Gia trưởng và việc học của con

Gia trưởng và việc học của con

 

GIA TRƯỞNG & VIỆC HỌC CỦA CON
 
Lại một năm học nữa sắp bắt đầu. Khi thấy con cái chuẩn bị sách vở, đồ dùng cho niên học mới; mỗi người trong chúng ta đều bồi hồi nhớ lại câu văn mượt mà tình cảm của nhà văn Thanh Tịnh viết về ngày đầu tiên đến trường: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Ký ức về ngày xưa thân yêu nơi mái trường có thầy có bạn, nơi việc học hành của mình chất chồng bao công sức của mẹ cha sẽ giúp cho mỗi gia trưởng chúng ta biết phải làm gì cho việc học tập của con cái mình được tiến triển tốt đẹp nhất.
 
1.      Xác định tầm quan trọng của việc học trong tương lai đời con

Có một bức thư nổi tiếng mà người ta cho rằng của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã viết cho thầy giáo của con mình, trong đó có đoạn: “Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán trí tuệ và cơ bắp cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình… Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… Con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời”. Đó là tâm sự của một người cha thấy được rất rõ tầm quan trọng của việc học trong đời con.
 
Một điều ai cũng dễ dàng nhận thấy, xã hội ngày càng tiến bộ, con người càng cần phải học hỏi để theo kịp với đà tiến xã hội. Quá trình con cái chúng ta hôm nay rèn luyện dưới mái trường sẽ là hành trang quý báu để sau này có thể vừa thăng tiến bản thân vừa phục vụ cách hữu hiệu cho tha nhân và xã hội. Dẫu biết rằng thời gian qua, nền giáo dục của Việt Nam còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết và lúng túng cả về nội dung chương trình lẫn phương pháp giáo dục. Song không vì thế mà con cái chúng ta không đi học, bởi sự học luôn luôn là điều kiện cần và không bao giờ thừa trong giá trị của đời người. Quãng thời niên thiếu là thời gian lý tưởng nhất để con người chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện nhân cách. Mất đi giai đoạn này, đồng nghĩa đã bỏ phí một cơ hội bằng vàng mà không dễ gì lấy lại được.
 
Do vậy, cần khuyến khích con cái học tập, chỉ cho con thấy tầm quan trọng và giá trị của việc học, đừng vì sự nông nổi nhất thời của con mà cho con nghỉ học giữa chừng. Ở vùng nông thôn, nhiều khi trước áp lực của vấn đề kinh tế, nhiều bậc cha mẹ đã sẵn sàng để cho con mình tự quyết định học nữa hay thôi. Đa phần trong những trường hợp này, con cái đã chọn nghỉ học, dù rằng mới chỉ là trình độ lớp 6, lớp 7.
 
2.      Tạo điều kiện thuận lợi cho con cái học tập

Việc học thực sự không hề đơn giản. Việc học thời nay càng khó khăn hơn thời kỳ chúng ta là học sinh. Nhớ lại thời xưa, người học sinh như chúng ta chỉ dựa vào nguồn tài liệu chủ yếu là sách vở và thông qua kiến thức được truyền thụ từ thầy. Còn bây giờ, con cái chúng ta có rất nhiều con dường đề tiếp cận tri thức: sách vở, băng đĩa, phim ảnh, và đặc biệt là từ internet. Con đường ấy càng như gian nan phức tạp hơn khi bên cạnh có muôn vàn lôi kéo: các trò chơi điện tử đầy kích thích; các thú vui bệnh hoạn với thuốc lắc, chất kích thích; đua đòi ăn diện, yêu đương… Bởi vậy, bậc làm cha mẹ như chúng ta, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho con cái học tập một cách hiệu quả nhất:
 
-     Trang bị cho con đầy đủ sách vở thiết yếu để cho con học tập. Và phải kiểm soát được nội dung những sách vở ấy là kiến thức văn hoá và mang nội dung lành mạnh. Dứt khoát không để con tiếp cận với những sách báo có nội dung nhảm nhí, mê tín, tục tĩu.
 
-     Đừng ngần ngại mua máy vi tính và kết nối internet cho con học tập. Có điều cần tham khảo ý kiến với những người hiểu biết để cài đặt hệ thống tường lửa ngăn chặn những trang web xấu, đặt máy tính ở nơi có thể dễ dàng kiểm soát chứ không nên bỏ trong phòng riêng của con cái, ấn định thời gian truy cập…
 
-     Hướng dẫn con lên một thời gian biểu học tập một cách khoa học, để con cái chủ động học tập mà không đợi phải nhắc nhở.
 
-     Bố trí phòng học của con biệt lập với phòng khách, phòng sinh hoạt chung của gia đình. Khi con ngồi vào bàn học, mọi sinh hoạt khác của gia đình cần tránh làm ảnh hưởng đến con: tắt hoặc mở tivi vừa đủ nghe, không sai vặt lúc con đang học…
 
3.      Quan tâm đến con bằng tình yêu thương và trách nhiệm

Con cái dẫu lớn lên về thể xác nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn chín chắn, trưởng thành. Bậc cha mẹ chúng ta không thể đơn giản hóa vấn đề quan tâm quanh việc đáp ứng tiền bạc đầy đủ khi con cần là xong. Qua báo chí, nhiều bậc cha mẹ đã phải chảy nước mắt trong ân hận và chua xót khi gom góp tiền bạc cho con lên thành phố học, để rồi ngày con trở về thân tàn ma dại vì vướng vào xì ke ma túy, học hành dở dang. Tiền bạc của cha mẹ gửi lên thay vì dùng cho việc học, con đã dùng để ăn chơi mà cha mẹ nào hay. Do vậy, bên cạnh việc chu cấp tiền bạc, cha mẹ cần quan tâm đến con bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm:
 
-     Chỗ con trọ học hoặc là ký túc xá của trường hoặc phải là nơi có người uy tín quan tâm theo dõi và quản lý. Dứt khoát không để con vào nơi ở mà xung quanh đầy những ổ tệ nạn.
 
-     Dành thời gian đến thăm nơi con ăn ở và học tập, thường xuyên liên lạc để nắm bắt thông tin kịp thời.
 
-     Không để con xa nhà quá lâu, buộc con cái theo định kỳ phải trở về gia đình để duy trì sợi dây tình cảm và để mọi người có thể nhận ra những thay đổi bất thường nếu có nơi con.
 
4.      Việc học của con không thể tách rời với đời sống tôn giáo

Tùy theo từng độ tuổi, con cái chúng ta lớn lên theo những tri thức nhân loại qua việc học văn hóa ; đồng thời, với trách nhiệm, ta cũng phải chu toàn cho con cái lớn lên trong đức tin Kitô giáo. Các lớp giáo lý Xưng tội, Thêm sức, Sống đạo, Vào đời, Hôn nhân… không thể để bỏ qua. Khi con cái còn nhỏ, ở bên cạnh cha mẹ, thì quan tâm nhắc nhở con cái đến với giáo xứ để học hỏi giáo lý. Khi con rời gia đình đi học cao hơn nơi thành phố, cần buộc con sinh hoạt nơi giáo xứ mình trọ học. Bởi con là một phần tử của Giáo hội mà cha mẹ có trách nhiệm trước mặt Chúa không thể phút giây nào để mối dây hiệp nhất ấy nơi con bị cắt rời.
 
Khi ngày khai giảng của con cái gần kề, hãy hướng con mình tâm tình đến với chúa Giêsu, để con biết dâng chính con và việc học của con cho sự bảo bọc chở che và soi sáng của Thiên Chúa. Bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì ” (Ga 15,5). Trong mọi sự, cách riêng trong việc học, chỉ khi con cái chúng ta biết cậy trông vào Thiên Chúa, thì việc học ấy mới có thể hy vọng trổ sinh một kết quả tốt đẹp trong tương lai.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)
 
UBMV Gia Đình / HĐGMVN