bênh, tương lai mịt mờ… cũng hãy cứ mạnh dạn mà dâng cho Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ nhận, và Ngài sẽ biến đổi những đắng cay, nhọc nhằn ấy thành những niềm vui ngọt ngào.
- Còn nếu như, chẳng tìm thấy điều gì để mà dâng Chúa, thì cũng hãy cứ đến với hang Belem, quỳ bên máng cỏ mà thân thưa cùng Chúa rằng : “Lạy Chúa, Ngài đã vì con mà giáng sinh, mà con thì chẳng có gì để dâng Ngài. Vậy thì lạy Chúa ! Lễ vật con xin dâng chính con đây với bao khiếm khuyết và tội lỗi. Xin Chúa nhận và biến đổi cuộc đời con”.
- Chỉ xin đừng đến với hang Belem bằng dã tâm của Hêrôđê. Đó là sự thù hận, ghen tương, sự ích kỷ cùng những toan tính thấp hèn đối với tha nhân. Con đường đến với hang Belem không có và không thể dành cho những bước chân lạc loài này.
Vậy thì, quỳ trước hang đá Belem, chẳng ai lại không có gì để mà dâng Chúa. Ý nghĩa và giá trị đích thực của lễ vật chỉ có Chúa Hài Đồng mới thẩm định được. Quan trọng là chúng ta một khi đã dâng thì không đừng lấy lại. Hãy tuyệt đối trao gởi nơi Chúa Hài Đồng, để Ngài toàn quyền định đoạt trên lễ vật ta dâng. Chỉ khi ấy ta mới cảm nhận được sự ấm áp của đêm huyền nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh.
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)