HỘI THÁNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC HIỂU BIẾT SÂU SẮC HƠN NHỜ THƯ GỬI CÁC TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

HỘI THÁNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC HIỂU BIẾT SÂU SẮC HƠN NHỜ THƯ GỬI CÁC TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XC

HỘI THÁNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC HIỂU BIẾT SÂU SẮC HƠN NHỜ THƯ GỬI CÁC TÍN HỮU ÊPHÊSÔ

 

1. Phân tích các thành phần của Thư gửi các Tín hữu Êphêsô, chúng ta đã nhận thấy rằng tương quan giữa vợ chồng cần phải được Kitô hữu hiểu như là họa theo hình ảnh của mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh.

Quan hệ này mạc khải và thực hiện trong thời gian mầu nhiệm cứu độ và tuyển chọn bởi tình yêu, vốn «ẩn kín» từ muôn thuở trong Thiên Chúa. Trong công cuộc mạc khải và thực hiện này, mầu nhiệm cứu độ hàm chứa trong tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh nét đặc thù của tình yêu Phu Thê, và do đó, nó chỉ có thể được diễn tả ra một cách phù hợp nhất bằng thể loại suy nhờ mối tương quan vốn có và lí tưởng giữa vợ và chồng trong hôn nhân. Hình ành loại suy đó làm sáng tỏ mầu nhiệm, ít nhất cũng ở một cấp độ nào đó. Đúng hơn, đối với tác giả của Thư gửi các Tín hữu Êphêsô, dường như hình ảnh loại suy này là sự bổ túc cho hình ảnh «Thân Mình Huyền Nhiệm» (x. Ep 1,22-23), trong khi chúng ta cố diễn tả mầu nhiệm tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh (mầu nhiệm vốn được diễn tả và thực hiện trong thời gian nhờ tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh) và, xa hơn nữa, là mầu nhiệm tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại.

2. Nếu, như đã nói, hình ảnh loại suy này làm sáng tỏ mầu nhiệm hơn, thì phần mình, nó cũng được soi sáng bởi mầu nhiệm ấy. Quan hệ phu thê kết hợp đôi phối ngẫu, vợ và chồng, theo tác giả Thư Êphêsô, phải giúp ta hiểu tình yêu Đức Kitô kết hợp với Hội Thánh. Chính trong tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh đó, mà kế hoạch cứu độ đời đời của Thiên Chúa dành cho con người được thực hiện. Tuy nhiên, ý nghĩa của loại suy này chưa bộc lộ hết ở đây. Hình ảnh loại suy được sử dụng trong Thư Êphêsô này làm sáng tỏ mầu nhiệm tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh, cũng đồng thời mạc khải sự thật cốt yếu về hôn nhân[1]. Đó là, hôn nhân là ơn gọi của các Kitô hữu chỉ khi nó phản chiếu tình yêu của Đức Kitô Đấng Phu Quân hiến ban mình cho Hội Thánh Hiền Thê của Người, và Hội Thánh (họa lại nơi hình ảnh người vợ hiền «tùng phục» và hiến thân cho chồng) cố đáp lại tình yêu ấy của Đức Kitô. Đó là tình yêu cứu chuộc, tình yêu cứu độ, mà con người đã được yêu từ trước muôn đời trong Đức Kitô : «Trong Người, Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện...» (Ep 1,4).

3. Hôn nhân là ơn gọi của các Kitô hữu trong tư cách như là vợ chồng chỉ khi nào tình yêu đó thật sự được phản chiếu và được hiện thực hóa nơi họ. Điều đó sẽ rõ ràng hơn nữa nếu chúng ta tìm cách đọc lại loại suy ấy của thánh Phaolô theo chiều ngược lại, nghĩa là bắt đầu từ tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh rồi hướng về tương quan chồng vợ trong hôn nhân. Bản văn biểu lộ giọng văn khuyến thiện : «Người làm vợ hãy tùng phục chồng... như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô». Và đàng khác, cũng nói : «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh...». Đó là một nghĩa vụ luân lí. Thế nhưng, để có thể khuyên dạy như thế ta phải nhìn nhận rằng chính trong yếu tính của hôn nhân đã có một mẩu của mầu nhiệm. Nếu không, toàn bộ hình ảnh loại suy đó vẫn chỉ là huyễn tượng trống không. Lời mời gọi của tác giả Thư Êphêsô động viên đôi bạn rập khuôn tương quan của họ theo tương quan của Đức Kitô và Hội Thánh («cũng như ... cũng thế...») sẽ thiếu một nền tảng thực, như người ta thiếu nền đất cho chân đứng. Đó là luận điểm của loại suy dùng trong bản văn trích từ Thư Êphêsô.

4. Như ta thấy, loại suy này hoạt động theo hai hướng. Một đàng, nó giúp ta hiểu rõ hơn yếu tính của mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh, đàng khác, đồng thời giúp ta đi sâu vào bản chất của hôn nhân mà những người Kitô hữu được kêu gọi để sống. Nó biểu lộ, như thế nào đó, cách thức mà cuộc hôn nhân này trong yếu tính sâu xa nhất của nó xuất hiện ra từ mầu nhiệm tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa đối với con người, đối với nhân loại. Từ mầu nhiệm cứu độ được thể hiện ra trong thời gian nhờ tình yêu phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh. Khởi đi từ những lời của Ep 5,22-23, chúng ta có thể tuần tự triển khai tư tưởng trong cách loại suy của thánh Phaolô theo hai hướng: theo hướng hiểu sâu hơn bản chất của Hội Thánh, cũng như theo hướng hiểu sâu hơn bản chất của hôn nhân. Chúng ta sẽ xem xét trước hết hướng thứ hai, và cần nhớ rằng, ở nền tảng của nội hàm hôn nhân trong bản tính sâu xa nhất của nó hàm chứa tương quan phu thê của Đức Kitô với Hội Thánh. Tương quan đó còn cần phải được phân tích cách chính xác hơn nữa hầu có thể thiết lập quan hệ hôn nhân như thế nào để nó trở thành dấu chỉ hữu hình của mầu nhiệm Thiên Chúa vĩnh cửu, họa theo hình ảnh của Hội Thánh kết hợp với Đức Kitô. Bằng cách đó, Thư gửi Tín hữu Êphêsô dẫn chúng ta đến nền tảng của tính bí tích của hôn nhân[2].

5. Vậy chúng ta sẽ phân tích bản văn cách đặc biệt hơn. Khi chúng ta đọc trong Thư Êphêsô rằng «chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể Người» (5,23), thì ta có thể giả thiết rằng tác giả đã tuyên bố trước hết rằng việc vợ tùng phục chồng như là đầu của mình cần được hiểu đó là sự tùng phục lẫn nhau «trong sự kính sợ Đức Kitô». Cách nói phụ thuộc vào cách nghĩ và quan niệm của thời đại. Điều quan trọng trước hết là để diễn tả sự thật về mối quan hệ của Đức Kitô và Hội Thánh, nghĩa là Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh. Người là Đầu xét như là «Đấng Cứu Chuộc Hội Thánh, thân thể Người». Hội Thánh là chính thân thể, tùng phục Đức Kitô như là Đầu trong mọi sự, đón nhận từ Người tất cả những gì làm nên thân thể Người. Đó là ơn cứu độ viên mãn do Đức Kitô Đấng «đã hiến mình vì Hội Thánh» cho đến tận cùng. Việc Đức Kitô hiến mình cho Chúa Cha nhờ sự vâng phục cho đến chết trên thập giá có một ý nghĩa Giáo hội học chính xác : «Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh» (Ep 5,25). Bởi đã hiến mình hoàn toàn vì yêu thương Người đã tạo nên Hội Thánh như thân thể Người và liên tục xây dựng, trở thành Đầu của Hội Thánh. Là Đầu và là Đấng Cứu Chuộc của Hội Thánh, Người cũng là Hôn Phu của Hội Thánh Hôn Thê.

6. Hội Thánh càng là chính mình, thì với tư cách như là thân mình, càng đón nhận từ Đức Kitô, là Đầu, toàn thể tặng phẩm ơn cứu độ như hoa quả của tình yêu và sự tự hiến của Đức Kitô dành cho Hội Thánh : hoa quả của sự trao hiến của Đức Kitô cho đến tận cùng. Sự tự hiến đó cho Thiên Chúa Cha bởi vâng phục cho đến chết (x. Pl 2,8), theo Thư gửi các Tín hữu Êphêsô, cũng đồng thời là một sự «trao hiến chính mình cho Hội Thánh». Nói như thế có nghĩa là tình yêu cứu chuộc, có thể nói là, biến hình thành tình yêu phu thê: Đức Kitô, trong khi tự hiến mình cho Hội Thánh, cũng qua hành động cứu chuộc ấy, kết hợp mãi mãi với Hội Thánh, như Hôn phu kết hợp với Hôn thê, như chồng với vợ, bằng sự hiến thân cho Hội Thánh một lần dứt khoát. Bằng cách đó, mầu nhiệm cứu chuộc thân xác ẩn chứa trong mình, theo một nghĩa nào đó, mầu nhiệm «hôn lễ của Con Chiên» (x. Kh 19,7). Vì Đức Kitô là Đầu của thân thể, toàn thể tặng phẩm ơn cứu chuộc thấm nhập vào Hội thánh xét như là thân mình của Đầu ấy, và không ngừng hình thành nên bản thể cốt yếu và sâu xa nhất của sự sống Hội Thánh. Và Hội Thánh được hình thành như thế là theo cách thức của một sự kết hợp hôn phối, bởi vì trong bản văn trích dẫn hình ảnh loại suy Thân mình-Đầu được thông qua bởi loại suy tương quan vợ-chồng. Những đoạn văn tiếp theo chúng ta cần xem xét sẽ cho thấy điều đó.



[1] Sự thật cốt yếu, là sự thật xác định hôn nhân như là bí tích hay, là mối quan hệ đặt nền tảng cuối cùng cho hôn nhân và làm cho hôn nhân nên trọn hảo. Đó là sự thật của hôn nhân kitô giáo.

[2] Nghiên cứu chính nền tảng của tính bí tích là ý định của đức Gioan-Phaolô II muốn trình bày trong phần này của «khảo luận» của ngài, như thế một thần học bí tích «giản lược» có khả năng bị vượt qua.