Hình ảnh hôn nhân và gia đình
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sẽ diễn ra từ 04. đến 25. Tháng Mười 2015 sắp tới ở Vatican bàn về hôn nhân và gia đình. Giáo hội Công giáo cùng với Đức Giáo hoàng và các Giám mục trên thế giới mong muốn tìm câu trả lời, hay đúng hơn những chỉ dẫn giáo lý sống đức tin thực hành, trước những thách đố, những khủng hoàng về hôn nhân và gia đình trong xã hội ngày hôm nay dưới lăng kính đức tin cùng đời sống con người.
Câu trả lời cũng như những chỉ dẫn của Giáo hội nhắm đến mục đích gìn giữ bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình. Nhiều ý kiến bình luận cùng đề nghị đã và đang được nêu ra.
Đức giáo hoàng Bennedict XVI. trong thông điệp “Deus caritas est”, số 11 đã phân tích về hình ảnh hôn nhân và gia đình dưới tầm nhìn thần học đạo đức đặt nền tảng trên Kinh thánh và triết học Platon.
“Tính chất mới mẻ đầu tiên của đức tin Thánh Kinh, như chúng ta thấy ở trên, bao gồm hình ảnh về Thiên Chúa. Tính chất mới mẻ thứ hai, liên quan chặt chẽ với điều này, được tìm thấy nơi hình ảnh con người. Trình thuật sáng thế trong Thánh Kinh đề cập đến sự cô đơn của Adong, con người đầu tiên, và quyết định của Thiên Chúa ban cho ông một trợ tá.
Tất cả các tạo vật khác, không tạo vật nào có thể trở thành người trợ tá mà con người này cần, dù cho con người đã đặt tên cho tất cả mọi súc vật hoang dã và chim muông và qua đó biến chúng hoàn toàn trở nên một một phần đời sống của mình. Vì thế, Thiên Chúa dựng nên người nữ từ xương sườn của người nam. Giờ đây Adong tìm được người trợ tá mà ông cần: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (St 2:23).
Ở đây, ta có thể tìm thấy những ý tưởng tương tự có thể tìm thấy, chẳng hạn, trong huyền thoại được Plato nhắc đến, theo đó con người tự nguyên thủy là đóng kín, vì con người hoàn chỉnh và tự mình đầy đủ. Nhưng con người bị thần Zeus tách làm đôi để trừng phạt tội kiêu ngạo, vì thế từ nay con người ngóng trông nửa còn lại của mình, gắng toàn bộ sức mình để dành lấy nửa ấy hầu khôi phục lại sự toàn vẹn của mình.
[8] Trong khi trình thuật Thánh Kinh không đề cập đến sự trừng phạt, có một ý tưởng bàng bạc rằng con người cách nào đó là khiếm khuyết, theo bản năng tìm kiếm nơi người khác phần bổ sung để con người nên trọn vẹn; có một ý tưởng theo đó chỉ trong sự hiệp thông với người khác phái con người mới có thể trở nên "hoàn chỉnh". Trình thuật Thánh Kinh từ đó kết luận với một lời tiên tri của Adong: "Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt." (St 2:24).
Có hai khía cạnh rất quan trọng của điều này. Đầu tiên, eros cách nào đó đâm rễ trong chính bản chất con người: Adong là một người tìm kiếm, người "đã bỏ mẹ và cha mình" để tìm người nữ; phải có hai người cùng nhau mới tiêu biểu được cho một nhân loại hoàn chỉnh và trở nên "cùng một xương một thịt". Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng không kém.
Từ quan điểm của lịch sử sáng thế, eros hướng dẫn con người đến với hôn nhân, đến với một ràng buộc độc nhất và dứt khoát; chỉ như thế mục đích sâu xa nhất của nó mới được nên trọn. Tương ứng với hình ảnh của một Thiên Chúa độc thần là một hôn nhân đơn hôn [một vợ một chồng].
Hôn nhân dựa trên tình yêu độc quyền và dứt khoát trở nên hình ảnh mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Người và ngược lại. Đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo cho tình yêu nhân loại. Sự liên hệ gần gũi này giữa eros và hôn nhân trong Thánh Kinh trong thực tế không có một tương đương nào trong các văn chương khác.“ (Giáo Hoàng Benedictô XVI. Thông điệp Deus Caritas est, số 11. - Bản dịch của Jb. Đặng Minh An).
Bây giờ phong trào đòi hôn nhân cho mọi người, cho mọi giới đang nêu cao ngọn cờ đòi hỏi làm áp lực để thay đổi luật lệ truyền thống trong đời sống xã hội.
Nhưng thế nào là hôn nhân cho mọi người, mọi giới? Phải chăng hôn nhân giữa hai người cùng phái, cùng giới tính với nhau không ngược lại với trật tự thiên nhiên, như trong Kinh Thánh do Thiên Chúa đã tạo thành?
Với giáo lý đạo Công giáo và luật thiên nhiên thì tình yêu, đời sống chung giữa hai người cùng phái, cùng giới tính được tôn trọng, nhưng không phải là hôn nhân.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long