Gia trưởng và niềm hân hoan phục sinh

Gia trưởng và niềm hân hoan phục sinh

 

 ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 5 :

                  GIA TRƯỞNG & NIỀM HOAN CA PHỤC SINH
          Kính thưa quý gia trưởng !
Chúng ta đang sống trong những ngày thánh thiêng của tuần bát nhật Phục Sinh với tâm tình hân hoan và cảm tạ. Trong một buổi tĩnh tâm, chúng tôi đã được nghe một linh mục trình bày rất thú vị về tính chất của ngọn nến : Nến thì sáng, nóng ấm và cho đi. Với phương châm chuyện hay thì nên phổ biến cho nhiều người cùng nghe, Ban Đặc Trách Gia Trưởng giáo phận Xuân Lộc cùng chia sẻ với quý vị mối liên hệ giữa ngọn nến với người cha trong gia đình bằng tâm tình của niềm hoan ca Phục Sinh :
 
1. Ngọn nến sáng.
Cây nến có mặt trên đời với mục đích duy nhất là để thắp sáng. Trong đêm tối, khi ánh nến được thắp lên, mọi sự có thể nhìn thấy dễ dàng hơn, mọi hoạt động cũng được thuận lợi hơn. Không có ánh sáng, mọi đôi mắt cũng trở thành vô dụng. Nhân loại trước khi Chúa đến là một nhân loại mù lòa vì đi trong tăm tối của tội lỗi. Chúa Giêsu đã xuống trần gian trong vai trò của một ngọn nến thần thiêng. Và nhờ có ánh sáng ấy, nhân loại mới nhìn ra hướng đi của cuộc đời mình và đến được bến bờ hạnh phúc.
Ngọn nến sáng Giêsu soi vào lòng mỗi gia trưởng chúng ta một tâm tình cháy sáng. Qua Bí tích Hôn phối, Thiên Chúa đã yêu thương và trao cho ta một mái ấm gia đình, nơi ấy có người vợ thủy chung và những người con yêu dấu. Và Thiên Chúa đòi buộc người chồng, người cha nơi mỗi chúng ta phải trở nên ngọn nến sáng trong chính gia đình mình. Ngọn nến ấy trước hết được cháy lên bằng gương sáng đạo đức của chính mình. Nó sẽ luôn cháy sáng mỗi khi ta nêu gương sống đạo đức trước con cái, mỗi khi ta gìn giữ gia đình trong sự trung tín với Đức Tin, và mỗi khi ta lấy ngọn nến Giêsu làm ngọn nguồn cho sự cháy sáng của đời mình.
Tiếc thay, nền văn minh hưởng thụ hôm nay đã rất nhiều khi thổi tắt đi ngọn nến gương mẫu nơi mỗi người cha trong chúng ta. Nó lụi tắt nơi những sòng bài mà ta dại dột thiêu đốt công khó lao nhọc của cả gia đình trong một vụ mùa ; nó lụi tàn nơi những bước chân lầm lạc tìm đến phố “đèn mờ” ; nó tắt ngấm khi việc giữ đạo của ta chỉ còn là hình thức. Nến nếu không thể thắp sáng sẽ không còn là nến, người gia trưởng liệu có còn xứng đáng với vai trò của mình nếu không được sáng lên từ trong chính gia đình ?
 
2. Ngọn nến nóng ấm.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu chết và sống lại để hoàn thành công trình cứu độ. Không vì con người, sẽ không có Thiên Chúa Giáng Thế, Tử nạn và Phục Sinh. Trước khi có biến cố Phục Sinh, lịch sử nhân loại chỉ là những trang sử buồn. Nhưng, Thiên Chúa Phục Sinh đã thổi một nguồn sống, một niềm hoan ca vào trong lịch sử, mở ra những trang rạng ngời niềm vui. Do vậy, ngọn nến Phục Sinh còn là ngọn nến của một tình yêu nồng ấm mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Như ánh nến khi thắp lên, ánh sáng không chỉ xua đi bóng tối mà còn lan tỏa hơi ấm và niềm vui. Ngọn nến Phục Sinh ấm áp tình yêu thương ấy chỉ dạy cho mỗi gia trưởng chúng ta cũng phải trở nên một ngọn nến nóng ấm trong gia đình : Là chồng, phải yêu thương và chung thủy với vợ mình ; là cha, phải yêu thương và có trách nhiệm trước con cái. Đó không chỉ là lẽ tự nhiên mà còn là mệnh lệnh từ Bí tích Hôn phối mà Thiên Chúa đòi buộc ta phải nghiêm chỉnh thực thi. 
Đáng sợ hiện nay là tình trạng vợ chồng chỉ “cùng nhau lúc gian khó” mà “chẳng cùng nhau lúc thênh thang”. Những lúc kinh tế gia đình eo hẹp nhất, những lúc con người có thể yếu lòng nhất để đi theo tiếng gọi khác, thì vợ chồng lại thắm thiết yêu nhau, nương tựa vào nhau để cùng xây đắp gia đình. Nhưng khi tiền của dư đầy, vị thế xã hội được khẳng định, có những người chồng lại chỉ nhìn thấy vợ mình già nua quê kệch ; để rồi lúc đầu còn lén lút, sau đó công khai đi lại với những người con gái trẻ trung xuân sắc hơn, bất chấp ánh mắt đau đớn của người vợ và những cái nhìn khinh lờn của con cái.
Ngẫm lại, ai cũng có một thời trẻ tuổi, một thời xuân sắc. Và hai người trở thành vợ chồng ở cái thời trẻ trung xuân sắc nhất của đời mình, với nguyện ước chung thủy sắt son cùng nhau đến suốt đời, và chỉ cái chết mới có thể chia lìa tình yêu ấy. Những lễ gỗ, lễ bạc, lễ vàng, lễ kim khánh, ngân khánh của các đôi hôn phối là những cách thể hiện bằng chứng tình yêu của họ giữa sóng gió cuộc đời, vẫn mãi nồng ấm một tình yêu chung thủy. Thời gian có thể lấy đi vẻ xuân sắc của con người, nhưng không lấy được vẻ đẹp tâm hồn, một giá trị vững bền của hôn nhân. Soi vào ngọn nến Phục Sinh chan chứa yêu thương, để mỗi gia trưởng chúng ta biết cách làm nồng ấm ngọn nến tình yêu của đời mình.
 
3. Ngọn nến cho đi.
Và, khi ngọn nến được thắp lên, cũng là lúc cây nến bắt đầu quá trình hao mòn. Cây nến vô tư trao tặng cho đời ánh sáng và sự ấm áp của nó cho đến tận cùng mới thôi. Ngọn nến Phục Sinh là một ngọn nến cho đi, Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại, chỉ vì Yêu. Ngài đã đóng đinh tội lỗi và sự hư nát của nhân loại vào thập giá, để phục sinh nhân loại trong ân sủng và sự sống đời đời. 
Nhìn vào ý nghĩa ấy, người gia trưởng cũng phải trở nên một ngọn nến cho đi vì hạnh phúc của gia đình. Sự lao nhọc trong công việc mưu sinh, gánh nặng nuôi dạy con cái không hề vô ích. Đó chính là sự cho đi, một hành trình cùng Chúa lên núi Sọ để đóng đinh những cay đắng nhọc nhằn đời sống vào thập giá, và nhận được sự phục sinh huy hoàng bằng niềm an vui hạnh phúc của mọi thành viên trong mái ấm gia đình.
Làm sao có thể tìm được niềm hoan ca phục sinh khi người chồng, người cha trong gia đình chỉ biết sống cho mình. Ngọn nến không cho đi là một ngọn nến tắt. Một gia trưởng không biết cho đi vì hạnh phúc gia đình chính là một người chồng ích kỷ. Thái độ sống mặc kệ người bạn đời vất vả nhọc nhằn, bỏ mặc con cái sinh ra không quan tâm giáo dục, dùng thời gian trong ngày để bê tha nhậu nhẹt, cờ bạc, trác táng, … chính là hành trình tự hủy diệt, không thể có niềm hy vọng được phục sinh.
Chúa đã phán : “Hạt giống mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi thì sẽ trổ sinh nhiều bông hạt khác”. Chính Chúa đã là một ngọn nến cho đi đến tận cùng vì Yêu ; và chính nhờ sự cho đi ấy, hàng triệu triệu những ngọn nến khác đã được thắp lên giữa đời.
 
Allêluia !
Hạnh phúc cho chúng ta khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa Phục Sinh. Bởi vì, chỉ từ nơi Ngài, con người mới có thể đi qua cái chết mà vào chốn trường sinh. Đi theo Ngài, là đặt đời mình trong sự dẫn dắt của Chúa, biết biến cuộc đời mình thành một ngọn nến phục sinh mới : tỏa sáng, nóng ấm và cho đi đến tận cùng.
* Cùng suy tư :
        Tạ ơn Chúa Phục Sinh vì Ngài là ngọn nến thần thiêng đã thắp sáng đời con. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết thắp lên trong lòng mình một ngọn nến tình yêu.
                                        BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
                                                 GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.