Hậu quả của việc kết hôn khác tôn giáo.
Hậu quả của việc kết hôn khác tôn giáo.
Rôma (Zenit.org) - Trong thập niên vừa qua có khoảng 45% các cuộc hôn nhân ở Hoa kỳ là do kết hôn giữa những người khác tôn giáo.
Một quyển sách mới vừa xuất bản của Naomi Schaefer Riley có tựa đề “Đến lúc Đức tin thực hiện phần của chúng ta: Hôn nhân khác đạo biến đổi nước Mỹ như thế nào” (Báo Đại học Oxford), xem xét những ảnh hưởng mà nó gây ra, cả về hôn nhân và thực hành tôn giáo.
Bà hội đủ điều kiện để viết về một nghiên cứu như vậy bằng cách rút tỉa từ cuộc sống cá nhân, cũng như bà là một người gốc Do thái giáo, kết hôn với một người Mỹ da đen thuộc hệ phái Chứng nhân Giêhôva, dù ông đã rời khỏi nhóm này khi học Đại học.
Dựa trên nhiều khảo sát và thẩm vấn khác nhau, bà Riley lưu ý rằng mặt tích cực của hôn nhân khác đạo chính là những tín ngưỡng và các nhóm di dân khác nhau trở thành một phần của xã hội Mỹ. Về mặt tiêu cực, những dữ liệu bà tìm được chỉ ra rằng hôn nhân khác đạo thường không được hạnh phúc lắm và cũng kém ổn định hơn.
Một trong những vấn đề chính, bà lưu ý là “các cặp vợ chồng khác tôn giáo có xu hướng kết hôn mà không hề suy nghĩ đến những ràng buộc thực tế của sự khác biệt tôn giáo nơi họ”.
Nhìn vào thực trạng khác biệt tín ngưỡng, Riley cho biết cuộc khảo sát năm 2001 cho thấy 27% người Do thái giáo, 23% người Công giáo, 39% Phật giáo, 18% hệ phái Baptist, 21% Hồi giáo, và 12% thuộc hệ phái Mormon đã kết hôn với một người phối ngẫu có căn cước khác tôn giáo.
Một khuynh hướng thú vị khác mà bà nhận ra được là việc kết hôn khác đạo thường xảy ra giữa những người lớn tuổi hơn, tỷ lệ kết hôn khác đạo là 58% đối với những người kết hôn trong độ tuổi khoảng 26 đến 35, cao hơn 10 điểm so với những cặp trẻ hơn.
Riley giải thích rằng khoảng thời gian từ khi đứa trẻ rời mái ấm gia đình và kết hôn thường là “khoảng thời gian lãng phí về tôn giáo”. Thường lúc kết hôn là lúc người trưởng thành quay về với giáo hội.
Những giá trị.
Bà cũng nhận xét nhiều người cho rằng điều quan trọng hơn chính là các cặp vợ chồng cùng chia sẻ những giá trị, bất kể họ có cùng tôn giáo hay không.
Tuy nhiên, khái niệm về những giá trị chung là một ý tưởng rất chung chung và bà Riley băn khoăn liệu nó có đủ nền tảng để xây dựng một cuộc hôn nhân thành công hay không.
Bà nói thêm rằng bản chất và những đặc trưng của giá trị bắt nguồn từ tôn giáo, nhưng để được thuận hòa, nhiều thành viên của những cặp vợ chồng khác tôn giáo đã “đơn giản dừng việc thực hành các nghi thức cụ thể trong tôn giáo của họ rất nhiều”.
Riley nhận xét: “Thực vậy, những người kết hôn với người ngoài tôn giáo của họ có chiều hướng xem nhẹ tôn giáo hoặc hoàn toàn đánh mất đức tin của mình”.
Hơn nữa, bà lưu ý, “Tôn giáo là một điều phức tạp”, và những sự kiện như sinh con, người thân qua đời, mất việc làm có thể khơi dậy ước muốn quay về với tôn giáo mà người đó đã được nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, dù tôn giáo là một yếu tố quan trọng trong đời sống con người, điều nổi bật trong các cuộc thẩm vấn của bà Riley là thiếu sự thảo luận nghiêm túc về tôn giáo giữa hai người phối ngẫu tương lai. Bà nhận thấy hơn phân nửa những cặp vợ chồng khác tôn giáo nói họ cũng chẳng thảo luận về tôn giáo của những đứa con trước khi kết hôn.
Bà hỏi, làm thế nào mà điều này lại xảy ra. Liệu có phải vì xu hướng hiện thời cổ xúy sự khoan dung và không muốn phân biệt đối xử hay không? Có phải vì người ta không nhìn thấy tôn giáo là điều rất quan trọng để xem xét trong mối quan hệ của họ không?
Một khảo sát năm 2006 cho thấy hôn nhân khác đạo cũng gây hậu quả đối với trẻ em: 37% trẻ em được cha mẹ khác tôn giáo nuôi dưỡng đưa đi tham dự nghi lễ tôn giáo hằng tuần so với 42% những trẻ có cha mẹ cùng tôn giáo nuôi dạy.
Có một ảnh hưởng quan trọng nếu cha mẹ nuôi dạy trẻ theo một tôn giáo cụ thể. Một khi việc này được thực hiện, và nếu cha mẹ là người chia sẻ tôn giáo của đứa con được thừa nhận, thì trẻ được thực hành đức tin của chúng nhiều hơn.
Ly dị
Về vấn đề ly di, bà Riley kết luận rằng các cuộc hôn nhân khác tôn giáo có nhiều nguy cơ hơn. Một khảo sát năm 2001 với 35.000 người trả lời cho thấy rằng những người có cuộc hôn nhân khác tôn giáo có nguy cơ ly dị hoặc chia tay cao gấp 3 lần so với những người có cuộc hôn nhân cùng tôn giáo.
Riley nhận xét rằng hầu hết các vị lãnh đạo của các tôn giáo mà bà nói chuyện đều đưa lời khuyên nên kết hôn với người cùng tôn giáo để bảo tồn đức tin và sự bền vững lâu dài của cuộc hôn nhân.
Trong phần kết luận, bà Riley nhận xét rằng hôn nhân khác đạo “thường là câu chuyện loại bỏ lòng chung thủy”. Người ta có thể thay thế đời sống tôn giáo trong nhiều năm, nhưng cuối cùng thì cũng trở về với tôn giáo đầu tiên.
Bà thừa nhận khuynh hướng kết hôn khác đạo tiếp tục gia tăng, và không thấy một dấu hiệu nào làm cho chậm lại.
Ngoài việc tác động trên các đôi vợ chồng, khuynh hướng này sẽ ảnh hưởng đến các giáo hội. Riley lập luận rằng nhiều nơi sẽ nhận ra việc giảm thiểu các thành viên, nhất là đối với những nơi không chấp nhận hôn nhân khác đạo một cách dễ dàng.
Một điều được bà đề nghị với những đôi vợ chồng tương lai, với sự hỗ trợ của giáo hội của họ, là cần thảo luận những vấn đề liên quan đến sự khác biệt tôn giáo của họ một cách đầy đủ hơn. Một đề nghị rất hữu ích, nhất là những vấn đề mà bà Riley nêu ra qua cuộc khảo cứu của bà.
Vũ Văn Kích