KHÔNG THỂ TÁCH BIỆT CỨU CÁNH HỢP NHẤT YÊU THƯƠNG VÀ SINH SẢN TRONG HÀNH VI VỢ CHỒNG (bài 114) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
CXIV
KHÔNG THỂ TÁCH BIỆT CỨU CÁNH HỢP NHẤT YÊU THƯƠNG VÀ SINH SẢN TRONG HÀNH VI VỢ CHỒNG
(Ngày 11 tháng 07 năm 1984)
1. Những suy tư của chúng ta cho đến nay hướng về tình yêu của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa, cách nào đó, vẫn chưa hoàn tất, nếu như chúng ta không thử xem xét áp dụng cụ thể vào lãnh vực luân lí hôn nhân và gia đình. Chúng ta muốn hoàn tất bước sau cùng này, nó sẽ dẫn ta đến đoạn kết của con đường ta đi cho tới nay đã khá dài, dựa theo một nguồn Huấn Quyền quan trọng công bố gần đây: Thông điệp «Humanae Vitae» của đức Giáo hoàng Phaolô VI công bố vào tháng Bảy năm 1968. Chúng ta sẽ đọc lại văn kiện rất ý nghĩa này dưới ánh sáng của những kết quả chúng ta đã đạt được khi khảo sát ý định nguyên thủy của Thiên Chúa và lời của Đức Kitô nói về điều đó.
2. «Hội Thánh dạy rằng bất cứ hành vi vợ chồng nào tự nó cũng phải mở ra với sự truyền sinh ...»[1]. «Đạo lí đó, đã được Huấn Quyền nêu lên nhiều lần, dựa trên sự kết nối không thể tách rời mà Thiên Chúa đã muốn và con người không thể tự ý cắt đứt, giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng: kết hợp trong yêu thương và sinh sản»[2].
3. Những xem xét của tôi sau đây sẽ liên hệ đặc biệt đến đoạn Thông điệp «Humanae Vitae» nói về «hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng» và về «mối kết nối không thể tách lìa» của chúng. Tôi không có ý đưa ra chú giải toàn thể Thông điệp, nhưng thực ra chỉ muốn minh họa và đào sâu một đoạn văn. Từ quan điểm của đạo lí luân lí của tài liệu trích dẫn ở đây, đoạn văn này có một ý nghĩa trung tâm. Đồng thời đó là một đoạn văn nối kết chặt chẽ với những suy tư trước đây của chúng ta về hôn nhân trên bình diện dấu chỉ (bí tích).
Vì đó là một đoạn văn trung tâm như đã nói, nên rõ ràng là nó được đưa rất sâu vào trong toàn thể cấu trúc của văn kiện: do đó khi phân tích nó ta phải hướng đến các thành tố khác của cấu trúc văn bản, cho dẫu ta không có ý định chú giải toàn thể văn kiện.
4. Trong khi suy tư về dấu chỉ bí tích, nhiều lần chúng ta đã nói rằng nó dựa trên nền tảng «ngôn ngữ thân xác» được đọc lại trong sự thật. Sự thật ấy được khẳng định lần đầu tiên lúc khởi đầu cuộc hôn nhân, khi đôi tân hôn, do hứa với nhau «luôn giữ lòng chung thủy ... để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời», trở thành thừa tác viên của hôn nhân bí tích của Hội Thánh.
Kế đến, sự thật ấy, có thể nói, luôn được xác định lại cách mới mẻ. Thật vậy, người nam và người nữ, khi sống hôn nhân của họ «cho đến chết», theo nghĩa nào đó không ngừng đề xướng lại luôn dấu chỉ mà họ đã nêu (qua cử hành phụng vụ bí tích) trong ngày kết hôn.
Những lời trích dẫn trên đây của Thông điệp của đức Giáo hoàng Phaolô VI liên hệ đến thời điểm trong cuộc sống chung của đôi vợ chồng, khi cả hai người kết hợp với nhau trong hành vi vợ chồng, họ trở nên «một xương một thịt»[3], như lời Thánh Kinh diễn tả. Chính trong một thời điểm như thế, rất phong phú ý nghĩa như thế, mà việc đọc lại «ngôn ngữ thân xác» trong sự thật là hết sức quan trọng. Đọc như thế trở thành một điều kiện thiết yếu cho hành động trong sự thật hay cho việc đối xử phù hợp với giá trị và chuẩn mực luân lí.
5. Thông điệp không chỉ nhắc nhớ đến chuẩn mực này, nhưng còn cố gắng cung cấp một nền tảng thích hợp cho nó. Để làm sáng tỏ hơn đến tận chiều sâu «sự kết nối không thể tách rời mà Thiên Chúa đã muốn ... giữa hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng», đức Phaolô đã viết như thế trong đoạn sau đây: «... Bởi cấu trúc thân mật của nó, hành vi vợ chồng, khi kết hợp vợ chồng trong thân mật sâu sắc, làm cho họ có khả năng sinh ra sự sống mới, theo các qui luật đã được ghi khắc trong chính bản tính của con người, nam cũng như nữ»[4].
Chúng ta nhận thấy rằng trong đoạn văn trước bản văn vừa được trích đề cập trước hết đến «ý nghĩa» và trong đoạn văn sau , nói về «cấu trúc thân mật» (nghĩa là về bản tính tự nhiên) của tương quan vợ chồng. Khi xác định «cấu trúc thân mật» này, bản văn tham chiếu tới «các qui luật đã được ghi khắc trong chính bản tính của con người, nam cũng như nữ».
Sự chuyển tiếp từ đoạn nói về chuẩn mực luân lí sang đoạn giải thích lí do của chuẩn mực ấy là rất ý nghĩa. Thông điệp dẫn đến việc tìm kiếm nền tảng cho chuẩn mực, xác định tính luân lí của các hành vi của người nam và người nữ trong hành vi vợ chồng, trong bản chất của hành vi này, và sâu hơn nữa, trong bản chất của chính chủ thể hành động.
6. Như thế, «cấu trúc thân mật» (hay bản tính tự nhiên) của hành vi vợ chồng làm nên cơ sở thiết yếu cho một việc đọc thích đáng và khám phá các ý nghĩa, chúng phải được chuyển thông vào sâu trong ý thức và trong các quyết định của nhân vị hành động, và cũng là cơ sở thiết yếu để thiết lập mối quan hệ thích hợp của hai ý nghĩa này, tức là không thể tách biệt. Vì «hành vi vợ chồng ...» vừa «kết hợp vợ chồng trong thân mật sâu sắc» vừa «làm cho họ có khả năng sinh ra sự sống mới», và vì cả hai điều đó xảy ra được là «nhờ cấu trúc thân mật» của hành vi ấy, cho nên con người tất «phải» đọc đồng thời «cả hai ý nghĩa của hành vi vợ chồng» và cả «mối nối kết không thể tách biệt hai ý nghĩa ấy của hành vi vợ chồng».
Vấn đề ở đây không gì khác hơn là việc đọc trong sự thật «ngôn ngữ thân xác» như ta đã nói nhiều lần trong những phân tích trước đây. Chuẩn mực luân lí, vốn thường được Hội Thánh dạy về lãnh vực này và được đức Phaolô VI nhắc nhớ và xác nhận lại trong Thông điệp, phát xuất từ việc đọc «ngôn ngữ thân xác» trong sự thật.
Sự thật ở đây, trước tiên là trên bình diện hữu thể học («cấu trúc thân mật») và rồi đến trên bình diện chủ thể và tâm lí («ý nghĩa»). Bản văn Thông điệp nhấn mạnh trong trường hợp đang bàn thảo vấn đề là một chuẩn mực của luật tự nhiên.
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch