ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 9 -2010 : Một vài gợi ý khi phụ huynh gặp phải đứa con ngỗ nghịch

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 9 -2010 : Một vài gợi ý khi phụ huynh gặp phải đứa con ngỗ nghịch

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 9 -2010
 
MỘT VÀI GỢI Ý KHI PHỤ HUYNH GẶP PHẢI ĐỨC CON NGỖ NGHỊCH
 
Kính thưa quý vị gia trưởng,

Khi ái tình loan phượng thành hình bằng xương bằng thịt nơi đứa trẻ thì lập tức một nghĩa vụ mới khoác trên vai hai vợ chồng: nhiệm vụ giáo dục con cái, một nhiệm vụ vô cùng nặng nhọc và lâu dài.
 
Tục ngữ VN dạy : “Có sinh phải có dưỡng.”
 
Và người xưa cũng mỉa mai những ai coi thường nhiệm vụ “dưỡng” song song với nhiệm vụ “sinh”, mà rằng:

Nuôi con chẳng dạy chẳng răn
Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng.
 
Thật ra, sinh thành và dưỡng dục là hai nhiệm vụ chính của cha mẹ. Không có cha mẹ nào mà lại không muốn nuôi dạy con cái mình nên người:

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi
Nuôi con khôn lớn thành người mới nghe.
 
Nếu như trong gia đình, đứa con nào cũng ngoan ngoãn, dễ dạy thì phúc cho cha mẹ biết bao! Nhưng thực tế cho thấy, bên cạnh những đứa con ngoan ngoãn, dễ bảo thì cũng có những đứa con ngang ngược, bướng bỉnh, trái tính, trái nết.
 
Để nâng đỡ nhau trong công việc giáo dục, dựa trên kinh nghiệm được đúc kết của các bậc phụ huynh lão thành và bài thuyết trình tại trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TPHCM ,của Tiến sĩ Nguyễn thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐHSP về “Các nguyên tắc giáo dục con trong gia đình”. Chúng tôi xin chia sẻ với quý vị Gia Trưởng một vài gợi ý khi gặp phải những đứa con ngỗ nghịch như sau:
 
1/. Khi phát hiện con mình nhen nhúm tật xấu, chẳng hạn như: bỏ bê việc học, bước chân vào đường tình quá sớm, mê chơi game, nhắn tin không lành mạnh qua điện thoại….. Trước hết về phía bản thân, ta hãy đánh động chúng theo kiểu “sấm Đông, động Tây” bằng những câu chuyện có ngụ ý tốt, giới thiệu cho chúng những đầu sách hay hoặc những thước phim phù hợp để lấn át những tư tưởng, những ước muốn xấu đang hình thành trong đầu chúng. Bên cạnh đó ta hãy cậy nhờ các bậc cha ông, những vị lớn tuổi có kinh nghiệm, có thế giá, có uy tín hơn ta, nhất là những người chiếm được cảm tình và lòng tin của chúng để các vị ấy lưu ý và khuyên nhủ chúng thay ta.
 
2/. Ta phải biết lắng nghekhông áp đặt và sẵn sàng chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc của chúng. Nhiệt tình trao đổi, đối thoại rồi tìm hiểu sự việc vì bất cứ việc gì, dù ít dù nhiều cũng đều có nguyên nhân gây nên cả. Sau đó ta thận trọng lượng giá và tìm cách giải quyết vấn đề sao cho khéo léo .
 
3/. Một trong những sai lầm của các bậc cha mẹ là rất chủ quan, cho rằng mình có làm gì đi nữa thì con cái vẫn phải chấp nhận chịu đựng mà không được phản kháng. Khởi đi từ quan điểm này, người lớn tuổi thường hay có thái độ “cả vú lấp miệng em”.
 
Để tránh tình trạng sai lầm cố hữu ấy, ta cần phải biết khuyên bảo, hướng dẫn chúng cách thân tình như một người bạn chứ không phải như một người cha khó tính chỉ hay ra lệnh. Ta phải tạo niềm tin nơi chúng, để chúng tin tưởng vào ta, và ta cũng tin tưởng vào chúng, nhờ đó chúng có được ý hướng vươn lên, xóa đi mặc cảm tội lỗi và quyết tâm phục thiện làm mới lại cuộc đời.
 
4/. Thông thường con cái ta hay bị hư hỏng là do ảnh hưởng bởi bạn bè xấu và môi trường xấu. Câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là như thế. Để giúp con thoát hiểm, ta phải tách chúng xa lìa khỏi môi trường xấu và bạn bè xấu càng sớm càng tốt. Câu chuyện thầy Mạnh Tử được mẹ là bà Mạnh Mẫu đổi chỗ ở đến ba lần, nhờ đó nên tốt hơn, là bài học điển hình cho chúng ta.
 
5/. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại văn minh khoa học kỹ thuật. Ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật số đang trong giai đoạn cực thịnh. Chính vì thế, việc tích lũy kiến thức cả về đời sống nhân bản lẫn khoa học kỹ thuật là vô cùng cần thiết để chúng có thể hòa nhập được với xã hội và dễ kiếm được việc làm ổn định. Lại nữa, một người có giáo dục, có kiến thức, thường biết cách ứng xử thích nghi và có văn hóa hơn trong giao tiếp. Do vậy, ta cố gắng đừng để con cái bỏ ngang việc học. Nếu chúng có yếu kém trong học tập, cố gắng lấy lại kiến thức cho chúng bằng học thêm, học kèm, dẫu phải học bổ túc cũng sẵn lòng chấp nhận. Cách riêng khi chúng tỏ ý chán học, ta phải khuyến khích, cắt đường chỉ lối để chúng nhận ra giá trị đích thực của việc học tập. Đừng “Vẽ đường cho hươu chạy”, chẳng hạn như khi chúng chán học lại tìm cách mượn giấy tờ cho chúng đi làm công ty khi chưa đủ tuổi. Làm như thế chẳng khác nào ta khuyến khích chúng bỏ học mà thôi.
 
6/. Khi con cái phải đi học xa nhà, ta cố gắng chọn môi trường thích hợp cho chúng như : trường học đạt chất lượng, khu vực nhà trọ tốt, tránh xa nơi có tệ nạn, càng  gần khu vực đạo giáo bao nhiêu càng tốt để chúng có điều kiện tham dự vào các sinh hoạt tôn giáo như : học giáo lý, tham dự thánh lễ..,nhờ đó đời sống đức tin của chúng được bảo đảm. Mặt khác, ta cũng cố gắngtạo công ăn việc làm cho chúng được ổn định, vừa để bảo đảm đời sống tương lai, vừa để khỏi rơi vào cảnh “Nhàn cư vi bất thiện”.
 
7/. Theo kết quả những cuộc khảo sát của các nhà chuyên môn : nhiều đứa con hay phá phách, chống lại thầy cô, không vâng lời bố mẹ, làm những việc sai trái, quậy phá... không phải vì bản chất hư hỏng hay do sự lầm lỡ, mà chúng cố tình nổi loạn như vậy chỉ để đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ và thầy cô. Do đó cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian hơn cho con cáichứ đừng có quá lo chuyện làm ăn hay nhậu nhẹt say sưa, tối về lại ngủ vùi... tạo nên sự xa cách với con mình , từ đó chúng sẽ lạc lõng, lạnh nhạt với gia đình và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
 
8/. Hãy nhớ rằng đôi khi con chúng ta hư hỏng là do lỗi của chính chúng ta. Đừng có quá bảo thủ mà quan niệm rằng : ‘’Trứng khôn hơn rận’’ hoặc ‘’ Áo mặc không qua khỏi đầu’’ để rồi không tự xét mình lại. Chính vì thế, ta cần điều chỉnh lối sống của mình và duyệt xét lại xem phương cách giáo dục của mình đã áp dụng có đúng không ?. Rất có thể ta thiếu thống nhất trong giáo dục, quá nuông chiều con cái hoặc quá khắt khe và cổ hủ trong đường lối giáo dục. Mặt khác, khi cha mẹ bất hòa, vợ chồng ngoại tình đưa đến ly thân, ly dị... là ta đã đẩy con cái ra đường làm mồi ngon cho các tệ nạn xã hội.
 
9/. Hãy đối xử với con cái bằng trái tim nhân hậu của người cha và tình thương bao la cùa người mẹ nhằm cảm hóa con cái. Trong cuộc đời, ai cũng có những giây phút yếu lòng. Thánh nhân còn ‘’bất tự mãn’’ huống chi ta. Đặc biệt con cái chúng ta “trẻ người, non dạ” lại càng dễ mắc phải sai lầm hơn. Do vậy, khi con cái có điều chi sai trái, chẳng hạn chúng bồng bột đưa đến hậu quả lỡ làng trong chuyện yêu đương, hoặc nông nổi trong cách ứng xử gây nên ẩu đả....ta hãy kiên nhẫn chịu đựng và chờ đợi chúng sửa sai. Không nên nhắc lại lỗi lầm trong quá khứ. Khi cần khuyên nhủ, phải tôn trọng nhân phẩm và tránh làm mất thể diện của chúng. Luôn khuyến khích chúng vươn lên và hướng về viễn tượng tương lai tốt đẹp sau này.
 
 10/. Là người Kitô hữu, tiên vàn, ta phải dạy con dành mọi ưu tiên cho việc đạo đức trước, rồi mới quan tâm đến những nhu cầu khác sau. Nhắc nhở chúng đi tham dự thánh lễ mỗi ngày khi có thể. Duy trì đều đặn các giờ kinh tối gia đình. Dạy dỗ và làm gương sáng cho chúng về các đức tính nhân bản như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, lịch sự, cần, kiệm, liêm, chính…Tạo điều kiện cho chúng biết trân trọng và phát huy tình liên đới trong gia đình và ngoài xã hội, biết sống trung thực và có tinh thần trách nhiệm, biết sống bác ái với tha nhân. Hỗ trợ chúng thăng tiến về mọi mặt và giúp tránh xa những ảnh hưởng không lành mạnh. Đặc biệt, phải kiên trì cầu nguyện để xin Chúa cải hóa chúng.
 
Kính thưa quý vị gia trưởng, trên đây là một số nét gợi ý để quý vị tham khảo. Nếu xét thấy có điểm nào thích hợp, quí vị có thể đem ứng dụng cho từng hoàn cảnh và môi trường của riêng mình. Kính chúc quý vị đạt được như sở nguyện và gia đình luôn hạnh phúc.
 
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
 
UBMV Gia Đình / HĐGMVN