LÀM SẠCH MÔI SINH TÂM HỒN
LÀM SẠCH MÔI SINH TÂM HỒN
Chiều tối ngày 16/04/2016, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục – Ban Mục vụ Gia Đình TGP. TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện Chuyên đề số 234 với đề tài: “LÀM SẠCH MÔI SINH TÂM HỒN” với sự chia sẻ của Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP TP.HCM, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam và Ông Trần Quốc Phúc, Chủ tịch Hội Thảo VN. Khác với các đề tài trước, đề tài này được tổ chức tại giáo xứ Phú Bình, 423 Lạc Long Quân, P. 5, Q. 11, TP.HCM. Tuy được tổ chức vào buổi tối nhưng đã thu hút được rất nhiều giáo dân đến tham dự.
Sau phần giới thiệu của cha Giuse Vương Sĩ Tuấn, chánh xứ giáo xứ Phú Bình, về hoạt động của Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ rằng khi nói đến Môi Sinh Tâm Hồn nghĩa là đi từ bên trong ra bên ngoài, nhưng thực ra cái bên ngoài nó mới khiến chúng ta đặt vấn đề về cái bên trong. Cha trích dẫn đoạn Tin Mừng nói về việc những Pharisiêu chất vấn Chúa Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” (Mc 7,5). Theo tập tục người Do Thái thì người ta phải rửa tay trước khi ăn, đó là vấn đề sạch dơ theo nghĩa thiêng liêng. Chúa Giêsu và các môn đệ khi đi rao giảng, tiếp xúc với những người ngoại giáo thì bị xem là ô uế, thì lại càng phải rửa tay, càng phải làm nghi thức thanh tẩy trước khi phục vụ. Nhưng Chúa đã trả lời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15.21-23).
Những hành động bên ngoài xuất phát từ những suy nghĩ ở bên trong, những tâm tư, tình cảm ẩn sâu ở bên trong con người chúng ta lại được thể hiện ra bên ngoài trong hành vi, trong lời nói, trong hành động. Chúa Giêsu là Đấng Khôn Ngoan đã nhìn thấu suốt tâm can con người khi bảo rằng chỉ cần giận anh em mình, mắng anh em mình là đồ ngốc cũng đáng bị kết án, hay “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. Ngài coi trọng chính những gì ở bên trong con người thường xuyên nghĩ, thường xuyên cảm, có ý định trong lòng, đó là nguồn gốc của những hành động bên ngoài. Thế giới nội tâm ấy vô cùng quan trọng, nó làm nên chính con người chúng ta, đó là lý do tại sao chúng ta phải làm sạch môi sinh bên trong thì môi sinh bên ngoài mới sạch sẽ. Cái chết của linh hồn nó mới đáng sợ hơn cái chết của thân xác, vì đối với chúng ta sự sống đời đời, sự sống của linh hồn đó mới là cái đáng quí trọng và đáng tìm kiếm, còn cái chết của thân xác thì ai cũng phải chết, bệnh tật thể chất thể lý nó đưa đến cái chết của thân xác, nhưng chưa đáng sợ bằng bệnh tật của tâm hồn, của linh hồn, tức là của tội lỗi nó đưa đến cái chết đời đời.
Môi sinh tâm hồn liên quan đến vấn đề lương tâm, nó vô cùng quan trọng, chính nó đem đến sự sống hay cái chết của linh hồn. Lương tâm được thể hiện ra bên ngoài trong hành động, lời nói, trong tương quan của thường nhật. Cho nên làm sạch môi sinh tâm hồn thì chúng ta có những hành động bên ngoài bằng việc đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc bác ái, đạo đức. Nói làm sạch môi sinh tâm hồn nếu không giữ hành động bên ngoài thì cũng vô ích, vì con người là một thể thống nhất giữa hồn xác, thân xác là cái bên ngoài, tâm hồn là cái bên trong.
Người Kitô hữu làm sạch môi sinh tâm hồn cần phải có hành động bên ngoài, mà hành động đầu tiên và căn bản nhất là cầu nguyện, là kết hợp với Thiên Chúa, phải có những hành động cầu nguyện như là một việc cầu nguyện, nghĩa là phải đi đến nhà thờ, là nơi yên lặng, là nơi có Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể, biết dành những khoảng lặng trong một ngày sống ít là 15 phút, nửa tiếng và trung thành ngày nào cũng vậy, qua việc tham dự Thánh lễ hay đọc Lời Chúa, đọc một chuỗi kinh Mân Côi, có thể là một khoảng lặng ngồi bên Chúa, để ngồi đó với Chúa lâu giờ.Làm sạch môi sinh tâm hồn là những lúc không chỉ ta nạp năng lượng tinh thần mà còn để Thánh Thần của Chúa thanh luyện tinh thần của chúng ta bằng Lời của Chúa.
Môi sinh bắt đầu từ bên trong, bên trong tỏ lộ ra bên ngoài, một cá nhân làm sạch một môi trường, và cả môi trường sạch làm thế giới sạch, tu thân rồi tề gia, rồi trị quốc, tự nhiên bình thiên hạ.
Sau phần chia sẻ của Cha Luy, Ông Trần Quốc Phúc, Chủ tịch Hội Thảo VN, đã chia sẻđề tài chữ Tâm. Bằng những câu chuyện sinh động, những ví dụ cụ thể, đôi lúc hài hước, ông đưa ra ra 5 lời khuyên để rèn luyện chữ tâm trong đời sống:
1. Hành động từ con tim: Con người ta có thể nghĩ xấu và làm điều xấu nhưng luôn mong muốn được đối xử tốt. Trong cuộc sống dù người ta có làm điều gì tồi tệ đi nữa nhưng vẫn luôn muốn được người khác yêu thương và đối xử tử tế với mình. Vì vậy, khi đến với người khác bằng sự chân thành thì dễ dàng chạm đến trái tim người khác, hãy nhìn người khác bằng tâm thiện, nghĩ tốt với người khác. Trong cuộc sống, đôi khi người ta ảnh hưởng từ quá nhiều thứ bên ngoài mà đánh mất đi chữ tâm, khi đến với người khác từ việc góp ý hay cư xử, nếu xuất phát từ trong trái tim thì nên làm, nhưng nếu cảm thấy điều đó không tốt đẹp cho người khác thì đừng nên thực hiện.
2. Tư duy tích cực: Nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Những người thường xuyên nói thật sẽ có sức khỏe tốt hơn, những người thường xuyên nói dối sẽ ngày càng yếu đi. Vì thế, trong đời sống gia đình, cha mẹ hãy lưu ý dạy con nói lời thành thật.
3. Niềm tin và hy vọng: Mọi thứ trong cuộc đời có thể mất đi nhưng có một thứ không được đánh mất đó là niềm tin, khi đánh mất niềm tin là mất tất cả vì niềm tin tạo ra sức mạnh. Cần phải có niềm tin để sống tích cực. Các bậc cha mẹ đừng gieo vào đầu trẻ nhỏ những điều tiêu cực, bi quan gây cho con trẻ mất niềm tin.
4. Giúp đỡ người khác: Giúp đỡ người khác bằng tất cả tấm lòng, không tính toán, cho đi mà cảm thấy hạnh phúc trong lòng vì của cho không bằng cách cho. Gieo điều tốt mà mình cảm thấy thực sự, chắc chắn sẽ nhận được sự nâng đỡ của người khác trong cuộc sống.
5. Muốn trụ vững trong cuộc đời thì phải đủ sức vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống: Bản thân con nhộng không thể trở thành con bướm nếu bản thân nó không thể chui qua miệng kén, nhưng nếu chui qua được miệng kén thì nó sẽ trở thành con bướm. Trong cuộc sống, không ai có nghĩa vụ tốt với mình trừ cha mẹ, do đó phải biết tự lập. Sự mạnh mẽ và độc lập là tố chất cần thiết cho con người thành công. Hãy cầu mong và rèn luyện làm sao cho chính trong tâm hồn của mình vượt qua những khó khăn thử thách, đừng cầu cho mọi thứ xung quanh tốt đẹp hơn mà hãy cầu cho tâm hồn mình đẹp hơn, mạnh mẽ hơn.
Sau hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ được nghe chia sẻ, các tham dự viên đã nhận được những điều hữu ích để thanh luyện tâm hồn mình bằng những kiến thức về đức tin do Cha Luy trình bày cũng như những kinh nghiệm sống động do Ông Trần Quốc Phúc chia sẻ.
Tạ Ân Phúc