LÀM CHA LÀM MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA «HUMANAE VITAE» (bài 117) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

LÀM CHA LÀM MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA «HUMANAE VITAE» (bài 117) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

CXVII

THÔNG ĐIỆP «HUMANAE VITAE» GIẢI ĐÁP CHO NHỮNG CÂU HỎI CỦA CON NGƯỜI NGÀY NAY

(Ngày 01 tháng 8 năm 1984)

1. Hôm nay chúng ta chọn chủ đề «làm cha làm mẹ có trách nhiệm» dưới ánh sáng của Hiến chế «Gaudium et Spes» và Thông điệp «Humanae Vitae».

Hiến chế của Công Đồng, khi trả lời cho tranh luận, tự giới hạn mình lại ở việc nhắc nhở những tiền đề căn bản mà thôi; còn văn kiện của đức Giáo hoàng thì đi xa hơn cho những tiền đề này nội dung cụ thể hơn.

Bản văn của Công Đồng tuyên bố như sau: «... Khi phải dung hợp tình yêu vợ chồng với việc sinh sản có trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lí của hành động không chỉ tùy thuộc vào mức độ trung thực của ý hướng và sự đánh giá về những lí do, nhưng còn phải dựa vào các tiêu chuẩn khách quan, được xác định do chính tính cách của người làm và bản chất của việc đang làm; những tiêu chuẩn ấy sẽ bảo toàn ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến cho nhau và sinh sản con cái trong bối cảnh của một tình yêu đích thực; điều đó không thể thực hiện được nếu không nghiêm túc thực hành đức khiết tịnh của bậc hôn nhân»[1].

Và Công Đồng còn nói thêm: «Trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Giáo Hội phải trung thành tuân thủ những nguyên tắc vừa nêu, không được dùng những phương pháp mà Huấn Quyền dựa vào thiên luật đã phi bác»[2].

2. Trước đoạn văn trích dẫn trên đây,[3] Công Đồng dạy rằng đôi vợ chồng «sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm vừa của con người, vừa của những Kitô hữu, và, trong thái độ tôn kính tuân phục Thiên Chúa»[4]. Điều đó có nghĩa rằng là: «với sự đồng thuận và nỗ lực chung, họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, trong khi vẫn quan tâm đến thiện ích của chính họ cũng như của con cái đã sinh ra hay dự định sẽ có, vẫn cân nhắc về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của hoàn cảnh sống theo từng thời điểm, và sau cùng vẫn lưu tâm đến thiện ích của cả gia đình, của cộng đồng xã hội và của Giáo hội nữa»[5].

Tiếp theo sau đó là những lời đặc biệt quan trọng xác định chính xác hơn nữa tính chất luân lí của «việc làm cha và làm mẹ có trách nhiệm». Chúng ta đọc thấy như sau: «Chính đôi vợ chồng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về phán đoán ấy trước mặt Thiên Chúa»[6].

Và nói tiếp: «Trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức rằng mình không được làm theo sở thích, nhưng phải luôn tuân theo tiếng nói của lương tâm phù hợp với lề luật Chúa, luôn vâng phục Huấn Quyền của Giáo Hội vốn có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng. Luật Chúa tỏ rõ ý nghĩa đầy đủ của tình yêu vợ chồng, bảo vệ và mang lại cho tình yêu ấy phẩm chất nhân bản trọn vẹn đích thực»[7].

3. Hiến chế của Công Đồng, tự giới hạn trong việc nhắc nhở những điều kiện tiên thiên cần thiết của «việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm», nhưng cũng đã nhấn mạnh đến chúng một cách rõ ràng bằng cách xác định các yếu tố cơ bản của việc làm cha làm mẹ ấy, tức là phán đoán chín chắn của lương tâm cá nhân trong mối quan hệ với luật Chúa, được lí giải chân thực bởi Huấn Quyền của Hội Thánh.

4. Thông điệp «Humanae Vitae», cũng dựa trên những điều kiện tiên thiên ấy, nhưng tiếp tục đi xa hơn, khi đưa ra những chỉ dẫn cụ thể. Người ta thấy như thế trước hết trong cách thức định nghĩa «làm cha làm mẹ có trách nhiệm».[8] Đức Phaolô VI tìm cách xác định khái niệm này, bằng cách đi lên đến những khía cạnh khác nhau của khái niệm ấy đồng thời loại bỏ trước ý nghĩa giản lược chỉ còn là một khía cạnh «thành phần» nào đó của nó thôi, ví dụ như những người chỉ biết nói về việc kiểm soát sinh sản thôi. Quả thật, ngay từ đầu đức Phaolô VI đã hướng luận cứ của ngài theo một quan niệm toàn diện về con người[9] và về tình yêu vợ chồng.[10]

5. Người ta có thể nói về trách nhiệm trong việc thực hành phận vụ làm cha và làm mẹ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Từ đó, ngài viết, «liên hệ đến các tiến trình sinh học, làm cha làm mẹ có trách nhiệm có nghĩa là biết và tôn trọng các phận vụ của việc ấy: trí khôn khám phá ra, trước khả năng có thể sinh con, các qui luật sinh học vốn là thành phần làm nên nhân vị»[11]. Rồi, khi nói đến chiều kích tâm lí học «làm cha làm mẹ có trách nhiệm có nghĩa là lí trí và ý chí cần phải làm chủ các xu hướng của bản năng và các đam mê».[12]

Với giả thiết có các khía cạnh liên vị như đã nói trên đây và thêm vào đó cần có «các điều kiện kinh tế và xã hội», còn phải nhìn nhận rằng «việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm được thực thi, hoặc tăng trưởng gia đình về con số thành viên một cách có suy nghĩ cân nhắc chín chắn và quảng đại, hoặc quyết định tạm thời, với những lí do nghiêm trọng và tôn trọng luật luân lí, tránh việc có thêm một đứa con cả khi trong một thời gian bất định».[13]

Do đó, trong khái niệm về «việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm» không những có trường hợp có khuynh hướng tránh «có thêm con» mà còn có trường hợp làm tăng trưởng gia đình theo các tiêu chuẩn của sự khôn ngoan. Trong ánh sáng đó, trong đó cần phải khảo sát và quyết định vấn đề về «việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm», trung tâm điểm luôn luôn là «bình diện luân lí khách quan, vốn do Thiên Chúa lập, và lương tâm ngay thẳng phải giải thích trung thành».[14]

6. Các đôi vợ chồng trong lãnh vực này hoàn tất «các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, đối với nhau, đối với gia đình và đối với xã hội, theo một phẩm trật đúng đắn các giá trị».[15] Thế nên không thể nói ở đây về «việc làm theo ý muốn tùy tiện riêng». Trái lại, các đôi vợ chồng phải «khuôn các hành động của họ theo ý định sáng tạo của Thiên Chúa».[16]

Khởi đi từ nguyên tắc này Thông điệp đặt luận cứ của mình trên nền tảng của «cấu trúc thân mật của hành vi vợ chồng» và của «sự kết nối không thể chia cắt của hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng»;[17] điều này đã được nói tới trước đây rồi. Bởi thế, nguyên lí tương ứng của đạo vợ chồng (luân lí phu thê) là trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa, vốn được biểu lộ trong «cấu trúc thân mật của hành vi vợ chồng» và của «sự kết nối không thể chia cắt của hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng» này.


[1] Gaudium et Spes, 51.

[2] Ibid.

[3] Cfr. ibid. 50.

[4] Ibid.

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Pauli VI, Humanae Vitae, 10.

[9] Cfr. Pauli VI, Humanae Vitae, 7.

[10] Cfr. ibid. 8. 9.

[11] Ibid. 10.

[12] Ibid.

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] Ibid. 10.

[16] Ibid.

[17] Cfr. ibid. 12.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch