Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới- Bài hai: SỨ MỆNH YÊU THƯƠNG
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015
BÀI HAI
SỨ MỆNH YÊU THƯƠNG
Thiên Chúa thực hiện công trình của Ngài qua chúng ta. Chúng ta có một sứ mệnh. Chúng ta đang sống trong một thế giới với một cùng đích, đó là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, và tỏ lộ tình yêu ấy cho những người khác. Thiên Chúa tìm cách cứu chữa một thế giới đã đổ vỡ. Ngài mời gọi chúng ta làm chứng và giúp thực hiện công trình ấy.
Thánh Kinh giải thích và định hình cho ý nghĩa của tình yêu
21. Lịch sử bắt đầu khi Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài. Theo dòng lịch sử, Thiên Chúa gọi và hình thành một dân tộc. Ngài ký kết một giao ước với chúng ta, đầu tiên qua dân Israel, và sau đó qua Đức Kitô và Hội thánh. Trong mối quan hệ này, Thiên Chúa dạy chúng ta biết yêu thương như Ngài đã yêu thương.
22. Nói cách khác, vì đã được tạo dựng cho hiệp thông, nên chúng ta nhận biết rằng tình yêu là sứ vụ của chúng ta. Tặng phẩm cuộc sống Chúa ban cho ta có trước và định hình cho hành động cũng như cách sống của chúng ta. Tóm lại, “cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành thước đo cho tình yêu con người”[1].
23. Để sống theo cách ấy đòi hỏi ta phải khiêm hạ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết làm cho con tim chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa và nhìn thế giới qua lăng kính của Ngài. Con đường của Chúa thì tốt đẹp hơn, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng hơn.
24. Thánh Kinh đầy dẫy những chuyện minh họa Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là một người cha nhân từ dang tay đón đứa con hoang đàng trở về và mở tiệc ăn mừng (Lc 15,11-32). Thiên Chúa là một mục tử đi tìm con chiên lạc (Lc 15,3-7). Thiên Chúa là một người mẹ an ủi vỗ về con cái mình (Is 66,13). Thiên Chúa là một người bạn dám hi sinh mạng sống mình vì bạn hữu, và biết khóc thương khi bạn hữu gặp sầu buồn (Ga 11,35). Thiên Chúa là một người thầy, dạy ta biết yêu thương và phục vụ nhau như những người lân cận (Mt 22,39). Thiên Chúa là một người làm vườn, chăm sóc chúng ta cho đến khi sinh hoa kết quả (Ga 15,1). Thiên Chúa là một ông vua mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới của con Ngài (Mt 22,1-14). Thiên Chúa nghe lời kêu van của anh mù và đã dừng lại hỏi anh: Anh muốn tôi làm gì cho anh? (Mc 10,46-52). Thiên Chúa ân cần tiếp đón, lòng đầy xót thương đối với đoàn dân Ngài đang đói khát, ban cho họ của ăn no đầy (Mt 14,13-21)[2], và hiến ban chính mình cho họ (Mt 26,16).
Hôn nhân là một hình ảnh cốt yếu trong Thánh Kinh diễn tả tình yêu Thiên Chúa
25. Tất cả những hình ảnh trên đây và nhiều hình ảnh khác nữa giúp chúng ta khám phá được chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa. Những hình ảnh ấy làm nổi bật thứ tình yêu mà chúng ta được mời gọi để làm chứng bằng cuộc sống riêng của mỗi người chúng ta. Thế nhưng, như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhận xét, có một hình ảnh cơ bản làm bối cảnh cho các tình yêu khác Thiên Chúa:
“Thiên Chúa yêu thương dân Ngài”. Thật vậy, mạc khải Thánh Kinh trên hết diễn tả một câu chuyện tình, chuyện giao ước Thiên Chúa với loài người. Đây là lý do tại sao câu chuyện đời sống và tình yêu kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong giao ước hôn nhân được Thiên Chúa sử dụng như một biểu tượng của lịch sử cứu độ[3].
26. Hình ảnh hôn nhân là trung tâm trong việc diễn tả giao ước của Thiên Chúa với dân Israel, và về sau còn với Hội thánh. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI dạy: “Hôn nhân dựa trên tình yêu độc nhất và dứt khoát trở thành biểu tượng cho tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và ngược lại cũng vậy”[4]. Giao ước của Thiên Chúa là một chủ đề trung tâm của Thánh Kinh, và hôn nhân là ẩn dụ được ưa thích nhất của Sách Thánh dùng để diễn tả tương quan của Thiên Chúa với nhân loại. Cũng những ý tưởng đó, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khi còn là Tổng giám mục Munich đã giải thích:
Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để bước vào lịch sử tình yêu với nhân loại. Ngài tạo dựng thế giới để tình yêu được hiện hữu. Phía sau điều này là những lời lẽ của Israel dẫn thẳng đến Giao ước mới …. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ để có thể trở thành một người phàm và để tuôn đổ tình yêu của Ngài trên chúng ta và để mời gọi chúng ta yêu thương đáp lại[5].
27. Hình ảnh hôn nhân đó đã bắt đầu có từ trong Cựu ước. Từ đó chúng ta được biết rằng Thiên Chúa yêu thương ta cách thân tình, dịu dàng và khát khao. “Các Tiên tri, đặc biệt là Hôsê và Êdêkiel, diễn tả niềm say mê của Thiên Chúa đối với dân Ngài, qua việc sử dụng cách bạo dạng những hình ảnh yêu đương”[6]. Trong sách tiên tri Hôsê, Thiên Chúa hứa sẽ “quyến rũ” Israel, thổ lộ “tâm tình với nàng”, cho đến khi nàng “đáp lại như buổi thanh xuân” và sẽ gọi Người: “Mình ơi” (Hs 2,16-18). Trong sách Êdêkiel, Thiên Chúa nói với Israel bằng một ngữ ảnh hết sức nhạy cảm: “Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che đậy sự trần trụi của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng, và ngươi thuộc về Ta. Ta đã lấy nước tắm rửa … rồi xức dầu thơm cho ngươi…. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu” (Ed 16,8-13)[7]. Chúng ta cũng thấy kiểu nói tương tự như thế trong sách Isaia[8], Giêrêmia[9] và Thánh vịnh[10]. Sách Diễm ca cũng lấp lánh hằng trăm bài thuyết giáo sử dụng hình ảnh hôn nhân để giải thích tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với dân Ngài.
Thánh Kinh không ủy mị nói về tình yêu hôn nhân
28. Cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Ngài có thể không vững bền. “Quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Israel được diễn tả bằng những ẩn dụ như đính hôn và kết hôn”, do đó khi dân Chúa phạm tội, tính thất thường của chúng ta trở thành một thứ tội “ngoại tình và đàng điếm”[11]. Trong sách tiên tri Hôsê, tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel đặt Ngài vào vị thế của một đức lang quân bị phản bội bởi một người vợ bất trung. Như Thiên Chúa nói với Hôsê: “Ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác” (Hs 3,1).
29. Khi dân Chúa quên đi những điều răn Ngài truyền dạy, thờ ơ đối với người nghèo sống quanh họ, tìm kiếm sự an toàn từ các quyền lực ngoại bang, hoặc xoay qua thờ lạy ngẫu thần – lúc đó là họ ngoại tình và đàng điếm, những từ ngữ thích đáng dành để diễn tả sự bất trung của họ[12].
30. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn kiên định. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây, khi suy niệm về đoạn sách Êdêkiel 16, lưu ý Thiên Chúa vẫn nói những lời yêu thương cả khi dân Israel bất trung với Ngài[13]. Israel phạm tội. Israel vô ơn. Israel đàng điếm chạy theo các ngẫu thần. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi dân đã giao ước với Ngài. Họ luôn có thể hối cải và được tha thứ. Lòng thương xót của Thiên Chúa hàm nghĩa Ngài hằng tìm kiếm điều thiện hảo cho dân Israel ngay cả khi họ trốn tránh Ngài. “Vì Đức Chúa đã gọi ngươi về, như gọi một người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn, như gọi một người vợ cưới lúc thanh xuân, bấy giờ đang bị ruồng bỏ, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp…nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót” (Is 54,6-8). Thiên Chúa vẫn nhẫn nại yêu thương dân Ngài, ngay cả khi chúng ta sa ngã phạm tội, ngay cả khi chúng ta cứ cứng lòng sống như không có Người.
31. Cách tương tự, tình yêu hay bác ái Kitô giáo sâu hơn những cảm xúc nhất thời rất nhiều. Nó gồm cả khía cạnh tình cảm và đam mê, nhưng nó cũng là một sự chọn lựa. Tình yêu là một sứ vụ chúng ta lãnh nhận, một sự sắp đặt mà ta chấp nhận, một lời kêu gọi chúng ta tự nguyện bước theo. Loại tình yêu này có những chiều kích mà ta có thể khám phá khi chịu nhượng bộ. Loại tình yêu này tìm kiếm và bước theo Thiên Chúa, mà nếu ta trung tín với giao ước của Ngài chúng ta sẽ học biết được thế nào là tình yêu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Israel để tìm một bạn tình hấp dẫn khác. Ngài cũng chẳng nản lòng khi bị khước từ. Ngài không bao giờ đổi dạ thay lòng. Ngài chỉ muốn điều tốt lành nhất, điều chân thật và điều thiện tối hậu cho dân Ngài. Và trong khi tình yêu của Ngài dành cho Israel cũng đam mê khát vọng (điều này không ai chối cãi nếu đọc các sách tiên tri) chính khía cạnh “dục tình” này trong tình yêu thần linh luôn được triển nở nhờ sự trung tín hi sinh của Thiên Chúa[14]. Tình yêu đam mê của Thiên Chúa luôn hợp nhất với lòng thương xót và kiên nhẫn của Ngài.
Hôn nhân, tình yêu và sự hy tế của Đức Kitô trên thập giá
32. Tình yêu của Thiên Chúa được đoạn 5 Thư gửi Tín hữu Êphêsô diễn tả rất sinh động, trong đó, thánh Phaolô quảng diễn hôn nhân tương tự như quan hệ giữa Chúa Kitô và Hội thánh[15]. Thánh Phaolô thúc dục người chồng và người vợ “hãy tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21). Bởi thế, hôn nhân Kitô giáo không phải là một sự thương lượng về quyền lợi và trách nhiệm, nhưng đúng hơn là một diễn tả sự tự hiến cho nhau của đôi vợ chồng. Về cơ bản nó khác xa rất nhiều thứ chủ nghĩa bình quyền thuần túy. Thánh Phaolô viết “người chồng là đầu của vợ như Chúa Kitô là đầu của Hội thánh” (Ep 5,23). Nhưng điều đó có nghĩa là gì xét theo ngữ cảnhtrong thực tế? Thánh Phaolô kêu gọi những người chồng hãy yêu thương vợ bằng một tình yêu tự hiến, phản chiếu tình yêu hiến tế của Chúa Kitô trên thập giá. Phá bỏ ý tưởng hẹp hòi “trọng nam khinh nữ” và bóc lột người phụ nữ, trái nghịch sâu xa với các luật gia đình khác của thế giới cổ đại, Thánh Phaolô dạy phải linh động theo hình ảnh Thiên Chúa: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5,25). Rút ra từ đoạn 5 của Thư Êphêsô này, Hội thánh nói về hôn nhân như là một bí tích, và kêu gọi các cặp vợ chồng hãy sống hiệp thông trong tình yêu tự hiến như hi tế thập giá.
33. Đức Giêsu giúp các Kitô hữu nói một cách xác tín về tình yêu Thiên Chúa. Người tỏ bày giao ước của Thiên Chúa cho mọi dân tộc, bằng cách hoàn tất lịch sử của Israel như là một câu chuyện phổ quát về ơn cứu độ. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu tự hiến, bởi vì, chính Người, theo sát nghĩa của từ, là [Ngôi] Lời của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Người yêu thương Hội thánh như tân nương của Người. Và chính tình yêu vô vị lợi này (được minh chứng bằng máu Người đổ ra trên thập giá) làm mẫu cho thứ tình yêu phục vụ lẫn nhau cần thiết trong mọi cuộc hôn nhân và gia đình Kitô giáo.
34. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI dạy: “Bởi chiêm ngắm cạnh nương long bị đâm thâu qua của Chúa Kitô, chúng ta có thể hiểu được làm sao … Thiên Chúa là tình yêu. Chính nơi đó sự thật này được chiêm ngắm. Và cũng phải từ đó mà chúng ta định nghĩa về tình yêu. Khi chiêm ngắm như thế, người Kitô hữu mới khám phá ra được con đường, trên đó cuộc sống và tình yêu của họ phải bước đi”[16].
35. Đối với nhiều người ngày nay, “tình yêu” chẳng qua chỉ là một cảm xúc nồng nàng hoặc một sự quyến rũ thể lý. Những yếu tố này có vai trò của nó. Nhưng tình yêu đích thực (là tình yêu biết kiên nhẫn, đi vào chiều sâu và có khả năng thỏa mãn con tim nhân loại suốt cuộc đời) lớn lên từ những gì chúng ta hiến ban cho tha nhân, chứ không phải từ những gì chúng ta chiếm hữu cho mình. Chúa Giêsu Kitô đã chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Cái khả năng từ bỏ mọi đặc quyền đặc lợi của mình mà hiến thân cho tha nhân, một điều rất nền tảng và có sức giải phóng, là sợi chỉ nối kết toàn bộ giáo huấn công giáo về hôn nhân và gia đình. Giáo huấn công giáo đích thực về hôn nhân và gia đình phân biệt rõ ràng đâu là tình yêu đích thực và đâu là tình yêu giả tạo.
36. Thánh Kinh có nhiều cách diễn tả bổ sung cho nhau và trùng lấp về tình yêu của Thiên Chúa, nhưng trong các cách đó, tình yêu dưới hình thức hôn nhân được đề cập nhiều nhất. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài (đầu tiên là với Israel sau đó là Hội thánh) thì tương tự như một cuộc hôn nhân. Cuộc hôn nhân này không phải luôn dễ dàng, nhưng tội lỗi nhân loại không bao giờ là tiếng nói cuối cùng. Sự trung tín của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết thế nào là tình yêu đích thực và sự trung tín đích thực thì biểu lộ ra như thế nào. Đức Giêsu Kitô, chào đón mọi người chúng ta bước vào làm thành viên trong gia đình Thiên Chúa, đã cho chúng ta một định nghĩa mới và bất ngờ về tình yêu, cho ta những khả năng mới để được sống sung mãn.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Tại sao tình yêu Thiên Chúa giống như một cuộc hôn nhân?
2. Cách Thiên Chúa yêu thương khác với cách thức yêu thương của con người như thế nào?
3. Tình yêu đích thật là gì và làm sao chúng ta có thể nhận ra được nó? Bạn có thể kể ra một vài điểm giống nhau và khác nhau giữa tình yêu lãng mạn theo tập tục văn hóa của bạn với tình yêu giao ước của Thiên Chúa không ?
4. Bạn có thể nhớ về một thời gian nào đó trong lúc mà tình yêu của Thiên Chúa đã giúp bạn biết cách yêu thương chân thành hơn và tốt đẹp hơn không?
[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Tđ. Deus Caritas Est (DCE) (2005), 11.
[2] Cf. thêm Mt 15,32-39; Mc 6,31-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,5-15.
[3] ĐGH Benêđictô XVI, “Bài nói chuyện với các tham dự viên tại diễn đàn của các hiệp hội gia đình”, Rôma 16/05/2008.
[4] DCE, 11.
[5] Joseph Ratzinger, In the Beginning: a Catholic understandingn of the story of creation and fall, Wm. B. Eerdmans Publishing Co., Grand Rapids, MI, 1995, 30.
[6] DCE, 9.
[7] Cf. Ed 23.
[8] Cf. Is 50,1; 54,5; 61,10; 62,5.
[9] Cf. Gr 2,2; 3,1; 3,6-12; 31,32.
[10] Cf. Tv 45.
[11] DCE, 9.
[12] Cf. Xh 34,16; Tl 2,17; Ds 15,39; và Đnl 31,16.
[13] ĐGH Phanxicô, Bài Giảng, “Thánh lễ tại Nhà Nguyện Santa Marta – Khi một tình yêu thất bại”, Osservatore Romano, 28/02/2014.
[14] DCE, 5.
[15] Ep 5,21-33.
[16] DCE, 12. Cf. Ga 19,37; và 1Ga 4,8.