Gia trưởng và ngày của Mẹ

Gia trưởng và ngày của Mẹ

 

 

 
ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 5 - 2010

GIA TRƯỞNG & NGÀY CỦA MẸ
 
Kính thưa quý gia trưởng !

Tháng 5 về với vòng quay đất trời như một điệp khúc thường niên. Giáo hội dành trọn tháng 5 để tôn vinh Mẹ Maria. Tháng 5 - tháng của mùa hoa - tháng của những bông hoa con thảo dâng lên người Mẹ Vinh Quang, người đã cùng Người Con yêu dấu của mình, dang cánh tay cứu vớt cả nhân trần.

Hàng năm cứ vào Chúa nhật thứ 2 trong tháng 5 người ta Chọn là “Ngày Của Mẹ”(Mother Day). Khi nhìn ngắm tấm gương Mẹ Maria, mỗi gia trưởng chúng ta cùng dành thời gian nghĩ về người mẹ của chính mình. Cuộc sống hôm nay với muôn vàn tác động nhiễu nhương đã khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch tình cảm. Và bi kịch của mọi bi kịch chính là khi con cái lỗi đạo hiếu với cha mẹ của mình.

A. Một vài nguyên nhân khiến cho bậc làm con xúc phạm tới mẹ mình.
  1. Cho mẹ là nguyên cớ cho xung đột vợ chồng.
Lớn lên, có gia đình riêng, nhiều cặp vợ chồng trẻ thường muốn có một tổ ấm của riêng mình. Song truyền thống Á Đông vẫn còn duy trì tình trạng nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà. Từ đó, mối quan hệ căng thẳng mẹ chồng - nàng dâu nghe xưa như trái đất ấy vẫn ngày ngày diễn ra, với cả nghìn lẻ một lý do. Không biết cách dung hòa, người chồng đẩy mẹ và vợ vào hai thái cực, cho đến lúc xung đột vợ chồng nổ ra. Không biết cách giải quyết, con cái đổ thừa cho mẹ, xem mẹ là nguyên nhân của sự bất hòa trong gia đình.
  1. Cho mẹ là của nợ không thể trút bỏ cho ai.
Khi không còn khả năng lao động để tạo ra của cải, người già khi ấy dễ bị tổn thương nhất. Bao nhiêu của cải chắt chiu dành dụm một đời đã chia hết cho các con, và bây giờ là lúc sống dựa vào con cái. Nhưng con cái nhiều khi không nhìn ra bổn phận của mình. Một người mẹ đông con có thể trở thành khách du lịch bất đắc dĩ khi luân phiên chuyển đến ở nhờ mỗi con. Cảnh đời trớ trêu khiến người xưa từng thốt lên rằng : “Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ”. Còn khi là con một, gánh nặng mẹ già không thể chia sẻ cho ai, kèm thêm mẹ thường xuyên đau yếu cần người hầu hạ, con cái dễ cho mẹ là món nợ, là gánh nặng nhọc nhằn không biết trút bỏ cho ai.
  1. Cho mẹ là “tai vách” miễn phí của hàng xóm.
Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Chuyện không hay trong gia đình, chẳng hiểu sao người ngoài biết được. Vậy là mọi ánh mắt đổ dồn về mẹ. Có thể mẹ vô tình, có thể mẹ vô can. Nhưng con cháu cứ nhất nhất là do bà, do mẹ. Mẹ tủi thân và cô độc giữa một gia đình đông đúc.

B. Lòng mẹ bao la:

1. Khi ta còn thơ ấu :

Lúc ấy, ta còn chưa biết gì. Mẹ cưu mang một mầm sống trong lòng. Một cơ thể khác đang lớn dần lên trong lòng mẹ, gây cho mẹ nhiều khó chịu. Chín tháng mười ngày với bao nhiêu nhọc mệt, mẹ sống vì ước mơ cho ngày con mạnh khỏe chào đời. Mẹ vui và chấp nhận chịu đựng nhọc nhằn kỳ thai nghén : thường xuyên nôn ọe, thân nhiệt cứ hầm hập như người bị sốt,… Nếu chẳng may vấp té, phần thân thể duy nhất mẹ vòng tay lại che chắn chính là cung lòng Mẹ, nơi đang ủ ấp đứa con yêu. Ngày sinh con, mẹ một mình vượt cạn. Chính trong giây phút banh da xẻ thịt cận kề với cái chết, con được sinh ra. Mẹ là người đã thay mặt Thiên Chúa hoàn thành công đoạn cuối cùng của việc tạo dựng một con người mới. Con đã là một thực thể sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, có sự cộng tác của mẹ.

Tuổi thơ măng sữa, con cần có mẹ dường nào. Dòng sữa ngọt ngào, lời ru êm ái, con êm đềm với giấc ngủ thiên thần khi có mẹ ở bên. Con khỏe mạnh, mẹ thức đến khuya ; con đau ốm, mẹ thức cho đến sáng. Con chập chững bước đi, mẹ trầm trồ khích lệ ; con bập bẹ nói, mẹ vỗ tay tán thưởng. Tuổi thơ con trẻ vụng dại nô đùa, đêm về mẹ lặng lẽ khâu từng mụn vá cho con manh áo lành lặn ngày mai. Lòng mẹ nghiễm nhiên đã trở thành nơi trú ẩn yên bình nhất của đời con.

Là con nhà có Đạo, con được mẹ bao lần dẫn đến Nhà Thờ, mẹ tập cho con bước đầu gặp Chúa. Mẹ dạy làm Dấu Thánh, dạy đọc kinh, dạy đứng ngồi quỳ sao cho đúng phép tắc khi ở trong Nhà Thờ. Mẹ luôn có mặt bên con trong mọi Bí tích đầu đời mà con lãnh nhận. Là trách nhiệm, nhưng trên hết vẫn là tình yêu, mẹ muốn con của mẹ có được hạnh phúc của người biết và tin Chúa, như chính đời mẹ đã có được hạnh phúc ấy từ tình yêu của bà.

Để đáp ứng nhu cầu ăn-học của con, mẹ âm thầm tự nguyện hy sinh nhiều nhu cầu chính đáng của bản thân. Cùng cha nhọc nhằn cả một vụ mùa, nhưng ngay khi tay mẹ gieo hạt giống xuống đất trồng, mẹ đã nghĩ về mùa thu hoạch cho một mùa ăn học của con. Đời mẹ cứ như một đời tằm, rút ruột nhả tơ cho đến sợi cuối cùng.

2. Khi ta trưởng thành :

Năm tháng đi qua, con lớn khôn. Đủ lông đủ cánh rồi, có nhiều lúc con thấy mình mạnh mẽ, con biến sự quan tâm lo lắng của mẹ dành cho con thành những nỗi phiền hà. Con đàn đúm với bạn bè thâu đêm chẳng về nhà, thì cả đêm mẹ trằn trọc lo lắng cho con. Linh cảm con bước vào đường tội lỗi, mẹ nhẹ nhàng nhắc nhở. Con vùng vằng cãi lại, nói những lời hỗn hào, mẹ lặng câm nhìn con mà nghe tim mình như có kim đâm. mẹ nào muốn thắng con, mẹ chỉ muốn chiến đấu với sự dữ đang lăm le giựt đứa con yêu ra khỏi tay mình. Và mẹ sẽ lì lợm đến cùng, dù con có giận mẹ đến đâu !

Ngày con lập gia đình, mẹ vui không kém gì con. Kể từ sau ngày mẹ về với cha, đây là lần đầu tiên mẹ chịu để cho người khác trang điểm cho mình. Mẹ muốn đẹp, nhưng không phải đẹp cho mẹ, mà Mmẹ muốn đong đầy cho ngày hạnh phúc trăm năm của đời con.

Có vợ rồi, con say trong men hạnh phúc mới. Tấm áo giặt là phẳng phiu, bữa cơm đậm đà hương vị, … tất cả đều đã có vợ chu toàn. Mẹ đôi khi như trở thành người thừa trong mắt con. Con có thể không biết, nhưng mẹ thì không bao giờ quên ngày ngày cầu nguyện cho sức khỏe và công ăn việc làm của con. Mẹ cứ suốt ngày lễ lạt ở Nhà Thờ, trong những lời cầu nguyện của mẹ dâng lên Thiên Chúa, hầu như tất cả đều chỉ hướng về những điều tốt đẹp cho con.

Rồi con có con. Mẹ thầm cảm ơn Thiên Chúa và cảm ơn con vì đã cho mẹ những đứa cháu dễ thương. Vợ chồng con cứ mải miết làm việc, hay làm giàu, mẹ âm thầm tái lập một hành trình nhọc nhằn nuôi dạy mới, như ngày xưa mẹ đã làm thế nơi con. Mẹ nhận về mình phần khai thối của các cháu, và trao lại cho con những thiên thần xinh xắn thơm tho, để vợ chồng con bế bồng khoe mẽ với mọi người.

Đã có bao giờ con thức giấc giữa đêm khuya, thấy bóng mẹ lặng lẽ đi hết mọi ngõ ngách trong nhà dưới ánh đèn mờ, tay lần sờ từng then cửa, để có một yên tâm chắc chắn rằng con đã không quên gài cửa nẻo cẩn thận, bảo vệ những thành quả do mồ hôi nước mắt con làm ra. Và, con có biết ? Khi vợ chồng con đang êm đềm trong hạnh phúc, thì ở phòng bên, mẹ đang lặng lẽ một mình với chuỗi Mân Côi.

3. Lúc mẹ già nua :

Rồi đến một ngày sương gió cuộc đời nhuộm trắng mái đầu mẹ, thời gian nhọc nhằn cào lên mặt mẹ những nếp nhăn nheo. Đôi mắt mẹ đục mờ, mỗi bước đi phải trông nhờ vào cây gậy. Con cái của con cũng đã đến tuổi cặp kè, mẹ càng như thừa thãi hơn trong mắt con. Cả ngày mẹ một mình giữa căn nhà to rộng, nhiều khi mẹ ngồi bất động hàng giờ trước hiên nhà, mắt nhìn về hướng xa xăm. Mẹ đang thèm nghe tiếng nói cười quen thuộc của con, thèm thoáng nhìn thấy bóng hình yêu dấu của con, cho mẹ được an lòng. Mẹ không hề muốn làm khổ con cháu, mẹ đang vâng theo quy luật ngàn đời mà Thiên Chúa đã đặt định trên con người là sinh-lão-bệnh-tử. Bởi vậy mà mẹ đôi khi lẩm cẩm giành một cái kẹo với trẻ con, tè dầm ra quần nhưng nhất định cho rằng ngồi vào chỗ ướt, vừa ăn cơm xong dăm mười phút lẩn thẩn đòi cơm,… Người xưa bảo « Một già, một trẻ bằng nhau », con có vì thế mà giận mẹ, mà xấu hổ vì có mẹ như vậy không ?

Mẹ không dám đòi hỏi con, nhưng mẹ thực sự cần có con lúc này. Dẫu con có là một giám đốc quyền uy, một doanh nhân giàu có, một học giả uyên thâm, hoặc một người lao động bình thường ; thì điều mẹ cần lúc này chỉ là sự quan tâm săn sóc yêu thương của con. Mà mẹ chẳng nói được điều ấy với con đâu. Mẹ chỉ nói qua tiếng lương tâm con mà Thiên Chúa đã an bài.

Rồi sẽ đến một ngày, mẹ vác thập giá của đời mình đến đích. Mẹ về với lòng thương xót của Chúa. Và ở nơi ấy, mẹ vẫn cần con cầu nguyện cho Mẹ qua các thánh lễ, các giờ kinh nguyện ; cũng như Mẹ lúc này đang tiếp tục cầu nguyện cho con.
 
C. Bông hồng cho Mẹ.

Ngoại trừ Thiên Chúa, còn tất cả nhân loại này không ai có quyền chọn lựa cho mình một người mẹ. Trong thăm thẳm xa xưa của tiền định, Thiên Chúa đã an bài cho mỗi chúng ta một người mẹ. Người ấy có thể là danh gia vọng tộc hay bần cùng nghèo khó, người ấy có thể là một thục nữ đoan trang hay thậm chí là một cô gái lỡ lầm ; thì người ấy cũng vẫn là mẹ - một chân lý mà không người con nào có thể khước từ. Có một triết gia từng nói : “Đàng sau bất cứ thành công của một vĩ nhân nào, luôn có thấp thoáng bóng hình người phụ nữ”. Người phụ nữ ấy, rất nhiều khi là mẹ. Còn người Kitô hữu, có phần nào cảm nhận được tình Chúa hay không, rất nhiều phần là nhờ vào tình mẹ.

Kính thưa quý gia trưởng !

 “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng làm buồn trên mắt mẹ, nghe không ?”

Đó là nội dung một câu thơ của ai đó mà người ta in trên bưu thiếp thư pháp làm món quà gửi tặng nhau, nghe thật dung dị mà xúc động. Nếu có tiếng khóc, có nước mắt, xin hãy là tiếng khóc và nước mắt của phận làm con, khóc cho lỗi lầm, bội bạc của mình đã bấy lâu dành cho mẹ, và dành lại cho mẹ nụ cười trên khuôn mặt già nhăn nheo khi nhận được những hành vi hiếu thảo của con cái. Đó là đóa hồng dâng mẹ, để Ngày của mẹ không chỉ là một ngày, mà là 365 ngày trong suốt một năm, và là suốt những năm tháng còn lại của mẹ trên hành trình lữ thứ này. Và từng gia trưởng cùng với mẹ và gia đình của mình hằng ngày cũng dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria đóa hồng thiêng liêng thắm tình con thảo.

BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC 

UBMV Gia Đình