GIÁO THUYẾT VỀ SỰ PHỤC SINH VÀ VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN HỌC THẦN LUẬN

GIÁO THUYẾT VỀ SỰ PHỤC SINH VÀ VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN HỌC THẦN LUẬN
1. «Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời» (Mc 12,25). Đức Kitô tuyên bố những lời này – là những lời có ý nghĩa chủ chốt đối với thần học về thân xác – sau khi đã khẳng định với những người Sađđucêu rằng sự phục sinh phù hợp với quyền năng của Thiên Chúa hằng sống. Cả ba Tin mừng Nhất Lãm đều thường thuật cùng một lời phát biểu, chỉ có vài điểm riêng của bản Luca khác với các bản Matthêu và Marcô. Đối với tất cả điều cốt yếu là xác minh rằng người ta, sau này khi sống lại nghĩa là sau khi mặc lại thân xác đã nên hoàn hảo viên mãn của mình theo hình ảnh giống Thiên Chúa – sau khi đã phục sinh trong thân xác với giới tính là nam là nữ của mình – «họ chẳng còn lấy vợ lấy chồng». Luca trong câu 20, 34-35 diễn tả cùng ý tưởng đó như sau: «Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng».

2. Hôn nhân, như nội hàm từ ngữ này muốn diễn tả, là sự kết hợp trong đó, như sách Sáng thế nói, «người đàn ông sẽ gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt» (2,25), là sự kết hợp riêng của con người từ «thuở ban đầu». Như vậy, hôn nhân chỉ thuộc về «đời này». Hôn nhân và sinh sản không phải là tương lai cánh chung của con người. Có thể nói, khi phục sinh hôn nhân và sinh sản mất lí do hiện hữu. Cái «đời sau» mà Lc 20,35 nói đến có nghĩa là sự thành tựu cuối cùng của loài người, là sự kết thúc của cảnh giới của các sinh linh vốn được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, hầu qua việc sinh sôi nảy nở nhờ sự «kết hợp» vợ chồng trên thân xác người nam và người nữ, họ thống trị địa cầu. Cái «đời sau» ấy không phải là đời này, thế gian này, nhưng là thế giới của Thiên Chúa, Đấng như chúng ta biết từ Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, sẽ làm cho nó hoàn toàn nên viên mãn, khi Ngài trở nên «mọi sự cho mọi người» (1Cr 15,28).
 
3. Theo mạc khải, cái «đời sau» ấy hiện giờ là «Nước Chúa», cũng là «quê hương» cuối cùng và vĩnh cửu của con người (x. Pl 3,20), là «nhà Cha» (Ga 14,2). Thế giới hiện tại, vốn là đời tạm – phải lụy phục sự chết, tức là thân xác phải bị hủy hoại (x. St 3,19: «người sẽ trở về với tro bụi»). Nhưng chính từ đời tạm này mà «đời sau», như là quê hương mới của con người, xuất hiện sau cùng qua sự phục sinh. Theo lời của Đức Kitô mà các Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lại, phục sinh có nghĩa không chỉ là phục hồi sự sống thân xác và làm cho sự sống con người thêm mạnh khỏe trong tình trạng nguyên vẹn của nó, nhờ xác hồn thống nhất, mà còn là một tình trạng hoàn toàn mới của sự sống con người. Chúng ta thấy tình trạng mới này của thân xác được xác nhận trong thân xác phục sinh của Chúa Kitô (x. Rm 6,5-11). Những lời lẽ trong các Tin mừng Nhất Lãm (Mt 22,30; Mc 12,25; Lc 20,34-35) khi ấy (nghĩa là sau khi Đức Kitô phục sinh) sẽ vang lên trong người nghe như với một sức mạnh bảo đảm mới, và đồng thời sẽ mang tính chất của một lời hứa có sức thuyết phục. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta chỉ dừng lại những lời này ở giai đoạn «trước phục sinh», và chỉ dựa trên bối cảnh chúng được loan báo. Chắc chắn trong câu trả lời cho những người Sađđucêu Đức Kitô đã cho thấy rồi tình trạng mới của thân xác con người sau khi phục sinh, và Người làm thế bằng cách đưa ra một tham chiếu và một so sánh với tình trạng mà con người đã từng tham dự ngay từ «thuở ban đầu».
 
4. Những lời này: «họ sẽ chẳng còn lấy vợ lấy chồng» đồng thời như khẳng định rằng thân xác con người, một khi đã được phục hồi và đổi mới trong tình trạng phục sinh, vẫn còn giữ đặc thù giới tính là nam hay là nữ của mình, nhưng ý nghĩa hiện hữu trong thân xác như là đàn ông là đàn bà ấy trong «đời sau» phải được hiểu cách khác với cái «thuở ban đầu» và trong toàn thể cuộc sống thế trần. Những lời trong sách Sáng thế, «người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt» (2,24), từ thuở ban đầu đã xác lập hoàn cảnh và tương quan giữa người nam và người nữ. Tương quan nam-nữ ấy được mở ra nơi thân xác, và nói cách chính xác nó vừa mang tính «phối hôn» vừa có ý nghĩa «sinh sản» và «nối dõi». Quả thật, nó được liên kết với lời chúc lành phong nhiêu mà Thiên Chúa (Elohim) đã phán khi tạo dựng con người «là nam là nữ» (St 1,27). Lời Đức Kitô tuyên bố về sự phục sinh cho phép ta rút ra kết luận giới tính – tức là hiện hữu nơi thân xác con người là đàn ông hay là đàn bà – sẽ nên là thụ tạo mới đồng thời với thân xác phục sinh ở trong «đời sau».
 
5. Chúng ta có thể nói thêm chi tiết hơn nữa về đề tài này hay không? Hẳn là lời của Đức Kitô mà các Tin mừng Nhất Lãm thuật lại (đặc biệt bản văn Lc 20,27-40) cho phép chúng ta bàn sâu hơn nữa. Quả thật, chúng ta đọc thấy rằng «những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại» (Matthêu và Marcô chỉ nói đến «họ sẽ giống như các thiên thần trên trời»). Lời tuyên bố này đặc biệt cho phép ta rút ra một hướng tâm linh hóa con người theo một chiều kích khác với đời sống thế gian (thậm chí cũng khác với đời sống của «thuở ban đầu»). Dĩ nhiên vấn đề ở đây không phải là chuyển hóa bản tính con người thành thiên thần, nghĩa là thành thuần linh (puramente spirituale). Văn mạch cho thấy rõ rằng con người vẫn sẽ giữ nguyên bản tính nhân loại tâm-thể lí (psicosomatica) của mình ở «đời sau». Nếu không, nói đến sự phục sinh sẽ là vô nghĩa.
Phục sinh có nghĩa là trả lại sự sống đích thật cho thân xác con người, vốn phải phục lụy sự chết trong tiến trình thời gian. Diễn ngữ của đoạn văn vừa mới trích dẫn Lc 20,36 (và Mt 22,30, cũng như Mc 12,25) chắc chắn nói về bản tính con người, tức là bản tính xác thể và tâm lí. Việc so sánh với các hữu thể trên trời (thiên thần) trong văn mạch không phải là điều gì mới trong Kinh Thánh. Trong số những bản văn như thế, thánh vịnh khi tôn vinh con người như công trình của Đấng Tạo Hóa đã nói: «Chúa làm ra con người chẳng thua kém thần là mấy» (Tv 8,6). Cần phải nói rằng trong sự phục sinh sự giống các thiên thần trở thành yếu tố quan trọng: không phải bởi một sự cởi bỏ thể xác nhân loại, nhưng bởi một kiểu (cũng có thể nói: một mức độ) tâm linh hóa khác bản tính xác thể của con người – nghĩa là nhờ một «hệ thống sức mạnh» khác bên trong con người. Phục sinh có nghĩa là một cách thức mới của việc thân xác phục tùng tinh thần.
 
6. Trước khi tiếp tục triển khai luận cứ này, chúng ta nên nhớ rằng chân lí về phục sinh có một ý nghĩa chủ chốt đối với việc hình thành toàn bộ nhân học thần luận, điều vốn có thể được xem đơn giản như là «nhân học về sự phục sinh». Suy tư về phục sinh, thánh Tôma Aquinô trong nhân học siêu hình (và cả thần học) của mình đã bỏ qua quan niệm triết học của Plato về mối quan hệ giữa linh hồn và thân xác nhưng lại tiếp cận với quan niệm của Aristôt [1]. Thật vậy, sự phục sinh xác nhận rằng, ít là cách gián tiếp, thân xác trong toàn thể cấu trúc nhân tính không chỉ liên kết tạm thời với linh hồn (vốn bị giam trong «tù ngục» trần gian của nó là thân xác, theo Plato) [2], nhưng cùng với linh hồn nó tạo nên con người thống nhất và toàn vẹn. Aristôt đã dạy đúng như thế [3], khác với Plato. Nếu thánh Tôma trong nhân học của ngài đã chấp nhận quan niệm của Aristôt, đó là vì ngài đã nhìn thấy chân lí phục sinh.Quả thật, chân lí phục sinh khẳng định rõ ràng rằng sự hoàn hảo cánh chung và hạnh phúc của con người không thể hiểu như là một tình trạng linh hồn đơn độc, tách biệt (đối với Plato, là được giải thoát) khỏi thân xác, nhưng phải hiểu chúng như là tình trạng sau cùng và hoàn hảo của con người nên nguyên tuyền nhờ sự kết hợp như thế giữa hồn và xác, sự kết hợp ấy là điều kiện và bảo đảm dứt khoát cho tình trạng nguyên tuyền hoàn hảo nói trên.
Chúng ta dừng suy tư về những lời của Đức Kitô nói về sự phục sinh ở đây. Vì nội dung của những lời ấy hết sức phong phú, chúng ta sẽ quay lại trong những lần khảo sát sau.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
------------------------
[1] Tham chiếu vd.: «Habet autem anima alium modum essendi cum unitur corpori, et cum fuerit a corpore separata, manente tamen eadem animae natura; non ita quod uniri corpori sit ei accidentale, sed per rationem suae naturae corpori unitur...» (san Tommaso, S. Th. I, q. 89, a. 1).
«Si autem hoc non est ex natura animae, sed per accidens hoc convenit ei ex eo quod corpori alligatur, sicut Platonici possuerunt... remoto impedimento corporis, rediret anima ad suam naturam... Sed, secundum hoc, non esset anima corpori unita propter melius animae...; sed hoc esset solum propter melius corporis: quod est irrationabile, cum materia sit propter formam, et non e converso...» (ibid.).
«Secundum se convenit animae corpori uniri... Anima humana manet in suo esse cum fuerit a corpore separata, habent aptitudinem et inclinationem naturalem ad corporis unionem» (ibid., I, q. 76, a. 1ad 6).
[2] Tò mèn sômà estin hēmin sêma (Platone, Gorgia 493a; x. Fedone 66b; Cratilo 400c).
[3] Aristotele, De Anima II, 412a, 19-22:; x. thêm Metaph. 1029b 11- 1030b 14.