Giới tính

 

GIỚI TÍNH
 
Khi ngước mắt lên bầu trời thăm thẳm lấp lánh muôn vì tinh tú, con người vẫn thường tự hỏi: “Liệu có sự sống nào bên ngoài trái đất không?” Nhiều năm qua, con người đã gửi vào khoảng không gian vô tận hàng vạn “bức thư tìm bạn bốn phương”, mong có ngày nhận được hồi âm từ một góc trời xa xăm nào đó. Để tự giới thiệu về mình là “người trái đất”, người ta đã gửi đi tấm hình một người nam và một người nữ nắm tay đứng bên cạnh nhau. Tấm hình thật đơn giản nhưng mang một ý nghĩa sâu xa, gợi cho ta nhớ đến những trang đầu của sách Sáng Thế: “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài… Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam là nữ… Và Thiên Chúa đã phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và hãy thống trị mặt đất…” (St 1,27-28).

Quả thực ngay từ đầu, Kinh thánh đã nói đến một điều có liên hệ với mỗi người chúng ta như hình với bóng và còn hơn cả cái bóng, vì nó chi phối tất cả tâm tư tình cảm của ta, đặc biệt trong tương quan với người khác. Đó là giới tính (SGLC 2332). Ơn gọi làm người, làm Kitô hữu của mỗi người luôn gắn liền với ơn gọi sống tốt đẹp gới tính của mình theo như chương trình Thiên Chúa muốn, bởi vì, khi dựng nên con người có nam có nữ, Thiên Chúa đã muốn họ sát cánh bên nhau cùng làm chủ trái đất để thể hiện nơi bản thân họ hình ảnh một Thiên chúa quyền năng nhưng cũng là một Thiên Chúa rất âu yếm dịu dàng (SGLC 2234-2335).

I. LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC DỰNG NÊN CÓ NAM CÓ NỮ

“Con trai hay con gái?” Đó là câu thăm hỏi đầu tiên khi nghe tin một em bé mới chào đời. Tuy nhiên không phải đến lúc lọt lòng mẹ ta mới là trai hay gái. Giới tính mỗi người, là nam hay nữ, đã được quyết định ngay từ giây phút đầu tiên ở trong lòng mẹ, tuỳ theo mầm sống của bố mang nhiễm sắc nào, là X hay Y. quả thật, nam và nữ khác biệt nhau không chỉ về quần áo tóc tai bên ngoài, nhưng khác nhau từ trong “trứng nước”, từ vóc dáng cơ thể cho đến tâm tính. Ta sẽ thấy rõ ngay sự khác biệt ấy khi nhìn vào trong gia đình mình.

1.      Người canh tác và giữ vườn

Tác giả sách Sáng thế đã gọi người nam là “người canh tác và giữ vườn” (x. St 2,15). Quả đúng như vậy. Người nam được dựng nên để bảo vệ và nuôi sống gia đình, đương đầu với những khó khăn và thử thách bên ngoài. Do đó, nếu thân thể người nữ uyển chuyển, mềm mại, thiên về đường cong để đảm nhận vai trò làm mẹ, phục vụ cho sự sống ngược lại, thân hình người nam thường cứng rắn, vạm vỡ, thiên về những góc vuông để chống chọi, chinh phục.

Những phẩm tính nơi người nam có thể được cô đọng trong hai tiếng “khối óc” hoặc “lý trí”. Người nam thích xông xáo phiêu lưu, thích khám phá để chinh phục, xây dựng, sáng tạo trong mọi lãnh vực: khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi thế, người nam thường sử dụng đầu óc để suy tư, đuổi theo mục đích một cách kiên trì. Người nam có thể để cho công việc chiếm trọn cả đời và nhiều khi sẵn sàng hy sinh tất cả để thành đạt. Về đời sống tình cảm, người nam “rắc rối” hơn người nữ. Nếu trái tim của người nữ chỉ có “một ngăn” như nhiều nhà tâm lý nhận xét, thì trái tim của người nam lại có tới “bốn ngăn”. Một ngăn cho lý tưởng, một ngăn cho vợ con, một ngăn cho công việc và một ngăn dành cho bạn bè.

2.      Ơn phù trợ của Thiên Chúa

Nếu người nam được ví như “người canh tác và giữ vườn” thì người nữ có thể ví như “ơn phù trợ của Thiên Chúa” (St 2,18; SGLC 1605).
Những phẩm tính kỳ diệu mà Thiên Chúa ban cho người nữ có thể cô đọng trong hai tiếng: “trái tim”. Đó là cả một kho tàng xả kỷ, hy sinh, trao hiến thân mình, kiên nhẫn, hiền dịu, quan tâm và lo toan đến từng chi tiết nhỏ, cảm thông sâu sắc với cuộc sống người chung quanh, nhạy cảm trước mọi nỗi đau bé nhỏ, thích giúp đỡ, ủi an người khác, chiếu toả niềm vui.

Phẩm tính của con tim là sự giàu có và sức mạnh của người nữ. Niềm vui của người nữ là được phát huy những phẩm tính ấy. Người nữ luôn đặt trái tim vào mọi việc. Trái tim người nữ luôn luôn có tiếng nói, đôi khi lấn át cả tiếng nói của lý trí. Tuy nhiên chính nhờ thé mà trong nhiều hoàn cảnh của cuộc sống, người nữ có thể bổ túc và sửa chữa nhiều thiếu sót cho người nam vì người nam thường thiên về lý trí đến độ tỏ ra tàn nhẫn.

Vì nghiên về phía tình cảm cho nên trong những vấn đề khoa học, cần đến lý luận trừu tượng nhiều, nữ giới thường kém nam giới. Tuy nhiên, nếu nữ giới ít quan tâm đến những tư tưởng khô khan, không pha chút tình cảm hoặc không cóliên hệ gì tới cuộc sống hiện thực và lợi ích trước mắt, thì ngược lại, phụ nữ có một khả năng trực giác rất nhạy bén. Người nữ không cần lý luận vòng vo nhưng nắm bắt ngay điều gì phải làm.

Những sự khác biệt giữa nam và nữ như trên nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa: mỗi người sẽ nhận được từ người kia điều mình cần và ngược lại, trao ban cho người kia cái mình có để bổ túc cho nhau và làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp phong phú (SGLC 340.372-1937). Trao ban và đón nhận nhau trong sự trân trọng và bình đẳng như thế chính là tình yêu. Đó cũng chính là dự án ban đầu của Thiên Chúa khi dựng nên con người có nam có nữ và muốn cả hai đều phản ánh hình ảnh của Ngài là một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, một Thiên Chúa quyền năng siêu việt, đầy lòng yêu thương nhân hậu và trung tín đến ngàn đời.

II. NAM VÀ NỮ, CẢ HAI ĐỀU LÀ “HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA”

Đó là dự án ngay từ ban đầu của Thiên Chúa: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh của Ta, như họa ảnh của Ta… Theo hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài đã dựng nên nó. Là nam là nữ, Ngài đã dựng nên chúng” (St 1,26-27).

Thiên Chúa là tinh thần thuần tuý. Thiên Chúa không phải là nam cũng không phải là nữ vì Ngài siêu việt vượt trên mọi loài thụ tạo (SGLC 42.370). khi nói con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Kinh thánh không muốn nói Thiên Chúa cũng giống con người chúng ta, nhưng muốn nói lên phẩm giá cao quý của con người xét về nguồn gốc cũng như ơn gọi. Cả nam lẫn nữ đều là con người, đều có chung một phẩm giá cao quý như nhau và phải được tôn trọng như nhau. sự khác biết giữa nam và nữ không đối chọi nhưng hài hoà và bổ túc cho nhau như trong một cơ thể duy nhất, để “Thiên Chúa là tất cả nơi mọi người”.

Lời khẳng định cả nam và nữ đều là “hình ảnh của Thiên Chúa” còn được lặp lại sau khi con người sa ngã (St 5,1-2). Đó cũng là ánh sáng cho cuộc sống của xã hội chúng ta hôm nay khi mà tương quan giữa nam và nữ bị tội lỗi bẻ cong, bị chi phối bởi sự ích kỷ, bạo lực và dục vọng. Phải trở về với dự án ban đầu của Thiên Chúa. Đức Kitô đã khẳng định điều đó khi trả lời cho người Do thái về vấn đề ly dị: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu có thế đâu…” (Mt 19,3-9).

Trở về với dự án ban đầu của Thiên Chúa chỉ có thể được khi ta cố gắng thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa nơi bản thân mình và trong tương quan với người khác. Điều này đòi ta phải vươn tới sự trưởng thành mỗi ngày hơn về mặt giới tính.

III. VƯƠN TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH VỀ MẶT GIỚI TÍNH

Trưởng thành về giới tính ở đây không có nghĩa là “có kinh nghiệm về tính dục” hoặc đã trải qua một vài “mối tình con”, nhưng là biết làm chủ bản năng giới tính của mình, sống thẳng thắn, vui tươi, hồn nhiên và trong sáng với bạn bè cùng giới cũng như khác giới (SGLC 2347).

Con đường dẫntới sự trưởng thành giới tính là “con đường hẹp”, con đường sống khiết tịnh chứ không phải là con đường thênh thang chiều theo những đam mê, dục vọng, bởi vì chỉ có đức khiết tịnh mới giúp ta thống nhất bản thân để có sức mạnh yêu thương và trao ban toàn vẹn (SGLC 2337-2340.2346).

1.      Ơn gọi sống khiết tịnh

Không phải chỉ những ai “đi tu” mới phải sống khiết tịnh. Ơn gọi sống khết tịnh là dành cho mọi người, mọi bậc sống, dù còn độc thân hay đã lập gia đình (SGLC 2348-2349).

Với các bạn trẻ, sống khiết tịnh hệ tại ở việc sống trong sạch từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm, với mình, với người cùng giới cũng như với người khác giới. (SGLC. 2520). Ý thức Thiên Chúa luôn nhìn xem ta mọi nơi mọi lúc với ánh mắt yêu thương sẽ giúp ta sống hồn nhiên, thẳng thắn và đơn sơ qua từng cử chỉ, từng lời nói.

2.      Chiến đấu cho sự trong sạch

Sống trong sạch không phải là dễ, nhất là trong một xã hội đề cao sự hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc và thân xác, bị ô nhiễm bởi mọi thứ hình ảnh đồi truỵ. Điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nỗ lực chiến đấu ngay nơi chính bản thân mình. phép rửa tội đã tẩy rửa ta sạch tội lỗi nhưng ta còn phải tiếp tục chiến đấu để lớn lên trong ơn làm con cái Thiên Chúa, để tự khẳng đìnhmình là chi thể Đức Kitô, đền thờ Chúa Thánh Thần. Ta khẳng định mình bằng cách dám ‘lội ngược dòng”, cương quyết nói tiếng “không” với những thèm muốn bên trong của xác thịt cũng như vớin hững cám dỗ bên ngoài, những lời “rủ rê”, nói “khích” của bạn bè.

Trong cuộc chiến này, phần thắng thuộc về những ai khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa bởi vì đức khiết tịnh trước hết là một hồng ân Thiên Chúa ban chứ không phải tự sức riêng ta có được (SGLC 2345). Nhìn nhận mình yếu đuối, ta biết khiêm tốn:

-          Cậy trông vào ơn Chúa bằng cách siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao hoà. Bí tích Thánh thể giúp ta kết hợp mật thiết với Chúa Kitô hơn, đồng thời giữ ta tránh xa mọi tội lỗi. Bí tích Giao hoà không chỉ đem lại cho ta sự tha thứ và bình an nhưng còn giúp ta tìm lại con nguời chân thật thâm sâu của mình và gia tăng nơi ta sức mạnh dứt khoát với tội lỗi (SGLC 2520.1391-1394.1469).

-          Cố gắng luôn sống tiết độ, làm chủ đôi mắt, làm chủ các giác quan và khôn ngoan tránh xa mọi cạm bẫy (SGLC 2521-2526)

-          Không thất vọng khi sa sẩy vì biết rằng trong quá trình tăng trưởng tự nhiên, sẽ gặp những giai đoạn khó khăn khiến mình không làm chủ được bản thân, bị khựng lại hoặc thụt lùi (SGLC 2342-2343).

-          Năng chạy đến với Đức Maria Thánh Giuse là hai “bậc thầy” của đời sống khiết tịnh. Các ngài đã trải qua những giai đoạn tuổi trẻ như chúng ta, đã gặp những thách đối còn hơn cả chúng ta. Các ngài đã không chỉ sống một đời khiết tịnh để nêu gương, nhưng còn là “Nữ vương các thánh đồng trinh” và là “Đấng gìn giữ các kẻ đồng trinh”. Đến với các ngài, chúng ta không chỉ nhận được sự trợ giúp cần thiết để chiến đầu cho sự trong sạch, nhưng còn nhận được ánh sáng và sức mạnh để trở nên “người bảo vệ và gìn giữ kẻ đồng trinh” giữa bạn bè đối với nhau.

-          Cởi mở với những bậc hướng dẫn khôn ngoan và đạo đức. Có thể nói, tuổi mới lớn là bước “đột phá” quan trọng để bước vào tuổi trưởng thành, như con sâu đang giai đoạn lột xác để trở thành chú bướm xinh đẹp. Trong khi “lột xác” nếu xảy ra những khó khăn trục trặc thì cũng là chuyện bình thường. Việc cởi mở với cha mẹ hoặc những bậc có trách nhiệm sẽ giúp chúng ta mau chóng vượt qua những khó khăn bởi vì chúng ta hiểu rằng có những vấn đề không nên loay hoay giải quyết một mình hoặc đi tìm chỉ dẫn ở những chỗ không đáng tin cậy. Một điều có thể chúng ta không ngờ, nhưng đó là sự thực: chính Đức Giáo hoàng Gioan 23 khi quyết định triệu tập công đồng Vaticanô II, ngài không chỉ suy nghĩ, cầu nguyện, nhưng còn bàn hỏi với cha linh hướng của ngài.
 
Lời Chúa

Đừng để ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.

Đừng nặng lời với các cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi họ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch.
(2 Tm 4,12.5,1-2).
 
Câu hỏi tự vấn

1.      Thời gian qua nhiều nơi tổ chức những cuộc thi “học sinh thanh lịch”. Những cuộc thi đó gợi lên cho bạn những suy nghĩ gì?
2.      Theo bạn, đâu là những nét cao đẹp nhất của một thanh niên, một thiếu nữ?
3.      Ta và người khác giới đều là hình ảnh Thiên Chúa và đều được mời gọi trở nên hình ảnh Thiên Chúa mỗi ngày một sống động hơn. Tư tưởng đó giúp bạn sống thế nào trong gia đình, với bạn bè cũng như với mọi người xung quanh?