KHI RA ĐI...HÃY RAO GIẢNG!
KHI RA ĐI...HÃY RAO GIẢNG!
Thấu Hiểu Lối Nhìn của ĐTC Phanxicô về Tân Phúc-Âm-Hóa
T.S. Edward Mulholland
ATCHISON, KANSAS, 14 tháng 10, 2013 (Zenit.org) – Huấn từ của ĐTC Phanxicô cho Hội Đồng Tòa Thánh về Cổ Võ Việc Tân Phúc-Âm-Hóa đã gúp tôi về văn phạm Hy ngữ.
Khi còn là sinh viên Đại Học Grêgôriana ở Rôma, tôi vẫn thường viếng ngôi nhà nguyện trên lầu một ở lối ra. Ở đó có một nhà tạm trông lạ mắt, nhìn giống như một quả cầu theo trường phái lập thể. Thú thực, là một người trẻ trong những thập niên ’70 – ’80, tôi đã nghĩ nhà tạm này có nhiều vẻ như Ngôi Sao Tử Thần (1). Trên bức tường kế bên nhà tạm có những từ Hy lạp “πορευθέντες μαθητεύσατε".
Những từ này trích ra từ Matthêu 28, 19, và thường được dịch là “Hãy đi và rao giảng”. Nhưng từ đầu của cặp đôi này không phải là một mệnh lệnh, mà là một phân từ. Căn cứ theo nghĩa sát mặt chữ, cặp từ này có thể dịch là “khi ra đi, hãy rao giảng”. ( Đối với những nhà ngữ pháp Hy lạp về chuyện này : Vâng, điều này thậm chí còn có chút tinh tế hơn thế nữa, đã biết những thì của động từ. Vâng, động từ thứ hai thực sự mang ý nghĩa “hãy làm nên những môn đệ”. )
La ngữ, vốn có ít phân từ hơn Hy ngữ, đã khiến cả hai từ này thành lệnh từ, và nhiều bản dịch đã theo bản dịch Phổ thông. Tôi không nói rằng Thánh Giêrônimô đã làm cho chúng ta hiểu sai lạc, nhưng muốn nói rằng nguyên bản phong phú hơn. Thánh Giêrônimô hẳn phải là người đầu tiên đồng thuận điều này.
Điều mà bản gốc muốn trình bày chính là từ đầu tiên mô tả cung cách việc rao giảng cần phải được thực hiện. Chúng ta cần phải làm cho thiên hạ trở thành môn đệ Chúa bằng cách ra đi / đi ra ngoài. Việc ra đi / đi ra ngoài là một phần, là thành tố của việc làm nên những môn đệ cho Chúa.
Thật thích hợp biết bao cho một ngôi nhà nguyện ở một trường đại học vốn đào tạo nên biết bao giám mục, linh mục và thày dạy đức tin thuộc hàng trăm quốc gia trên khắp địa cầu. Cứ như thể muốn nói lên rằng : “ Khi ra đi, trong và qua chính việc ra đi của bạn, hãy làm cho tất cả những ai bạn gặp gỡ, đều trở nên môn đệ, thành những đệ tử của những gì bạn đã học trong những lớp học này và nhất là khi bạn quỳ gối trước nhà tạm này, vốn biểu trưng cái thế giới đổ vỡ mà bạn phải dẫn đưa về cho Chúa Kitô”.
Huấn từ của đức thánh cha Phanxicô ngày 14 tháng 10 cho Hội Đồng Tòa Thánh về Cổ Võ Việc Tân Phúc-Âm-Hóa, một cơ quan của Giáo triều Rôma, được thiết lập bởi Đức Bênêđictô XVI vào năm 2010, lại khiến tôi suy nghĩ về những lần viếng nhà nguyện này. Ba điểm trong bài diễn từ của ngài là sự ưu tiên cho việc làm chứng tá, sự bức thiết của việc ra đi gặp gỡ tha nhân, và dự phóng mục vụ tập trung vào điều cốt lõi.
Điều cốt lõi chính là Đức Giêsu Kitô. Nhưng đời sống chúng ta phải phản ánh Ngài. Chúng ta phải làm chứng tá cho Ngài, và chúng ta phải ra đi mà làm điều đó.
Đức thánh cha Phanxicô nói : “Tân phúc-âm-hóa có nghĩa là làm thức dậy trở lại đời sống đức tin trong tâm hồn và trí óc những người đương thời của chúng ta. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa, điều quan trọng là chính chúng ta, những Kitô hữu, phải diễn tả được lối sống đức tin một cách thiết thực cụ thể là như thế nào, qua tình thương yêu, sự hòa thuận, niềm vui, nỗi khổ, vì như thế sẽ đặt ra những câu hỏi, như đã xảy ra vào thuở ban đầu của Hội Thánh: Tại sao họ lại sống như thế? Điều gì thúc đẩy họ cứ như thế ? Đó là những câu hỏi sẽ đưa chúng ta tới cốt lõi của công cuộc Tân phúc-âm-hóa mà vốn là việc làm chứng tá cho đức tin và lòng bác ái”.
Và nếu chúng ta phải làm chứng tá, phải diễn tả điều đó, phải thực thi điều đó, thì chúng ta không thể nào cứ ngồi mà chờ người ta đến với mình. Chúng ta phải rao giảng bằng cách ra đi.
Linh mục James Schall, SJ. mới đây đã viết về tinh thần truyền giáo của đức thánh cha Phanxicô. Bạn có thể hiểu được nhiều hơn về đức Phanxicô và về lối nhìn của ngài đối với Giáo hội nếu bạn đọc đi đọc lại đoạn trích dẫn dưới đây từ huấn từ hôm Thứ Hai của ngài :
“Công cuộc tân phúc-âm-hóa là một phong trào canh tân đối với những ai đã đánh mất đức tin và ý nghĩa sâu xa của đời sống. Tính năng động này là một phần của sứ mệnh lớn lao của Đức Kitô là mang lại sự sống cho thế giới, tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại. Con của Thiên Chúa đã ‘ra đi’ khỏi thiên phận của Ngài để xuống gặp gỡ chúng ta. Giáo hội ở trong công cuộc vận động vĩ đại này, mỗi kitô hữu được mời gọi ra đi để gặp gỡ những người khác, để đối thoại với những ai không tư duy giống như chúng ta, với những ai có những niềm tin khác, hoặc với cả những người chẳng có niềm tin nào cả. Để gặp gỡ mọi người, bởi vì chúng ta tất cả đều có một điểm chung này là chúng ta đều được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thên Chúa và giống như Thiên Chúa.”
Đây chính là điều đức thánh cha đang yêu cầu nơi chúng ta. Đây chính là điều Đức Kitô đang yêu cầu nơi chúng ta mỗi lần chúng ta được canh tân bởi Lời Người và Mình Thánh Người trong Thánh lễ. Hãy suy nghĩ về điều đó mỗi khi bạn bước ra khỏi một ngôi nhà thờ : Khi ra đi, hãy rao giảng …
(1) Trong loạt phim viễn tưởng “Chiến tranh giữa các vì sao”
Antôn Uông Đại Bằng