Gia trưởng và niềm tin

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 7 -2010

GIA TRƯỞNG VÀ NIỀM TIN
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Niềm tin thực sự cần thiết trong đời người. Người lính ra trận mang theo niềm tin về một tương lai hòa bình được trở về mái ấm thân thương, người nông dân một nắng hai sương trên đồng mang một niềm tin về mùa màng bội thu, vị bác sĩ tay cầm lưỡi dao phẫu thuật có niềm tin sẽ cứu sống một con người, nhà khoa học miệt mài thí nghiệm với niềm tin vào một ngày thành công, … Niềm tin khiến cho đời người có được một cuộc sống ý nghĩa.
 
Trước sân một ngôi Thánh đường thuộc giáo phận Xuân Lộc có ba câu hỏi viết trên ba cột đá, đặt ngay cạnh lối đi, như chất vấn mọi ánh nhìn của người đi ngang :
-      Ai sinh ra ta ?
-      Sống để làm gì ?
-      Chết đi về đâu ?
 
Những câu hỏi mà sự trả lời đòi hỏi không chỉ bằng ngôn ngữ thông thường, mà bằng chính niềm tin của người Kitô hữu.
 
1.      Niềm tin : Khởi đi từ truyền thống gia đình
 
Sau ngày chào đời, cha mẹ mang ta đến nhà thờ để được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, chính thức gia nhập ta vào cộng đoàn Hội Thánh. Khi ấy, ta ngủ yên lành trong vòng tay người thân, niềm tin của ta về Thiên Chúa đã được cha mẹ và người đỡ đầu tuyên xưng giúp. Ta nghiễm nhiên có được hạnh phúc của ơn cứu độ mà Thiên Chúa đổ tràn trên ta qua truyền thống tôn giáo của ông bà, cha mẹ. Rồi những năm tháng tiếp theo, ta được đào luyện để lớn lên trong mái ấm gia đình – một chủng viện sơ khai – giúp ta hình thành niềm tin tôn giáo. Thật nhẹ nhàng và tự nhiên, môi trường tôn giáo của gia đình và giáo xứ đã làm bén rễ trong ta một đức tin khó phai mờ trong ký ức đời người. Nghĩ lại mà xem, mỗi gia trưởng chúng ta đây vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của mình về ngày đầu tiên đến với tòa giải tội, ngày đầu đón nhận Bí tích Thánh Thể và ngày lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Đây là một hạnh phúc của đời ta mà những anh em dự tòng không có được. Đừng xem thường niềm tin trong giai đoạn này của đời người. Thiên Chúa đã rất yêu quý và thường tỏ mình ra cho những tâm hồn đơn sơ thánh thiện ấy : Tiếng gọi “Samuel” giữa đêm khuya trong thời Cựu ước, hạnh phúc được diện kiến Mẹ Thiên Chúa của ba trẻ nhỏ miền Fatima, câu nói sắt son “Thà chết chẳng thà phạm tội” của thánh Đaminh Saviô, … đã chẳng phải là những minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của niềm tin thời thơ ấu đó sao ?
 
Ngay cả trong đời ta, đã có bao lần ta quỳ gối trước Nhà tạm, thân thưa cùng Thiên Chúa những tâm tình ngây ngô mà dễ thương đến lạ kỳ : “ Lạy Chúa, mẹ con ốm mấy ngày rồi, xin Chúa cho mẹ con khỏi bệnh. Lạy Chúa, con mèo nhà con nó đi lạc từ hôm qua đến giờ không về, xin Chúa đừng để ai ăn thịt nó, để nó về với con. Lạy Chúa, xin cho con thi đậu, xin cho bạn X bạn Y đừng giận mà nghỉ chơi với con, …” Thiên Chúa đã lắng nghe tất cả những lời cầu xin của nhân loại, trong đó Ngài cũng rất chăm chú lắng nghe những lời thỏ thẻ từ miệng con trẻ thốt ra.
 
Hiểu được như vậy, để mỗi chúng ta biết tạ ơn Thiên Chúa đã cho ta sinh ra trong gia đình có đạo, biết cảm ơn cha mẹ đã dẫn dắt ta đến với Thiên Chúa ngay từ những ngày thơ dại, và từ đó ta biết phải làm gì để con cái chúng ta cũng có được niềm hạnh phúc ngọt ngào như vậy trong đời.
 
2.      Niềm tin : Đào luyện trong sóng gió cuộc đời.
 
Chúng ta lớn lên trong đời, trí tuệ mở mang, lòng đầy nhiệt huyết sức trẻ, niềm tin có cơ hội được thử thách. Mỗi chúng ta bắt đầu hành trình tự mình khám phá để xác tín rằng :” Tôi tin, không chỉ vì cha ông tôi đã tin, mà còn vì chính tôi không thể nào không tin”. Nhưng để có được một niềm tin sắt son ấy, chúng ta đã phải trải qua nhiều gian nan thử thách, niềm tin nhiều phen phải đối mặt với sóng gió cuộc đời.
 
a.      Sao lại trao gởi niềm tin vào tạo vật ?
 
Có trình độ hiểu biết, ta tin vào bằng chứng khoa học, tin vào những lập luận sắc bén của ngôn ngữ con người. Ta dùng thứ ánh sáng khoa học trần gian để rọi vào từng ngõ ngách của niềm tin và rồi chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong đời mình. Nói là ta tin vào chính ta, nhưng thực ra là đang tin vào những gì thuộc về tạo vật :
 
- Ta tin vào sứ mạnh vạn năng của đồng tiền, để rồi cả đời say sưa trong hành trình kiếm tiền làm giàu, trăm ngàn lời cầu nguyện không bằng một tờ giấy bạc. Ta xa dần với thánh lễ, với nhà thờ và đổi lại ta sống chết với những hợp đồng làm ăn béo bở, dành trọn tâm trí và sức lực cho khát vọng làm giàu. Hai tiếng “Thiên Chúa” bị lu mờ và chìm nghỉm đâu đó trong cõi xa xăm của miền ký ức. Đau lòng hơn, ta dạy cho con cái điều sai lầm ấy. Ta khiến con mình không tin vào ‘ân nghĩa” là có thật trên đời, mọi mối quan hệ đều do đồng tiền quyết định. Ta dùng tiền sửa điểm cho con lên lớp, dùng tiền để mua bằng cấp, để chạy chọt khi con đối diện với án tù. Chính đồng tiền trong tay những người như ta đã góp phần làm tha hóa môi trường sống.
 
- Ta tin vào sức mạnh của quyền lực, để rồi quyết sống để cầu danh vọng. Thảm trạng đời sống cho ta một trải nghiệm sai lệch : có quyền lực, người ta muốn làm gì cũng được, có thể buộc người khác phải làm theo ý mình. Bởi vậy, ta sẵn sàng đạp lên người khác để leo lên từng nấc thang quyền lực. Thiên Chúa khi ấy chỉ còn là một mỹ từ từng có trong đời, còn bây giờ ta mới thực sự là “cánh tay của Chúa” (sic). Tất nhiên, con cái ta khi ấy sẽ học được một bài học buồn : Quyền lực chính là Chúa. Những “cậu ấm cô chiêu” này ra đời coi trời bằng vung, vì chúng ngầm hiểu rằng trời ở đây chính là cha của chúng. Chúng sẽ được bảo kê cho mọi hành vi xấu xa và sẽ thoát hiểm cách an toàn mỗi khi gặp nguy biến. Nhưng ở đời, liệu có mãi thế được chăng ?
 
b. Rối loạn niềm tin :
 
Chẳng may gặp nhiều thất bại trong đời, mọi lời cầu xin dường như không thấu đến tai Thiên Chúa, ta bắt đầu hoài nghi rằng liệu Thiên Chúa có thật là Đấng duy nhất phải tôn thờ ? Biểu hiện của sự rối loạn niềm tin nơi người Công giáo thật đau lòng. Niềm tin xáo trộn, ta khi ấy đặt cược cuộc đời mình vào những điều nhảm nhí, vu vơ. Nghe đồn nơi này nơi khác có nước thánh nước thiêng, ta ùn ùn kéo đến lấy về cầu phúc, ta vái tứ phương, ta cầu mọi thần thánh, làm bất cứ điều gì cũng phải coi ngày, phải xem bói mới được an tâm. Thiên Chúa khi ấy chẳng bằng lời phán bảo xằng xiên của một người trần mắt thịt nào đó mà chính ta tự phong họ lên hàng thần thánh. Vẫn đi nhà thờ, vẫn mở miệng xuýt xoa “Lạy Chúa tôi” nhưng lại tin người nhà mình bị bùa ngải. Bàn thờ Chúa trong gia đình vẫn uy nghi trên cao, nhưng bên dưới pháp sư được mời về đang úm ba la trừ ma trừ quỷ, vẫn cứ tròn xoe mắt tin như sấm khi “thấy” thầy bùa lấy ra từ người mình cả đống đinh rỉ sét (!) Trăm phần là lừa đảo, nhưng ta u mê chẳng thể nhận ra, lại như cánh thiêu thân cứ nhắm mắt lao vào cho đến khi tiền mất tật mang. Con nhà có đạo chỉ còn danh mà không có thực, có việc vào cha sở thì nhận mình là người Công giáo, nhưng ghi lý lịch cho con ở ngoài trường học hoặc khi xin việc thì đến mục tôn giáo lại sẵn sàng viết vào chữ “Không”. Sự chối Chúa không bằng lời nhưng bằng chữ viết này nào có khác gì thời xưa vì sợ đao kề cổ mà sẵn sàng quá khóa.
 
Đời sống đức tin của người Công giáo nào rơi vào những thảm trạng nêu trên thì thật đáng buồn trách. Song, mỗi gia trưởng chúng ta đây đều tin rằng đó chỉ là thiểu số. Còn hầu hết, niềm tin của chúng ta đã và đang kiên vững vượt qua mọi sóng gió cuộc đời. Nhờ ơn Thiên Chúa nâng đỡ, ta nhận ra tạo vật không phải và không thể là chỗ dựa của niềm tin. Tiền của có nhiều đến đâu cũng không mua được bình an và hạnh phúc, duy chỉ có Thiên Chúa mới có thể đem lại cho ta điều ấy mà thôi. Quyền lực có đến tột đỉnh như hôn quân bạo chúa ngày xưa, thì ngay cả trên đỉnh quyền lực cũng tràn ngập sự sợ hãi cô đơn và rồi cũng đến ngày sụp đổ mọi quyền uy. Trao gửi niềm tin vào bói toán bùa chú chỉ làm cho con người trở nên nhát đảm và càng thất bại hơn giữa cuộc đời.
 
3.      Sống chết cho một niềm tin
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Mỗi lần đọc kinh Tin kính, ta mở miệng thốt lên “Tôi tin ”. Lời tuyên xưng ấy phải được thốt ra trong hân hoan hạnh phúc giữa đời sống lữ hành. Bởi vì, niềm tin ấy như ngọn hải đăng soi sáng một hướng đi cho con thuyền đời người đang lênh đênh muôn trùng sóng gió giữa đêm đen ; niềm tin ấy như vầng Thái dương xua đi bóng đêm, đem lại sự sống cho đời người. Có được Đức Tin ấy là do ơn Chúa ban cho kể từ khi cha mẹ đưa ta đến nhà thờ tuyên xưng thay ta, và Đức Tin ấy tiếp tục được nuôi duỡng, được đào luyện trong hành trình đời người. Ở đời có thành quả nào không trải qua gian nan. Hạt giống Đức Tin cũng vậy, chỉ khi trải qua những thử thách và cám dỗ mới có thể cứng cáp vươn lên. Thử thách đến từ Thánh ý Thiên Chúa, còn cám dỗ là do tà dục và quỷ ma. Nhưng mọi thành công khi vượt qua thử thách hay cám dỗ đều vinh quang và đẹp lòng Chúa.
 
Không chỉ vững vàng vươn lên, cây Đức Tin còn đòi hỏi phải sinh hoa kết trái. Khi tuyên xưng “Tôi tin ”, người Công giáo còn cần phải biết sống và dám chết cho niềm tin ấy. Nghĩa là, trong đời sống gia đình, với tha nhân và với Giáo hội, mỗi người chúng ta phải thực trở thành những chứng nhân sống động của niềm tin. Chỉ khi ấy, ta mới thực sự trả lời được ba câu hỏi viết trên ba cột đá, đặt ngay cạnh lối đi nơi một nhà thờ đã đề cập lúc mở đầu :
-      Ai sinh ra ta ?
-      Sống để làm gì ?
-      Chết đi về đâu ?
 
Câu trả lời nằm trong hai chữ “Niềm tin”
     
 
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
 
UBMV Gia Đình