Bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là gì?

Bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là gì?

 

BÍ QUYẾT GIỮ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH LÀ GÌ?
 
Người ta kể một câu chuyện vui như sau: một cha giải tội, sau khi nghe hối nhân thú tội, ngài có vài lời an ủi rồ giao việc đền tội cho hối nhân: “Về nhà con hôn thánh giá hai lần”. Sau khi ra khỏi tòa giải tội, hối nhân về nhà. Bỗng dưng ông ôm chầm lấy vợ và trao cho vợ hai cái hôn thắm thiết. Bà vợ ngạc nhiên, thấy ông chồng có gì khang khác, mới hỏi lý do. Ông ôn tồn nói rõ nguyên nhân sự việc. Thật lạ lùng. Sau khi nghe chồng kể xong, lẽ ra bà vợ phải trách móc, đay nghiến ông chồng như thường khi, vì ông dám coi bà là “thánh giá”, là gánh nặng, thậm chí là của nợ của đời ông. Ngược lại, bà ôm lấy chồng và trao hai nụ hôn cháy bỏng đáp trả, khiến ông chồng cũng ngạc nhiên nhiên không kém.

Câu chuyện tuy dí dỏm, nhưng nói lên phần nào tính chất và sự thật của những người “yêu nhau” khi phải sống chung với nhau lâu dài trong đời sống vợ chồng. 

Ai mà không biết có những ông, những bà suốt ngày, suốt tháng, trọn năm, thậm chí… trọn đời cứ cằn nhằn, cẳn nhẳn, chê trách, kể cả chửi bới “người mình yêu” từ nhà vọng ra vườn, từ sân dội ngược vào nhà. “Thánh giá” này quá sức nặng, quá sức chịu đựng, làm cho nhiều người sống ngày nào là phải kéo lê đời mình ngày ấy. “Thánh giá” do “người yêu mình” tạo ra, làm cho cả hai (chứ không phải người “vác thánh giá” mà thôi) phải sống trong chán chường, đắng cay, chua chát. Gia đình do những người “yêu nhau” như thể quản lý, không còn là gia đình đúng nghĩa. Thay vì tổ ấm, gia đình trở thành nhà tù trói buộc, tra tấn nhau.

Thực ra, người gây đau khổ mới là người đau khổ trước nhất. Bởi chính họ nuôi dưỡng, cưu mang những tâm tình bất hòa, bất nhẫn. Không nuôi dưỡng lòng yêu thương, chỉ mang trong tâm mình suốt đời những điều đi ngược lòng yêu thương như thế, chính bản thân họ sẽ mất bình an, sẽ trở nên cay độc, trở nên cô đơn, thiếu mọi chiều kích thông cảm và đón nhận của mọi người… Họ tự gây ra cây thập giá nặng nề khôn tả cho chính cuộc đời của họ.

Từ chỗ sống bất khoan dung, không thể khoan hòa với người xung quanh, kể cả người ruột thịt là con cái, là chồng, là vợ của mình, họ gieo rắc sự ô nhiễm của không biết bao nhiêu đau khổ, tang tóc, mất mát trên chính người thân, gia đình của họ. Thế là mỗi thành viên trong cái gia đình đó, lẽ ra phải rất đằm thắm, rất an bình, lại cứ phải chung vai với nhau, vác thập giá mỗi ngày một nặng thêm. Rồi tương quan cá nhân với cá nhân trong cái cộng đồng được gọi là “cộng đồng tình yêu” ấy, càng lầm lỳ, càng sống riêng tư, càng cô đơn, càng khó có thể chia sẻ niềm vui hay gánh nặng cho nhau. Người này trở thành nhà tù của người kia, sống với nhau bằng mặt nhưng không bằng lòng. Thậm chí có nói với nhau, thì cũng là nói những lời nặng nề, ai oán. Một nhà tù vĩ đại khủng khiếp vô hình chụp xuống đầu của mỗi thành viên trong gia đình, biến gia đình từ một cộng đồng tình yêu trở thành cộng đồng thù hận. Trong trường hợp này, thập giá không biến thành thánh giá, không giải thoát con người, không mang lại niềm vui vì nhận ra mình được cứu độ, mà thập giá do người ta chất lên vai nhau, trở thành một sự đe dọa và giết chết nhau, đóng đinh nhau.

Biết đau khổ là như thế. Nhưng sao người ta vẫn cứ tìm cách gây đau khổ mà không lật ngược lại, không biến đổi chính mình, để gây nên lòng tin tưởng cho nhau, làm cho tổ ấm thật sự là tổ ấm, gia đình đúng nghĩa là gia đình, cộng đồng tình yêu không mất ý nghĩa của yêu thương triều mến. 

Hãy vui lên, hãy cười lên. Thay vì nhăn mặt, cau có, cất lên lời độc địa, hãy tỏ lộ hân hoan, hãy kể một câu chuyện cười, hãy nói một lời nào đó nhẹ nhàng, hãy khen người đối diện một tiếng khen thật lòng, hãy tìm một điểm tốt nơi người đối diện mà chiêm ngắm, mà học đòi…

Cuộc đời, tự bản thân đã phải chuốc lấy nhiều khốn khổ, u buồn, thì xin đừng tiếp tục chất thập giá lên vai nhau nữa. Hãy rộng lượng mà đón nhận nhau, hãy cất bớt thập giá cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy, khi ta làm giảm sức nặng của thập giá trên vai người khác, cũng là lúc ta trút bớt gánh nặng nơi đôi vai của mình. Cố gắng thực tập và làm như thế, tất cả sẽ biến đổi ngay. Màu sậm, bóng đen đang bao trùm trên gia đình, sẽ tức khắc thành trong sáng tươi vui. 

Làm linh mục, tôi được nhiều anh chị em tin tưởng trao đổi, xin sự cố vấn cho những khúc mắc riêng tư của họ, cho tôi đôi lần có kinh nghiệm rằng, bất cứ ai có thể bước ra được, có thể vượt lên trên thảm trạng của gia đình như thế, niềm vui của họ, của gia đình họ như tăng lên gấp bội lần. Từng cá nhân trong gia đình ấy yêu cuộc sống hơn, yêu người thân của mình, muốn sống hơn, hy vọng hơn và tin tưởng nhau hơn. Đó là một phép lạ trọng đại. Phép lạ của mái ấm gia đình, sẽ tạo thêm một khoảng trời lung linh sáng ngời tình yêu. Từ đó giúp họ có một khoảng đời ngụp lặn trong yêu thương, trong tinh thần đạo đức và công phúc.

Một bí quyết giúp gia đình gìn giữ hạnh phúc, không phải là kỹ thuật sống trên đời, hay đọc thật nhiều sách dạy làm người, cho bằng đời sống CẦU NGUYỆN VÀ CẢM TẠ THIÊN CHÚA. 
     
Tiểu sử của thánh Chantalice, người Ý, để lại cho tất cả chúng ta bài học quý giá của tâm tình cầu nguyện cảm tạ: Luôn luôn, đi đâu, với ai, thánh nhân đều luôn miệng thốt lên những từ ngữ rất quen thuộc: “tán tạ”, “ngợi khen” dành cho Thiên Chúa. Mải miết như vậy, nên khi thấy thánh nhân xuất hiện bất cứ nơi đâu, người ta đều gọi thánh nhân là “ông tán tạ”.

Bắt chước thánh Chantalice, chúng ta cũng hãy mặc lấy tâm tình cầu nguyện cảm tạ Thiên Chúa. Nhờ luôn hướng về Chúa, chúng ta sẽ yêu nhau hơn. Những người thân của nhau trong một gia đình, nếu luôn biết hướng về nhau, cầu nguyện cho nhau, luôn chúc tụng, tạ ơn Chúa, họ sẽ là những người đong đầy hạnh phúc, đong đầy lòng yêu mến trong tâm hồn mình. Nếu lòng đầy tràn tình yêu, niềm hạnh phúc, làm sao họ có thể oán giận, mắng nhiếc, hay gieo đau khổ cho nhau được. Chỉ có những người luôn đong đầy sự thù nghịch, mới gieo sự thù nghịch, còn người đong đầy tình yêu, hạnh phúc sẽ chỉ có thể trao tặng tình yêu, hạnh phúc mà thôi. Bởi thế, cầu nguyện và luôn mặc lấy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chính là bí quyết tối thượng gìn giữ hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc này sẽ không bao giờ có thể có ai cướp mất được.

Đừng ngần ngại gì, nhưng hãy cứ để cho mỗi thành viên trong gia đình trở thành “ông tán tạ”. Có “ông tán tạ” ở với mình, gia đình là một tổ ấm chất chứa tình yêu triều mến và sẽ tăng lên, tăng lên sự triều mến ấy. Chắc chắn, từng thành viên trong gia đình sẽ trưởng thành trong tình yêu vượt bậc ấy.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH