Cùng Đi Với Mẹ Maria Trong Hành Trình Cana

Cùng Đi Với Mẹ Maria Trong Hành Trình Cana
Bài giảng lễ của ĐTC PHANXICÔ
tại  Ecuador ngày 6.7.2015
 

CÙNG ĐI VỚI MẸ MARIA

TRONG HÀNH TRÌNH CANA

 

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là dấu chỉ lạ lùng đầu tiên được thực hiện trong tường thuật Tin Mừng theo Thánh Gioan. Người ta thấy sự quan tâm hiền mẫu của Đức Maria trở thành lời cầu xin với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” và mối quan tâm của Chúa đối với “giờ của Người” sẽ được hiểu rõ hơn nhờ các tường thuật về cuộc Khổ Nạn.

Điều này thật tốt vì giúp cho chúng ta  thấy được quyết tâm của Chúa Giêsu trong việc giảng dạy, đồng hành, chữa lành và ban niềm vui như thế nào, khởi đi từ lời kêu cứu của Mẹ Người: “Họ hết rượu rồi”.

Tiệc cưới Cana được lặp đi lặp lại với từng thế hệ, trong từng gia đình, với mọi người chúng ta và các gắng sức của chúng ta để làm cho tâm hồn mình tìm được ổn định trong những tình yêu bền vững, phong phú và hân hoan.

Chúng ta hãy dành chỗ cho Đức Maria, “người Mẹ” như lời  thánh sử.

Giờ đây chúng ta hãy cùng đi với Mẹ trong hành trình Cana.

1. Mẹ Maria quan tâm đến lễ cưới đã vào tiệc này. Ngài nhạy cảm đối với các nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không khép mình, đóng khung lại nơi mình. Tình yêu làm cho Mẹ trở thành "một con người hướng về" những người khác. Ngài cũng không tìm đến bạn bè để tán gẫu, phê bình việc soạn cổ bàn. Và bởi vì ngài quan tâm, chú ý cách kín đáo nên mẹ đã nhận ra rượu đã hết.

· Rượu là dấu chỉ của niềm vui, của yêu thương và dư dật. Biết bao thiếu niên và người trẻ cảm nhận rằng từ lúc nào đó trong nhà họ không còn những thứ ấy! Biết bao phụ nữ, lẽ loi và sầu muộn, tự hỏi tình yêu đã bỏ đi từ khi nào, tình yêu đã tối sầm lại từ lúc nào trong cuộc đời họ! Biết bao người cao niên cảm thấy mình bị loại khỏi những cuộc lễ của gia đình, bị đẩy qua bên lề và ngày ngày không còn được uống lấy tình thương của con, cùa cháu, của chắt mình nữa!

· Việc thiếu “rượu” này cũng có thể là hậu quả của thất nghiệp, của bệnh tật và của những tình huống khó khăn mà các gia đình chúng ta trên thế giới có thể trải qua.

Đức Maria không hề là một bà mẹ “đòi hỏi”, không phải là một bà mẹ chồng thích thú với việc moi móc những điều chúng ta không làm được, những lầm lẫn hay thiếu chú ý. Đức Maria hoàn toàn là mẹ! Ngài có mặt ở đó, đầy quan tâm và lo lắng. Thật đẹp khi nghe nói: Đức Maria là mẹ. Anh chị em có muốn nói với tôi lời đó không? Đức Maria là mẹ. Một lần nữa. Đức Maria là mẹ.

 

2. Nhưng Đức Maria, khi nhận thấy đã hết rượu, liền đến gần Chúa Giêsu cách tin tưởng: điều ấy có nghĩa là ngài cầu xin. Mẹ đến với Chúa Giêsu, cầu xin. Ngài không đi gặp ông quản tiệc, ngài trực tiếp bày tỏ khó khăn của đôi tân hôn với Con mình. Câu trả lời ngài nghe được xem ra khá nản lòng : “việc gì đến bà và con? Giờ con chưa tới” (câu 4). Tuy nhiên, lúc đó, ngài đã trao khó khăn vào bàn tay Thiên Chúa rồi. Lòng Mẹ nôn nóng đáp cứu nhu cầu của tha nhân hối thúc giờ của Chúa Giêsu. Đức Maria là một phần của giờ này, từ máng cỏ cho đến thập giá. Ngài đã biết  “biến hang bò lừa thành tổ ấm cho Chúa Giêsu, chỉ với những chiếc tã nghèo nàn và một núi yêu thương dịu dàng” (Niềm Vui Tin Mừng, số 286). Ngài đã nhận chúng ta làm con cái khi lưỡi gươm đâm thâu trái tim. Ngài dạy chúng ta phó thác gia đình mình trong bàn tay Thiên Chúa, cầu nguyện, bằng cách thắp lên ngọn lửa hy vọng, chỉ cho chúng ta thấy các lo lắng của chúng ta cũng là của Thiên Chúa.

· Cầu nguyện luôn đưa chúng ta thoát ra khỏi vòng ưu tư lo lắng, làm chúng ta vượt lên khỏi những gì làm mình đau đớn, gây xao xuyến hay đánh mất mình, và đưa chúng ta đặt mình vào chỗ những người khác, đi vào đôi giầy của họ.

· Gia đình là một trường học, nơi việc cầu nguyện nhắc nhớ rằng không chỉ có những cá nhân đơn độc; song còn có một chúng ta, một người bên cạnh gần gũi, trước mắt mình : ngừoi ấy đang sống dưới cùng một mái nhà, chia sẻ cuộc sống, và đang thiếu thốn.

3. Cuối cùng, Đức Maria hành động. Những lời “Người bảo gì, các anh cứ làm theo" (câu 5), nói với gia nhân, cũng là lời mời gọi cả chúng ta nữa, mời gọi chúng ta đặt mình cho Chúa Giêsu sử dụng, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là dấu chỉ của tình yêu đích thật.

· Điều này chúng ta học được một cách đặc biệt trong gia đình, là nơi chúng ta tự nguyện phục vụ nhau chỉ vì yêu thương. Trong lòng gia đình, không một ai bị loại trừ; mọi người đều có giá trị ngang nhau. Tôi nhớ lại một ngày nọ, có người hỏi mẹ tôi bà thương ai nhất trong năm đứa con của mình – chúng tôi có năm anh em. Bà trả lời : cũng như mấy ngón tay của tôi, có ai bấu ngón này thì cũng đau như khi bầu ngón khác. Con cái thế nào, thì bà mẹ cũng thương chúng như thế. Và trong một gia đình, anh chị em cũng thương yêu nhau tương tự. Không ai bị loại trừ.

· Trong gia đình, "người ta học cách xin phép chứ không đòi hỏi, học nói ‘cám ơn’ như để bày tỏ cách mình đánh gíá đúng đắn những gì mình nhận ta được, học làm chủ tính háo chiến hay lòng tham lam, và ở đó, người ta cũng học xin lỗi khi làm thiệt hại, khi cãi vả, bởi vì trong mọi gia đình luôn có sự cãi vả. Vấn đề là sau đó, mình xin lỗi. Các cử chỉ nhỏ bé bày tỏ lòng lịch thiệp chân thành này giúp xây dựng một nền văn hóa sống chung và lòng tôn trọng mọi thứ chung quanh mình” (Thông điệp Laudato Si, số 213).

· Gia đình là bệnh viện gần nhất, là nơi chăm sóc người đau yếu để được chữa lành.

Là trường học đầu tiên cho con em, là tập thể qui chiếu không thể thiếu cho người trẻ.

Là nhà nghỉ hưu tốt nhất cho người già.

Gia đình tạo nên “sự giàu có của xã hội” cao quí, mà chẳng có cơ quan nào khác có thể thay thế. Gia đình cần được giúp đỡ và củng cố, để không đánh mất ý nghĩa đúng về những việc phục vụ xã hội cống hiến cho công dân. Thật vậy các phục vụ mà xã hội thực hiện cho công dân không phải là  một loại bố thí, song chính là “món nợ xã hội” đúng nghĩa đối với định chế gia đình, vốn là nền tảng của xã hội và là nơi đóng góp biết bao cho lợi ích chung của mọi người.

Gia đình họp thành một Giáo hội nhỏ, một “Giáo Hội tại gia”. Ở đây, cùng với đời sống, là nơi lưu chuyển của tình âu yếm và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong gia đình, đức tin được hòa cùng sữa mẹ : khi cảm nghiệm tình yêu của  cha mẹ, người ta cũng cảm thấy tình yêu Thiên Chúa.

gần gũi hơn.

4. Và trong gia đình, tất cả chúng ta đều chứng kiến, các phép lạ được thực hiện với cái đang có, với những gì làm nên chúng ta, với những gì mình có trong tầm tay… rất nhiều khi không phải là điều lý tưởng, không phải là điều ta mơ ước, cũng chẳng phải là “những điều phải là”.

· Có một chi tiết cần suy nghĩ : Rượu mới, thứ rượu mà người quản tiệc ở Cana cho là ngon tuyệt, là từ những chum nước dùng để thanh tẩy, nghĩa là từ nơi tất cả mọi người đã để lại tội lỗi của mình ...- đến từ nơi xấu xa nhất của họ - “ở đâu tội lỗi đã tràn lan, ở đó ân sủng càng dồi dào gấp bội" (Rm 5:20).

· Trong gia đình riêng của từng người chúng ta và trong gia đình chung mà tất cả chúng ta họp thành, không có thứ gì bị bỏ qua một bên, không có gì vô ích.

 Không lâu trước ngày khai mạc Năm Thánh Từ Bi, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng Hội Đồng Thường Lệ tập trung vào các gia đình, nhằm làm chín muồi một sự biện phân thiêng liêng đích thật và tìm ra những giải pháp và trợ giúp cụ thể cho nhiều khó khăn và thách đố quan trọng mà gia đình phải đối mặt hiện nay.

Cha mời gọi anh chị em gia tăng cầu nguyện theo ý này, để cả những gì đối với chúng ta có vẻ còn không tinh tuyền, gây vấp phạm hay còn làm chúng ta hoảng sợ, thì Thiên Chúa – khi làm cho những thứ ấy trải qua "giờ " của Ngài,- có thể biến thành phép lạ. Ngày nay, gia đình cần đến phép lạ này.

5. Tất cả đã bắt đầu bởi vì “họ hết rượu rồi” và tất cả đã có thể  thực hiện vì có một người nữ, Đức Nữ Trinh Maria, biết chăm chú, đặt các bận tâm của mình trong bàn tay Thiên Chúa, và đã hành động khôn khéo và can đảm. Nhưng còn một chi tiết, kết quả cuối cùng không phải là ít oi: người ta đã nếm được thứ rượu hảo hạng.

· Và tin mừng là đây: thứ rượu hảo hạng sắp được thưởng thức, thứ đáng ngắm nhìn nhất, sâu xa nhất và đẹp đẽ nhất cho gia đình còn phải đến sau. Thời gian sẽ đến sau, khi chúng ta thưởng thức được tình yêu hàng ngày, khi con cháu chúng ta sẽ tái khám phá không gian sống chúng ta chia sẻ cho nhau, và những người già được có mặt trong niềm vui mỗi ngày.

· Rượu hảo hạng vẫn còn trong hy vọng, còn phải chờ sẽ đến. Rượu hảo hạng còn phải chờ đến cho mỗi con người liều mình cho tình yêu. Và trong các gia đình, người ta phải liều mình cho tình yêu. Và thứ rượu hảo hạng còn phải chờ đến. cho dầu mọi chuẩn mục và thống kê nói ngược lại;  rượu hảo hạng còn phải chờ đến trong những ai hôm nay thấy mọi sự sụp đổ. anh chị em hãy thầm thỉ  cho tới khi tín được điều ấy: rượu hảo hạng còn phải chờ đến, mọi người hãy thủ thỉ điều ấy trong lòng mình. Và hãy thủ thỉ  vào tai những ai vô vọng và những người không còn có tình yêu. Hãy kiên nhẫn. hãy hy vọng.

Hãy làm như Mẹ Maria: hãy cầu nguyện, hãy hành động, hãy mở rộng con tim, bởi vì rược hảo hạng sẽ đến. Thiên Chúa luôn luôn đến gần vùng ngoại vi những người chẳng có rượu, những người chỉ uống cố nuốt sự ngã lòng. Chúa Giêsu hay rót tràn đầy rượu hảo hạng cho những người, vì lý do này hay lý do khác, đã cảm thấy mọi chum nước của mình đã vỡ tan.

Như Mẹ Maria đã mời gọi, chúng ta hãy “cứ làm theo mọi điều Người bảo", và hãy biết ơn, vào thời của mình và vào giờ của mình, là rượu mới, rượu hảo hạng sẽ giúp chúng ta tìm lại được niềm vui là một gia đình.

Vũ văn An 

Tin Vui hiệu đính theo bản pháp ngữ của Zenith

(gồm những đoạn ứng khẩu).