ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 02/2012 : GIA TRƯỞNG TRƯỚC THỀM HÔN NHÂN CỦA CON CÁI

ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 02/2012 : GIA TRƯỞNG TRƯỚC THỀM HÔN NHÂN CỦA CON CÁI

 

 

 
ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 02/2012 : GIA TRƯỞNG TRƯỚC THỀM HÔN NHÂN CỦA CON CÁI
   
Kính thưa quý gia trưởng !
Là cha mẹ trong gia đình, rồi cũng đến một ngày chúng ta nhìn thấy con cái mình lớn khôn. Và cha mẹ nào cũng ước sao đời mình có thể lo liệu chuyện trăm năm con cho con cái cách ổn thỏa mới có thể tạm yên lòng. Dựng vợ gả chồng cho con luôn là một việc quan trọng trong đời sống gia đình Việt Nam xưa nay, và hôn nhân càng trở nên quan trọng khi trở thành bí tích trong đời sống các gia đình Công giáo. Là bậc gia trưởng, chúng ta cần phải làm gì trước thềm hôn nhân của con cái, để Bí tích Hôn phối thực sự trở thành nguồn ban phát ân sủng của Thiên Chúa trong bậc vợ chồng mà con cái chúng ta sẽ bước vào ?

1.    Điểm qua một vài cách ứng xử của cha mẹ hiện nay về hôn nhân của con cái.
Trong hôn nhân ngày nay, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã không còn phù hợp với đời sống văn minh hiện đại. Con trẻ hôm nay, từ mái ấm gia đình bước ra thế giới bên ngoài, đã chủ động gặp gỡ, kết bạn, chọn lựa người yêu và quyết định kết hôn. Chỉ khi ấy, đôi trẻ mới cần đến vai trò của cha mẹ trong việc tổ chức các lễ nghi phần đời phần đạo, để  đôi trẻ được chính thức sống trong bậc vợ chồng. Đối mặt trước thực tế ấy, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lúng túng, và thường khi rơi vào một trong hai thái cực sau :

a.    Can thiệp cách thô bạo :
Nếu đối tượng mà con chọn lựa cũng vừa ý mình thì không sao, bằng như ngược lại thì lập tức phản đối cách quyết liệt. Cha mẹ sẽ đưa ra hàng loạt lý do rất ư là hùng hồn để phán rằng chúng không thể lấy nhau : Nào là nhân thân, kinh tế, tư cách phẩm hạnh, địa vị xã hội,… mà lý do nào cũng to như quả núi vậy. Sau đó, cha mẹ giới thiệu người này người khác cho con mà theo cha mẹ là xứng đáng hơn. Tất nhiên, con cái sẽ phản ứng lại. Con chỉ lấy người con chọn vì con “yêu”, còn người mà cha mẹ giới thiệu có hay, có giỏi, có đẹp mấy con cũng không chịu vì “không yêu”. Nếu sự chọn lựa của con không vi phạm pháp luật và giáo luật thì xã hội và giáo hội cũng không thể đứng về phía cha mẹ. Không chịu, nhiều bậc cha mẹ dựa vào quyền tối thượng của bậc sinh thành đã quyết định không cưới hỏi gì hết, muốn lấy nhau thì tự đi mà kết hôn, và tuyên bố từ con. Hậu quả kéo theo thật khôn lường, vì tuổi trẻ khi yêu thường bồng bột và liều lĩnh. Chúng sẽ bất chất tất cả mà chung sống với nhau, rồi … tới đâu thì tới (!)

b.    Dễ dãi cho qua : 
Ngược lại, cũng có bậc cha mẹ lại tỏ ra quá dễ dãi trong chuyện hôn nhân của con cái, hoàn toàn phó mặc cho con cái quyết định chuyện đại sự trăm năm của đời mình. Bất đồng chính kiến, bất đồng tôn giáo, bất đồng ngôn ngữ,… Hàng loạt những yếu tố bất đồng sờ sờ trước mắt, tiềm ẩn những nguy cơ rạn nứt về sau, nhưng cha mẹ chẳng một lời cảnh tỉnh cho con, hoặc chỉ dăm ba câu nhắc nhở chiếu lệ, thấy con cứ một mực đòi kết hôn là lập tức thuận tình theo con. Thậm chí, vào cùng một phe với con để phản ứng cả với những cảnh tỉnh đầy trách nhiệm của ông bà, kể cả cha sở. Thấy nguy hiểm cho đức tin sau này của đương sự, cha sở nghiêm khắc đòi buộc những trách nhiệm luân lý ; cha mẹ đã không hợp tác, lại quay ra trách cứ cả tôn giáo của mình : “Đi đạo mà khó thế thì còn ai mà muốn theo”(!)

2.    Quan tâm đúng mức trước hôn nhân của con cái.
Thực ra, nếu đợi khi đôi trẻ đã đưa nhau về trình diện trước mặt cha mẹ và xin được tổ chức đám cưới, thì những lời khuyên răn, cảnh tỉnh hầu như rất ít đạt hiệu quả, nếu không muốn nói là nước đổ lá khoai. Bởi vì khi đó, tình yêu của đôi trẻ ít nhiều đã trải qua một thời gian gắn bó đầy kỷ niệm, thậm chí đã trở nên sâu đậm, khó có thể tách rời. Việc cả hai đến trình diện cha mẹ xin được kết hôn là một bằng chứng họ muốn sống trọn đời cùng nhau và có trách nhiệm với nhau. Do vậy, những lời “bàn ra” lúc này sẽ là những điều khó tiếp thu nhất đối với người trong cuộc.
Hôn nhân gia đình là việc hệ trọng, và càng hệ trọng hơn khi hôn nhân Công giáo được Chúa Giêsu nâng lên hàng Bí tích, một dấu chỉ mà qua đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thông ban. Ý thức được điều đó, cha mẹ cần chuẩn bị cho con một lộ trình thuận lợi và tốt đẹp nhất để con bước đến đời sống hôn nhân gia đình :

a.    Cho con sống trong bầu khí của gia đình yêu thương :
Tạo một môi trường sống tốt đẹp cho con bằng bầu khí hạnh phúc của chính gia đình mình. Ngay từ nhỏ, hãy để con trẻ được thấy gia đình là một tổ ấm hạnh phúc, trong đó có cha mẹ mẫu mực yêu thương nhau, anh chị em hòa thuận sum vầy. Trẻ sẽ cảm nhận dần theo năm tháng một diện mạo gia đình lý tưởng mà về sau trẻ sẽ làm theo. Có thể sau này, một số ít trong đó theo ơn gọi tu trì, nhưng rõ ràng dù sau này trẻ sống ở bậc nào, thì môi trường gia đình hạnh phúc vẫn luôn là tiền đề tốt đẹp nhất để con trẻ phát triển về sau.

b.    Trang bị những hàng trang tốt nhất cho con :
-    Cho con đến trường học văn hóa để tích lũy tri thức phổ thông và nền đạo đức nhân bản. 
-    Cho con tham dự đầy đủ các lớp giáo lý theo từng độ tuổi, tổ chức thật trang trọng trong gia đình mỗi lần con được lãnh nhận Bí tích lần đầu như Xưng tội và Rước lễ lần đầu, Bí tích Thêm Sức để con khắc ghi những dấu ấn thánh thiêng về đức tin trong đời mình. Nhắc nhở con siêng năng đến với Thánh lễ và rước lễ mỗi ngày để con có nguồn trợ lực dồi dào.
-    Luôn dành thời gian lắng nghe con tâm sự về bạn bè, trường lớp, ước mơ, sở thích,… của con để kịp thời tư vấn cách hữu ích cho con.
Cần nhớ rằng, không bao giờ ta thu được quả ngọt nếu ta không vất vả gieo trồng, vun xới. Con cái cũng chính là hoa trái tuyệt diệu của tình yêu vợ chồng mà chúng ta có được nhờ Thiên Chúa. Làm sao hoa trái ấy có thể trở nên tốt lành nếu như bậc cha mẹ không dày công giáo dục ?

c.    Có mặt đúng lúc trong bước đường hôn nhân của con :
Đến một ngày con chúng ta bước vào tuổi biết “yêu”, cha mẹ hãy bằng kinh nghiệm của chính đời mình để hướng dẫn con tìm được tình yêu đích thực. Đừng để một mình con phiêu lưu chốn tình trường mà trái lại :
-    Buộc con phải tích cực học hỏi lớp giáo lý hôn nhân, chỉ ra cho con những ngăn trở, những hệ lụy rắc rối của hôn nhân khác đạo ( Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn trong một dịp khác )
-    Dạy con phải trang bị kiến thức gia đình, chuẩn bị nghề nghiệp ổn định, để bước vào đời sống gia đình với ý thức đầy đủ về bổn phận trách nhiệm.
-    Tạo điều kiện cho con trình diện người bạn ấy với gia đình, để cha mẹ có thêm những góp ý chân thành nhất cho con trong việc con chọn lựa bạn đời.
Chỉ như vậy, ngày con quyết định đề cập với cha mẹ chuyện kết hôn, chúng ta sẽ không hề ngỡ ngàng, bối rối. Trái lại, chúng ta hoàn toàn vui mừng và dồn tình yêu vào việc tổ chức một niềm vui lớn trong gia đình ta.
Kể cả những năm tháng về sau, trong những sóng gió hôn nhân của đời con, bằng tình thương và trách nhiệm, cha mẹ vẫn sẽ là nguồn động viên, là pho kinh nghiệm  sống để con có thể tìm được sự trợ giúp mà vượt qua sóng gió cho con thuyền hôn nhân của đời mình.

* Cùng suy tư :
    Ta đã biết gì về người bạn mà con ta đang tìm hiểu ; và ta sẽ phải làm gì để giúp con trong hành trình con đến với hôn nhân cách tốt đẹp ?

                BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
                GIÁO PHẬN XUÂN LỘC