DÌ TÔI
DÌ TÔI
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về dì tôi, một người bé mọn đã được Thiên Chúa yêu thương dường nào!
Hồi bé, tôi không có khái niệm gì về dì ngoài câu chuyện “Nga ngố bị mổ lồng ruột”. Tên dì chỉ được nhắc đến vào những dịp “kiểm tra dân số”, tức là điểm danh anh chị em trong nhà để cho con cháu biết ông bà ngoại có tất cả 9 người con. Lớn lên, tôi được biết thêm thông tin là dì đã có một đứa con hoang và đã đem cho một gia đình khá giả, có địa vị xã hội làm con nuôi, người này khi trưởng thành, trước ngày đi định cư ở nước ngoài, có đến gặp dì một lần duy nhất rồi thôi. Sau khi lập gia đình và đã có con, tôi lại biết dì đã bị nhiễm HIV từ người yêu là một anh công an khu vực và đang phải điều trị. Cuộc sống của dì âm thầm với rổ bánh rán mỗi sáng đem bán dạo ở chợ và nghề đan len của bà ngoại truyền cho. Mỗi lần ra Hà Nội gặp mặt họ hàng, dì như một cái bóng, it nói, âm thầm tham gia mọi việc trong nhà nhưng không chia sẻ với ai điều gì. Mọi người bảo dì có nhiều hoạt động trong bóng tối nên cứ dấu giếm, lén lút như thế.
Thỉnh thoảng tôi có chia sẻ với dì về Đức tin của mình và hỏi thăm về đời sống của dì. Cách nay mấy năm dì cho biết đang sinh hoạt trong một nhóm Tin Lành, nhưng không nói rõ cụ thể làm gì, tôi cũng không hỏi thêm. Một thời gian sau, hỏi đến nhóm ấy, dì lại bảo không tham gia nữa vì nó thế nào ấy. Lần giỗ thứ hai của bà ngoại tôi, chúng tôi lại có dịp quây quần bên nhau trong ngôi nhà bé xíu ở Kim Liên. Dì kể là dì tin Chúa và đang tham gia ca đoàn, rất vui vì được mặc áo dài đi hát. Tôi có tặng dì ít tiền mua áo dài trắng. Dì đặc biệt sùng kính Đức Mẹ và hồn nhiên hát cho cả nhà nghe một bài về Đức Mẹ với vẻ mặt rạng rỡ. Tôi hỏi ca đoàn nào thì dì bảo: “Thái Hà”, nhưng dì chưa rửa tội, chỉ đi sinh hoạt thế thôi. Tôi không tin tưởng lắm vào sự bền vững nơi dì vì dì đã đến rồi đi qua nhiều hội đoàn, nên không tìm hiểu sâu thêm, nghĩ thế là tốt rồi.
Bẵng đi một thời gian 2 năm, tôi không có dịp gặp lại dì, điện thoại cũng ít và chỉ nói qua loa vài việc cần thiết. Các chị em của mẹ gây quỹ hỗ trợ cho hai bà dì độc thân của tôi, nhưng không đưa tiền trực tiếp mà giao cho dì út quản lý. Các bà chị cho rằng hai cô em là dở hơi, cần phải quản lý như những đứa trẻ bất trị.
Gần đây tôi nghe nói dì rất yếu và phải nhập viện điều trị. Trưa 11/8, tôi về thăm mẹ sớm. Mẹ đang than vãn về chuyện bệnh tật của dì thì dượng út ở Hà Nội báo tin dì vừa qua đời. Mẹ gọi điện thông báo cho các chị em, tìm thầy hỏi ngày giờ chôn cất. Tôi bình thản trước tin ấy, tôi nghĩ dì đã được giải thoát. Bỗng mẹ nhắc tôi, vẻ tin tưởng và thành kính như người đồng đạo: “hình như nó tin Chúa, nếu tin thì phải làm lễ theo nhà thờ chứ không theo chùa được”. Tôi tỉnh người ra, nhớ lại hôm tĩnh tâm vừa rồi có một chị chia sẻ về em của chị cũng mới rửa tội cách nay 2 năm ở Thái Hà. Tôi nhờ chị và đã nối kết được với chị Hà. Chị biết dì, vì cùng sinh hoạt trong nhóm bảo vệ sự sống, nhưng không biết dì đã rửa tội chưa. Sau khi cả nhà đồng ý để Nhà thờ làm lễ an táng, chị nhiệt tình đưa dượng tôi đến gặp cha Phùng. Ngài hỏi tôi qua điện thoại về thông tin của dì thì tôi ú ớ mù tịt, không biết dì thuộc ca đoàn nào, đã rửa tội chưa. Ngài rất hiền lành và kiên nhẫn hướng dẫn cho tôi, chờ tôi hỏi thêm một vài người quen nữa. Ngài sẵn sàng làm lễ nếu dì đã rửa tội, vì Nhà thờ Thái Hà nằm gần bên bệnh viện Đống Đa.
Hai bà dì tôi ở chung một nhà nhưng không mấy thân thiết, dì thường bị bà chị bắt nạt nên cứ âm thầm làm việc của mình, ít chia sẻ. Lục trong tủ của dì chỉ có một tấm hình chụp chung với nhóm và một cuốn sổ nhỏ, không có số điện thoại nào của bạn bè để liên lạc. Khi những kỷ vật ấy được đem đến cho cha Phùng thì cha đang dâng lễ. Chờ đợi lâu, dượng tôi hơi nản lòng vì còn phải lo rất nhiều việc, nhưng chị Hà đã động viên dượng kiên nhẫn chờ cha dâng lễ xong. Cũng vào lúc ấy, “Hội các bà” gồm bốn bà chị chuẩn bị ra sân bay đi Hà Nội, khác hẳn ý định ban đầu là nhờ vợ chồng dì út lo liệu. Mẹ điện thoại hỏi tôi “sao nhờ cha mà cha không làm lễ, bây giờ còn chờ thì làm sao kêu thầy chùa kịp?”. Tôi bối rối không biết mình có làm phiền mọi người không, với một quyết định không có cơ sở rõ ràng như thế. Tôi hoang mang nói với mẹ: “ đi vòng vòng tìm cho ra dì đã rửa tội hay chưa , chắc cũng lâu lắm, hay là cứ gọi thầy chùa đi mẹ ạ”. Một lúc sau, tôi được tin dượng đã gặp cha, cộng đoàn trong hình là hội Leigio Giáo xứ hàng bột, có cả cha xứ nên cha Phùng nhận ra ngay. Cả nhà thở phào nhẹ nhõm, chỉ có dì dượng út tôi là phải chạy ngược ra Hàng bột gặp cha Kiều , rồi phải lo ký hợp đồng với lò thiêu ở Văn điển nữa...
“Hội các bà” mua vé của “delay airline” nên hai giờ sáng mới tới sân bay Nội bài. 6g30 hôm sau đã phải đi gặp cha Kiều, cha xứ Hàng bột. Các bà vô cùng mãn nguyện sau khi tiếp kiến cha vì cảm nhận tình thương và lòng nhiệt thành nơi cha. Qua những câu chuyện cha kể về dì, các bà nở mày nở mặt, hãnh diện vì cô em “Nga ngố” mang căn bệnh thế kỷ bỗng trở thành nàng “Thiên Nga” trắng muốt: dì tham gia ca đoàn, hội Leigio, làm bánh cho trẻ mồ côi, dạy đan len cho trẻ em nhiễm HIV từ mẹ…, dì thường đến ngồi chờ trước cửa Nhà thờ từ lúc chưa mở cửa, mưa gió cũng không bỏ buổi lễ nào, nhiệt tình giúp việc nhà Chúa và giúp đỡ mọi người nên được chị em yêu thương. Dì học được nhiều điều bổ ích mà trước đây chưa từng biết đến. Dì chấp nhận sự chỉ trích của người thân khi thấy dì say mê sinh hoạt bên Đạo, thậm chí còn bị một người chị đánh vì đã đi ngược lại niềm tin của gia đình. Bây giờ thì các bà đã hiểu em mình khao khát tình thương như thế nào, và đã tìm được chỗ dựa vững chắc nơi Chúa, qua cộng đoàn, cha xứ Hàng bột. Nghe cha Kiều kể, mẹ tôi cảm thấy các chị em có lỗi vì đã không biết lắng nghe tâm tư của em, coi thường, nghĩ em là “ngố” nên hay chỉ huy, quyết định thay mọi chuyện. Các bà rất cảm động, chân thành cảm ơn cha và cộng đoàn đã làm chỗ dựa cho em mình và xin đóng góp toàn bộ tiền phúng điếu để cha tiếp tục giúp những người khác.
Thánh lễ an táng của dì trang trọng và ấm áp tình anh chị em con cùng một Cha trên Trời. Các Soeur, các hội đoàn, bà con giáo dân tham dự Thánh lễ gần kín nhà thờ. Bài giảng của cha khiến mọi người không cầm được nước mắt. Cha tôn vinh một người bé mọn, vượt lên những đau đớn hồn xác của mình, vượt lên mặc cảm để tìm đến với hội đoàn, trải qua nhiều thử thách cản trở quyết tìm cho được một nơi trú ẩn trong yêu thương, thông cảm. Cuối cùng, người bé mọn thân mang đầy thương tích đã được Chúa Giêsu đón nhận vào Nhiệm thể của mình và tha thứ hết mọi tội lỗi, trở thành người tự tin, hạnh phúc, nhiệt thành phụng sự Chúa, rồi được Chúa âu yếm gọi về chỉ sau một năm ngắn ngủi đi theo Người, ngay trong dịp đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời, cũng là Bổn mạng Maria của dì. Vậy là kẻ sau chót đã được đưa lên hàng đầu! Dì là người thứ ba trong gia đình tôi theo Chúa, là người đứng chót nhất trong gia đình, nhưng lại là người đầu tiên trở thành chứng nhân sống động của tình yêu Chúa.
Khi về đến Sài gòn, mẹ đã kể rất nhiều những cảm nhận của mình, khác hẳn trước đây mẹ hay nói về công việc hơn. Mẹ có ý định lần sau ra Hà Nội làm mộ cho dì sẽ gửi một đứa cháu, cũng bơ vơ vì mất bố từ khi còn trong bụng mẹ, nhờ cha Kiều hướng dẫn. Mẹ còn muốn Noel này đi thăm các cha hưu, vì các cha đã suốt đời chẳng làm gì cho mình, chỉ biết đem Chúa đến cho mọi người. Tôi xâu chuỗi sự kiện và cho mẹ biết: “mẹ đã sống trong ơn nghĩa Chúa Thánh Thần”: Chúa đã chạm đến mẹ qua lời nhắc nhở: “hình như nó theo Chúa”, mẹ đã rất trân trọng Đức tin của dì và cách nào đó đã tuyên xưng niềm tin của mình: “Vậy thì phải làm lễ theo nhà thờ chứ không làm theo chùa được”. Mẹ đã ra khỏi chính mình bằng quyết định ra Hà nội để em được ấm áp. Khi nghe cha xứ kể về dì, mẹ đã thú nhận những thiếu sót và dâng lời tạ ơn. Lời tạ ơn biến thành hành động cụ thể “dâng tiền phúng điếu cho người nghèo” và sau đó là những dự kiến làm việc bác ái. Câu “các cha suốt đời đem Chúa đến cho mọi người” chắc hẳn là của Chúa Thánh Thần chứ không thể là của mẹ, một người trước đây không bao giờ muốn nghe nói về Chúa quá 5 phút. Khi mẹ làm tất cả những điều đó, một số người trong gia đình đã phản đối, cho rằng mẹ quá tay, nhưng mẹ nói rằng nếu việc làm xuất phát từ tấm lòng biết ơn thì không có gì là phung phí. Trong khi mẹ ra Hà Nội, bố cũng tuyên xưng niềm tin. Khi tôi nói rằng: “Cả cuộc đời bố đã sống hiền lành, nhẫn nhịn, yêu thương y như Chúa dạy, bây giờ chỉ còn mỗi một việc là nhận Cha của mình thôi”. Bố bảo: “Con đừng thuyết phục bố. Không phải bố không tin, ngày xưa bố cũng học trường Đạo, nhưng cuối đời bố không muốn rắc rối (vì bố rất tình nghĩa với anh em đồng đội ngày xưa trong kháng chiến). Con không hiểu à, bố không phản đối tức là tin đấy”. Tạ Ơn Chúa vì Chúa đã chạm đến gia đình con, nhất là hai cụ nhà con!
Từ câu chuyện của dì, tôi cũng rút ra được một kinh nghiệm mục vụ: hãy ôm ấp tất cả những người khốn khổ vào hội đoàn, không rào cản nguyên tắc, không phân biệt thánh thiện hay tội lỗi, gương sáng hay gương mù, chỉ vì họ là những người không còn nơi nương tựa, đang khao khát tìm về nguồn suối mát yêu thương. Còn việc họ có được chọn hay không là việc của Chúa. Các hội đoàn có thể bị cám dỗ trở thành một nhóm người thánh thiện, ưu tú, hợp “rơ”, sống vui vẻ với nhau, bưng tai bịt mắt trước tiếng kêu cứu của những kẻ đói khát tình thương muốn tham gia hội đoàn, chỉ vì họ là người tội lỗi, sẽ làm gương mù gương xấu cho cộng đồng hay không thỏa các điều kiện để được vào hội đoàn…
Tạ Ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Maria!
Con cám ơn cha Kiều, các Soeur, Hội Leigio và Ca đoàn Giáo xứ Hàng bột, chị Hà, dì dượng Út và “hội các bà” vì tất cả…
Xin cầu cho linh hồn Maria Cao Thiên Nga
Saigon 15/8/2014
MINH ANH