Đề tài gia trưởng tháng 10-2010 - Gia trưởng và bầu khí gia đình

Đề tài gia trưởng tháng 10-2010 - Gia trưởng và bầu khí gia đình

 

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 10 -2010 (1)
 
GIA TRƯỞNG VÀ BẦU KHÍ GIA ĐÌNH
 
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Được sở hữu một ngôi nhà sang trọng và đầy đủ tiện nghi là mơ ước của nhiều người. Ngôi nhà ấy sẽ càng giá trị nếu ở giữa một môi trường trong lành : Có cây xanh thoáng mát, có hương thơm hoa cỏ, có thể ngắm ánh bình minh trong lành buổi sớm và thả hồn mơ mộng bên tách trà dưới ánh trăng đêm. Song vẫn còn một bầu khí quan trọng khác mà mọi thành viên sống chung trong một mái nhà cần được thừa hưởng : Đó là bầu khí an vui của gia đình mà bậc gia trưởng chúng ta là người có trách nhiệm chính trong việc kiến tạo ra nó.
 
1. Vai trò của gia trưởng và thực trạng gia đình
 
Vui buồn là những trạng thái cảm xúc riêng của mỗi cá nhân. Người cha vui vì thành đạt trong công việc làm ăn, người mẹ lại chưa vui vì đứa con lớn chỉ lo ăn chơi lêu lổng, nhưng đứa con út lại mừng vì điểm mười sáng nay cô giáo cho. Tuy vậy, khi cùng sống chung trong một mái nhà, nhiều khi, niềm vui hay nỗi buồn lại trở thành trạng thái cảm xúc chung của mọi thành viên. Chẳng hạn cả gia đình cùng vui khi có người con vào đại học hoặc cả gia đình cùng buồn phiền đau đớn khi chứng kiến sự ra đi của một người thân. Rõ ràng, chính sự đa dạng các cung bậc tình cảm ấy trong đời sống con người mà đòi hỏi trong mỗi gia đình rất cần vai trò của một người cầm lái, hướng niềm vui nỗi buồn của mỗi thành viên trong gia đình cùng hòa điệu chung trong một sợi dây tình cảm yêu thương. Vai trò cầm lái ấy, phần nhiều đặt trong tay bậc gia trưởng chúng ta.
 
Trong thời đại văn minh hiện nay, đâu đó ta vẫn còn thấy những cảnh bạo hành trong gia đình mà nạn nhân luôn là người phụ nữ và trẻ em. Càng đau lòng hơn nếu nó xảy ra trong gia đình Công giáo, bởi nó không chỉ xúc phạm đến nhân vị của người khác mà còn vi phạm đến lời hứa cao đẹp trong Bí tích hôn phối là yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
 
Hãy thử hình dung : niềm vui trên mặt người vợ sẽ vụt tắt ngay khi thấy chồng đang lầm lì cau có, và con cái sẽ tắt ngay nụ cười trẻ thơ trước tiếng quát đầy giận dữ của người cha. Lý do có thể vô vàn :

-     Bị đối xử bất công ở ngoài xã hội.
-     Thất bại trong công ăn việc làm.
-     Áp lực công việc nặng nề.
-     Sức khoẻ bản thân sút kém.
-     Sự khiếm khuyết về công dung ngôn hạnh của vợ.
-     Con cái hư hỏng, không ngoan ngoãn vâng lời.
 
Trước những lý do ấy, nhiều bậc gia trưởng về nhà, trút nỗi bực dọc lên vợ con, đập phá đồ đạc trong gia đình rồi lao vào rượu chè cho quên phắt sự đời. Hậu quả thì khôn lường : bầu khí an vui của gia đình biến mất và cuối cùng có thể là sự đổ vỡ hạnh phúc.
 
Bình tâm mà suy xét, dù ta có trút giận lên gia đình cỡ nào chăng nữa, thì cũng không cải thiện được tình trạng mà ta đang gánh chịu. Vả lại, trong rất nhiều trường hợp, vợ con hoàn toàn vô can trong sự buồn bực của ta. Họ là những người thân, chỉ ước mong điều tốt đẹp nhất đến với ta, cũng rất đau khổ khi thấy ta đau khổ. Vậy thì sẽ là bất công cho vợ con ta, vì họ không đáng phải hứng chịu những cơn giận như điên cuồng của ta nhắm vào.
 
2. Kiến tạo và vun đắp niềm vui trong gia đình.
 
Trong vai trò cầm lái, một gia trưởng khôn ngoan phải là người biết kiến tạo và vun đắp bầu khí an vui cho gia đình mình. Lúc thong dong, xuôi chèo mát mái đã đành, mà ngay cả khi giông tố bủa giăng thì người hoa tiêu bản lĩnh cũng phải biết lèo lái con thuyền gia đình của mình đến với bến bờ bình an.
 
a. Đối với vợ :
 
-     Luôn quan tâm đến đời sống tình cảm của vợ chồng. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình vất vả nặng nhọc hơn vợ và cũng đừng bao giờ cho rằng chỉ có mỗi mình mới biết đau buồn trước những thất bại trong cuộc sống. Cô ấy cũng có những nỗi phiền muộn mà nhiều khi chưa thuận dịp để nói ra. Người chồng cần khơi gợi hỏi han để vợ bộc lộ và vợ chồng cùng tìm cách giải quyết nỗi ưu tư.
 
-     Cũng vậy, mọi thất bại của ta trên đường đời xin đừng biến thành cơn giận trút xuống đầu vợ mà hãy biến thành lời thầm thì sẻ chia. Nỗi đau cứ dồn nén trong lòng thành khối trầm tích chưa chắc đã hay mà còn đẩy ta đến tình trạng trầm uất. Còn khi chia sẻ, ta nhận được sự cảm thông, sự động viên từ vợ, để rồi có được gấp đôi cơ hội tìm ra cách giải quyết.
 
b. Đối với con cái :
 
-     Không để con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ, phải gánh chịu những buồn phiền giận dữ của ta. Các cháu không đáng bị hoảng loạn về tâm hồn trước những chuyện của người lớn. Trái lại, hãy tạo cho con cái bầu không khí an bình, vui tươi khi được sống và lớn lên trong mái ấm gia đình.
 
-     Dành thời gian quan tâm đến con cái. Cần lắng nghe con tâm sự, khích lệ khi con thành đạt, an ủi động viên khi con vấp ngã, hướng dẫn con bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm. Làm sao để con cái cảm nhận được người cha là một chỗ dựa tinh thần vững chắc để chúng có thể tâm sự tất cả mọi điều.
 
3. Tìm kiếm niềm vui trong Thánh ý quan phòng của Thiên Chúa.
 
Đức Maria ngày xưa khi đáp tiếng “Xin vâng” là Mẹ đã trao phó trọn vẹn cuộc đời mình cho sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Thánh cả Giuse chính là một sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời Mẹ. Với vai trò cầm lái, gia trưởng Giuse đã dìu đỡ gia đình mình vượt qua bao thăng trầm trong cuộc sống : Khi Ngôi Lời giáng thế giữa đêm đông giá tuyết, khi lánh qua Ai-cập tránh lưỡi đao khát máu của Hêrôđê, rồi khi âm thầm trong cảnh thanh bần nơi làng quê Nagiaret bằng nghề thợ mộc.
 
Người vợ của chúng ta cũng vậy. Khi cô ấy quyết định trao gởi hạnh phúc đời mình cho ta, nghĩa là đã chấp nhận cùng ta đi hết chặng đường vui buồn trên trần thế. Không ai trong chúng ta lại ảo tưởng hão huyền rằng con thuyền gia đình chỉ toàn có niềm vui. Trái lại, ta đều biết rõ, trong mỗi mái ấm gia đình luôn đan cài niềm vui và nỗi buồn, tiếng cười và nước mắt. Nhưng nếu biết nhìn ngắm mọi sự trong Thánh ý quan phòng của Thiên Chúa, ta sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.
 
Kính thưa quý gia trưởng !
 
Một ngôi nhà dẫu sang trọng và đầy đủ tiện nghi mà lại mọc lên giữa một môi trường nhếch nhác ô nhiễm thì cũng chẳng mấy ai mặn mà muốn sống trong đó. Nhưng dù chỉ là một mái lá đơn sơ mà có không gian trong lành, thoáng mát cũng vẫn làm ấm lòng người. Bầu khí an vui của gia đình chính là cái không gian trong lành thoáng mát đó mà mỗi gia trưởng chúng ta có trách nhiệm tạo ra.
 
Raphael N.
(Gia trưởng giáo phận Xuân Lộc)