Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới - Bài chín: Bản Chất Và Vai Trò Của Hội Thánh: Là Người Mẹ, Người Thầy, Gia Đình

Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới - Bài chín: Bản Chất Và Vai Trò Của Hội Thánh: Là Người Mẹ, Người Thầy, Gia Đình

Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới 

tại Philadelphia 2015

BÀI CHÍN

BẢN CHẤT VÀ VAI TRÒ CỦA HỘI THÁNH:

LÀ NGƯỜI MẸ, NGƯỜI THẦY, GIA ĐÌNH

 

Hội thánh có những hình thức cơ chế, vì Hội thánh phải hoạt động trong trần thế. Nhưng điều này không làm mất đi yếu tính của Hội thánh. Hội thánh là Tân Nương của Đức Kitô, một “ngôi vị” chứ không phải một “cái gì đó”. Theo ngôn từ của Thánh Gioan XXIII, Hội thánh là mẹ chúng ta, là thầy chúng ta, là đấng an ủi và hướng dẫn chúng ta, là gia đình đức tin của chúng ta. Ngay cả khi giáo dân và người lãnh đạo trong Hội thánh phạm tội, chúng ta vẫn cần đến sự khôn ngoan, các bí tích, sự nâng đỡ và rao giảng chân lý của Hội thánh, vì Hội thánh là chính thân mình Chúa Giêsu tại trần thế - là gia đình của dân Thiên Chúa.

Hội thánh là Mẹ chúng ta, và chúng ta là con cái của người

174. Hội thánh là Giêrusalem thượng giới, “Giêrusalem thượng giới ấy là Mẹ chúng ta”[1] (Gl 4,26). Hội thánh là người “mẹ cho chúng ta được tái sinh”[2].  Hội thánh, Tân Nương Trinh Khiết của Đức Kitô, hạ sinh những người con, nam và nữ, vốn được “sinh ra từ trên ... sinh bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,3.5).

175. “Sinh ra từ trên” nghĩa là gì? Có phải nghĩa là chúng ta không có căn tính trần thế nào hết sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội? Không, nhưng có nghĩa là “từ giếng nước rửa tội sinh ra một Dân duy nhất của Thiên Chúa của Giao Ước Mới, vượt trên tất cả mọi biên giới tự nhiên của các quốc gia, mọi nền văn hóa, mọi chủng tộc và giới tính: ‘Vì bởi cùng một Thần Khí, chúng ta hết thảy được thanh tẩy để trở nên một thân thể”[3].  Nghĩa là với tư cách là con cái của Hội thánh, chúng ta có một căn tính mới, vốn không tiêu hủy nhưng vượt trên tất cả mọi cách thức tự nhiên mà loài người dùng xây dựng căn tính của mình.

176. Là thành phần của Hội thánh, chúng ta là thành phần của “một thân thể” vốn không được xác định bởi bất kỳ phẩm chất nào của con người, như tuổi tác, quốc tịch, trí thông minh, hay bởi bất kỳ thành tựu nhân bản nào, như hiệu quả, tổ chức, hay  nhân đức luân lý. Nếu Hội thánh được xác định bởi một phẩm tính nhân phàm nào trên đây, thì chúng ta sẽ không có được sự tái sinh “từ bên trên”, nhưng chỉ là từ bên dưới này mà thôi, bởi chính bản thân mình và bởi các năng lực hạn chế của mình. Vì bất kể là chúng ta có thông minh hay đức hạnh đến đâu, vẫn chẳng có gì sánh nổi với tình yêu tuyệt hảo của Đức Kitô, và Tân Nương của Người, Giêrusalem thiên quốc, Mẹ chúng ta, tức Hội thánh. Trở nên con cái của Mẹ Hội thánh, chúng ta lãnh nhận một ân huệ, một căn tính mới trong Đức Kitô, căn tính mà chúng ta không thể tự ban cho mình được.

Hội thánh  thánh thiện như thế nào và vì sao

177. Khi chúng ta nói Hội thánh là “không tì vết”, không phải chúng ta không biết rằng tất cả mọi thành viên trong Hội thánh đều là tội nhân, vì Hội thánh “vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy”[4]. Sự thánh thiện của Hội thánh là sự thánh thiện của Chúa Kitô, Phu Quân của Hội thánh. Chính tình yêu của Đức Kitô Tân Lang, đã tạo nên Hội thánh ngay từ đầu: “Hội thánh được sinh ra trước hết là nhờ Đức Kitô tự hiến mình trọn vẹn cho chúng ta được cứu độ, được báo trước trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, và được hoàn tất trên Thập giá... Như Evà được tạo nên từ cạnh sườn Ađam đang ngủ, Hội thánh cũng được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết treo trên thập giá”[5].

178. Chúng ta có thể nói rằng Hội thánh được “thành hình” nên không phải nhờ bất kỳ sự đức độ, thánh thiện, hay thành tựu nào chúng ta có thể đạt được, nhưng là bởi chính tình yêu tự hiến của Đức Kitô. Khi chúng ta sinh ra từ Hội thánh là Mẹ chúng ta, thì chúng ta được sinh ra bởi tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu này thông ban cho Hội thánh căn tính của mình, không phải như một quốc gia hay một tập thể, hoặc một nhóm nào cấu thành bởi những con người giống những tập thể khác, nhưng như là “Tân Nương”, người “Bạn Đời”,  “một xương một thịt” của Đức Kitô, và như thế, là một Thân Mình duy nhất.

179. Tình yêu trong đó chúng ta được sinh ra trong Đức Kitô, là một tình yêu chúng ta không thể nào tự ban cho mình. Một khi được lãnh nhận, tình yêu này thanh tẩy, để cho Hội thánh, nơi từng con cái mình, luôn luôn được biến đổi trong tình yêu của Đức Kitô cho đến khi Người nên hình nên dạng trọn vẹn nơi hết thảy chúng ta. Đây là ý nghĩa của hình ảnh Hội thánh lữ hành, một Hội thánh đang “trên đường hành hương” hướng đến sự hoàn hảo chung cuộc, sự hoàn hảo trong và nhờ chính tình yêu đã định hình cho Hội thánh ngay từ đầu.

180. Cho đến lúc đó, Hội thánh sẽ thấy cuộc lữ hành của mình là một cuộc hành hương thường xuyên đi “theo con đường sám hối và canh tân”[6] và Hội thánh không thể, mà cũng không tự nhận mình toàn hảo, ngoại trừ của hồi môn của mình, là máu châu báu Chúa Kitô, tức là tình yêu của Người.

Người Công giáo có tội cũng không làm mất đi sự thánh thiện của Hội thánh

181. Hội thánh đặt nền tảng nơi Đức Kitô, nghĩa là dù có tội lỗi trong Hội thánh, thậm chí dù có tội lỗi nơi cả những thừa tác viên có chức thánh đi nữa, thì điều ấy cũng vẫn không thể vô hiệu hóa căn tính hay tính thánh thiện của Hội thánh được, vì căn tính ấy không phải từ chúng ta mà ra, nhưng là từ Đức Kitô. Trong Cựu Ước, Dân Thiên Chúa, dân Israel, đã được xác lập bởi giao ước của họ với Thiên Chúa, và dù họ có tội lỗi lớn tới mức nào cũng không thể vô hiệu hóa ơn “được tuyển chọn” đó của họ, hay căn tính là Dân Thiên Chúa mà giao ước kia ban cho. Dù họ thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Bất kỳ ai gặp gỡ họ thì luôn luôn vẫn là gặp gỡ Dân Thiên Chúa, cho dù có ai trong Dân Chúa có tội lỗi đến đâu đi nữa.

182. Sự trung thành với giao ước của Thiên Chúa cũng áp dụng cho Hội thánh. Điều kỳ diệu của Hội thánh là tình yêu của Chúa Kitô vốn xác lập nên Hội thánh không thể bị tẩy xóa bởi bất kỳ tội lỗi nào của các thành phần trong Hội thánh. Hội thánh là một xã hội hữu hình giữa trần thế, nhưng đó là một xã hội không được xác lập bởi bất kỳ điều gì “của” trần thế. Đây là vẻ đẹp tuyệt vời của Hội thánh. Chúng ta không phải chờ nhóm mười hai người toàn hảo được tạo lập trước đã rồi mới có thể  tuyên bố là chúng ta có một Hội thánh đáng tin cậy. Chúng ta không đặt đức tin của mình nơi đức hạnh hay sự toàn hảo của con người, nhưng chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta, và nhờ máu của Ngài đã làm

cho chúng ta trở nên “một giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để công bố những kỳ công của Ngài, Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Ngài” (1 Pr 2, 9).

Quyền và trách nhiệm giáo huấn của Hội thánh

183. Hội thánh, Mẹ chúng ta, khi thông truyền cho chúng ta một căn tính mới trong tình yêu và sự thánh thiện mà nhờ đó chính Hội thánh được hình thành, cũng có trách nhiệm giáo huấn chúng ta, huấn luyện chúng ta ngày càng hoàn hảo hơn trong căn tính mới mà chúng ta đã lãnh nhận, không phải từ thế gian, nhưng là “từ thượng giới”. Không một thẩm quyền thế tục nào có thể xóa bỏ chức năng này, vì căn tính mà Hội thánh nhận lãnh và thông ban, không xuất phát từ những thành tựu của thế gian, như chúng ta đã thấy, mà vượt trên các thành tựu ấy và hoàn thiện chúng. Thực ra, “bổn phận mục vụ của Huấn quyền”, hay quyền giáo huấn của Hội thánh, “có mục đích chăm lo cho dân Chúa được kiên vững trong chân lý, một chân lý có sức giải phóng”[7].

184. Huấn quyền Hội thánh phục vụ toàn thể dân Chúa qua việc gìn giữ chân lý của Tin Mừng được nguyên vẹn, cùng với tất cả các giáo huấn luân lý mạc khải, một cách minh nhiên và mặc nhiên, trong Tin Mừng, vốn nuôi dưỡng tự do con người. Những điều này bao gồm các chân lý như phẩm giá con người, sự tốt đẹp của tạo thành, sự cao trọng của đời hôn nhân, và khuynh  hướng nội tại của hôn nhân hướng đến thông hiệp yêu thương trao ban sự sống. Những chân lý này không thể bị triệt tiêu vì tội lỗi con người mắc phải chống lại phẩm giá mà các chân lý này công bố. Đúng hơn, những tội lỗi như thế lại mời gọi Hội thánh công bố những chân lý này một cách càng trung thành hơn nữa, ngay cả khi Hội thánh tìm kiếm sự đổi mới trong chính những chân lý này, và trong tình yêu mà từ đó các chân lý này xuất phát.

Các cặp vợ chồng và các gia đình làm chứng cho Hội thánh như thế nào

185. Các cặp vợ chồng Kitô hữu có vai trò then chốt trong việc công bố chính những chân lý này, sao cho thế gian thấy thuyết phục nhất, nghĩa là bằng đời sống không ngừng được biến đổi bởi tình yêu, vốn được thông

ban cho họ trong Bí tích Hôn phối và xác lập sự hiệp thông vợ chồng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả một cách đầy xúc động chứng tá đức tin mà các cặp vợ chồng Kitô hữu có thể đem lại, nhờ các ân sủng của Bí tích Hôn phối:

Các cặp vợ chồng Kitô hữu không ngây thơ; họ biết các vấn đề khó khăn và các cám dỗ trong đời sống. Nhưng họ không sợ nhận lãnh lấy trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và trước xã hội. Họ không bỏ chạy, không trốn tránh, không lẩn tránh sứ mệnh xây dựng một gia đình và sinh thành và nuôi dạy con cái. Nhưng ngày nay, lạy Cha, thực là khó khăn… Hẳn nhiên thực là khó khăn! Đó là lý do vì sao chúng con cần ân sủng Chúa, ân sủng đến từ Bí tích! Các Bí tích không phải là những thứ thêm thắt trong cuộc đời – như khi người ta nói: Một đám cưới thật đẹp thay! Một nghi lễ trang trọng thay! Một bữa tiệc tưng bừng thay!…. Nhưng đó không phải là Bí tích Hôn phối. Đó chỉ là một trang điểm cho cuộc đời! Ân sủng không phải được ban cho để trang trí cuộc đời, nhưng là để cho chúng ta được tăng cường sức mạnh trong đời sống, cho chúng ta dũng cảm bước tới! Và vì không muốn tự cô lập mình nhưng muốn luôn luôn cùng ở bên nhau, nên các Kitô hữu cử hành Bí tích Hôn phối, vì họ biết họ cần điều đó![8].

186. Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đều từng trích dẫn một đoạn trong tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi) của Đức Phaolô VI: Con người thời nay sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu người ta lắng nghe các thầy dạy, là vì đó là những chứng nhân”[9]. Đức Phanxicô mời gọi các cặp vợ chồng Kitô hữu hãy là những thầy dạy mà người thời nay muốn lắng nghe, những thầy dạy dạy bằng chứng tá, và nhờ đó gìn giữ được chân lý và thể hiện tính thuyết phục của chân lý bằng cách đón nhận sự sống mới, bằng sự nồng ấm của tình yêu thương lẫn nhau, và qua sự sẵn sàng tiếp đón tha nhân, như những ốc đảo của tình yêu thương và lòng nhân hậu, trong một nền văn hóa thường hằn dấu của thói cay độc, nhẫn tâm và hay gây nản lòng.

187. Chứng tá của các cặp vợ chồng Kitô hữu có thể đem lại ánh sáng cho một thế giới đang xem trọng hiệu năng hơn con người, và xem trọng “sở hữu” hơn “hiện hữu” – do đó, quên mất giá trị của “nhân vị” và “hiện diện” cùng nhau. Ước mong những ai kết hôn trong Chúa Kitô sẽ là những chứng tá trung tín cho tình yêu của Người, và trở nên những thầy dạy sự thật, vốn có sức thuyết phục nội tại mọi nơi mọi lúc.

188. Hội thánh là một định chế, nhưng luôn luôn còn  hơn một định chế nữa. Hội thánh là một người mẹ, một tân nương, một  thân mình, một gia đình, và một giao ước. Tất cả những ai đã được rửa tội đều là con cái của Hội thánh, nhờ Hội thánh mà các Kitô hữu có được căn tính chân thực và căn bản nhất. Cũng như tội lỗi của chúng ta không bao giờ bôi xóa được việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và là thành viên trong gia đình Thiên Chúa, thì khi người Công giáo phạm tội, điều đó cũng không bôi xóa đi được sự thánh thiện của Hội thánh. Yếu tính của Hội thánh tùy thuộc vào Chúa Giêsu, Người là nền tảng chúng ta dựa vào, nền tảng thâm sâu và bảo đảm hơn bất kỳ thành tựu nào của loài người. Cho dù có nhiều thất bại, Hội thánh vẫn không thể trốn tránh trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, và như thế, chúng ta tiến hành sứ mệnh tình yêu của Hội thánh.

 

CÂU HỎI THẢO LUẬN

a) Giao ước của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta như thế nào, ngay cả khi chúng ta phạm tội?

b) Tất mọi người đều có tội, kể cả các vị lãnh đạo Công giáo. Vậy tại sao chúng ta lại nói Hội thánh thánh thiện?

c) Chúa Giêsu muốn chúng ta làm gì khi Hội thánh không sống đúng theo chuẩn mực của Người?

d) Tại sao Chúa Giêsu yêu thương Hội thánh? Hội thánh có gì khiến Người hài lòng? Và điều gì khiến Người thất vọng?



[1] Cf. GLHTCG, 757.

[2] GLHTCG, 169.

[3] GLHTCG, 1267. Cf. 1Cr 12,13.

[4] LG, 8; GLHTCG, 827.

[5] GLHTCG, 766.

[6] LG, 8; GLHTCG, 827.

[7] GLHTCG, 890.

[8] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Với những người tham dự trong cuộc hành hương của các gia đình trong Năm Đức Tin”, Vatican City, 26.10.2013.

[9] EN,41.