Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 10: Canh tân đời sống hôn nhân
Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn
– Gợi ý mục vụ –
Đề tài 10. Tân Phúc-Âm-hoá Giáo xứ và cộng đoàn: Canh tân đời sống hôn nhân
“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (Ep 5,7)
Trong buổi tối canh thức cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô ngày thứ bảy 04 tháng 10 năm 2014 để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khơi gợi, cách đơn sơ mà cụ thể, kinh nghiệm gia đình là trung tâm của đời sống mọi con người, ngài nói như sau: “Giờ đây chiều đã buông xuống trên toàn thể đoàn chúng ta. Đây là giờ khắc ai nấy sẵn sàng trở về nhà mình để quây quần gặp gỡ nhau quanh bàn ăn với bao tình cảm ấm áp, tạ ơn vì bao điều tốt đẹp đã xảy ra và đón nhận, vì những gặp gỡ làm ấm lòng và làm gia tăng tình nghĩa, vì rượu ngon khai vị trước các cuộc lễ vô tận những ngày của đời người. Nhưng đây cũng là thời gian rất nặng nề đối với những người đơn độc cô thân, đang trong tình trạng xuống dốc, cay đắng vì vỡ mộng tan trình. Bao nhiêu người đang kéo lê những ngày dài trong ngõ cụt của thất nghiệp, bị bỏ rơi, có khi của thù hận. Bao nhiêu gia đình thiếu vắng tiếng cười vui và hương vị – mà cũng là sự khôn ngoan – của cuộc sống... Chiều hôm nay chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng cầu nguyện, dâng lời cầu nguyện cho tất cả mọi người”[1].
1. Lắng nghe những thách đố về gia đình ngày nay
Để lắng nghe các thách đố, trước hết cần nhận ra những giá trị tích cực của nền văn hóa xã hội hôm nay, đó là: sự tự docủa con người được biểu lộ nhiều hơn, quyền của phụ nữ và trẻ em được nhìn nhận nhiều hơn, ít là tại một số khu vực trên thế giới. Nhưng, xã hội ngày nay cũng có nguy cơ ngày càng tăng về một chủ nghĩa cá nhân bất ổn làm biến dạng các mối liên kết gia đình và kết cục coi mỗi thành viên gia đình như một ốc đảo cô lập, đôi khi còn nổi lên tư tưởng cho rằng con người tạo nên chính mình bởi các ước muốn riêng tư vốn được xem như tuyệt đối. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng đức tin ảnh hưởng đến rất nhiều người Công giáo, và thường nằm ở đầu nguồn của cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình. Gia đình, cộng đoàn nhân loại cơ bản, chưa bao giờ như hôm nay phải chịu nhiều khốn khổ và trở nên yếu đuối mỏng manh, phải đối diện với các thách đố:
– Các cuộc hôn nhân, dù đạo hay không có đạo, đang giảm dần; và số các cuộc ly thân và ly dị đang tăng dần. Trẻ nhỏ lớn lên vắng bóng thường xuyên cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ.
– Người trẻ sợ hãi không dám dấn thân dứt khoát trong việc xây dựng gia đình. Bên cạnh đó, bầu khí cá nhân chủ nghĩa triệt để nhằm trọng tâm thỏa mãn vui thú, dục vọng thiếu tôn trọng nhân vị, lan rộng. Gia tăng hưởng thụ dục tính tách biệt khỏi tình yêu, hôn nhân và truyền sinh.
– Phá thai và ngừa thai, hay truyền sinh vô trách nhiệm ngày nay ở Việt Nam trở thành một hiện tượng không còn là tiềm ẩn nữa. Hoặc hiện tượng ngày càng gia tăng: có con bằng mọi giá như một phương thế khẳng định bản thân.
– Hiện tượng yêu sách đòi xã hội nhìn nhận kết hợp đồng tính như quan hệ hôn nhân bền vững.
– Trong nhiều gia đình, nạn bạo hành bằng hành động và cả lời nói, gia tăng do những hành xử thiếu kiên nhẫn của lòng yêu mến.[2]
Trước tình cảnh đó, Hội Thánh địa phương, đặc biệt các giáo xứ, Gia đình của các gia đình, cần phải giúp ý thức và sống ơn gọi hôn nhân trong mục vụ chuẩn bị hôn phối lẫn trong mục vụ đồng hành với các gia đình, nhất là trong những năm đầu sau kết hôn, và với các “gia đình gặp khó khăn”.
2. Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình
“Tu thân. Tề gia. Trị quốc.” Mọi sự luôn bắt đầu từ cá nhân nhưng là một cá nhân trong tư thế luôn gắn chặt với một gia đình, cái nôi của sự sống. Nhằm để “chứng thực bước đường của ta đi trên mảnh đất đầy những thách đố hiện nay, điều kiện quyết định là luôn nhìn chăm chú lên Chúa Giêsu Kitô, dừng lại chiêm ngắm và thờ lạy dung nhan Người [...] Thực vậy, mỗi khi ta trở về với nguồn mạch của kinh nghiệm Kitô giáo, nhiều ngả đường mới và những khả năng chưa ai nghĩ tới mở ra” (ĐGH Phanxicô, Diễn văn ngày 04.10.2014). Chúa Giêsu nhìn những người nam và nữ Người gặp bằng một cái nhìn đầy yêu thương và dịu dàng, luôn đồng hành với họ bảo đảm bước đi trong chân lý, trong kiên nhẫn và nhân từ, trong khi vẫn công bố các đòi hỏi của Nước Thiên Chúa.[3] Chính Chúa Giêsu, khi nói về ý định nguyên thủy của Thiên Chúa cho đôi vợ chồng con người, khẳng định lại sự kết hợp bất khả phân ly giữa hai người nam và nữ, nói rằng “chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã cho phép các ông ly dị vợ, nhưng thuở ban đầu không có như thế” (Mt 19,8). Tính bất khả phân ly của hôn nhân (“sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân li” Mt19,6), trước hết không nên hiểu như một “cái ách” áp đặt lên con người, nhưng như là một “hồng phúc” dành cho chồng và vợ kết hợp với nhau trong hôn phối. Bằng cách đó, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa đoái thương luôn đồng hành với con người trên bước đường lữ thứ trần gian, Ngài chữa lành và biến đổi trái tim cứng cỏi bằng ân sủng Ngài, bằng cách hướng con người trở về với ý định thuở ban đầu của Ngài, ngang qua con đường thập giá.
3. Tân Phúc-âm-hóa bắt đầu từ Gia đình
– Tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ bắt đầu từ các gia đình, vì như lời dạy của thánh Gioan-Phaolô II, “tương lai của Hội Thánh ngang qua các gia đình”[4]. Hội Thánh là một phúc lành cho các gia đình, các gia đình là phúc lành cho Hội Thánh. Việc gìn giữ ơn huệ bí tích của Chúa một mặt thuộc trách nhiệm của đôi vợ chồng Kitô hữu và mặt khác là của cộng đoàn, mỗi bên tùy theo cách thế của mình. Trước những khó khăn nặng nề về việc gìn giữ sự hiệp nhất hôn nhân, việc phân định nghĩa vụ của mỗi bên và cả những thiếu sót của họ cần được tìm hiểu cách sâu xa và chân thành từ hai vợ chồng với sự giúp đỡ của cộng đoàn, nhằm hiểu biết, đánh giá và sửa chữa những gì đã thiếu sót hoặc bị bỏ quên của cả hai bên. Về việc này, vai trò của các cộng đoàn nhỏ, các hội đoàn hay hiệp hội trong giáo xứ và giáo họ thật quan trọng và rất ý nghĩa.
– Qua các gia đình vẫn trung thành với giáo huấn Tin mừng, vẻ đẹp của hôn nhân bất khả phân ly và trung thành mãi mãi trở nên đáng tin cậy. Thật vậy, chính trong gia đình, “Hội thánh tại gia” (LG, 11), kinh nghiệm đầu tiên về sự hiệp thông hội thánh giữa người với người, nhờ thánh ân mà phản chiếu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được phát triển dần cho đến trưởng thành. “Chính nơi đây người ta học biết sự lao nhọc và niềm vui của lao động, học yêu thương với tình nghĩa anh em, biết tha thứ bao dung, mỗi ngày mỗi khác, và nhất là học biết thờ phượng Chúa qua cầu nguyện và hy sinh hiến dâng chính cuộc sống mình”[5]. Thánh Gia Nazareth là mẫu mực tuyệt vời, là trường dạy chúng ta “hiểu tại sao ta phải duy trì một kỷ luật tâm linh, nếu ta muốn tuân theo các giáo huấn Tin mừng và trở thành môn đệ của Đức Kitô”[6].
Câu hỏi thảo luận
1. Cộng đoàn Giáo xứ đã và đang làm gì để đồng hành với các bạn trẻ chuẩn bị ơn gọi hôn nhân gia đình, và với các gia đình trẻ, nhất là các gia đình đang ở hoàn cảnh khó khăn?
2. Các gia đình trong giáo xứ hay giáo họ của anh chị em liên kết với nhau thế nào để loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa, những người tín hữu xa Chúa, xa Hội Thánh?
3. Các gia đình trong giáo xứ, các cộng đoàn nhỏ, cầu nguyện với Lời Chúa và Thánh Thể như thế nào?
–––––––––––––––––––––––––––––
[1] Tài liệu làm việc cho THĐ 2015 Instrumentum laboris, 1.
[2] Ibid. 6-10.
[3] Ibid., 37.
[4] Familiaris Consortio, 86.
[5] GLHTCG, 1657.
[6] Chân phước GH Phaolô VI, Diễn văn tại Nazareth ngày 5.01.1964.
Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn