Đề tài gia trưởng tháng 12: Gia trưởng và đạo vợ chồng

Đề tài gia trưởng tháng 12: Gia trưởng và đạo vợ chồng

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 12 -2010
 
GIA TRƯỞNG VÀ ĐẠO VỢ CHỒNG
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Chúng ta là những người đang sống trong bậc hôn nhân. Có người đã cùng người bạn đời của mình đi gần hết hành trình trăm năm trong cõi, có người đã cùng nhau nếm trải ngọt bùi của tình chồng vợ vài chục năm, và cũng có người mới bước chân vào đời sống gia đình với bao háo hức và lo toan. Song tất cả đều giống nhau một điểm : Khi cầm tay người bạn đời bước lên gian Cung Thánh, trước mặt Cha chủ sự và cộng đoàn, ta cùng người ấy đã thề hứa yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời. Lời hứa ấy còn cao hơn danh dự cá nhân, cao hơn luật pháp trần gian; bởi vì đó là lời hứa trước mặt Thiên Chúa Tình Yêu, và chính Thiên Chúa đã đóng dấu ấn bất khả phân ly cho tình yêu ấy đến hết cuộc đời.
 
1.    Nhìn lại mối tương quan vợ chồng trong xã hội xưa.
Thời Đông Chu Liệt Quốc, người ta kể một câu chuyện thật đáng sợ: Có gia chủ kia quý bạn mình đến nỗi, khi uống rượu cùng bạn đã cho một người thiếp yêu của mình ra múa hát. Bạn buột miệng khen người ấy có đôi tay đẹp. Lúc tạm biệt, chủ nhà gửi tặng khách một hộp quà. Khách về đến nhà mở quà ra xem và giật mình kinh hãi vì trong đó là đôi tay của người thiếp kia, vẫn đang còn rỉ máu tươi. Nếu ca ngợi tình bạn của gia chủ ấy thì phải phán xét ông ta thế nào về cách ứng xử tàn nhẫn với người thiếp yêu kia?
 
Một câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện bi thảm dưới chế độ đa thê. Mối tương quan vợ - chồng khi ấy không dựa trên sự bình đẳng mà là tương quan chủ - tớ, của chủ sở hữu và đối tượng sở hữu. Các nhà xã hội học đã tốn nhiều giấy mực để lý giải nguyên nhân hình thành thể chế đa thê trong lịch sử nhân loại. Nhưng chúng ta không bàn đến chuyện đó; ở đây chỉ nêu ra một thực trạng bất công trong mối tương quan vợ chồng thời ấy. Nào là Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, rồi thì phu xướng phụ tùyxuất giá tòng phu, phu tử tòng tử … Trong khi người đàn ông có năm bảy vợ mà lầu xanh vẫn nhan nhản khắp nơi, còn người vợ bị trói chặt trong muôn vàn nghĩa vụ và sẽ bị kết án nặng nề nếu mắc tội gian dâm.
Song, cho dù là thế, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của người xưa, khát vọng tốt đẹp trong tình vợ chồng vẫn luôn được đề cao :
 
Chàng ơi, phụ thiếp mà chi
Thiếp như cơm nguội những khi đói lòng.
(Ca dao)

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon..
(Ca dao)
 
Khát vọng chính đáng ấy còn được người xưa nhìn ngắm qua những tạo tác của thiên nhiên: Đa Ông Chồng Bà ChồngHòn Trống Mái, và đặc biệt là Hòn vọng phu, một biểu tượng thủy chung son sắt của tình chồng vợ, khơi gợi thành ý nhạc cho ba bài Hòn vọng phu bất tử của nhạc sĩ Lê Thương.
 
Nói một cách khác, đi qua những thăng trầm của lịch sử nhân loại, tự bản chất, hôn nhân gia đình vẫn khát khao hướng tới sự yêu thương và chung thủy trọn đời.
 
2.    Mối tương quan vợ chồng trong Bí tích Hôn phối.

Tình Yêu là bản chất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì thế, vạn vật dưới quyền năng tạo dựng của Ngài đều là những phản chiếu của tình yêu ấy. Hãy hình dung buổi đầu tạo dựng, nếu Thiên Chúa chỉ tạo ra những con người độc lập, không có nam nữ, không có hôn nhân, không có sinh sản; và bao nhiêu nhân loại chỉ được tạo thành một trật mà thôi. Ta sẽ thấy cuộc sống khô cứng như thế nào. Không ai có một mối liên quan nào với ai khác. Không dòng dõi, không tổ tiên, không cha mẹ, không vợ chồng, con cái, không anh em họ hàng,… Khi ấy, chữ “yêu” sẽ không bao giờ xuất hiện trong ngôn ngữ nhân loại, nằm ngoài trí khôn của nhân loại. Và chắc chắn, con người cũng chẳng cảm nếm được thế nào là tình yêu của Thiên Chúa. Trái lại, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ này đầy ắp tình yêu. Từ côn trùng hoa cỏ, từ chim trời cá nước cho đến các vì tinh tú trong vũ trụ mênh mông, ta đều thấy chữ “yêu” mà Thiên Chúa đã viết vào. Nhất là từ chính con người, ngay khi tạo dựng Ađam và đưa Evà đến cho ông, Thiên Chúa đã muốn con người tồn tại, phát triển và di truyền nòi giống, bắt đầu từ chữ “yêu”.
 
Tình yêu vợ chồng qua Bí tích Hôn phối cũng được xây từ chữ “yêu” ban đầu ấy. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đòi buộc đặc tính của tình yêu vợ chồng phải là đơn hôn và bất khả phân ly. Từ hôn nhân tự nhiên, Thiên Chúa nâng lên thành Bí tích, khoác cho tình yêu vợ chồng một diện mạo mới, diện mạo của chính Thiên Chúa Tình Yêu, khi Ngài dùng nó để diễn tả tình yêu của Ngài đối với Hội Thánh: Một tình yêu sẵn sàng hiến mạng sống vì người mình yêu.
 
Nhờ được mang khuôn mặt của Thiên Chúa Tình Yêu, tình yêu vợ chồng qua Bí tích hôn phối được Thiên Chúa chúc phúc, được trao ban những ơn cần thiết mà chu toàn bổn phận. Từ đó, đời sống hôn nhân tỏa rạng nhiều vẻ đẹp :
-      Phần nào cảm nếm được Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
-      Vợ chồng tôn trọng nhau và bình đẳng trong phẩm giá.
-      Sống yêu thương và chung thủy với nhau suốt đời.
-      Sãn sàng đón nhận và giáo dục con cái là hoa trái của tình yêu.
-      Biết nâng đỡ nhau vượt qua gian nan thử thách.
-      Cùng giúp nhau trở nên hoàn thiện, hướng tới Bữa tiệc Đoàn Viên trên Nước Trời.
 
3.    Điểm mặt một vài thử thách của hôn nhân Công giáo hôm nay.

Đứng trước cuộc sống văn minh và xu thế tục hóa của thế giới hôm nay, hôn nhân Công giáo đang phải đối mặt với nhiều thách thức :
 
-      Xu hướng vật chất hóa đời sống gia đình: Xem cùng đích của hạnh phúc gia đình là của cải vật chất, là mọi tiện nghi được no thỏa. Từ đó, đời sống vợ chồng là một cuộc chạy đua không biết mệt mỏi trong hành trình tìm kiến tiền bạc.
 
-      Xu hướng tìm mình: “Ông ăn chả, bà ăn nem”, vợ chồng không còn vì nhau mà vì chính bản thân của mỗi người. Bản tính ích kỷ đẩy vợ chồng vào chỗ ngập ngụa trong mê đắm hưởng thụ, đe dọa nền móng “thủy chung trọn đời” của hôn nhân.
 
-      Xu hướng khép kín: Vì đề cao lối sống hưởng thụ vật chất, vợ chồng đánh mất tình liên đới với tha nhân, sống dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại.
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Tháng 12 mở đầu Năm Phụng Vụ bằng Mùa Vọng, nhắc nhở mỗi người Kitô hữu cuộc sống trần gian này là một hành trình đón chờ Chúa đến. Mùa Vọng soi rọi cho mỗi chúng ta cảm nhận được sự bất hạnh của cuộc sống con người nếu như không có Chúa. Mùa Vọng cũng khơi lên trong mỗi chúng ta niềm hy vọng được đợi chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Bắt đầu từ chính gia đình mình, từ chính đời sống vợ chồng của mình, mỗi gia trưởng cần biết gìn giữ khuôn mặt tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban, sẵn sàng cho một ngày Chúa đến.
 
BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
 
UBMV Gia Đình / HĐGMVN