Gia đình Kitô giáo: Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba
"GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO: TIN MỪNG CHO THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA"
Huấn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II Thứ Bảy 25/1/2003
cho Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần IV
1. Các gia đình Phi Luật Tân và từ khắp thế giới thân mến, Tôi nghĩ đến anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em khi anh chị em tụ họp lại ở Manilla để cử hành Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình lần thứ tư. Với lòng rất cảm mến, Tôi xin nhân danh Chúa gửi lời chào đến tất cả anh chị em!
Nhân dịp này Tôi cũng muốn gửi lời chào nguyện cầu “Ân sủng, tình thương và an bình của Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô” (1Tim 1: 2) tới tất cả mọi gia đình trên thế giới được anh chị em đại diện.
Tôi cám ơn Vị Đại Diện Giáo Hoàng là ĐHY Alfonso Lopez Trujillo về những lời lẽ tốt lành ngài đã thay anh chị em ngỏ với Tôi. Tôi xin cám ơn ngài cũng như nhân viên của Hội Đồng Toà Thánh Về Gia Đình về thời giờ và công sức bỏ ra cho việc sửa soạn Cuộc Họp này. Tôi cũng cám ơn ĐHY Jaime Sin, TGM Manilla, vị đã sốt sắng tiếp rước anh chị em trong những ngày này.
2. Trong buổi trình luận về thần học và mục vụ vừa kết thúc anh chị em đã bàn đến đề tài: “Gia Đình Kitô Giáo: Tin Mừng Cho Thiên Kỷ Thứ Ba”. Tôi đã cố ý chọn những lời này cho Cuộc Họp Thế Giới của anh chị em đây, để nhấn mạnh đến sứ vụ cao cả của gia đình. Bằng việc tha thiết với Phúc Âm và bước đi trong ánh sáng của Phúc Âm, các gia đình mang một trách nhiệm buộc phải làm chứng cho sứ điệp Phúc Âm.
Các gia đình Kitô hữu thân mến, hãy hân hoan loan báo cho toàn thể thế giới biết đến kho tàng tuyệt vời mà anh chị em có được như những giáo hội tại gia! Hỡi các đôi vợ chồng Kitô hữu, trong mối hiệp thông sự sống và yêu thương của mình, trong việc anh chị em tự hiến thân cho nhau cũng như trong việc anh chị em quảng đại đón nhận con cái, hãy trở nên ánh sáng thế gian trong Chúa Kitô. Chúa Kitô xin anh chị em hằng ngày hãy là đèn soi không bị che khuất đi song “được đặt trên giá để soi sáng cho cả nhà” (Mt 5: 15).
3. Trước hết, anh chị em hãy là “tin mừng” cho ngàn năm thứ ba bằng việc sống trung thành với ơn gọi của anh chị em. Anh chị em dù có mới lập gia đình hay nhiều năm trước đây thì Bí Tích Hôn Phối vẫn tiếp tục là đường lối đặc biệt của anh chị em trong việc làm môn đệ của Chúa Giêsu, góp phần vào việc làm lan rộng Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như vào việc lớn lên trong sự thánh thiện là ơn gọi của tất cả mọi Kitô hữu. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định, các đôi phối ngẫu Kitô hữu, trong việc làm trọn trách nhiệm hôn nhân và gia đình của mình, “càng tiến hơn đến chỗ trọn lành của bản thân cũng như đến chỗ thánh hoá lẫn nhau” (Gaudium et Spes, 48).
Anh chị em hãy chấp nhận một cách trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa đã ban cho anh chị em trước nơi Bí Tích Hôn Phối, để làm cho anh chị em có thể yêu thương những người khác (x 1Jn 4: 19). Anh chị em hãy đứng vững với niềm xác tín duy nhất mang lại ý nghĩa, sức mạnh và niềm vui cho cuộc sống của anh chị em, đó là tình yêu của Chúa Kitô sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em, giao ước bình an của Người ký kết với anh chị em sẽ không bao giờ cùng (x Is 54: 10). Tặng ân và ơn gọi của Thiên Chúa bất khả vãn hồi (x Rm 11: 29). Ngài đã ghi tên tuổi của anh chị em trong lòng bàn tay của Ngài rồi (x Is 49: 16).
4. Ân sủng anh chị em đã nhận được nơi đời sống hôn nhân sẽ ở với anh chị em qua năm tháng. Ân sủng này được phát xuất từ trái tim bị đâm thâu qua của Đấng Cứu Chuộc, Vị đã tự hy hiến mình trên bàn thờ Thập Giá vì Giáo Hội, Hôn Thê của Người, khi chấp nhận chết đi cho phần rỗi của thế giới.
Ân sủng này bao giờ cũng gắn liền với nguồn mạch ấy, tức là ân sủng của một tình yêu tự hy hiến, một tình yêu vừa cho đi vừa ban phát vừa thứ tha. Đó là ân sủng của một tình yêu vô vị kỷ biết quên đi nỗi đớn đau phải chịu, một tình yêu trung thành cho đến chết, một tình yêu bừng lên sự sống mới. Đó là ân sủng của một tình yêu bao dung quảng đại, tin tưởng mọi sự, chấp nhận mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự, một tình yêu không cùng, một tình yêu cao cả hơn tất cả mọi sự khác (x 1Cor 13: 7-8).
Một tình yêu như thế không phải bao giờ cũng dễ dàng. Cuộc sống hằng ngày đầy những cạm bẫy, căng thẳng, khổ đau, thậm chí mệt mỏi. Thế nhưng, trong cuộc hành trình này, anh chị em không lẻ loi cô độc một mình đâu. Chúa Giêsu bao giờ cũng hiện diện bên cạnh anh chị em, như Người đã đến với đôi tân hôn ở tiệc cưới Cana xứ Galilêa trong lúc khó khăn của họ. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Cứu Thế ở gần với các đôi phối ngẫu và ban ơn trợ giúp họ, để như Người đã yêu thương và hiến mình cho Giáo Hội thế nào, họ cũng có thể mãi mãi yêu thương nhau một cách trung thành và luôn chăm lo cho nhau (x Gaudium et Spes, 48).
5. Hỡi các đôi phối ngẫu Kitô hữu, anh chị em hãy là “tin mừng cho ngàn năm thứ ba” bằng việc minh chứng một cách sống động và kiên trì cho chân lý về gia đình.
Gia đình được thiết lập trên nền tảng hôn nhân là một gia sản của nhân loại, một sản vật cao cả vô giá, cần cho sự sống, cho việc phát triển và tương lai của các dân tộc. Theo ý định tạo dựng được thiết định ngay từ ban đầu (x Mt 19: 4,8) thì gia đình là một môi trường nhờ đó con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (x Gen 1: 26) được hoài thai và sinh hạ, lớn lên và trưởng thành. Gia đình, với vai trò như một học đường nồng cốt nhờ đó con người được hình thành (x Familiaris Consortio, 19-27), là những gì bất khả thiếu đối với một “môi sinh nhân bản” đích thực (Centesimus Annus, 39).
Tôi cám ơn những chứng từ anh chị em đã nói lên tối hôm nay, những gì Tôi đã chú ý theo dõi. Chúng làm cho Tôi nhớ lại cảm nghiệm của mình khi còn là một vị linh mục, là Tổng Giám Mục Krakow, cũng như trong gần 25 năm làm giáo hoàng. Như Tôi thường hay nói, tương lai của nhân loại đi qua con đường gia đình (x Familiaris Consortio, 86).
Tôi thiết tha xin anh chị em, hỡi các gia đình Kitô hữu thân mến, hãy chứng tỏ qua cuộc sống hằng ngày của anh chị em là, bất chấp bao khó khăn và trở ngại, anh chị em vẫn có thể sống đời hôn nhân một cách trọn vẹn như một cảm nghiệm ý vị và như “một tin mừng” cho con người nam nữ ngày nay. Anh chị em hãy là những người lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như trên thế giới: đó là một trách nhiệm phát xuất từ việc anh chị em cử hành Bí Tích Hôn Phối, từ việc anh chị em là giáo hội tại gia, cũng như từ sứ vụ hôn nhân của anh chị em như là những tế bào căn bản của xã hội (x Apostolicam Actuasitatem, 11).
6. Sau hết, hỡi các gia đình Kitô hữu, nếu anh chị em muốn là “tin mừng cho ngàn năm thứ ba”, anh chị em đừng quên rằng, gia đình cầu nguyện là đường lối vững chắc để tiếp tục liên kết với nhau theo đường lối đúng như ý muốn của Thiên Chúa.
Khi Tôi công bố Năm Mân Côi mấy tháng trước đây, Tôi đã khuyên thực hiện việc tôn sùng Thánh Mẫu này như là một kinh nguyện của gia đình và cho gia đình. Bằng việc đọc kinh Mân Côi, các gia đình “lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm, họ chia vui sẻ buồn với Người, họ đặt các nhu cầu và dự tính của họ trong tay của Người, họ tìm thấy nơi Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến lên” (Rosarium Virginis Mariae, 42).
Tôi ký thác tất cả mọi anh chị em cho Mẹ Maria, Nữ Vương Gia Đình; chớ gì Mẹ đồng hành và nâng đỡ đời sống gia đình của anh chị em. Tôi cũng hân hoan loan báo là “Cuộc Họp Thế Giới Các Gia Đình Lần Thứ Năm sẽ được tổ chức tại Valencia, Tây Ban Nha vào năm 2006.
Vậy giờ đây khi ban cho tất cả mọi anh chị em Phép Lành Toà Thánh của Tôi, Tôi muốn lưu lại cho anh chị em một trách nhiệm cuối cùng, đó là, với ơn Chúa giúp, xin anh chị em hãy làm cho Phúc Âm trở thành nguyên tắc hướng dẫn gia đình của anh chị em, và làm cho gia đình của anh chị em trở thành một trang Phúc Âm viết gửi cho thời đại của chúng ta!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Toà Thánh bằng Anh ngữ do Màn Điện Toán phổ biến ngày Chúa Nhật 26/1/2003, ngày bế mạc Đại Hội Thế Giới Các Gia Đình tại Manilla Phi Luật Tân, với Thánh Lễ có 1 triệu người tham dự, 6 hồng y, 245 giám mục, 360 linh mục tại Quirino Grand Stand, địa điểm Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1995. Buổi trực tiếp truyền hình của ĐTC để nghe huấn từ trên đây của Ngài có 350 ngàn người tham dự, đến từ 75 quốc gia.
trích: http: //www.thoidiemmaria.net