Gia Ðình Chiếc Nôi Văn Hóa Ðức Tin (1)
Phần Dẫn Nhập
Trong Huấn Thị "Thử Tìm Một Hướng Mục Vụ Cho Vấn Ðề Văn Hóa" của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, 1999, số 14 đã trích dẫn "Thư Gửi Các Gia Ðình", 1994, số 7 (ÐGH. Gioan Phaolô.II) như sau: "Tựa như chiếc nôi của tình yêu và sự sống, gia đình cũng là nguồn cội của văn hóa. Gia đình chính là nơi nghênh đón sự sống và là trường dạy nhân bản, trong đó các cặp vợ chồng tương lai cần được huấn luyện hết sức chu đáo để làm nên cộng đồng gia đình."
Huấn Thị còn nhấn mạnh thêm: "Gia đình phải lo bảo vệ vai trò căn bản của mình là làm môi trường ưu tiên giúp con người và xã hội được nhân bản hóa" vì "Tương lai nhân loại thế nào là tùy vào chỗ mọi người có được phát triển nhân bản đầy đủ và có liên đới với nhau hay không?" (Populorum progressio, số 42)"
Chúng ta nhận thấy Giáo Hội rất quan tâm và đề cao giá trị nhân bản trong các gia đình. Vậy cuộc sống nhân bản theo quan điểm Ki-tô Giáo là gì? Ðó có phải là nơi gặp gỡ và hội nhập giữa văn hóa và Ðức Tin hay không? Theo tinh thần Huấn Thị của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, chúng tôi muốn nhìn lại Công đồng Vatican 2 qua Hiến chế "Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay" (GS), Phần II, chương I và chương II về Phẩm Giá của Hôn Nhân Gia Ðình và Phát Triển Văn Hóa.
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được đề cập đến hai nét căn bản trong văn hóa gia đình mà Công đồng đã đặc biệt nhấn mạnh đó là: sự sống và tình yêu (GS 49, 50), để góp phần "Xây dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình" (FC 7) trong một thế giới đang phải chọn lựa giữa văn hóa sự sống và sự chết, giữa văn minh tình thương và ích kỷ.
Ðây chính là một trong những thách đố niềm tin nghiêm trọng mà các gia đình Công Giáo Việt Nam cũng như toàn cầu đang phải đối diện. Vấn đề là trong khi "con người chỉ có thể thực hiện được nhân tính đích thực và trọn vẹn của mình nhờ văn hóa" (GS 53), thì chính "nền văn hóa cũng đang vương tội lụy" (Fides et ratio, 71). Vì thế, nó cần phải được các gia đình Ki-tô hữu phân định và hiểu đúng ý nghĩa của việc hội nhập văn hóa là "biến đổi sâu xa các giá trị văn hóa đích thực bằng cách cho chúng hội nhập vào Ki-tô Giáo và đưa Ki-tô Giáo hội nhập vào các nền văn hóa khác nhau của nhân loại" (Redemptoris missio, 52) vì "Ðức Tin mà không trở thành văn hóa là Ðức Tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng." (ÐTC Gioan Phaolô II, Thư thành lập Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa ngày 20.5.1982).
Hy vọng khi các gia đình Công Giáo Việt Nam sống đúng bản chất của mình là chiếc nôi văn hóa sự sống và tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, mọi thành viên trong gia đình có thể nhận ra lời mời gọi của Ðức Tin, sống Ðức Tin và chuyển trao ánh sáng Ðức Tin như một tin mừng hy vọng, cách hiệu quả ngay trong môi trường sống tràn ngập bóng tối hiện nay.
Sau đây là 3 phần chính của đề tài:
Phần I: Gia Ðình - Chiếc Nôi Văn Hóa Sự Sống Và Tình Yêu
Nếu "văn hóa là phương cách đặc thù mà mỗi người và mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có một cuộc sống nhân bản trọn vẹn" (GS 53), thì gia đình chính là chiếc nôi văn hóa của một đời người vì văn hóa chỉ có thông qua con người, nhờ con người.
Chiếc nôi văn hóa gia đình là hình ảnh của lòng mẹ được gọi một cách trang trọng là "tử cung" nơi bào thai được hình thành, là vòng tay ẵm, là nhịp võng ru, là đầu gối mẹ cha, là nơi người con được hấp thụ toàn bộ sinh hoạt nhân bản: sinh hoạt trí tuệ và tình cảm, việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, các phong tục tập quán và luân lý của con người. Nói cách khác, mỗi người đón nhận từ gia đình một vòng đời văn hóa: yêu thương, phục vụ, hiếu đễ, tang tế; trong đó, sự sống và tình yêu là hai nét văn hóa cơ bản và cần thiết nhất để con người được hiện hữu và trưởng thành nhân cách.
Chúng ta sẽ lần luợt tìm hiểu về hai nét văn hóa sự sống và tình yêu trong văn hóa gia đình của truyền thống dân tộc Việt Nam và nguồn văn hóa Ki-tô Giáo qua những lời� giáo huấn của Hội Thánh từ Công đồng Vatican 2 cho tới nay.
I. Văn Hóa Sự Sống:
A. Truyền Thống Văn Hóa Gia Ðình Việt Nam:
Tự bản chất, gia đình là nơi con người được sinh ra, được bảo vệ và được thăng tiến sự sống. Truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam vừa bộc lộ nét văn hóa quý trọng sự sống căn bản của đời người trong việc sinh sản, vừa nuôi dưỡng nét đẹp văn hóa ấy trong giáo dục gia đình để con người được phát triển về thể chất và nhân cách đồng thời góp phần xây dựng nền văn minh cho dân tộc.
1. Con Rồng cháu Tiên
Câu chuyện Bà Âu Cơ sinh 100 con là một huyền sử dựng nước có nhiều ý nghĩa, mang tính biểu tượng cho một nền văn hóa phát triển sự sống để một dân tộc trở nên hùng mạnh, đoàn kết, và kiên cường mở mang đất nước. Cổ nhân thường dùng hình ảnh để dạy con cháu, thần thoại Rồng Tiên là bóng dáng của lịch sử tô điểm cho các giá trị truyền thống.
Theo Ðông Phong, tác giả cuốn Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam thì Rồng Tiên thực chất là niềm tự hào của dân tộc, là tinh hoa của văn hóa, là cơ sở giáo dục của tiền nhân. "Rồng" là biểu hiện cho sức mạnh biến hóa, hợp thời, vận may, hy vọng. Còn "Tiên" biểu hiện sự thanh khiết, viên mãn, trường sinh và hạnh phúc (x. Ðông Phong, VHCTVN, nxb. Mũi Cà Mau, 1998)
2. Những lời chúc: "Trùng trùng bách tử thiên tôn" hay "đa tử, đa tôn", "phúc, lộc, thọ"...
Ðó là những lời chúc tốt đẹp cao quý nhất người ta thường trao cho nhau vào những dịp lễ đặc biệt của một đời người như ngày tân hôn và trong ngày đầu năm khi đi thăm viếng các gia đình thân nhân họ hàng. Truyền thống này nói lên khát vọng hạnh phúc của từng con người là mong được sống lâu bên đàn con cháu đông đúc làm thành "tứ đại đồng đường". Nói chung, khát vọng sống và sợ chết luôn nằm trong bản chất của con người. Ðó là khát vọng tâm linh hình thành nên nền văn hóa tôn trọng sự sống, phục vụ sự sống của người Việt Nam qua truyền thống Ðạo Hiếu:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con."
Cũng theo tác giả Ðông Phong thì nét đặc biệt trong Văn Hóa gia đình Việt Nam là "chăm sóc con cái và phụng dưỡng người già". Vì thế mà ca dao, tục ngữ, truyện cổ Việt Nam luôn đề cao những bậc cha mẹ hy sinh nuôi nấng con cái, và con cái hiếu thảo với Cha Mẹ, Ông Bà, tôn kính những người cao tuổi. (Nhị Thập Tứ Hiếu, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều...). Ðồng thời, văn học dân gian cũng luôn kết tội những người gian ác, bất hiếu. (Truyện Tấm Cám, Tích Chu,...).
B. Truyền Thống Ki-tô Giáo Về Văn Hóa Sự Sống:
Dựa vào những bản văn Thánh Kinh, Ki-tô Giáo giúp cho nền văn hóa sự sống được vươn tới những tầm mức siêu việt khi tin nhận rằng: Thiên Chúa chính là sự sống, Ngài làm chủ sự sống và cho con người tham dự vào công trình sáng tạo của Ngài. Vì thế, Giáo Hội luôn đề cao giá trị của hôn nhân gia đình như "cung thánh sự sống" và không ngừng lên tiếng bảo vệ quyền sống của con người.
1. Truyền thống tôn trọng và phục vụ sự sống
Công Ðồng Vatican 2 tuyên bố: "Hôn nhân và tình yêu vợ chồng tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt" (St 2, 18) Ngài là Ðấng: "...từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia sinh sản" (St 1, 28)" (GS 50).
Thiên Chúa còn ban giới răn "Không được giết người" (Mt 5, 21) hiểu như một sự tôn trọng sự sống và làm cho sự sống thêm phong phú; nhất là khi Ðức Giê-su tuyên bố: Ngài đến là để làm cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10); ngày Sa-bát là để làm cho sống chứ không phải để giết chết (x. Mt 12, 12); và sự chết của Ngài cũng chính là để cho chúng ta được sống sự sống viên mãn. (Rm 6, 4)
2. Truyền thống bảo vệ quyền sống của con người
Ðứng trước thế lực toàn cầu của nền văn minh sự chết đang khủng bố sự sống ngay từ khi mới chớm nở, đánh mất lương tâm tập thể, Giáo Hội đã quan tâm rất nhiều trong việc giáo dục văn hóa sự sống cho các gia đình từ Công đồng Vatican 2 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (GS), Thông Ðiệp Sự Sống Con Người của Ðức Phao-lô 6, 1968 (HV); Huấn Thị Ơn Ban Sự Sống của Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, 1987; Sách Giáo lý Công Giáo (FD), 1992. Riêng Ðức Gio-an Phao-lô 2, trong triều đại Giáo Hoàng, đã ban Tông Huấn: Familiaris consortio, 1981 (FC); Thông Ðiệp Veritatis splendor, 1993; Thông Ðiệp Centesimus annus, 1991 (CA); Thư Gửi Các Gia Ðình, 1994; đặc biệt là Thông Ðiệp Tin Mừng về Sự Sống, 1995; và Huấn Thị Con Cái Mùa Xuân của Gia Ðình, 1998.
Giáo Hội không ngừng lên tiếng bảo vệ quyền sống của con người, đặc biệt đối với trẻ thơ: "Nhờ ánh sáng của lý trí và không quên tác động âm thầm của ân sủng, bất cứ ai thành thật mở lòng cho sự thật và sự thiện đều có thể nhận ra, trong luật tự nhiên ghi khắc nơi tâm hồn (x. Rm 2, 14 - 15), giá trị thánh thiêng của sự sống con người từ lúc chào đời cho đến hồi kết thúc. Sự sống con người đến từ Thiên Chúa. Ðó là quà tặng của Ngài, là hình ảnh và là dấu ấn của Ngài, là sự thông phần vào hơi thở ban sức sống của Ngài. Cho nên, Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất của sự sống ấy: loài người không có quyền quyết định trên sự sống đó. Sự sống con người là ân phúc hàng đầu của nhân loại mà tất cả mọi người chúng ta phải bảo vệ.
Thế nên Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quả quyết rằng: "Mọi cá nhân đều có quyền sống" và Hiến Chương Các Quyền của Gia Ðình của Toà Thánh (1983) xác nhận rằng: "Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ ngay từ giây phút thành thai" (Ð.4). "Do đó trước cũng như sau khi sinh ra, trẻ thơ có quyền bảo vệ và chăm sóc đặc biệt" (Ð. 4d). Vì thế đối với Giáo Hội, "phá thai là một tội ác khủng khiếp, tương tự việc giết hại trẻ thơ." (x. Huấn Thị Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình, 1998)
3. Gia đình là "cung thánh sự sống"
Giáo Hội luôn nhìn nhận rằng: Ơn ban sự sống được nối liền với gia đình vốn là "cung thánh của sự sống". Ðó là ý định của Thiên Chúa, từ khi tạo dựng, không những chỉ bằng sự cộng tác vào công trình tạo dựng ở lúc thụ thai, nhưng còn kéo dài suốt quá trình giáo dục (như một cuộc đồng tạo dựng toàn diện), là một quá trình phải làm cho mỗi con trẻ, mỗi nhân vị lớn lên theo hình ảnh Thiên Chúa, và giống như Ngài, nghĩa là theo như hình tượng tối hảo là chính Chúa Ki-tô...
Gia đình là nơi mà nền văn hóa sự sống phát sinh, nơi mà sự sống được công bố khi thụ thai, như một tin phúc hạnh trong Chúa Ki-tô, nơi mà sự sống được tôn dương và nơi kiến tạo tương lai cho nhân loại, một nhân loại được coi như trung tâm điểm và trái tim của nền văn minh tình yêu (Lời Giới Thiệu Thông Ðiệp Tin Mừng về Sự Sống của Ðức Hồng Y A.I. Trujillo Chủ Tịch. HÐTT về Gia Ðình).
II. Văn Hóa Tình Yêu:
A. Truyền Thống văn Hóa Gia Ðình Việt Nam:
1. Nền văn hóa đề cao tình yêu chân chính
Hình ảnh quen thuộc nhất đối với dân tộc Việt Nam khi nói về gia đình, đó là "Chiếc nôi tình yêu", "Mái ấm hạnh phúc". Gia đình được hình thành trong tình yêu và là nơi trao nhận tình yêu. Qua truyện cổ Công Chúa Tiên Dung và Chử Ðồng Tử, Sự Tích Trầu Cau, và truyện Ông Táo cho thấy: khi chưa bị ảnh hưởng nặng nề của phong kiến dưới ách lệ thuộc gần một ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã có những quan niệm về hôn nhân gia đình rõ rệt chính xác, đó là duyên nợ và tình yêu. Duyên nợ mang tính duy tâm huyền bí, tình yêu là yếu tố quyết định đi tới hôn nhân.
2. Nền văn hóa đề cao tình yêu tự do và lễ giáo
Hôn nhân tự do trong lễ giáo là khát vọng của tình yêu nam nữ trong hôn nhân Việt Nam. Gia đình yêu thương, hòa thuận, thủy chung, thuần nhất và gắn bó với đại gia đình cha mẹ, gia tộc và dân tộc. Nghi thức cưới hỏi của truyền thống văn hóa Việt Nam đã diễn tả ý nghĩa cao quý này qua biểu tượng: trầu cau, cặp đèn, mâm quả, lời nguyện trước gia tiên, những lời cầu chúc trăm năm hạnh phúc,... Hôn nhân gả bán, ép buộc có giá trị pháp lý thời xưa, nhưng là phi luân lý, phi đạo đức... gặp chống đối từ chính nội tâm đương sự và cả dư luận sáng suốt phản ánh trong tục ngữ: "Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên". Tình yêu đã đem lại vô số những tác phẩm lớn trong văn học trí thức cũng như những câu ca dao bình dân. (x. Ðông Phong, sđd): "Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua." Và: "Thuận vợ thuận chồng, tát bể Ðông cũng cạn".
B. Truyền Thống Ki-tô Giáo Về Văn Hóa Tình Yêu:
1. Hôn nhân là một giao ước tình yêu
Sống yêu thương là điều kiện để trở nên người Ki-tô hữu: "Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 14, 33), và Hôn nhân Ki-tô giáo cũng là một giao ước của tình yêu giữa hai người nam nữ. Họ cam kết yêu thương, tôn trọng và trung thành với nhau suốt đời để thăng hoa tình yêu trong việc sinh con cái.
2. Tình yêu hôn nhân bất khả phân ly
Trong Hiến chế Gaudium et spes, số 48 đã viết về đời sống hôn nhân gia đình như sau: "Bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng là một xương thịt" (Mt 19, 6), phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kếp hợp với nhau bất khả phân ly."
Trong Thánh Lễ Hôn Phối, Hội Thánh đã lấy lời Thánh Phao-lô để khuyên dạy: "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Ðức Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh để Người thánh hóa Hội Thánh" (Ep 5, 25 - 26). "Chính vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Ki-tô và Hội Thánh." (Ep 5, 31 - 32)
Qua phần trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng: Sự sống, tình yêu là điểm chung gặp gỡ của nền nhân bản đích thực và Giáo Lý Ðức Tin Ki-tô Giáo vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và đã khắc sâu trong tâm hồn mỗi người lòng khao khát hướng về cội nguồn sự sống và tình yêu là chính Ngài.
Nhìn vào sự phát triển của Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt qua đời sống chứng nhân của các Thánh Tử Ðạo và nếp sống Mục Vụ Giáo Xứ sinh động như hiện nay, chúng ta nhận thấy rõ hơn rằng: chiếc nôi truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam rất thích hợp để đón nhận văn hóa Tin mừng Sự Sống và Tình Yêu của Ki-tô giáo.
Phần II: Gia Ðình Những Thách Ðố Ðức Tin Giữa Lòng Văn Hóa
Hiện nay các gia đình Công Giáo Việt Nam đang phải đối diện với hai thực tại liên quan đến Ðức Tin đó là bổn phận bảo vệ sự sống và trung thành trong tình yêu hôn nhân. Ðây là hai vấn đề nghiêm trọng mà Công đồng đã đề cập tới 40 năm trước vì nó là một trong những khó khăn lớn của con người trong xã hội đô thị hóa, hiện đại hóa. Vấn đề là chiếc nôi gia đình đang thay đổi từ nền văn hóa nông nghiệp sang nền văn hóa công nghiệp. Tương quan gia đình lỏng lẻo dần và những giá trị đạo đức luân lý truyền thống đang nhường bước cho quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và sức thu hút của các phương tiện truyền thông hiện đại.
Vì thế, trong phần này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh: "Con người là tác giả của văn hóa" (GS 55), như một gợi ý giúp các gia đình Công Giáo sống Phúc Âm giữa một xã hội đang bị đe dọa bởi sự toàn cầu hóa của nền văn minh hưởng thụ. Muốn thế, các gia đình cần khẳng định lập trường của mình để thể hiện Ðức Tin qua nếp sống văn hóa nhân bản để xây dựng nền văn hóa sự sống và tình yêu theo ý Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Công Ðồng Vatican 2.
I. Những thách Ðố Ðức Tin Về Văn Hóa Sự Sống:
A. Hướng dẫn của Công Ðồng:
1. Sinh sản có trách nhiệm
Truyền sinh là sứ mệnh của đời sống gia đình, cha mẹ được cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa và diễn tả tình yêu của Ngài. Nhiều người lầm tưởng rằng Giáo Hội Công Giáo không quan tâm đến vấn đề bùng nổ dân số và nỗi khổ của những gia đình đông con, nhưng thực ra Công Ðồng đã khuyên các bậc cha mẹ sinh sản có trách nhiệm. Họ phải có một phán đoán ngay thẳng: tôn trọng và tuân phục ý Chúa, đồng tâm hiệp ý với nhau, nhận định hoàn cảnh sống, lợi ích của gia đình, xã hội và Giáo Hội trong vấn đề sinh con. Ðiều này luôn cần đến tinh thần hy sinh và quảng đại. (x. GS 49).
2. Nhận sự hỗ trợ của khoa học
Nhờ những thành quả của y học, hiện nay Giáo Hội khuyên các bậc cha mẹ: "Tiết dục định kỳ theo phương pháp điều hòa sinh sản đặt nền tảng trên việc tự quan sát và sử dụng những thời gian không thể thụ thai" vì nó phù hợp với tiêu chuẩn khách quan của luân lý (x. FD 2370), để có thể hạn chế số con khi điều kiện kinh tế và nghề nghiệp không cho phép.
Tại nhiều Giáo Xứ, trong những lớp học chuẩn bị hôn nhân gia đình, các đôi bạn trẻ đã có những giáo trình và được học hỏi, hướng dẫn về những phương pháp này để có thể sinh con có trách nhiệm theo hướng dẫn của Giáo Hội. Những gia đình biết sống đức khiết tịnh trong hôn nhân đã áp dụng thành công những phương pháp này. Nhờ đó họ càng thăng tiến hơn trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.
B. Thách Ðố Và Cám Dỗ Trong Xã Hội Hiện Ðại:
Tuy nhiên trong những năm gần đây do tác động quá nhanh của những biến chuyển xã hội, chiếc nôi gia đình đang bị nền văn hóa sự chết choáng ngợp, nhiều bậc cha mẹ bị khủng hoảng Ðức Tin trầm trọng nhất là khi phải chọn lựa ý muốn của Thiên Chúa về những giá trị của sự sống.
1. Sự toàn cầu hóa của nền văn minh hưởng thụ
Xã hội hiện nay đề cao cá nhân chủ nghĩa, đề cao những quyền lợi riêng tư và lạc thú của cá nhân. Người ta quan niệm tình dục là hưởng thụ nên một số không ít bạn trẻ đã tự do quan hệ trước hôn nhân. Nhiều nhà kinh doanh đã khai thác sự yếu đuối của con người về phương diện này qua những dịch vụ mãi dâm với nhiều hình thức văn hóa không lành mạnh. Cũng có một số gia đình vì áp lực kinh tế và nghề nghiệp muốn hạn chế việc sinh con mà không muốn giữ đức khiết tịnh hôn nhân...
Tất cả những lý do đó đã dẫn đến hệ quả coi thường sự sống nơi nhiều người. Họ không còn xem sự sống là một quà tặng nữa, trái lại họ đã cho mình có quyền làm chủ sự sống, "quyền có con" và tiếp tay xây dựng nếp sống văn hóa "man rợ" là phá hủy sự sống. (Chú thích của Ephata Việt Nam: Hình ảnh khủng khiếp kèm theo ở đây là tài liệu ảnh của giáo sư Ðỗ Tấn Hưng từ Pháp gửi về, chụp tại một tiệm ăn cao cấp của Trung quốc với người đầu bếp đang chuẩn bị "món nhậu" là một thai nhi mới lấy từ bệnh viện phụ sản về. Theo một người gốc Hoa quen biết với chúng tôi, đây là món ăn đại bổ có tên là "Tử Hà Xa").
2. Sự toàn cầu hóa chương trình kế hoạch hóa gia đình
Từ tâm trạng mất ý thức tôn trọng sự sống, cộng thêm với chương trình kế hoạch hóa gia đình của Hội Ðồng Dân Số thế giới ngày một phổ biến khắp nơi, nhiều người đã dùng những hình thức khác nhau để ngừa thai, điều hòa kinh nguyệt, hút điều hòa, phá thai, giảm thai. Vấn đề nạo phá thai của thanh thiếu niên tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày một tăng cao, con số nạo phá thai hàng năm xấp xỉ với tổng số cháu bé được sanh ra trên toàn quốc.
Năm 1997, tổng số sanh trên toàn quốc là 1.138.607 ca, thì con số nạo phá thai là 934.302 ca. Năm 1998, số sanh lấy 1.101.791 ca, thì nạo phá thai là 861.353 ca. Trong đó có 13, 4 % là "bà mẹ - trẻ con" từ 15 - 19 tuổi ( giai đoạn 1885 - 1996, theo báo Sức Khỏe và Ðời Sống số 75 ). Riêng bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai ( 1997: 41.104 ca. 1998: 34.130 ca. Sáu tháng đầu 1999: 29.236 ca ). Con số nhiễm trùng, sót nhau, thủng tử cung do nạo phá thai cũng không nhỏ, năm 1997 là 1.669 ca; 1998: 4.447 ca.
Các nhà xã hội học ước tính số người nạo phá thai trong cả nước hàng năm có thể từ 2 đến 3 triệu người. Liên Hiệp Quốc cũng đã báo động và xếp nước ta vào một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai lớn nhất thế giới. (Chú thích của Ephata Việt Nam: Hình ảnh dã man kèm theo ở đây là tài liệu ảnh của giáo sư Ðỗ Tấn Hưng từ Pháp gửi về, chụp tại một tiệm ăn cao cấp của Trung quốc với "món ăn" là Bào Thai tiềm thuốc Bắc).
Trên thực tế, lương tâm nhiều người không còn nhạy bén với sự nghiêm trọng của tội ác đó. Thái độ chấp nhận ngừa thai và phá thai trong các não trạng, trong tập quán, và ngay cả trong luật pháp, chính là một dấu chỉ cho thấy có sự khủng hoảng văn hóa truyền thống và suy giảm đạo đức trầm trọng trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay.
C. Thái Ðộ Của Các Gia Ðình Công Giáo Việt Nam:
1. Một sự lựa chọn sinh tử
Ðứng trước sự khác biệt giữa văn hoá Ðức Tin Công Giáo và văn hoá quảng đại quần chúng, nhiều Ki-tô hữu đã bị chao đảo vì "trong khi nền văn hoá hiện nay bảo rằng sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo là hành động có trách nhiệm, giúp cho hôn nhân hạnh phúc hơn và xã hội tốt đẹp hơn, thì Giáo Hội Công Giáo lại duy trì lập trường cho rằng các biện pháp ngừa thai luôn luôn là sai lầm và phá hoại hôn nhân và xã hội một cách khủng khiếp" (Christopher West, Những Biện Pháp Ngừa Thai).
Vấn đề là họ phải lựa chọn giữa văn hóa sự sống và sự chết như Lời Chúa phán: "Ta cầu Trời chứng dám cho ngươi hôm nay, rằng Ta đã đặt trước ngươi sự sống và sự chết, lời chúc phúc và lời nguyền rủa, vì thế ngươi hãy chọn lấy sự sống." (Ðnl 30, 19). Nhưng có rất nhiều lý do khiến nhiều gia đình đã âm thầm lựa chọn sống theo "văn hóa ngừa thai" vì họ cảm thấy bất lực trước những khó khăn của gia đình họ. Một số khá đông thiếu ý thức về tội: vì không biết hay vì môi trường sống không được sự hướng dẫn của Giáo Hội. Số khác có ý thức đầy đủ nhưng vì nghề nghiệp hoặc phải chiều ý chồng, nếu không, chồng sẽ sa ngã vào tệ nạn xã hội.
2. Một thực trạng mầu đen hay mầu vàng?
Trên thực tế, qua việc trao đổi với chị em phụ nữ, các nhân viên y tế cộng đồng và một số các linh mục thì được biết: hơn 90% phụ nữ Công Giáo Việt Nam trong thời gian có thể sinh nở đã dùng những phương pháp ngừa thai nhân tạo đang được quảng cáo trên thị trường tiêu thụ. Nói chung các gia đình chưa được hướng dẫn đầy đủ về tình yêu và đức khiết tịnh hôn nhân để có thể tự chủ sống tiết dục định kỳ theo hướng dẫn của Giáo Hội (x. FD 2370). Ðây là vấn đề nhậy cảm của lương tâm mà các vị chủ chăn tại nhiều nơi đành phải làm ngơ bỏ ngỏ sau khi đã giải thích cho đương sự lập trường không thay đổi của Giáo Hội về việc tôn trọng sự sống.
Tiếp đến là vấn đề phá thai, trong tư vấn và những nghiên cứu nơi các bạn trẻ cho thấy: số các em gái trong các gia đình Công Giáo tới những nơi giúp phá thai cũng không ít và có khi chính cha mẹ đã gây áp lực cho con phải "giải quyết" vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình. Trong tương lai, thực trạng này sẽ đi tới đâu nếu các gia đình Công Giáo không đủ Ðức Tin để xây dựng nền nhân bản đích thực về tin mừng sự sống cho mình và cho xã hội? Chúng ta có thể liên tưởng tới Lời Chúa: "Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy niềm tin trên địa cầu nữa không?" (Lc 18, 8)
Tuy nhiên, nếu chúng ta đã có dịp lắng nghe những thao thức từ trái tim đến trái tim của nhiều thành phần, giai cấp trong xã hội, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: từ đáy sâu nội tâm, người ta vẫn khao khát được sống, được yêu và muốn trở về, muốn thoát ra khỏi sự trống rỗng vô nghĩa của nền văn hoá sự chết. Vì thế, ánh sáng sự sống hy vọng của ơn cứu độ vẫn đang ló rạng từ cuối chân trời của màn đêm xã hội hôm nay.
II. Những Thách Ðố Ðức Tin Về Văn Hóa Tình Yêu:
A. Hướng Dẫn Của Giáo Hội:
1. Tình yêu chân chính
Ai cũng tôn trọng tình yêu chân chính mang đặc tính nhân linh, nhân vị và tự nguyện. Nó phù hợp với mọi phong tục lành mạnh của mọi thời đại, mọi dân tộc. Tình yêu chân chính vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy và hưởng thụ ích kỷ vốn mau tan biến và để lại những hậu quả thảm hại. Lời Chúa mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ thành chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia sẻ.
Tình yêu chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các vợ chồng Ki-tô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong việc ân cần giáo dục con cái, nếu họ góp công chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội. (x. GS 49)
2. Xây dựng một cộng đồng nhân vị
Ðể khai triển ý Công Ðồng về tình yêu, hôn nhân gia đình, trong Tông Huấn FC số 18, Ðức Gio-an Phao-lô 2 đã viết:
"Gia đình được thiết lập do tình yêu, là một cộng đồng ngôi vị: đôi vợ chồng, là cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị.
Nguyên lý nội tại, sức mạnh thường xuyên và mục đích cuối cùng của một sức mạnh như thế chính là tình yêu. Cũng như không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không có tình yêu, gia đình không thể tồn tại, phát triển và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị...
Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó."
B. Thách Ðố và Cám Dỗ
1. Một thực tại đau lòng trong đời sống văn hóa tại Việt Nam
Trong xã hội Việt Nam ở mọi thời đại đều thấy cảnh: lầu xanh, đa thê, tảo hôn, bán trinh để báo hiếu cha mẹ, loạn luân, đồng tính ái, đặc biệt là tệ nạn mãi dâm ngày nay đang xuất hiện dưới nhiều dạng thức: nhà hàng, cà-phê, Karaoke, xông hơi, xoa bóp, vũ trường, chat group trên Internet,... Ngoài ra nhiều hình thức văn hóa phẩm đen đã khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận cho rằng tình yêu chỉ là sự cuốn hút của cảm xúc, chiếm hữu, tình dục, tiền tài, thương hại. Tình trạng yêu sớm, yêu thử, yêu ào ào theo phong trào, yêu như điên, yêu hết mình xẩy ra nơi học sinh cấp 2, 3, và trong giới sinh viên ngày một tăng. Ðó phải chăng là những nhân tố làm nên một dòng nhạc "vô cảm" và "não tình" mà dư luận quần chúng trên báo chí gần đây đã đề cập đến khá nhiều:
"Tình yêu đến em không mong đợi gì.
Tình yêu đi em không hề nuối tiếc."
Tiếp đến là nhiều cặp sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn có con để tránh trách nhiệm. Nhiều gia đình được hình thành trong một cam kết hời hợt lợi dụng lẫn nhau. Tất cả những vấn đề đó đã dẫn đến tỉ lệ ly dị ngày một tăng. Theo thống kê của Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Sài-gòn năm 2000, thì mỗi ngày trung bình có 32 vụ ly hôn trên địa bàn của 22 quận huyện. Ngoài ra còn tình trạng bạo hành trong gia đình về mặt thể chất, tinh thần và tình dục cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình ở thành phố cũng như ở thôn quê.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự yếu đuối của cá nhân và mục đích của một số những tổ chức kinh doanh đặt lợi nhuận trên nhân phẩm con người, còn đa số nhận thức người dân Việt hiện nay vẫn đề cao và thao thức đi tìm một tình yêu chân chính trong hôn nhân gia đình.
C. Thái Ðộ Của Các Gia Ðình Công Giáo Việt Nam:
Hiện nay, gia đình Công Giáo Việt Nam vẫn còn được xã hội quí trọng và đánh giá cao về tính bền vững của hôn nhân. Tại các Giáo Xứ, chương trình mục vụ giáo lý Ðức Tin, sinh hoạt các đoàn thể: thiếu nhi, hiền mẫu, gia trưởng, huynh đoàn Ða-minh, các Lớp Chuẩn Bị Hôn Nhân Gia Ðình, chia sẻ Lời Chúa, những tuần tĩnh tâm, những giờ Kinh Tối đã hỗ trợ cho đời sống nhân bản và Ðức Tin của các gia đình Ki-tô hữu rất nhiều. Tuy nhiên, trong cơn lốc của thời đại, nhiều gia đình đang phải đối diện với những thách đố đa dạng về Ðức Tin trong khi xây dựng tình yêu chân chính, yêu thương, tôn trọng và trung thành với nhau suốt đời.
1. Cam kết hời hợt trong hôn nhân
Một số không ít bạn trẻ lập gia đình khi chưa đủ thời gian để nhận diện một tình yêu chân chính, các bạn vội vàng kết hôn do những nhu cầu hưởng thụ cá nhân, lợi nhuận vật chất và những yếu tố xã hội nhiều hơn tình yêu quảng đại hy sinh cho nhau theo mẫu gương của Chúa Ki-tô và Giáo Hội.
Vì thế, nhiều gia đình không sống trung thực với nhau và tôn trọng những khác biệt của nhau. Nhiều gia đình không thể tha thứ cho nhau để có thể truyền thông với nhau, hòa giải những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong việc tổ chức đời sống gia đình và giáo dục con cái. Vì thế gia đình của họ không hạnh phúc, và từ đó dẫn đến những tệ nạn xã hội.
2. Ngoại tình và ly thân
Như một số gia đình khác trong xã hội, từ những cam kết hời hợt thiếu tình yêu và ý thức trách nhiệm trong hôn nhân, nên một số gia đình Công Giáo cũng đang gặp khó khăn khi một trong hai người ngoại tình. Hoặc nếu người vợ biết người chồng của mình đã tìm đến những dịch vụ mãi dâm, họ thật khó lòng tha thứ vì sợ lây bệnh xã hội. Trường hợp này cũng thường dẫn đến một hình thức ly thân trong các gia đình.
Nữ tu Tê-rê-xa Phạm Thị Oanh, Dòng Ða-minh Tam Hiệp