HÔN NHÂN-BÍ TÍCH ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG VIỄN TƯỢNG CỦA NIỀM HI VỌNG CÁNH CHUNG( bài 102) Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

HÔN NHÂN-BÍ TÍCH ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG VIỄN TƯỢNG CỦA NIỀM HI VỌNG CÁNH CHUNG( bài 102) Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

CII

HÔN NHÂN-BÍ TÍCH ĐƯỢC HOÀN TẤT TRONG VIỄN TƯỢNG CỦA NIỀM HI VỌNG CÁNH CHUNG

(Ngày 1 tháng 12 năm 1982)

 1. Chúng ta đã phân tích Thư gửi Tín hữu Êphêsô, cách riêng đoạn 5,22-33, trong viễn tượng của Bí tích Hôn nhân. Giờ đây một lần nữa, chúng ta lại xem xét cũng bản văn ấy dưới ánh sáng của Phúc âm và các Thư Phaolô gửi Tín hữu Côrintô và Rôma.

Hôn nhân – như là bí tích sinh ra từ mầu nhiệm Cứu chuộc và được tái sinh, theo một nghĩa nào đó, trong tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh – là một biểu lộ hữu hiệu của quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, Ngài vẫn thực hiện kế hoạch đời đời của Ngài cả sau khi loài người phạm tội và mang trong mình các dục vọng ẩn tàng trong trái tim con người, nam cũng như nữ. Như là một biểu lộ bí tích của quyền năng cứu độ ấy, hôn nhân cũng là một lời động viên biết làm chủ  dục vọng (như Đức Kitô đã nói trong Diễn từ Trên Núi). Hoa quả của sự biết làm chủ như thế chính là sự đơn nhất và bất khả phân li của hôn nhân, và hơn nữa, còn là một sự ý thức sâu xa về phẩm giá của người nữ trong tâm hồn của người nam (và phẩm giá của  người nam trong tâm hồn của người nữ), cả trong đời sống chung của vợ chồng, và trong mọi lãnh vực khác của tương quan con người với nhau.

2. Sự thật, theo đó hôn nhân bí tích của ơn Cứu chuộc được ban cho «con người dục vọng», như ân sủng và như là đạo lý, còn được diễn tả cách riêng trong giáo huấn của thánh Phaolô, đặc biệt trong chương 7 của Thư thứ Nhất gửi Tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô Tông đồ, trong khi so sánh song đối giữa hôn nhân với bậc sống đồng trinh (đúng hơn với bậc sống «trinh khiết vì Nước Trời») và tuyên bố sự «trổi vượt» của bậc đồng trinh, cũng xác định «mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác» (1 Cr 7,7). Trên cơ sở mầu nhiệm Cứu chuộc, hôn nhân là một «đặc sủng», là ân sủng. Trong cùng ngữ cảnh ấy thánh Tông đồ, trong khi khuyên nhủ các tín hữu, đã đề xuất hôn nhân như giải pháp «để tránh hiểm họa dâm ô» (ibid. 7,2), và sau đó khuyên các đôi vợ chồng: «chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy» (ibid. 7,3). Và ngài còn nói tiếp rằng «thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt» (ibid. 7,9).

3. Dựa trên những tuyên bố này của Phaolô mà có ý kiến nói rằng hôn nhân là một thứ thuốc chữa dục vọng (remedium concupiscentiae). Thế nhưng, thánh Phaolô, như chúng ta biết, dạy cách minh nhiên rằng hôn nhân là một «đặc sủng» và trong mầu nhiệm Cứu chuộc hôn nhân được ban cho người nam và người nữ như một ân sủng, và với những lời lẽ hàm ý và nghịch lí, ngài diễn tả tư tưởng của ngài cách đơn sơ rằng hôn nhân được chuyển giao cho đôi vợ chồng như một đạo lý. Trong những lời của Phaolô «thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt», động từ «thiêu đốt» ám chỉ các đam mê vô trật tự, có nguồn gốc từ chính dục vọng của tính xác thịt (trong Cựu ước cũng có trình bày tương tự về dục tình từ sách Huấn ca: cfr Hc 23,17). Còn «hôn nhân» lại có ý nghĩa là một trật tự đạo đức, được giới thiệu cách ý thức trong lãnh vực này. Có thể nói rằng hôn nhân là nơi của sự gặp gỡ giữa ái tình (eros) và đạo lý (ethos) và để chúng thẩm thấu vào nhau trong «tâm hồn» của người nam và người nữ, cũng như trong mọi tương quan của họ.

4. Hơn nữa, chân lí này – tức là hôn nhân bí tích phát sinh từ mầu nhiệm Cứu chuộc được ban cho con người «lịch sử» vừa như là ân sủng vừa như là đạo lý – còn xác định tính chất hôn nhân như là một trong các bí tích của Hội Thánh. Như là bí tích của Hội Thánh, hôn nhân có bản tính là bất khả phân li. Như là bí tích của Hội Thánh, hôn nhân cũng là lời của Thần Khí, động viên người nam và người nữ khuôn đúc toàn thể đời sống chung của họ nhờ kín múc sức mạnh từ mầu nhiệm «cứu chuộc của thân xác». Như thế, họ được kêu gọi sống khiết tịnh như là tình trạng sống «theo Thần Khí» của riêng họ (cfr Rm 8,4-5; Gl 5,25). Trong trường hợp này, sự cứu chuộc thân xác cũng có nghĩa là «niềm hi vọng» kia, mà trong chiều kích của hôn nhân, có thể định nghĩa là niềm hi vọng đời thường, niềm hi vọng của thế gian. Trên cơ sở của niềm hi vọng đó mà dục tình được chế ngự như là nguồn mạch của xu hướng nhằm một sự thỏa mãn ích kỉ, và chính «xác thịt», trong giao ước bí tích giữa nam giới và nữ giới, trở thành «tầng nền» riêng của một sự hiệp thông bền vững và bất khả phân li của những nhân vị (communio personarum) theo một cách xứng hợp với nhân vị.

5. Những ai, như các đôi vợ chồng, theo ý định đời đời của Thiên Chúa đã kết hợp với nhau nên «một xương một thịt» theo nghĩa nào đó, thì cũng được kêu gọi, qua bí tích, hướng đến một đời sống «theo Thần Khí», phù hợp với «ơn sủng» nhận được trong bí tích. Nhờ «ơn sủng» đó, đôi vợ chồng được dẫn đến một đời sống «theo Thần Khí», họ có thể tái khám phá ân sủng thánh hóa đặc biệt mà họ đã thông dự. Cũng như, vì «dục vọng» đã làm mờ tối đi tầm nhìn nội giới, những ước muốn và khát vọng nơi tâm hồn con người không còn trong sáng, cũng thế, đời sống «theo Thần Khí» (hay đúng hơn là, ân sủng của bí tích hôn nhân) cho phép người nam và người nữ tìm lại được sự tự do đích thực của ơn ban, vốn kết hợp làm một với ý thức về ý nghĩa hôn phối của thân xác người nam và người nữ.

6. Do đó, đời sống «theo Thần Khí» cũng được biểu lộ trong sự «ăn ở» với nhau (cfr St 4,1), qua đó đôi vợ chồng, một khi nên «một xương một thịt», họ tự đặt giới tính khác biệt nam và nữ của họ dưới phép lành của sáng tạo: «Ađam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain. Bà nói: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người”» (ibid.).

Đời sống «theo Thần Khí» cũng biểu lộ ở đây qua ý thức sống trong ơn thánh hóa, từ đó mà có phẩm giá của chính các đôi bạn trong tư cách làm cha mẹ, nghĩa là, biểu lộ trong ý thức sâu xa về tính thánh thiêng của sự sống (sacrum), mà cả hai người là đồng tác giả khi tham dự (trong tư cách cha mẹ) vào quyền năng của mầu nhiệm sáng tạo. Dưới ánh sáng của niềm hi vọng đó, vốn được nối kết với mầu nhiệm cứu chuộc thân xác (cfr Rm 8,19-23), sự sống mới này, con người mới này kẻ được thụ thai và sinh hạ từ sự kết hợp vợ chồng của người cha và người mẹ đó, mở ra với «Thần Khí như ân huệ mở đầu» (ibid. 8,23) «để được giải thoát cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (ibid. 8,21). Và nếu như «muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở» (ibid. 8,22), thì vẫn có một niềm hi vọng đặc biệt kèm theo những đớn đau như của người mẹ đang cơn sinh nở, nghĩa là hi vọng đến ngày được «mạc khải vinh quang của hàng con cái Thiên Chúa » (ibid. 8,19), niềm hi vọng mà mọi trẻ mới chào đời đều mang theo với mình một tia sáng lấp lánh.

7. Niềm hi vọng này ở «trong thế gian», và như lời thánh Phaolô dạy, nó thấm nhập vào trong muôn loài thụ tạo, nhưng lại không «phát xuất từ thế gian». Hơn nữa, niềm hi vọng này trong lòng con người phải chiến đấu với những gì «phát xuất từ thế gian», với những gì «trong thế gian». «Vì mọi sự trong thế gian, như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói kiêu căng, tất cả không xuất phát từ Chúa Cha, nhưng từ thế gian» (1 Ga 2,16). Hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy và đồng thời như là bí tích sinh ra từ mầu nhiệm cứu chuộc thân xác bởi tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh, «phát xuất từ Chúa Cha». Không phát xuất «từ thế gian», nhưng «từ Chúa Cha». Do đó, cả hôn nhân, xét như là bí tích, cũng là cơ sở của niềm hi vọng cho con người, nghĩa là cho người nam và người nữ, cho các cha mẹ và con cái, cho các thế hệ loài người. Quả thật, một đàng, «thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó», đàng khác, «ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi» (ibid. 2,17). Bởi hôn nhân-bí tích, căn nguyên của con người trong thế gian được hợp nhất với nhau, và trong đó còn ghi dấu tương lai của họ, và điều đó không chỉ ở trên bình diện lịch sử, mà cả bình diện cánh chung.

8. Về vấn đề này, có lời của Đức Kitô nhắc đến sự phục sinh của thân xác – cả ba Tin mừng nhất lãm đều có trình thuật (cfr Mt 22,23-32; Mc 12,18-27; Lc 20,34-39). «Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời». Matthêu đã thuật lại như vậy và Marcô cũng tương tự; và Luca thì như sau: «Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, còn những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» (Lc 20,34-36). Các bản văn này đã được phân tích cách đặc biệt trước đây.

9. Đức Kitô khẳng định rằng hôn nhân – bí tích của nguồn gốc con người trong thế giới hữu hình tạm thời này – không thuộc về thực tại cánh chung của «thế giới mai sau». Tuy nhiên, con người được kêu gọi tham dự vào tương lai cánh chung ấy nhờ sự phục sinh thân xác, cũng là chính con người, nam và nữ, mà nguồn gốc trong đời tạm hữu hình này được gắn liền với hôn nhân, bí tích nguyên thủy của chính mầu nhiệm tạo thành. Đúng hơn, mỗi người, được kêu gọi tham dự vào thực tại của phục sinh tương lai, trong thế giới đều có ơn gọi này, bởi lẽ trong đời tạm hữu hình này họ được sinh ra bởi hành động hôn phối của cha mẹ họ. Như vậy, những lời của Đức Kitô, vốn loại hôn nhân ra khỏi thực tại «thế giới tương lai», đồng thời lại mạc khải cách gián tiếp ý nghĩa của bí tích này đối với việc tham dự vào sự phục sinh tương lai của con người, cả con trai lẫn con gái.

10. Hôn nhân, như là bí tích nguyên thủy – được tái sinh theo một nghĩa nào đó trong tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh – không thuộc về «sự cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung (cfr Rm 8,23). Cũng hôn nhân ấy được ban cho con người như ân sủng, như «ơn huệ» Thiên Chúa thông ban cho đôi vợ chồng, và trao phó cho họ, cùng với lời của Đức Kitô, như là đạo lí – hôn nhân bí tích được thành tựu và thực hiện trong viễn tượng của niềm hi vọng cánh chung. Nó có một ý nghĩa cốt yếu đối với «sự cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng này. Quả thật, nó xuất phát từ Chúa Cha, và nguồn gốc của nó trong thế giới cũng bởi Ngài. Và nếu như «thế gian này đang qua đi», và nếu như cùng với điều ấy, dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, thói kiêu căng (là những cái vốn thuộc thế gian) cũng đang qua đi, thì hôn nhân - bí tích sẽ kiên trung phục vụ để cho con người, nam cũng như nữ, trong khi làm chủ được dục vọng mình, thi hành thánh ý Chúa Cha. Mà «Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi» (1 Ga 2,17).

11. Theo nghĩa đó, thì tự nơi hôn nhân-bí tích còn mang một mầm giống cho tương lai cánh chung của con người, tức là viễn tượng «cứu chuộc của thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung, ứng với lời của Đức Kitô nói về sự phục sinh: «Trong ngày sống lại... người ta chẳng lấy vợ lấy chồng» (Mt 22,30). Thế nhưng, ngay cả những người «được cho là con cái của sự sống lại... ngang hàng với các thiên thần và là con cái Thiên Chúa» (Lc 20,36), thì nguồn cội của họ ở đời tạm hữu hình này cũng nhờ con đường của hôn nhân và sinh sản của người nam và người nữ mà có. Hôn nhân, như là bí tích của «khởi nguồn» nhân loại, như là bí tích của thời gian của con người lịch sử, bằng cách đó chu toàn một việc phục vụ không thể thay thế được liên hệ tới một tương lai ngoài thời gian của nó, liên hệ tới mầu nhiệm «cứu chuộc thân xác» trong chiều kích của niềm hi vọng cánh chung.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch