Giáo phận Sài Gòn tổ chức Ngày của Mẹ với chủ đề “Mẹ ơi…”

Giáo phận Sài Gòn tổ chức Ngày của Mẹ với chủ đề “Mẹ ơi…”

Giáo phận Sài Gòn tổ chức Ngày của Mẹ với chủ đề “Mẹ ơi…”

Trong không khí dịu nhẹ của nắng sớm thứ Bảy, các tham dự viên đã được Ban tiếp tân đón tiếp và phát quà tặng khi bước qua cổng chào được trang trí bằng những dãy lụa xanh với hàng chữ “Mẹ ơi…Mẹ là mãi mãi”. Trong túi quà tặng có quyển sách “Mẹ ơi…” là tuyển tập gồm 47 tác phẩm được tuyển chọn từ các bài viết tham gia cuộc thi Viết Về Mẹ do Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục tổ chức. Lần theo những dấu chân được trang trí trên nền gạch, các tham dự viên được dẫn vào sảnh với những tiểu cảnh trang trí đẹp mắt cũng nhằm nhắc nhớ và tri ân công lao người mẹ: “Mẹ sinh thành, Mẹ dưỡng dục, Mẹ chắp cánh cho con vào đời” và “Mẹ là quà tặng của Thiên Chúa”. Bên cạnh đó là quầy chụp ảnh lấy ngay được các bạn trẻ sẵn sàng phục vụ cho những người có nhu cầu lưu niệm lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhân sự kiện này. 


Một nét đặc thù đã trở thành thông lệ của Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục là trước khi triển khai các công việc cho sự kiện sắp diễn ra, Ban Tổ Chức đã dành ra ít phút cầu nguyện để dâng những công việc của mình và xin Thiên Chúa thánh hóa. 

Khi bước vào hội trường, sân khấu cũng được trang trí bằng lụa với tông xanh chủ đạo cùng dòng chữ “Mẹ ơi… Con yêu mẹ…” như nói lên tấm lòng của người con đối với đấng bậc sinh thành. Chủ đề “Mẹ ơi…” như lòng con tha thiết nghĩ về mẹ, cần đến mẹ và gắn kết với mẹ để từ đó nhắc nhở mỗi người mang lấy tâm tình tri ân và lòng thảo hiếu dâng kính mẹ hiền của mình. Sự kiện này cũng nhằm mục đích để hướng mỗi người đến với người mẹ tuyệt mỹ, là mẫu gương cho tất cả các bà mẹ, đó chính là Đức Maria.

Sau khi tập hát những bài hát chung “Tình cha nghĩa mẹ” và “Cầu cho cha mẹ 7”, để khởi động trước khi bước vào ngày hội, Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Minh Thiệu đã hướng dẫn cộng đoàn múa cử điệu bài hát “Chung sống” và “Tình mẹ” với những động tác vũ điệu tạo nên sự thoải mái tinh thần cho các tham dự viên.

“Con cò mày đi ăn đêm, mày đi ăn đêm, sao đi một mình…? Một mình lầm lũi canh ba thức giấc trong đêm khuya vắng…”. Với những động tác uyển chuyển của một vũ điệu đẹp, nhóm múa Rồng Việt đã diễn tả hình ảnh của người mẹ qua hai biểu tượng: cánh cò và gánh hàng rong. Cánh cò che chở cho con như lòng mẹ bao dung hiền hòa, còn hàng rong mẹ gánh nhắc nhớ đến cuộc đời mưa nắng sớm khuya, chịu thương, chịu khó, tần tảo tất cả cho con và vì con.

8g30, hai MC dẫn chương trình là anh Vũ Minh và chị Thanh Huyền giới thiệu mục đích chương trình Ngày của Mẹ là để ngợi ca, tôn vinh và cám ơn mẹ đã hy sinh cho con cái, và cũng để mỗi người nhìn lại giá trị đạo hiếu của chính mình. 

Tham dự ngày hội có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Phụ tá TGP.Sài Gòn, ông bà mục sư Phạm Đình Nhẫn, Chủ tịch Hiệp hội Thông Công Tin Lành cùng với gần 600 tham dự viên là linh mục, tu sĩ, giáo dân trong và ngoài giáo phận. Đặc biệt là sự hiện diện của những người nữ trong thiên chức làm mẹ trong đó có bà cố của Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ TGP. Sài Gòn và bà cố của Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Đặc trách Chương Trình Chuyên Đề Giáo Dục. 

“Cánh cò cõng nắng cõng mưa. Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”, quả thật “Nước biển mênh mông cũng không đong đầy tình mẹ”. Trong lời tuyên bố khai mạc, cha Louis cho hay: “Nhiều lúc ta quên màu tóc mẹ đã một thời dãi nắng dầm mưa. Cũng có lúc ta quên nhìn trán mẹ còn bao nhớ thương dù ta đã lớn khôn rồi. Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ còn chờ ta mỏi ngóng đêm sầu. Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời”. Ngài cũng cho biết để chuẩn bị cho Ngày của Mẹ, Chương trình Chuyên Đề Giáo Dục đã tổ chức một cuộc thi viết về Mẹ trong nhiều tháng. Điểm đặc biệt là số lượng bài dự thi năm nay vượt hẳn năm ngoái, 260 bài, hơn 50% tác giả là các bạn trẻ dưới 25 tuổi, đó là một tín hiệu rất tích cực cho những người trẻ thế hệ mới cũng biết tôn vinh giá trị đạo hiếu.

Cuộc thi Viết Về Mẹ đã nhận được những bài viết tuy đơn sơ nhưng ý nghĩa, tuy mộc mạc nhưng tinh túy, những cảm xúc được viết từ trái tim làm rung động lòng người. Đó chính là những cảm xúc thật của những người con muốn bày tỏ với người mẹ hiền dấu yêu của mình. “Mẹ ơi… Con yêu mẹ…”, cảm xúc thiêng liêng của mỗi người dành cho mẹ để cảm nhận “Tình mẹ con”, tên gọi của phần I trong Ngày của Mẹ. Những tình cảm này được hai trong số những thí sinh đạt giải cao của cuộc thi chia sẻ tâm tình về người mẹ.

Thí sinh Têrêsa Nguyễn Thị Bình Tâm, giải Nhì thể loại Văn, đến từ Giáo phận Kontum với chất giọng ấm áp, truyền cảm của mình đã chia sẻ, khắc họa những hình ảnh của mẹ trong trái tim mình và thổ lộ tâm tình của một người con dành cho mẹ qua tác phẩm “Con muốn yêu như mẹ”:

“Một cuộc đời biết yêu và biết phụng sự tình yêu là một cuộc đời vĩ đại”. Em cho hay mẹ em không chỉ thích câu nói đó mà còn diễn tả nó trong suốt cuộc đời. Mẹ em quyết định ở lại Việt Nam, không đi nước ngoài vì một tình yêu dành cho ba hết sức nồng nàn, đằm thắm nhưng không kém phần bản lĩnh và nó càng sâu đậm, bền bỉ hơn trong 20 năm qua dù rằng tình yêu ấy phải chia sẻ cho 8 đứa con. Em hiểu rằng các anh chị em mình có mặt trên đời không phải do tình cờ mà đã được mong chờ trong tình yêu ba mẹ. Mẹ em đã chăm sóc 8 đứa con bằng tình cảm ấm áp, bằng sự tận tụy, hy sinh và vượt qua đau thương khi bị họ hàng hất hủi, khi gia đình phá sản, khi ba em mổ khối u. Mẹ em đã mày mò sáng tạo may vá, và học thêm những món ăn mới để vun đắp gia đình, vượt qua những nỗi buồn đau của cuộc sống. Em nói rằng mình không tô hồng khi vẽ bức chân dung mẹ mà bức chân dung ấy thật sự tươi sáng được em chấm phá với những nét tin yêu, tươi vui, hy vọng và tràn ngập mến thương. Qua sự dạy dỗ của người mẹ em hiểu được rằng không ai sinh ra trên đời này với cuộc sống dễ dàng, cần phải học cách yêu thương và diễn tả tình yêu ấy trong cuộc đời này: “Nếu chỉ có một điều để con có thể nói với mẹ, con sẽ nói: Con muốn yêu như mẹ, mẹ của con ơi!”. Trước mặt mọi người, em đã trao tặng cho mẹ bó hoa để nói lên tình yêu, lòng biết ơn, sự cảm phục, lòng tự hào của người con dành cho mẹ.

Khán giả cuộc thi vòng chung kết Viết Về Mẹ có lẽ chưa quên hình ảnh một đại gia đình tứ đại đồng đường tổng cộng là 22 người, cùng đi ủng hộ cho một thí sinh và thí sinh đó - bác Inhaxio Đặng Phúc Minh, đến từ Giáo phận Long Xuyên - đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi viết và thuyết trình về Mẹ. “Lời trăn trối của mẹ” là tác phẩm bác trình bày trước khán giả, bác cho hay trước lúc mất, người mẹ đã ứa nước mắt phều phào nói với những người con: “Các con hãy thương yêu nhau”. 

Bác thừa nhận rằng lúc đầu đã chưa hiểu được sự sâu sắc trong lời dạy của mẹ nhưng qua những năm tháng sau đó, qua lời kể đầy nhớ nhung của ba về mẹ, qua hồi tưởng về cuộc đời của mẹ, qua việc học hỏi đạo Chúa, đặc biệt là đọc Kinh Thánh, bác đã dần dần vỡ ra, hiểu được sự sâu sắc trong lời dạy của mẹ. Mẹ là con nhà giàu nhưng đã chấp nhận ba để về sống trong cảnh nghèo cùng cực, ban ngày thì mò cua bắt ốc, một nắng hai sương, đến đêm về thì ngủ trong một cái ổ rơm để trốn cái lạnh cắt da, cắt thịt, cá chết ngoài đồng của miền Bắc vào mùa Đông. Năm 54, gia đình bác vào Nam, tuy ba sa vào cờ bạc nhưng mẹ chăm chút cho ba từng chút, âm thầm chịu đựng và dâng lên Thiên Chúa lời kinh hằng đêm để xin Ngài che chở giữ gìn. Chính sức mạnh của lời cầu nguyện, chính sức mạnh của sự nhẫn nhục, của sự chắt chiu từng chút một của người mẹ đã đưa gia đình bác vượt biết bao sóng gió bão táp từ Bắc vào Nam để có một gia đình êm ấm hạnh phúc, tứ đại đồng đường như hôm nay và hơn thế nữa, người cha đã bỏ đi thói xấu đánh bài. Thuở sinh thời, mẹ bác thường dạy rằng: “Đạo Chúa dạy có hai điều chính là mến Chúa và yêu người”, mẹ đã lấy lời Kinh Thánh để dạy và trăn trối cho các con. Giờ bác đã hiểu rằng nơi nào có tình yêu chân thành nơi đó có sự bình an đích thực. Tình yêu đúng là cội nguồn của hạnh phúc, bình an như Chúa đã đoan hứa Chúa là Tình Yêu.

Cuộc thi Viết Về Mẹ nhận được 162 bài văn, 98 bài thơ và 2 kịch bản, với 260 tác giả, trong đó có 58 tác giả ngoài Công Giáo, đặc biệt trong số các tác giả, giới trẻ (<25 tuổi) chiếm hơn 50%. Vòng thi thuyết trình được tổ chức vào ngày 17/03/2012 chọn được 2 phẩm đạt giải nhì, 1 giải ba và khuyết khích ở thể loại thơ. Ở thể loại văn có 1 tác phẩm đạt giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Trong Ngày Của Mẹ, Ban Tổ Chức đã trân trọng trao giải cho các tác giả đạt giải của cuộc thi này.

Chủ đề “Mẹ ơi…” với dấu chấm lửng bao hàm nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là tiếng kêu, tiếng gọi mẹ tha thiết kéo dài, đó là lời của người con chưa nói hết những tâm tình của mình với mẹ. Tiếng mẹ ơi còn có thể là tiếng kêu thống thiết, tiếng kêu đau xót, tiếng kêu bi ai của những người con xa mẹ, mất mẹ, không còn mẹ. 

“Mẹ ơi…” cũng chính là tên gọi Phần II của ngày hội. Mẹ ơi… sao đành bỏ rơi con, khi con chưa cất tiếng khóc chào đời? Đó là tiếng kêu xé lòng của những sinh linh bé nhỏ chưa kịp nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tiếng kêu bi ai đó cũng nói lên thực trạng xã hội hôm nay khi mà Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động hơn là có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Các tham dự viên theo dõi một đoạn clip bảo vệ sự sống, những hình ảnh gây xúc động mạnh để mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống: Trân quý sự sống không chỉ ở việc bảo vệ bào thai, thai nhi mà mỗi người còn có bổn phận làm cho sự sống được triển nở, được sung mãn, và được thăng hoa.

“Vì Thượng Đế không thể có mặt khắp mọi nơi cho nên Ngài đã dựng nên các bà mẹ”. Đức Cha Phêrô nói đến câu châm ngôn Ả rập mà mình rất thích để mở đầu cho bài nói chuyện về “Thiên chức làm mẹ” của ngài. Ngài cho hay tình mẫu tử không chỉ là tình cảm tự nhiên mà còn vượt lên trên như một chiều kích thần linh. 

Tình mẫu tử mang dấu ấn tình yêu đích thực nơi Thiên Chúa. Đó là một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi hay còn gọi là tình yêu vô điều kiện. Ngài nói rằng giới trẻ ngày nay thường cho rằng chẳng ai cho không cái gì khi phải chứng kiến sự tính toán trong tình yêu nam nữ. Nhưng ngài quả quyết: “Tình mẹ vẫn còn đó như một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi”. Ngài dẫn chứng biết bao bà dưỡng nuôi những đứa con tật nguyền, tâm thần hoặc mang những cơn bệnh hiểm nghèo bằng tất cả tình thương trìu mến để con mình được sống, được hạnh phúc. 

Tình mẫu tử còn là một tình yêu hoàn toàn cho đi, hy sinh, hiến thân. Trong thời đại của chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa cá nhân, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng tình yêu là chiếm đoạt, là hưởng thụ, càng hưởng thụ nhiều, càng chiếm đoạt nhiều thì mới yêu nhiều. Thế nhưng, chiêm ngắm tình mẹ mới thấy rõ được một tình yêu hoàn toàn cho đi, hoàn toàn hy sinh, một tình yêu không chỉ là những tình cảm tự nhiên mà có dấu ấn của Thiên Chúa.

Đức Cha nhắc lại những điều căn bản này để cảm ơn những bà mẹ, không chỉ vì các bà mẹ đã chăm sóc con cái mà vì bao lâu còn các bà mẹ thì chúng ta còn dám tin vào tình yêu và cũng có nghĩa là dám tin vào Thiên Chúa. Cùng với lời cám ơn là tâm tình tạ lỗi vì nhiều khi con cái chỉ biết nhận mà không biết cho đi, nhiều khi còn tính toán từng chút một trong cách ứng xử với mẹ mình và cả với Thiên Chúa. Cuối cùng, ngài gửi lời cầu chúc đến các bà mẹ mãi mãi là hình ảnh tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.

Ca khúc “Hai tiếng mẹ ơi” do ca sĩ Tuyết Mai Ly trình diễn bằng chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, lay động lòng người: “Hai tiếng mẹ ơi là tiếng con khi thuở còn thơ…Hai tiếng mẹ ơi, mẹ dấu yêu con vẫn gọi hoài. Hai tiếng mẹ ơi là sớm trưa trong mỗi buồn vui…”

“Đâu là sứ mạng đầu tiên và cao cả nhất của người phụ nữ? Đó chính là làm mẹ, một sứ mạng cao cả.” Anh Vũ Minh, người dẫn chương trình mời gọi cộng đoàn lắng đọng tâm hồn của mình để chiêm ngưỡng lòng mẹ hiền bao la như biển cả qua phần thể hiện của ca đoàn Quê Hương với bài hợp xướng mang tên “Lòng Mẹ” (lời của Y Vân, phổ nhạc: Hải Linh) dưới sự chỉ huy của Linh mục Nhạc sĩ Xuân Thảo.

Với tên gọi “Tất cả vì con”, phần thứ III được bắt đầu với ca khúc “Nhật ký của mẹ” do ca sĩ Hiền Thục biểu diễn bằng tất cả tâm tình của mình, khi ca sĩ trình bày bài hát, màn hình trình chiếu bức tranh cát diễn tiến của lời hát từ lúc người con sắp sửa chào đời trong sự trông đợi của mẹ cho đến lúc con khôn lớn chập chững bước vào đời với tấm lòng người mẹ hằng dõi theo con. Sau khi trình diễn xong, trong nỗi xúc động hòa vào tâm tình của bài hát, ca sĩ Hiền Thục đã tặng mẹ mình bó hoa tươi thắm để thể hiện lòng hiếu thảo và lòng biết ơn của mình đối với mẹ. 

Dù trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, dù trải qua biết bao buồn vui đau khổ, mẹ vẫn mãi hy sinh cả cuộc đời mình cho chồng, cho con. Một trong những người mẹ đó là trường hợp của chị Têrêsa Nguyễn Ngọc Thu, chị đã luôn phó thác và tin tưởng vào Chúa để níu kéo và giữ gìn hạnh phúc gia đình mình. Sau 3 năm tìm hiểu và một năm đến với nhau, chị và người chồng đã gầy dựng gia đình qua bí tích hôn phối. Sau khi chị mang thai đứa con đầu, tưởng chừng hạnh phúc ngập tràn, nhưng đó cũng là lúc anh đã ngày đêm lao vào công việc bỏ bê gia đình mặc cho chị một mình sinh con và nuôi con khôn lớn. Dù đau khổ, chị vẫn chịu đựng và dìu dắt con đến với nhà thờ vào những ngày Chúa Nhật để cầu nguyện cùng Chúa. Sau 1975, gia đình anh đi nước ngoài, anh chị được hưởng gia tài lớn, sau thời gia học tập cải tạo về, anh bán đi tất cả để lao vào rượu chè, trác táng thâu đêm. Những thời gian chị đi nhà thờ lại bị anh nghi ngờ ngoại tình, và tình yêu tan vỡ, anh đã quyết đòi ly dị, chị cố gìn giữ gia đình vì con và quyết không ly hôn. Trước ngày ra tòa, con gái hát bài “Cha tôi” tặng anh. Điều này khiến anh xúc động và thay đổi quyết định của mình. Bằng lời cầu nguyện và nhờ ơn Chúa, Chúa đã biến đổi gia đình của anh chị trở thành mái ấm thực sự. Chị đã gượng dậy qua bao đau khổ và ra đi phục vụ nhiều nơi trong vai trò là Trưởng Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện Mai Khôi với sự tiếp sức, khích lệ của người chồng. 

Cảm hứng từ việc tổ chức Ngày Của Mẹ vào năm ngoái, Linh mục Nhạc sĩ Nguyễn Duy đã sáng tác bài hát “Nói đi con” để nói lên tâm tình của một người con trong gia đình đồng thời diễn tả nỗi nhớ về mẹ: “Hãy yêu đi khi mẹ còn đây, nếu có bao giờ con yêu mẹ. Hãy yêu đi khi mẹ còn đây, còn biết được tình cảm của con ngọt ngào, êm dịu, nồng say. Hãy cứ yêu đi khi mẹ còn đây. Hãy cứ yêu đi khi mẹ còn đây, đừng chớ đến lúc mẹ ra đi, ghi lời yêu qúy lên bia đá những mỹ từ trên phiến đá vô tri…”

“Tất cả vì con” chính là cuộc sống của người mẹ và không gì thay thế được tình yêu mà người mẹ dành cho con, cho dẫu biết bao nghịch cảnh của cuộc sống. Là những người con nơi trần gian, mỗi người có một người mẹ tuyệt vời là quà tặng của Thiên Chúa, chúng ta vui hơn và hạnh phúc hơn vì có một người mẹ ở trên trời là Đức Maria. Cao điểm của phần thứ III là nhạc cảnh “Tất cả vì con” do các soeur Dòng Đa Minh Tam Hiệp biểu diễn. Nhạc cảnh tái hiện lại biến cố Truyền Tin cùng sự vâng lời của Đức Maria khi nghe sứ thần truyền. Nhạc cảnh cũng diễn tả cuộc chiến đấu của của các thiên thần với ma quỷ để bảo vệ Đấng Cứu Thế cho đến khi Chúa Giêsu được Đức Mẹ hạ sinh. Qua nhạc cảnh này, Ban Tổ Chức muốn mọi người hướng lòng lên Đức Maria, người mẹ tuyệt mỹ, là gương mẫu cho các bà mẹ trên thế gian.

Sau phần cảm ơn và cầu nguyện kết thúc, các tham dự viên được mời gọi tham gia vào phần IV ngoài sảnh của hội trường với tên gọi “Gian hàng của Mẹ”, nơi đó có những gian hàng lưu niệm ghi dấu sự kiện để mọi người có thể mua về làm quà cho mẹ mình. Bên cạnh đó là gian hàng ẩm thực với những món ăn dân dã như bánh chưng, bánh tét, các loại chè… Tại sân khấu nhỏ ngoài sảnh, ảo thuật gia Z26 trình diễn những mà ảo thuật đẹp mắt, thú vị được người xem dát mắt dõi theo từng động tác. Xen lẫn vào đó là cuộc đấu giá những chiếc khăn lụa được mang về từ Rôma dành cho những người con muốn mua món quà ý nghĩa tặng cho mẹ. 

Ngày Của Mẹ kết thúc đã gợi lại trong tâm hồn mỗi người những hình ảnh rõ nét về người mẹ thân yêu của mình. Từ sự cảm nhận đó mỗi người được kêu gọi hành động để thể hiện đạo hiếu làm con trong đời sống thường như lời Chúa dạy trong Mười Điều Răn từ hơn 2.000 năm trước: “Hãy thảo kính cha mẹ”

Tạ Ân Phúc