ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG: THÁNG 4 - 2010 GIA TRƯỞNG & NGỌN NẾN PHỤC SINH Kính thưa quý gia trưởng ! Sự kiện Chúa Giêsu Kitô phục sinh vừa là một biến cố lịch sử siêu việt và là một chân lý tuyệt đỉnh của niềm tin. Giáo lý Công giáo đã dạy ta những ý nghĩa lớn lao của biến cố này là : - Chúa Giêsu chính là Thiên chúa, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ.
- Mọi điều Chúa Giêsu đã nói và đã làm đều ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã được loan báo. Chính Thánh Phaolô cũng đã xác quyết : “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền.“ (1C 15, 14.17). “ Alêluia ! Alêluia ! ” Đã có biết bao lần trong cuộc đời, khi dự lễ Phục Sinh, chúng ta cất cao lời tung hô này để ngợi ca về tình yêu và quyền năng Thiên Chúa. Mắt ta hướng về ngọn nến Phục Sinh, tai ta nghe lời đọc từ Linh mục chủ sự “ Ánh sáng Chúa Kitô “, miệng ta hòa chung với cộng đoàn đồng thanh tung hô “Tạ ơn Chúa !”. Chưa bao giờ hơn lúc này, ta cảm nhận được hạnh phúc của niềm tin cũng như giá trị của con người được ơn cứu độ. 1. CHÚA GIÊSU PHỤC SINH – HẠNH PHÚC CỦA NIỀM TIN Sinh thời, trong những năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ít lần, cách này cách khác, tỏ mình là Thiên Chúa và Thiên Chúa thật. Ngài tỏ lộ ra bằng lời, bằng hàng loạt phép lạ, bằng những lời tiên báo, bằng sự hiển dung đầy thần thiêng,… Thế nhưng, nhân loại thời đó đã mù tối hầu như không hề nhận ra bản tính Thiên Chúa nơi Ngài. Trong suy nghĩ trần gian, họ chỉ nhìn thấy một Giêsu bằng xương bằng thịt như mọi người, cũng ăn uống, cũng buồn vui, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, con ông Giuse thợ mộc và bà Maria hiền lành nhẫn nhục. Ngay cả Maria chị của Lazarô, đã cao giọng xác quyết niềm tin và trực tiếp mục kích em trai của mình được thầy Giêsu cho đội mồ sống dậy, ngay cả Tông đồ trưởng Phêrô cũng đã hùng hồn tuyên bố “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” ; thế nhưng đứng trước một thực tế phũ phàng : Thầy Giêsu bị treo trên thập giá, nhục nhã và trút hơi tàn trong đau đớn, thì tất cả mọi lời tuyên xưng kia lập tức nín bặt. Niềm tin nơi họ dường như không còn chỗ bám víu, thay vào đó là một sự hoang mang chao đảo, sự lo sợ và trốn chạy trước sức mạnh của quyền lực trần gian và cơn cuồng nộ của lòng người. Nhưng rồi, Chúa Giêsu đã phục sinh. Ơn phúc đầu tiên mà sự phục sinh của Chúa đem lại, đó là vực dậy niềm tin nơi những tâm hồn đang chao đảo sợ hãi khi đã từng tin vào Ngài. Niềm tin đã không bị dối lừa. Kể cả Tôma tông đồ, kẻ đòi xỏ ngón tay vào dấu đanh, đòi thọc bàn tay vào cạnh sườn của Thầy Chí Thánh, cũng đã sấp mình trước Chúa Phục Sinh : - Lạy Chúa tôi ! Lạy Thiên Chúa của tôi ! Tôma, người đại diện cho những ai đòi hỏi niềm tin phải dựa trên những bằng cớ xác thực của giác quan, đã tin vào Chúa Phục Sinh, vì ông đã thấy. Nhưng Chúa Phục Sinh đã nói cùng Tôma rằng : “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Lời ấy đã khẳng định với nhân loại một chân lý : Hạnh phúc là tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
2. ĐỂ CUỘC ĐỜI MÌNH ĐƯỢC CHIẾU RỌI DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA NGỌN NẾN PHỤC SINH Ở đời, đã có không ít lần chúng ta trao gửi niềm tin vào đâu đó để rồi bị dối lừa. Đã có bao người tin vào quyền lực, tin vào tiền bạc, tin vào những lời hứa trần gian, cuối cùng ê chề nhận ra mình bị đánh lừa. Cảm giác khi niềm tin bị đánh lừa rất bẽ bàng, khó chịu và đau đớn. Người Kitô hữu chúng ta phải xác quyết rằng chỉ có hạnh phúc thực sự khi trao gửi niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, để cuộc đời mình được chiếu rọi dưới ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh. a. Vì tha nhân. Chúa Giêsu Kitô đã chết trên thập giá. Ngài là Thiên Chúa làm người mang thân xác phàm hèn, đã tự hiến mình, để nhân loại được tái sinh. Và trong chính sự quên mình vì nhân loại ấy, Ngài đã chiến thắng sự chết để phục sinh. Đúng như lời Ngài nói: hạt lúa mì đã chấp nhận hư đi cho một mùa bội thu những bông hạt khác. Sẽ là bất hạnh cho đời người chúng ta nếu chỉ biết sống cho mình, sống vì mình. Mà cái tham vọng cho mình thì vô bờ, nên chẳng bao giờ thỏa mãn. Không có được hạnh phúc thật sự nếu gia trưởng chỉ tìm niềm vui cho riêng mình : Bữa cơm luôn phải có rượu thịt, mặc cho vợ con rau cà mắm muối ; cứ chén thù chén tạc, cứ phiêu lưu nơi những ánh mắt làm môi mời chào, mặc kệ gánh nặng cuộc đời trên đôi vai vợ con. Một người cha, người chồng chỉ biết tìm mình sẽ lỗi lầm với chữ hiếu, vi phạm chữ thủy chung, thiếu trách nhiệm với chữ giáo dục, và tất nhiên là vô cảm với chữ tha nhân. Phải để ánh sáng của Chúa Phục Sinh soi rọi vào đời sống của từng gia trưởng, biết tìm hạnh phúc trong lẽ sống quên mình. b. Đối mặt với gian nan thử thách Ngày xưa, Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó trong sự thách đố cân não con người. Kẻ chống đối thì cười nhạo thỏa thuê khi trông thấy án tử cho kẻ nhận mình là Thiên Chúa. Các đồ đệ thì dao động hoang mang khi thấy Người Thầy quyền năng của mình lại thân tàn sức kiệt, bầm dập kéo lê cây thập tự lên Núi Sọ. Ngay cả Mẹ Maria khi ấy cũng đau đớn trong sự vâng phục khi nhìn thấy người con yêu dấu của mình - Đấng Cứu Thế - oằn mình trong đòn roi… Bởi vì tất cả đều chỉ nhìn thấy duy nhất một điều : Cuối hành trình kia là cái chết. Chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi mới trông thấy cái chết kia không phải là đích cuối cùng, mà cái chết chỉ như một hạt giống, đã tự nguyện hư đi, cho hoa trái Phục Sinh nở rộ. Người Kitô hữu hôm nay, có được niềm hạnh phúc hơn bất kỳ ai thuở đó, vì ngay khi đang tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, đã cảm nhận được sự huy hoàng của ngày Chúa phục sinh. Nghĩa là, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, người Kitô hữu chúng ta nhận chân ra một điều : Mọi gian nan thử thách, mọi đau khổ xảy đến trong đời này không hề vô nghĩa, mà luôn có giá trị trổ sinh hoa trái ngọt ngào. Bậc gia trưởng trong vai trò đứng mũi chịu sào ở mỗi gia đình, đừng ngại ngần phải đương đầu với khó khăn. Hành vi chạy trốn không làm cho gian khổ khó khăn tiêu biến, chỉ có dũng cảm đối mặt với nó, chấp nhận đương đầu với nó mới hy vọng vượt qua. Mọi lao nhọc trong nghề nghiệp mưu sinh, mọi khổ đau bệnh tật, mọi cám dỗ lôi kéo, mọi thử thách cho niềm tin tôn giáo, hãy cùng Chúa mà đương đầu, mà vác nó lên Núi Sọ. “Ai theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”( Mt 16, 24). Lời Chúa phán khẳng định một con đường duy nhất cho hành trình lữ thứ : Có đi qua đau khổ mới vào được vinh quang. Thánh giá cuộc đời, dù muốn hay không, ai cũng phải ghé vai gánh vác. Nhưng vác mà không cậy dựa vào Chúa Phục Sinh sẽ vác không xong, còn như biết cậy trông vào Chúa, gánh nặng cuộc đời Chúa sẽ cùng vác chung. ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”(Mt 11, 28). Alêluia ! Alêluia ! Hạnh phúc cho cuộc đời của mỗi chúng ta khi biết đặt niềm tin vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Nhờ ánh sáng của mầu nhiệm này, ta nhận ra phẩm giá của con người thật cao quý vì nhờ có Chúa Phục Sinh cứu chuộc, ta nhận ra giá trị của hạnh phúc chính là mỗi ngày sống biết cùng Chúa vác thập giá mình lên Núi Sọ. Nguyện cho cuộc đời của mỗi chúng ta là những chuỗi ngày ngợi ca Thiên Chúa Phục Sinh : Alêluia !
Ban Đặc trách Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc (Nguồn: UBMV.GIA ĐÌNH / HĐGMVN) |