CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT PHẢI LUÔN TUÂN THỦ QUI LUẬT CỦA SỰ TRAO HIẾN VÀ TRAO HIẾN HỖ TƯƠNG

CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT PHẢI LUÔN TUÂN THỦ QUI LUẬT CỦA SỰ TRAO HIẾN VÀ TRAO HIẾN HỖ TƯƠNG
1. Giờ đây chúng ta hãy suy nghĩ – liên hệ đến lời Đức Kitô loan báo trong diễn từ trên núi – về vấn đề đạo đức (ethos) của thân xác con người trong các công trình văn hóa nghệ thuật. Vấn đề này có những cội rễ rất sâu xa. Chúng ta cần nhớ lại ở đây loạt bài phân tích đã thực hiện liên quan đến việc Đức Kitô tham chiếu đến «thuở ban đầu», và tiếp sau đó Người đã nhắc đến «lòng» con người , trong diễn từ trên núi. Thân xác con người – thân xác trần truồng của con người với giới tính nam và nữ trong toàn thể sự thật của mình – có một ý nghĩa trao hiến ngôi vị giữa người với người. Đạo đức thân xác, hay là những qui tắc đạo đức về sự khỏa thân, do phẩm giá của chủ thể nhân vị, liên kết chặt chẽ với hệ thống tham chiếu đó theo nghĩa là hệ thống hôn nhân, trong đó sự trao hiến của một bên gặp được sự đáp trả thích đáng của bên kia. Sự đáp trả ấy quyết định tính chất hỗ tương của tặng phẩm trao ban. Việc thân xác của người nam hay người nữ trong tình trạng khỏa thân bị khách thể hóa trong nghệ thuật, nhằm mục đích trước hết để làm người (vật) mẫu, và kế đến làm đề tài cho tác phẩm nghệ thuật, luôn có một dịch chuyển ra ngoài  phạm trù trao hiến liên vị, vốn là nguyên thủy và đặc thù của thân xác con người. Điều này, theo nghĩa nào đó, làm thân xác con người bị cắt đứt khỏi cội rễ ấy và đưa vào lãnh vực riêng của nghệ thuật biến thành một sự vật khách quan. Chiều kích khách thể hóa đó là một đặc thù trong công trình nghệ thuật hoặc trong kĩ nghệ điện ảnh và nhiếp ảnh vốn hay sản xuất hàng loạt theo mẫu của thời đại chúng ta.
Trong mỗi lãnh vực này – và theo những kiểu khác nhau – thân xác con người bị mất đi ý nghĩa trao hiến vốn thuộc bình diện chủ thể sâu xa, và biến thành một thứ đồ vật nhằm cho bao nhiêu người nhìn ngắm, và bởi đó, những ai nhìn ngắm thì cũng đã đồng hóa hay thậm chí theo một nghĩa nào đó, đã chiếm hữu một kẻ đang hiển nhiên hiện hữu  hay phải hiện hữu chủ yếu trên bình diện của tặng phẩm trao hiến (vốn là hành động của một nhân vị dành cho một nhân vị, hành vi của một con người với con người sống động chứ không phải với hình ảnh). Thật ra, sự «chiếm hữu» đã xảy ra trên một bình diện khác – đó là bình diện của đối tượng đã bị biến dạng hay bị tái tạo bởi nghệ thuật; nhưng ta không thể không biết rằng từ quan điểm đạo đức học thân xác, hiểu cách thật sâu xa, ở đây xuất hiện một vấn đề. Một vấn đề rất tế nhị có nhiều mức độ mãnh liệt (cảm xúc) tùy theo những động cơ và hoàn cảnh khác nhau, hoặc từ phía hoạt động nghệ thuật, hoặc từ phía người thưởng thức tác phẩm hay sản phẩm nghệ thuật. Đặt vấn đề như thế không hề có ý nói khỏa thân không thể trở thành đề tài cho công trình nghệ thuật – nhưng chỉ muốn nói rằng vấn đề này không thuần túy chỉ thuộc lãnh vực mĩ học hoặc không có liên hệ gì đến luân lí.
2. Trong những gì đã phân tích trước đây (nhất là những gì liên quan đến sự tham chiếu của Đức Kitô đến cái «thuở ban đầu»), chúng ta đã dành nhiều chỗ bàn về ý nghĩa của sự xấu hổ. Chúng ta đã tìm hiểu sự khác biệt giữa hoàn cảnh – và tình trạng – của sự trong trắng nguyên thủy (trong đó «cả hai người bấy giờ  đều trần truồng... mà không cảm thấy xấu hổ» (St 2,25)) và hoàn cảnh – và tình trạng – sau đó khi hai người đã phạm tội, trong đó giữa hai người, đàn ông và đàn bà, đã nảy sinh sự xấu hổ đối với nhau, xuất hiện cõi thâm sâu riêng tư cần thiết trong thân xác của mình. Trong tâm hồn con người vốn là kẻ bị chế ngự bởi dục vọng, chốn thân mật riêng tư này cần thiết để bảo đảm, dù là gián tiếp, cho sự trao hiến và khả năng dâng hiến hỗ tương cho nhau. Tính chất thiết yếu đó còn hình thành nên cách thức hành động của con người như là «đối tượng của văn hóa», theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ đó. Nếu như văn hóa biểu lộ xu hướng che phủ thân thể trần truồng của con người , hẳn đó không chỉ vì những lí do khí hậu thời tiết, nhưng còn vì liên quan đến tiến trình tăng trưởng ý thức nhân vị của con người. Sự khỏa thân vô danh của con người xét như là một khách thể đi ngược lại với sự tiến bộ của văn hóa phong tục có tính nhân văn đích thực. Có lẽ ta cũng có thể khẳng định điều đó cả trong các đời sống của các dân tộc gọi là bán khai. Tiến trình làm gia tăng cảm thức về nhân vị nơi con người hẳn là nhân tố và là hoa quả của văn hóa.
Đằng sau cái nhu cầu về xấu hổ, tức cõi riêng thân mật thiết yếu của thân xác mình (về điều này các nguồn Kinh thánh trong St 3 cho nhiều thông tin chính xác), ẩn dấu một chuẩn tắc rất sâu xa, đó là: sự trao hiến hướng đến chính chiều sâu của chủ thể nhân vị hay hướng đến ngôi vị tha nhân – nhất là trong tương quan nam-nữ theo quy tắc trường cửu của sự dâng hiến cho nhau. Như thế, trong các tiến trình văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) giàu tính nhân văn, chúng ta nhận thấy khá rõ – cả trong tình trạng con người mang tội tổ tông truyền – có sự tiếp nối liên tục ý nghĩa hôn phối của thân xác con người với giới tính là nam là nữ của mình. Sự xấu hổ nguyên thủy ấy, như đã được lưu ý trong các chương đầu của Kinh Thánh, là một yếu tố thường xuyên của văn hóa và tập quán trang phục. Nó thuộc về nguyên khởi của đạo đức thân xác con người.
3. Con người với ý thức cao vượt qua, một cách khó khăn và với một kháng lực bên trong, ranh giới của sự xấu hổ đó. Điều đó cũng thấy rõ cả trong những hoàn cảnh chính đáng cần thiết khi phải lõa thể, chẳng hạn như khi khám hoặc giải phẫu y khoa.Đặc biệt cũng nên nhắc đến những hoàn cảnh khác, chẳng hạn như trường hợp trong các trại tập trung hoặc trong các nhà tù hủy diệt con người, nơi đó xúc phạm thân thể và đối xử khiếm nhã là một phương pháp người ta cố ý dùng để hủy diệt cảm thức nhân vị và ý thức về phẩm giá con người của nạn nhân. Quy luật ấy được khẳng định theo cùng một hướng – dẫu cách thức khác nhau – ở khắp mọi nơi. Theo cảm thức nhân vị, con người không muốn trở thành đối tượng cho người khác nhìn ngắm thân thể lõa lồ dẫu không biết danh tính mình là ai, cách tương tự họ cũng không muốn người khác trở thành đối tượng cho mình nhìn ngắm như thế. Dĩ nhiên, càng sống theo ý thức phẩm giá nhân vị của thân xác thì con người càng «không muốn». Thật ra, có rất nhiều lí do xui khiến, thúc đẩy, thậm chí thúc ép con người hành động ngược lại với đòi hỏi của phẩm giá gắn liền với cảm thức nhân vị. Người ta không thể quên «hoàn cảnh» nội giới cơ bản của con người «lịch sử» là tình trạng bị dục vọng với ba mặt khác nhau thống trị (x 1Ga 2,16). Tình trạng này – cách riêng, đó là dục vọng của tính xác thịt – được nghiệm trải cách khác nhau, hoặc qua những xung năng bên trong lòng con người hoặc trong toàn thể bầu khí các mối quan hệ liên vị và phong tục xã hội.
4. Chúng ta không thể quên điều đó, cả trong bối cảnh rộng lớn của văn hóa nghệ thuật, nhất là nền văn hóa nặng tính hình ảnh và trình diễn, như nền văn hóa «đám đông» vốn rất quan trọng trong thời đại ngày nay, và được kết hợp với việc sử dụng phổ biến các kĩ thuật truyền thông nghe nhìn. Một câu hỏi được đặt ra là: khi nào và trong trường hợp nào phạm vi sinh hoạt này của con người – từ quan điểm đạo đức học về thân xác – bị kết án là «khiêu dâm» (pornovisione) tương tự như trong lãnh vực sinh hoạt văn chương, nhiều tác phẩm đã và thường vẫn còn bị kết án như thế (pornografia). Chúng bị kết án là khiêu dâm trong cả hai lãnh vực trên, khi người ta vượt quá giới hạn của sự xấu hổ (hay trang nhã), hay đúng hơn, vượt quá hay bỏ qua cảm thức nhân vị đối với những gì liên hệ tới thân xác con người, sự trần trụi của thân xác con người, khi trong công trình nghệ thuật hay khi nhờ đến kĩ nghệ sản xuất nghe nhìn người ta xâm phạm quyền bảo toàn sự thân mật riêng tư khi phô diễn thân thể trần truồng của người nam và người nữ và – xét cho cùng – khi người ta vi phạm qui luật sâu xa của tặng phẩm và sự dâng hiến cho nhau, vốn được ghi khắc trong giới tính là đàn ông là đàn bà của cấu trúc con người toàn thể. Qui luật tặng phẩm để dâng hiến được ghi khắc sâu xa trong đó quyết định ý nghĩa hôn phối của xác thân con người, nghĩa là ơn gọi căn bản mà nó tiếp nhận để tạo nên mối «hiệp thông các ngôi vị» và tham dự vào trong đó.
Tạm ngưng khảo sát tại đây để sẽ tiếp tục nói ở chương sau, giờ đây chúng ta cần nhận định rằng việc tuân giữ hay không tuân giữ những qui luật đó, vốn phụ thuộc sâu xa vào cảm thức nhân vị của con người như thế, không thể không có liên hệ gì với vấn đề «xây dựng một bầu khí thuận lợi cho đức khiết tịnh» trong đời sống và giáo dục xã hội.

 Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch