Gia đình và luật tự nhiên
GIA ĐÌNH VÀ LUẬT TỰ NHIÊN
 
1. Khởi điểm mục vụ
Có một câu chuyện nhỏ tôi muốn kể cho bạn bè và những người thân. Một người bạn tâm sự với tôi một lần nọ. Anh là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn đang kinh doanh rất thành công, anh có một gia đình hạnh phúc đã 8 năm nay với một người vợ trẻ đẹp đảm đang và hai “thiên thần” xinh xắn, một trai một gái. Chuyện xảy ra là từ hơn một năm qua, anh quen và yêu một nữ đồng nghiệp đã có gia đình, là giám đốc một công ty đối tác làm ăn. Quan hệ giữa họ bắt đầu từ những cuộc họp hẹn làm ăn dần dần chuyển thành những cuộc hẹn hò tình cảm riêng tư hai người. 

Rồi một lần, hai người đã để cho cảm xúc tự nhiên ấy dâng trào ra thành những biểu lộ qua xác thân trong một khách sạn trong một lần hội nghị các bạn hàng. Họ không cưỡng lại được những cuộc hẹn hò lén lút như thế từ đó cho đến nay, đang khi mỗi người vẫn chăm sóc cho gia đình riêng của mình, cái “tổ ấm” mà họ hết sức yêu quí giữ gìn gần như bằng mọi giá. Anh tâm sự: “Tôi yêu vợ con lắm, và vợ con cũng yêu thương tôi như thế, đó là hạnh phúc là lẽ sống đời tôi. Tôi thực sự hiểu hạnh phúc gia đình là gì. Nhưng đàng khác tôi cũng biết mình không thể duy trì mãi mối quan hệ kia nhưng không sao dứt bỏ được người phụ nữ tôi đang yêu say đắm”. Anh tiếp tục tỏ bày: “Hạnh phúc gia đình và hấp lực tình ái bên ngoài có thể xảy ra cùng lúc. Nhưng ta có được phép duy trì chúng cùng lúc không? Không phải cả hai đều là tặng phẩm Trời ban cho tôi sao?”

 
Câu chuyện trên, đặc biệt qua những lời anh bạn của tôi vừa nói, đặt ra cho ta một vấn đề luật luân lí tự nhiên (chưa đề cập đến luân lí do mạc khải kitô giáo): người ta có được phép ngoại tình lén lút không? Hoặc là, người ta có được phép ngoại tình công khai với sự chấp thuận của người bạn đời không? Có người nói: “Tiếng sét ái tình (falling in love) có thể xảy đến với bất cứ ai dù trẻ hay già, dù còn độc thân hay đã có gia đình. Nó tự nhiên đến bất ngờ và không do tôi tìm kiếm”. Không phải tình yêu nói chung (trong đó có tình yêu nam-nữ trên cơ sở khác biệt tính dục, và tình yêu gia đình, tình yêu thương vợ chồng, tình phụ tử, mẫu tử,...) là quà tặng Thiên Chúa Tạo Hóa ban cho tôi hay sao? Đây là não trạng của một số xã hội ngày nay chủ trương đặt lợi ích thực tế hay một thứ hạnh phúc nhất thời ở ưu tiên cao nhất (utilitarism, hedonism), hoặc chủ trương sống theo tự nhiên (naturalism). 
 
Cuộc sống gia đình còn đặt ra bao nhiêu câu hỏi khác buộc lí trí tự nhiên phải giải đáp liên quan đến tính dục, tình yêu và sự sống con người như: vấn đề đồng tính chẳng hạn, hay các phương pháp chống thụ thai, phá thai, sinh con với sự trợ giúp của y khoa, trợ tử, tục đa thê... Rồi còn bao vấn đề liên hệ đến sống các mối tương quan giữa các thành viên khác nhau trong gia đình.
 
Vấn đề muốn đặt ra ở đây liên quan đến những người làm mục vụ gia đình thường xuyên gặp những thắc mắc liên quan đến luật tự nhiên, trước khi là luật mạc khải do Thiên Chúa thiết định minh nhiên. Câu chuyện cụ thể cùng với câu hỏi đặt ra trên đây, và bao nhiêu vấn đề liên quan đến đời sống gia đình (tính dục, tình yêu, hôn nhân, truyền sinh,...) dẫn ta tới một câu hỏi tổng quát hơn: có hay không một luật tự nhiên ràng buộc mọi người, cá nhân cũng như một cộng thể, đặc biệt chi phối đời sống hôn nhân - gia đình ? Luật ấy cụ thể và trong chi tiết là gì ?
 
2. Giải thích từ ngữ
Người ta thường hiểu luật tự nhiên (hay qui luật của tự nhiên) là trật tự vận hành mọi hoạt động của thế giới vật chất. Các luật gia La mã hiểu luật tự nhiên như là các bản năng và xúc cảm có chung giữa con người và những loài vật cấp thấp hơn, chẳng hạn như bản năng tự bảo tồn và yêu thương đàn con mình sinh ra. Ở đây chúng ta muốn nói đến nghĩa hẹp về mặt đạo đức của luật tự nhiên như là luật sống và là đạo lí mà Tạo Hóa (Thiên nhiên) đã qui định khi tạo dựng muôn loài và loài người với bản tính (nature) tự nhiên Ngài phú ban cho ta.

Theo Thánh Thomas Aquinas, luật tự nhiên «không gì khác hơn là sự tham dự của loài thọ tạo có lí trí vào luật vĩnh cửu»[1]. Luật vĩnh cửu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa xét như là chuẩn mực hướng dẫn mọi vận động và hành động. Khi Thiên Chúa muốn tạo dựng các loài, Ngài đã muốn chúng hiện hữu theo một trật tự hướng đến một cùng đích. Đối với những vật không sự sống, định hướng đó được an bài trong bản tính Chúa ban cho chúng. Chúng tuân theo một định luật tất định (determinism). Cũng như các loài thọ tạo khác, con người cũng được Thiên Chúa tiền định cho một cùng đích, và để Ngài hướng dẫn đến cùng đích đó. Trật tự an bài đó phù hợp với trí tuệ và ý muốn tự do của con người. Nhờ trí tuệ và ý chí tự do, con người là chủ lối sống của mình. Khác với thế giới vật chất thuần túy, con người có thể thay đổi hành vi hay hành động của mình, hoặc kiêng không làm, theo như ý mình muốn. Thế nhưng con người không phải là một loài vô luật (lawless) ở giữa một thế giới có sắp đặt trật tự. Chính trong cấu trúc của bản tính mình, con người cũng được đặt định một lề luật phản chiếu trật tự và định hướng đó của mọi loài, vốn thuộc về luật vĩnh cửu. Như vậy, lề luật mà Thiên Chúa đã định cho lối sống của ta được ghi dấu nơi bản tính con người chúng ta. Những hành động nào phù hợp với các khuynh hướng của nhân tính đó, sẽ dẫn đưa ta đến cùng đích đã được tiền định, và bởi thế chúng là đúng đắn và tốt đẹp (về luân lí). Còn những hành động nào khác xa với bản tính của ta thì sai trái và vô luân.
 
Tuy nhiên, chuẩn mực hay qui luật sống không phải là một yếu tố hay một khía cạnh đặc thù nào đó của bản tính của chúng ta, nhưng là toàn thể bản tính người của chúng ta với bao nhiêu mối tương giao, vốn được xem như một thọ tạo được tiền định cho một cùng đích đặc biệt. Một hành động là sai trái nếu như nó vừa thỏa mãn một nhu cầu hay xu hướng đặc thù nào đó nhưng đồng thời lại không phù hợp với luật nhu cầu bậc thấp phải tùy thuộc vào nhu cầu bậc cao hơn, trong sự hữu lí hài hòa, đó là điều mà lí trí chúng ta phải giữ giữa những xu hướng và khát vọng xung khắc nhau trong con người. Chẳng hạn nuôi dưỡng thân xác chúng ta là điều phải. Nhưng nuông chiều sự thèm ăn đến độ làm hại đến sức khỏe thể lí hay đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng là sai trái. Bảo vệ sự sống bản thân là điều đúng, nhưng chối từ liều thân vì lợi ích xã hội đòi hỏi là sai. Uống rượu tới mức say sưa be bét là xấu vì, ngoài việc nó hại tới sức khỏe của ta, sự nuông chiều xác thân ấy làm lí trí ta mất sáng suốt, mà lí trí là điều Thiên Chúa tạo nên để hướng dẫn ta sống ngay chính. Trộm cắp là xấu xa, bởi lẽ nó làm hại đến nền móng của đời sống xã hội; bản tính con người đòi hỏi được sống trong một tình trạng xã hội ngày càng phát triển. Từ đó, ta thấy sở dĩ gọi luật sống này là luật tự nhiên vì hai lí do. Trước hết, vì luật ấy được thiết lập cách cụ thể trong chính bản tính (tự nhiên) của ta. Kế đến, vì luật ấy được biểu lộ ra cho ta bởi phương thế thuần túy tự nhiên là lí trí. Với hai lí do ấy luật tự nhiên khác biệt với Thiên Luật (Luật do Chúa định), gồm những giới luật không phát xuất từ bản tính tự nhiên của sự vật như Chúa đã thiết lập qua hành động tạo dựng, nhưng phát xuất từ ý muốn hoàn toàn tự do của Ngài. Luật này chúng ta biết được không nhờ hoạt động đơn độc của lí trí, nhưng nhờ ánh sáng của mạc khải siêu nhiên.

3. Nội dung của Luật tự nhiên
Xét cho cùng luật tự nhiên là một nguyên tắc tối thượng và phổ quát, từ đó người ta rút ra mọi ràng buộc và nghĩa vụ luân lí tự nhiên. Có nhiều ý kiến sai lầm khác nhau về qui luật sống nền tảng mà chúng ta không thể bàn luận ở đây. Một số ý kiến hoàn toàn sai lầm. Ví dụ như Bentham chủ trương lấy lợi ích hay khoái lạc tạm thời làm nền tảng cho luật luân lí. Hay như Fichte, dạy rằng nghĩa vụ cao nhất là phải yêu mến bản thân mình trên hết mọi sự và mọi sự khác phải vì bản thân mình. Chẳng hạn như Epicurus cho rằng nguyên tắc tối cao là «Hãy tuân theo bản tính tự nhiên». Phái Khắc Kỉ chủ trương sống theo lí trí. Thế nhưng những triết gia này không giải thích những từ ngữ họ đề xuất phù hợp với học thuyết của chúng ta ở đây. Những nhà luân lí Công giáo mặc dù đồng thuận với nhau về khái niệm nằm bên dưới về Luật Tự Nhiên, nhưng cách trình bày công thức nền tảng cũng ít nhiều khác nhau. Ta có thể kể ra ở đây một số phát biểu đại loại như: “Hãy yêu mến Thiên Chúa như cùng đích và mọi sự là vì Người”; “Hãy sống phù hợp với bản tính con người xét trong mọi khía cạnh cốt yếu nhất của nó”; “Hãy tuân giữ trật tự hợp lí mà Thiên Chúa đã thiết lập và chuẩn nhận”; “Hãy thể hiện hình ảnh Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn, một hình ảnh vốn đã được in dấu trên bản tính có lí trí của bạn”. Nhưng trình bày của thánh Thomas là đơn giản nhất và có tính triết học nhất. Khởi đi từ tiền đề nói rằng điều tốt là cái trước tiên được lí trí thực tiễn lĩnh hội (nghĩa là lí trí hoạt động như kẻ ra lệnh cho hành động) và nguyên lí tối thượng cho hành động luân lí là phải để cái thiện ở trung tâm của suy nghĩ, ngài cho rằng cái nguyên lí tối cao từ đó phát xuất ra mọi nguyên lí và chỉ thị khác, đó là, điều tốt thì phải làm, và điều xấu thì phải tránh[2].
 
Đi từ nguyên lí đệ nhất đến những nguyên lí thứ yếu hơn và những kết luận, các nhà luân lí phân chia chúng thành hai loại: (1) những nguyên lí xuất phát trực tiếp từ nguyên lí đệ nhất, chúng ra lệnh cho lí trí và có một vị trí trong lí trí thực tiễn giống như những mệnh đề hiển nhiên trong lí trí suy biện (speculative), hoặc ít nhất chúng được dễ dàng rút ra từ nguyên lí đệ nhất. Đó là, ví dụ như, “Hãy thờ phượng Thiên Chúa”; “Hãy thảo kính cha mẹ”; “Chớ trộm cắp”; (2) những kết luận hay chỉ thị khác có được chỉ sau một quá trình suy dẫn ít nhiều phức tạp. Chính nỗi khó khăn và thiếu tính xác thực này đòi hỏi luật tự nhiên cần phải được bổ túc bằng luật thiết định, do con người và/hay do Thiên Chúa. 
 
 4. Những đặc tính của Luật tự nhiên
Luât tự nhiên có tính phổ quát, nghĩa là áp dụng cho toàn thể loài người, và trong bản thân nó có gia trị như nhau cho tất cả mọi người. Hễ là người, ai cũng bị ràng buộc phải sống phù hợp với bản tính có lí trí của mình, và được lí trí hướng dẫn. Tuy nhiên, trẻ con và người bệnh hoạn, do không vận dụng thực sự được lí trí của mình và do đó không thể biết được luật, thì không có đầy đủ trách nhiệm khi không hoàn tất được những yêu sách của luật. 

Hơn nữa, luật tự nhiên thì bất biến, bên trong cũng như bên ngoài. Bởi nó dựa trên chính bản tính con người và định mệnh của con người (là hai căn cứ dựa trên nền tảng luật vĩnh cửu bất biến) cho tới phút cuối cùng, nên luật tự nhiên không bao giờ ngưng hiệu lực. Nó truyền lệnh hay ngăn cấm với cùng một cung giọng ở mọi nơi, mọi thời. Nhưng cần nhớ rằng tính bất biến này không hệ tại nơi công thức diễn tả chung vốn thường trừu tượng và không hoàn hảo bao quanh bởi những hoàn cảnh nhất định nào đó. Chẳng hạn khi chúng ta tuyên bố về một trong những giới luật hàng đầu như sau: “Ngươi chớ giết người”. Cất đi mạng sống một người đôi khi là hành động hợp luật, thậm chí có trường hợp bắt buộc. Nhưng đây không có nghĩa là thay đổi luật. Điều luật cấm không phải là cất đi một mang sống, nhưng là cấm cất đi mạng sống cách không chính đáng.
 
Đối với luật tự nhiên, không một quyền bính nào, ngoại trừ Thiên Chúa, có thể cho phép hủy bỏ hay miễn chuẩn. Thế nhưng không được nghĩ rằng Thiên Chúa lại có thể thực thi quyền năng ấy vì giả thiết rằng tất yếu Ngài muốn con người hiện hữu, sống hài hòa với luật vĩnh cửu bằng cách sống và giữ đúng luật của lí trí mà Ngài tạo ban. Đấng Toàn Năng không thể tự mâu thuẫn, vừa muốn điều này lại vừa muốn điều ngược lại.
 
Một số nhà thần học trước đây, cũng như một số nhà thần học sau này tiếp tục, cho rằng Thiên Chúa có thể miễn chuẩn, và thực tế Ngài đã miễn chuẩn một số điều luật thứ yếu của luật tự nhiên. Một số khác cho rằng bộ mặt bên ngoài của luật tự nhiên được thay đổi bởi luật thiết định. Những ví dụ của sự miễn chuẩn này có thể là những trường hợp sau đây:
 
a) Hoàn cảnh thay đổi đưa đến việc thay đổi áp dụng luật;
b) Trường hợp những bổn phận không được áp đặt như là tuyệt đối cốt yếu đối với trật tự luân lí, nhưng nếu tuân giữ thì cần thiết cho một cuộc sống hoàn hảo hơn.  
c) Những trường hợp bổ túc luật.
Trường hợp thứ nhất có thể trưng ra các ví dụ như Chúa đã cho phép những người Hípri cướp đoạt của cải của người Ai cập, và Ngài truyền cho Abraham hiến tế Isaac. Thế nhưng không nhất thiết xem những trường hợp này là sự miễn chuẩn giới luật cấm trộm cướp và giết người. Với tư cách là Đức Chúa Vị Chúa Tể Tối Cao của mọi sự, Ngài có thể lấy đi quyền sống của Isaac, và tước quyền sở hữu của những người Ai cập, mà không làm cho sự sát tế Isaac thành một hành động hủy diệt bất chính, cũng như tước quyền sở hữu của cải của người Ai cập trở thành hành động trộm cắp không chính đáng. Một ví dụ minh họa cho trường hợp thứ hai là trong Cựu ước đa thê đã được hợp pháp hóa trong xã hội Do thái thời bấy giờ. Thế nhưng, trong mọi hoàn cảnh đa thê không hẳn là không phù hợp với những nguyên tắc cốt yếu của cuộc sống theo trật tự hợp lí tính, bởi lẽ mục tiêu chính yếu tự bản chất của hôn nhân (nối dõi dòng giống và nghĩa vụ chăm sóc giáo dục con cái) trong một số hoàn cảnh xã hội có thể đạt được nhờ qui định cho phép đa thê. Nói rằng Chúa có thể miễn chuẩn một phần của luật tự nhiên, hay ngay cả các giới luật thứ yếu, là không phù hợp, bởi luật tự nhiên đặt nền tảng trên luật vĩnh cửu, là bất biến vì nền tảng tối hậu là bản chất bất biến (trung thành) của chính Thiên Chúa. Trường hợp thứ ba xảy ra khi luật thiết định (nhân luật hay Thiên luật) đưa ra những nghĩa vụ chỉ làm thay đổi hình thức bên ngoài của luật tự nhiên, như thế không thể nói là đã làm thay đổi luật. Luật thiết định không được thay đổi điều gì trong luật tự nhiên, vì thẩm quyền của nó dựa trên luật ấy. Nhưng nó có thể xác định chính xác hơn cái hình thức của luật tự nhiên, và với những lí do đúng đắn nó có thể bổ sung những kết luận của luật ấy. Ví dụ, dưới cái nhìn của luật tự nhiên, thỏa thuận với nhau một khế ước bằng lời nói là đủ. Nhưng trong nhiều loại khế ước, luật dân sự tuyên bố không có thỏa ước nào hợp lệ nếu không được viết thành văn bản và được kí kết bởi đôi bên với các người làm chứng. Đặt ra điều luật đó, quyền bính dân sự chỉ thực thi năng quyền do luật tự nhiên ban cho để bổ sung các trường hợp cho hoạt động của luật tự nhiên như công ích đòi hỏi mà thôi.
 
5. Nhận biết Luật tự nhiên
Dựa trên bản tính của chúng ta và được lí trí mạc khải, luật luân lí được nhận thức trong mức độ khả năng lí trí cho ta biết và hiểu. Câu hỏi được đặt ra là: con người có thể biết được luật tự nhiên (được khắc ghi trong con tim của ta, như lời thánh Phaolô nói ở Rm2,14t) tới mức nào? Các nhà luân lí nói chung dạy rằng mọi người có khả năng sử dụng thực sự lí trí đều tất yếu biết những nguyên tắc cao nhất và đệ nhất. Những nguyên tắc này thực ra có thể nói gọn trong nguyên lí đệ nhất được thánh Thomas diễn tả như sau: «Làm điều lành tránh diều dữ». Ở đâu có con người ở đó ta thấy con người cùng với một luật luân lí dựa trên nguyên tắc đệ nhất là điều tốt phải làm điều xấu phải tránh. Khi chuyển từ luật phổ quát đó đến các kết luận đặc thù hơn, đó lại là một chuyện khác. Một số người đi đến và chấp nhận ngay những kết luận, được coi là hiển nhiên mà không cần phải qua một quá trình lí luận phức tạp nào. Như, chẳng hạn : «Ngươi chớ ngoại tình»; «Hãy thảo kính cha mẹ». Không ai, dù có lí trí và khả năng luân lí ít phát triển, là không thể biết những giới luật ấy, trừ khi do lỗi riêng của mình. Một lớp khác gồm những kết luận chỉ có thể đạt đến được sau một tiến trình lí luận ít nhiều phức tạp hơn. 

Những kết luận này có thể cả những người có trình độ trí khôn phát triển đáng kể cũng không biết tới hay giải thích sai lầm. Để đạt tới những giới luật xa hơn này, nhiều sự kiện và những kết luận nhỏ hơn phải được đánh giá một cách đúng đắn, và trong khi thẩm định giá trị của chúng một ai đó có thể dễ dàng bị sai lầm và đi đến một kết luận sai lầm mà không bởi lỗi (luân lí) của người ấy.

 
Một số ít nhà thần học thế kỉ mười sáu và mười bảy cho rằng ai cũng có thể có một hiểu biết thực tiễn luật tự nhiên. Nhưng ý kiến này không được đánh giá cao cho lắm. Về mặt lí thuyết, người ta có thể có một hiểu biết đầy đủ về luật luân lí nhờ lí trí thông tri thực hành đúng đắn. Thực ra, nếu xét đến sức mạnh của đam mê, định kiến, và các yếu tố ảnh hưởng khác làm mờ đi sự hiểu biết hay làm ý chí ta sinh ra bạc nhược, thì ta có thể nói chắc chắn rằng con người nếu không có sự trợ giúp của mạc khải siêu nhiên sẽ không đạt được một nhận thức đầy đủ và đúng đắn nội dung của luật tự nhiên. 
 
Luật tự nhiên là nền tảng và phổ quát Tạo Hóa đặt trên con người, mọi luật ràng buộc khác của Ngài cũng gắn liền với luật tự nhiên. Những nghĩa vụ mà luật siêu nhiên đặt trên chúng ta được ta hiểu rõ là vì luật tự nhiên và lương tâm nói cho ta biết rằng, nếu Thiên Chúa đã đoái thương ban cho chúng ta một mạc khải siêu nhiên với một chuỗi các giới luật, thì ta buộc phải chấp nhận và vâng phục. Luật tự nhiên là nền tảng cho mọi luật phàm nhân xét vì luật ấy qui định con người phải sống trong xã hội, và xã hội do cấu trúc của mình đòi phải có một quyền bính có sức mạnh luân lí cần thiết để kiểm soát các thành viên và hướng họ đến công ích. Luật con người chỉ hợp pháp và chính đáng khi nó phù hợp, củng cố hay bổ sung luật tự nhiên. Chúng sẽ chẳng có giá trị gì nếu đối nghịch lại với luật ấy. 

Những nhà Lập pháp khi thông qua luật cũng đôi khi có thể sai lầm, gây bất công và tổn hại đến chính ý hướng của nền luật pháp. Trong những trường hợp như vậy, tuân theo luật là xấu, tốt nhất là gạt sang một bên mặt chữ của điều luật ấy, mà tuân theo mệnh lệnh của công lí và công ích.
[3] Luật tự nhiên hay luân lí có trước (cả về mặt lí luận, thời gian, và nền tảng hữu thể học) và là cơ sở cần thiết cho mọi xã hội loài người, cho nên nó không thể là sản phẩm của một qui ước hay thỏa thuận xã hội, cũng không chỉ là một lô những hành động, tập quán, và đường lối của con người (như những người thuộc phái duy đạo đức chủ trương) phủ nhận Nguyên Nhân Đệ Nhất, là Đấng có quan hệ cá nhân với từng người, làm thiếu hẳn đi cơ sở ràng buộc của luật. Luật tự nhiên là luật thực sự, bởi vì Trí Tuệ của Thiên Chúa áp đặt sức ràng buộc của nghĩa vụ trên trí khôn của loài thọ tạo có lí trí của Ngài.
 
Hiểu Luật tự nhiên như thế là điều hết sức quan trọng trong thực tế Mục vụ, nhất là mục vụ gia đình. Trong cuộc sống các gia đình nhất là trong các gia đình lập nên bởi cuộc hôn nhân khác đạo hay hôn nhân hỗn hợp, cũng như trong tương quan giữa các gia đình và xã hội, luôn có cuộc đối thoại giữa quyền và bổn phận của các gia đình, đối với xã hội, và ngược lại. Còn cần phải nói đến ý nghĩa, tầm quan trọng cụ thể của luật tự nhiên trong mục vụ gia đình trong một bài viết khác.
 
 
 Luy Nguyễn Anh Tuấn
 Trưởng ban MVGĐ giáo phận Tp.HCM
 


 
[1] Summa Theologica, I-II, Q. 94.
[2] X. Summa Theologica, I-II, Q. 94, a. 2.
[3] Thomas A., Summa Theologica, II-II.120.1