Bảy Bài Giáo Lý của Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2018: Bài 4. Ước Mơ Lớn Cho Mọi Người
Bài Giáo Lý 4
ƯỚC MƠ LỚN CHO MỌI NGƯỜI
“AI NGHE CẬU NÓI CŨNG NGẠC NHIÊN VỀ TRÍ THÔNG MINH VÀ NHỮNG LỜI ĐỐI ĐÁP CỦA CẬU”
(LC 2, 47)
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Zakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc,
đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo,
đã khiến Phêrô khóc lóc vì đã trót phản bội Chúa,
và đã hứa Thiên đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe,
như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “ Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa.”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự.
Xin cho Hội thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,
gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối
để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc.
Xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,
để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo sự tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen
(Kinh Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô – 8/12/2015).
Lần đầu tiên Sách Tin Mừng tường thuật Chúa Giêsu bàn luận với các thầy thông luật của Đền thờ; Ngài nêu những câu hỏi và trả lời, và trước sự khôn ngoan của Ngài, tất cả những ai nghe Ngài đều phải ngỡ ngàng. Thật thú vị để nhận thấy lần lên tiếng đầu tiên của Ngài không phải chỉ là một sự giảng dạy đơn sơ trước một cử tọa chỉ yên lặng lắng nghe. Trái lại, Ngài cùng họ tương tác, hỏi, lắng nghe, trả lời, và cách nói năng của Ngài mạnh mẽ, sinh động, cuốn hút mọi người, không trừ ai. Lời Ngài chạm đến tâm can họ, và người ta thấy được điều đó ngay lần đầu tiên Ngài cất tiếng. Ngay từ khởi đầu, Ngài tỏ lộ không những khả năng cá biệt hóa cuộc đối thoại của mình với mỗi người gặp trên đường, nhưng Ngài cũng còn, và nhất là, biểu lộ mong muốn được nói với tất cả mọi người, vì Ngài “muốn hết mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý” (I Tm 2, 4). Hết thảy mọi người đều cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa, và ơn cứu độ này được ban cho con người bởi lòng xót thương của Thiên Chúa biểu lộ nơi thánh nhan của Chúa Con. “Đây chính là lý do vì sao, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, tôi đã muốn Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa như một thời gian thuận tiện cho Hội Thánh, để các tín hữu làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về Lòng Thương Xót Chúa” (Dung Mạo Lòng Thương Xót Chúa 3). Lời mời gọi này trước hết được gửi đến Hội Thánh, vì Hội Thánh “có sứ mệnh công bố Lòng Thương Xót Chúa, trái tim hằng thổn thức của Tin Mừng, mà Hội Thánh phải làm cho truyền đạt tới trái tim và thần trí của mọi người. Hiền thê của Chúa Kitô chọn lấy thái độ của Con Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người, không loại trừ một ai”(Dung Mạo Lòng Thương Xót Chúa 12). Không phải sự mỏng dòn, yếu đuối hay sự khốn khổ của con người làm vô hiệu hay ngăn cản lòng xót thương của Thiên Chúa, nhưng trái lại, “được bao phủ bởi lòng thương xót, dẫu thân phận yếu đuối vì tội lỗi còn đó, thân phận ấy sẽ được phủ kín bởi tình yêu hằng cho phép nhìn xa hơn và sống khác hơn” (Lòng Thương xót và sự khốn cùng 1). Thật là sai lầm và rất nản lòng khi người ta tưởng tượng hành động nhân từ của Thiên Chúa là một phần thưởng ban cho những ai đã từ bỏ sự khốn khổ của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ có thể có hay mua được bằng một giá đắt, nhưng luôn luôn được ban tặng cho hết mọi người một cách nhưng không, để cho mỗi người chúng ta, giống như đứa con hoang đàng, được có một lần khoác lên mình tấm áo đẹp nhất của Cha mình, vốn hằng mong ngóng đứa con từ ngày nó bỏ nhà ra đi, để cho nó có thể bắt đầu lại một đời sống mới. Thực ra, chính lòng xót thương của Thiên Chúa đã sinh ra sự hoán cải, chứ không phải ngược lại. Chẳng bao giờ sự hoán cải của con người lại lôi kéo và chinh phục được lòng thương xót của Thiên Chúa cả. Chính sự trải nghiệm luôn luôn nhưng không và lạ lùng sự tha thứ của Thiên Chúa tác động trong trái tim con người một khát vọng thực sự và thành khẩn muốn hoán cải và biến đổi sang một đời sống mới. Lời công bố này có giá trị đối với hết mọi người, cho mỗi người trong chính hoàn cảnh đặc thù và riêng biệt của mình. Không một ai, phải, không một ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa cả! Ngay những kẻ, vì những lý do khác biệt nào đó, thấy mình ở trong một tình trạng không phù hợp với lý tưởng của Tin Mừng, thì đôi tay của Cha nhân hậu vẫn luôn luôn rộng mở. Do đó, điều quan trọng là phải làm sao cho ngay cả “những người ly dị đang sống một kết hợp mới, cũng cảm thấy họ vẫn còn là thành phần của Hội Thánh, “không bị rút phép thông công” và không bị đối xử như vậy, vì họ vẫn còn được thông hiệp với Hội Thánh” (AL 243). Chú ý! Ở đây không đặt vấn đề giáo lý Hội Thánh về sự bất khả phân ly của bí tích hôn phối. Hội Thánh rất ý thức rằng “mọi cắt đứt mối liên kết hôn phối đều ngược lại ý muốn của Thiên Chúa”(AL 291), vì tính bất khả phân ly của hôn nhân là “kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người,và là tình yêu mà Chúa Giêsu đã tỏ ra cho Hội Thánh” (FC 20). Do đó Đức Thánh Cha Phanxicô nói với toàn thể cộng đoàn Hội Thánh: “Mục vụ tiền hôn nhân và mục vụ hôn nhân trước hết phải là một mục vụ của sự liên kết, mang lại các yếu tố giúp cho tình yêu vợ chồng được trưởng thành và vượt qua được những lúc gian nan. Các việc đó không chỉ là truyền đạt cho họ những xác tín về giáo lý, cũng không thể chỉ giản lược vào các nguồn linh đạo quý giá mà Hội Thánh luôn cống hiến, nhưng còn phải là những chương trình thực tế, những lời khuyên thật cụ thể, các sách lược rút ra từ kinh nghiệm, những hướng dẫn tâm lý. Tất cả những điều này làm nên một đường lối sư phạm của tình yêu vốn không thể bỏ qua sự nhạy cảm hiện nay của người trẻ, để có thể động viên họ từ bên trong. Đồng thời, trong khi chuẩn bị cho những người đính hôn, chúng ta cần chỉ cho họ những nơi chốn và những con người, những văn phòng tham vấn hay những gia đình sẵn sàng giúp đỡ, để họ có thể chạy đến tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp khó khăn. Nhưng cũng không bao giờ được quên đề nghị họ chạy đến bí tích Hòa giải, giúp họ đem những tội lỗi và những sai lầm trong quá khứ và trong chính mối quan hệ của họ đặt dưới tác động của lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa và của quyền năng chữa lành của Người” (AL 211). Do đó, khẩn thiết phải cung cấp cho họ tất cả mọi yếu tố cần thiết để họ có thể sống và cư xử một cách dồi dào đặc sủng hiệp nhất bất khả phân ly của bí tích Hôn phối; nhất là phải làm cho mọi người biết rằng Chúa Kitô “trong lúc cử hành bí tích Hôn phối ban tặng ‘một trái tim mới’: nhờ đó, đôi phối ngẫu không những có thể vượt lên được “lòng chai dạ đá” (Mt 19, 8), mà còn, và nhất là, có thể trao cho nhau tình yêu tràn đầy và dứt khoát của Chúa Kitô, là Giao Ước mới và vĩnh cửu hóa thân làm người. Cũng như Chúa Giêsu là vị “chứng nhân trung thành” (Kn 3, 14), là tiếng “có” của những lời Thiên Chúa hứa (x. 2Cr 1, 20) và là sự thể hiện tột độ lòng trung tín vô điều kiện qua đó Thiên Chúa đã yêu thương dân Người, thì những đôi vợ chồng kitô hữu cũng được mời gọi thực sự dự phần vào tính bất khả phân ly vô phương thu hồi hằng liên kết Chúa Kitô với Hội Thánh là Hiền thê mà Người yêu mến cho đến muôn đời” (FC 20). Trước tất cả sự phong phú vô bờ của những chân lý ngoại thường của Tin Mừng và những định hướng mục vụ rõ rệt và thực tế, chúng ta có bổn phận tự hỏi xem các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta bỏ ra bao nhiêu thời gian, bao nhiêu nơi chốn và bao nhiêu nguồn lực cho mục vụ tiền hôn nhân và hôn nhân này? Thật quá dễ dàng khi chỉ đặt trên vai các đôi vợ chồng tất cả trách nhiệm về bao nhiêu thất bại của hôn nhân. Điều quan trọng là phải giúp cho các đôi bạn trẻ có được sự đồng hành và nâng đỡ trong một thời gian và biết phân định trước khi tiến đến bí tích hôn phối, giai đoạn lớn nhất của đời họ. Cần phải khởi sự bằng cách cống hiến cho họ những gì họ cần phải có, nhất là “những năm đầu tiên của hôn nhân là một thời kỳ hết sức quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức nhiều hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Do đó cần phải có mục vụ đồng hành tiếp theo sau lễ hôn phối (x. FC, phần III). Trong mục vụ này, sự có mặt của các cặp vợ chồng có kinh nghiệm là hết sức quan trọng. Giáo xứ là nơi những cặp vợ chồng có kinh nghiệm như thế được điều động để giúp đỡ các đôi bạn trẻ, cùng với sự hợp tác của các hội đoàn, phong trào thuộc Hội Thánh và của các cộng đoàn mới” (AL 223). Tất cả những gia đình trong tình huống có xung đột đều cũng phải được quan tâm và chăm sóc như thế. “Được soi sáng bởi ánh mắt của Đức Kitô, Hội Thánh ‘thương yêu ghé mắt đến những ai đang tham dự vào đời sống của Hội Thánh một cách không trọn vẹn, trong khi nhìn nhận rằng ân sủng của Chúa cũng hoạt động trong cuộc đời của họ bằng cách ban cho họ sức mạnh để làm điều thiện, để chăm sóc cho nhau bằng tình yêu thương và phục vụ cộng đoàn tại nơi họ sinh sống và làm việc’”(AL 291).
Chẳng bao giờ có ai có thể định giới hạn cho tác động của ân sủng Thiên Chúa, vì ân sủng tác động mọi lúc mọi nơi và bằng mọi cách vượt khỏi cả khả năng tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, cộng đoàn Hội Thánh có một sứ mệnh đặc biệt mà Đức Thánh Cha Phanxicô thích diễn tả như thế này: “Ta thành thực tin rằng Đức Giêsu muốn một Hội Thánh hằng quan tâm đến điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự yếu hèn của con người: một Hội Thánh như người Mẹ, trong khi bày tỏ cách rõ ràng giáo huấn khách quan của mình, vẫn “không từ chối làm điều tốt lành trong khả năng của mình, cho dù có gặp rủi ro bị vấy bẩn bùn lầy trên đường” (AL 308). Chúng ta gặp ở đây một trọng điểm mà cũng là nhược điểm của đức tin công giáo ở đó rất dễ rơi vào hai thái cực. Thái cực thứ nhất, có lẽ năng xảy ra nhất và phổ biến nhất về mặt văn hóa, có khuynh hướng làm giảm thiểu bất cứ tình trạng hôn phối nào miễn là lương tâm vẫn được kể là còn chính trực trước mặt Chúa; thái cực kia, hiện bị coi là lạc hậu hơn, có phân biệt một chút những Kitô hữu gọi là “theo đạo” khác với những người ở trong tình trạng “vô đạo”. Hiển nhiên, thái cực này hay thái cực kia đều không đúng với giáo huấn của Tin Mừng mà cũng chẳng đúng với huấn quyền Hội thánh. Tin mừng lớn lao nhất Chúa Giêsu mang xuống cho trần gian, và cần phải tái khẳng định không ngừng ở khắp nơi qua mọi thời đại, đó là Thiên Chúa có một Ước Mơ Lớn cho mọi người, không trừ ai. Ước Mơ Lớn nào vậy của Thiên Chúa cho mỗi người? Có lẽ ta phải khởi đi từ những gì chưa phải là Ước Mơ Lớn đó. Ước Mơ của Thiên Chúa chẳng phải là hôn nhân, chẳng phải là thiết lập nên gia đình. Hẳn nhiên những điều này tham dự vào Ước Mơ ấy vì chúng vạch ra con đường, lối đi, hành trình cho Ước Mơ ấy, nhưng chúng chưa bao giờ là đích điểm chung cuộc của đời sống con người. Điều này có nghĩa là kẻ nào sống tràn đầy bí tích hôn phối thì đã có được cái tiền vị, cái dự cảm ngay ở trần gian này sự thể hiện chung cuộc tiệc cưới vĩnh cửu của Chúa Kitô với toàn thể nhân loại. Ngược lại, người nào, bởi những lý do khác nhau, phải sống cuộc đời mình trên trần thế này trong một hoàn cảnh mỏng giòn yếu đuối trong đó hôn phối của mình bị thử thách và chịu những thương tổn vô phương hàn gắn ở đời này, việc tiến tới tham dự bàn tiệc cưới vĩnh cửu của người đó sẽ không bị từ chối, trái lại, có lẽ trong lòng họ còn cháy lên nhiều hơn khát vọng lớn lao sự thể hiện chung cuộc này vì thân phận hiện thời của họ. Vậy thì đâu là Ước Mơ Lớn của Thiên Chúa cho tất cả mọi người chúng ta, không trừ ai? Tiệc cưới vĩnh cửu với mỗi người chúng ta! Tại sao trong sự suy niệm và, do đó, trong mục vụ của Hội Thánh lại công bố những ý tưởng trái ngược nhau và tạo nên trong tâm trí các Kitô hữu sự hàm hồ và lẫn lộn ? Tại vì thường khi người ta nhìn Ước Mơ của Thiên Chúa thuộc về trần gian này chứ không phải thuộc về trời. Khi người ta quan sát một bức tranh thêu từ phía sau, người ta chỉ thấy những sợi chỉ kết bện vào nhau và xáo trộn với nhau một cách lộn xộn và vô nghĩa. Ngược lại, khi nhìn từ phía trước, người ta phải ngỡ ngàng nhận thấy rằng chính là nhờ cái nút có vẻ vô trật tự của sợi chỉ mà bức tranh tuyệt tác được thể hiện, được thêu dệt nên với tình yêu và sự kiên nhẫn bởi bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ có thể nhìn thấy, một cách tương tự, vẻ đẹp và sự vĩ đại của Ước Mơ của Thiên Chúa, nhưng phảỉ nhìn từ phía trời cao. Chính từ đó phát xuất lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu: “Chiêm ngắm sự viên mãn mà chúng ta chưa đạt tới cũng giúp chúng ta biết tương đối hóa khi nhìn lại cuộc hành trình lịch sử mà chúng ta đang thực hiện trong tư cách là gia đình, để chúng ta không còn đòi hỏi các mối tương quan liên vị của chúng ta phải hoàn hảo, phải tinh tuyền trong ý hướng, và phải chặt chẽ mà chúng ta chỉ có thể gặp được trong Nước Trời mai sau. Hơn nữa, việc ấy cũng ngăn chúng ta không xét đoán khắc nghiệt những ai sống trong các hoàn cảnh chênh vênh. Tất cả chúng ta được mời gọi để tiếp tục phấn đấu hướng đến một cái gì đó lớn lao hơn chính chúng ta và vượt khỏi những giới hạn của chúng ta, và mỗi gia đình phải sống thường xuyên sự thôi thúc này. Nào chúng ta cùng đi, hỡi các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước! Điều chúng ta được hứa hẹn thì luôn cao trọng hơn. Đừng đánh mất niềm hy vọng vì những giới hạn của mình, cũng đừng bao giờ ngừng tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và của sự hiệp thông mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta” (AL 325). Hơn nữa, ai sống trong ân sủng bí tích hôn phối thì càng có trách nhiệm hơn đối với những hoàn cảnh bị khủng hoảng về hôn nhân và gia đình, nếu quả thực bí tích hôn phối, giống như bí tích chức thánh, là cho sứ mệnh và việc xây dựng Hội Thánh. Thực vậy, “những hoàn cảnh này đòi hỏi phải có sự phân định cẩn thận và sự đồng hành với sự hết mực tôn trọng, tránh mọi lời nói và thái độ làm cho họ cảm thấy bị kỳ thị. Cần phải khuyến khích họ tham dự vào đời sống của cộng đoàn. Chăm sóc cho những người như thế không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng tá cho tính bất khả phân ly của hôn nhân bị suy yếu đi, mà ngược lại , chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình” (AL 243). Nhờ đó, tính bất khả phân ly của hôn nhân không chỉ là một ân sủng cho đôi phối ngẫu mà thôi, nhưng còn là ân sủng cho toàn thể cộng đoàn và nhất là cho những ai sống nỗi đau của cuộc hôn nhân đang bị khủng hoảng của họ. Nói cách khác, nếu quả thực những đôi vợ chồng theo ân sủng bí tích hôn phối sống sức mạnh của ơn thông hiệp của Thiên Chúa, sức mạnh toàn năng không thể bị giam hãm giữa đôi bạn ấy hay giữa bốn bức tường của mái ấm gia đình, mà thực ra, do bản chất của mình, sức mạnh đó phải lan tỏa ra khắp nơi, và làm cho tất cả mọi người đều hưởng nhờ, nhất là cho những ai đang sống những thảm kịch hôn nhân và gia đình, hương thơm của tình hiệp thông, của sự âu yếm và nhân hậu của Thiên Chúa lan tỏa ngang qua máu thịt của mối liên kết bất khả phân ly của đôi vợ chồng. Do đó, sự bất khả phân ly là một ân sủng lớn lao cho toàn thể Hội Thánh, vì ân sủng đó ban cho mọi người tình yêu vĩnh cửu và trung tín của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
Trong gia đình
Hãy suy nghĩ
1. “Ân sủng bất khả phân ly của bí tích hôn phối không chỉ cho đôi vợ chồng nhưng còn cho tất cả cộng đoàn” nghĩa là gì?
2. Điều gì cần phải làm cho một đôi bạn trẻ chạy đến xin Hội Thánh cử hành bí tích hôn phối?
Hãy sống
1. Làm thế nào các gia đình có thể trở thành chủ thể đảm trách mục vụ tiền hôn
nhân và hôn nhân trong những cộng đoàn Hội Thánh?
- “Các đôi vợ chồng được mời gọi góp phần quan trọng và đặc thù của mình vào việc giúp đỡ các gia đình đang bị tổn thương bởi đủ loại khủng hoảng và đe dọa.” Bạn hiểu điều này thế nào và cho biết cần phải làm những gì?
Trong Hội Thánh
Hãy suy nghĩ
- Đâu là Ước Mơ Lớn của Thiên Chúa cho mọi người, không trừ ai?
- Các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta cống hiến bao nhiêu thời gian, nơi chốn và nguồn lực cho mục vụ tiền hôn nhân và hôn nhân?
Hãy sống
- Cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi thi hành thứ mục vụ đồng hành, phân định và hòa nhập nào trước biết bao gia đình đang bị tổn thương bởi đủ loại khủng hoảng và đe dọa?
- Đâu là những khó khăn thường gặp phải trong công tác mục vụ trước những người đôi khi cảm thấy ít nhiều bị loại trừ khỏi cộng đoàn Hội Thánh vì những hoàn cảnh hôn nhân và gia đình đặc thù của họ.
-------------------------------------------------------
Ant. Uông Đại Bằng chuyển ngữ và biên tập ngày 1/5/2018