Đề Tài Gia Trưởng Tháng 06/2013: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 20,37).

Đề Tài Gia Trưởng Tháng 06/2013: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 20,37).

Đề Tài Gia Trưởng Tháng 06/2013.

 

“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 20,37).

 

            Kính thưa quý gia trưởng,

            Hàng năm, đến tháng Thánh Tâm, chúng ta lại có dịp suy gẫm về trái tim Chúa. Khung cảnh chiều tím năm xưa trên đồi Calvê với những thảm kịch kinh hoàng dồn dập hiện ra trước mắt chúng ta. Dẫu đã chết trên thánh giá, trái tim của Đấng Cứu Thế vẫn bị đâm thủng bởi lưỡi đòng của anh lính La Mã. Và rồi việc gì phải đến đã đến: “Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Đó là hệ quả tất yếu của mũi đòng oan nghiệt kết thúc số phận của Người.

            Khi nhìn vào tấm thân đầy máu và cạnh sườn mở toang xé nát trái tim Chúa, chắc chắn ai trong chúng ta cũng động lòng trắc ẩn và trào dâng nỗi niềm thương cảm.  Ý thức rằng: bản thân mỗi người chúng ta từng phạm nhiều lỗi lầm góp phần tạo nên thảm hình cho Chúa. Trong tháng Thánh Tâm này, chúng ta cùng nhìn lại việc thể hiện niềm tin khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và các lễ trọng, như một hành vi tích cực để băng bó lại vết thương đẫm máu nơi Thánh Tâm Chúa.

            01. Ý nghĩa cao trọng của Thánh Lễ.

            Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, một chuyên viên giải đáp các thắc mắc về giáo lý đã nói về ý nghĩa cao trọng của Thánh Lễ như sau:

            Thánh Lễ Tạ Ơn được coi là đỉnh cao và là suối nguồn ơn phúc của đời sống Giáo Hội. Nghĩa là, trong Giáo Hội, không có việc đạo đức nào cao trọng và có giá trị thiêng liêng hơn Thánh Lễ Tạ Ơn.

            Sở dĩ thế vì Thánh Lễ Tạ Ơn là sự tái diễn cách bí tích hai việc quan trọng nhất mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện trước khi Người chết và sống lại. Đó là Bữa Tiệc Ly cuối cùng, qua đó, Chúa Giêsu đã thiết lập hai bí tích quan trọng là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh; và cuộc Hy Tế cực trọng của Người ngày hôm sau trên thánh giá, trong đó Chúa Giêsu vừa là Linh mục, vừa là Bàn thờ và là Lễ vật.

            Nói khác đi, Thánh lễ Tạ Ơn hoặc mầu nhiệm Thánh Thể là sự tái diễn Hy Tế thập giá mà Chúa Giêsu là Chủ tế một lần xưa kia trong Bữa Tiệc Ly và trên Thập giá, được làm sống lại trên bàn thờ ngày nay qua nghi thức phụng vụ thánh mà Giáo Hội cử hành.”

            02. Bổn phận tham dự thánh lễ Chúa Nhật của người Kitô hữu.

            Là người Kitô hữu, chúng ta có bổn phận tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật vì những lý do sau:

  • Luật truyền của Thiên Chúa: Giới răn thứ 3 Giavê Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trong sách Xuất Hành là: "Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh" (Xh 20,8)
  • Lệnh truyền của Chúa Kitô: "Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,14.19).
  • Lệnh truyền của Giáo hội: Công đồng chung Vatican II nói rõ khi nhắc đến Thánh lễ ngày Chúa nhật: "Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô" (Hiến chế về Phụng vụ, V, 106).

           

 “Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Do chính bản tính, Phụng Vụ đòi hỏi việc tham dự như thế;” (PV 14).

            Chúng ta biết: thánh lễ gồm hai phần, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, được liên kết với nhau một cách chặt chẽ đến nỗi chỉ làm thành một hành vi thờ phượng duy nhất (PV 56). Cho nên người tín hữu phải tham dự đầy đủ cả hai phần. Nếu vắng mặt cho bất cứ phần nào hay toàn phần của Thánh lễ mà không có nguyên nhân thì được xem như đó là sự biểu thị của sự xúc phạm hay xem thường Thánh lễ.

            Theo hướng dẫn của Hội Thánh, tham dự thánh lễ trọn vẹn là tham dự đầy đủ 2 phần Phụng Vụ lời Chúa và  Phụng Vụ Thánh thể.  Mặt khác, phải hiện diện cách thể lý nghĩa là phải đích thân có mặt và liên kết với cộng đoàn phụng vụ cách tích cực, được thể hiện qua:

“Lời tung hô của dân chúng, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, thánh ca, và cả những động tác, những cử chỉ, thái độ của thân xác” (PV 30).

 

            Kính thưa quý gia trưởng,

            Trong tháng này, chúng ta xin Thánh Tâm Chúa cho chúng ta biết thay đổi lối sống không phù hợp với tinh thần phụng vụ, để đời sống đức tin mỗi người được nên tốt hơn, ngõ hầu chúng ta có cơ hội góp phần xoa dịu Trái Tim đẫm máu của Chúa đã đổ ra vì yêu thương chúng ta.

 

            BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG

                   GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.