Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC CON NGƯỜI TƯƠNG HỢP VỚI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA GIAO ƯỚC (bài 105) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC CON NGƯỜI TƯƠNG HỢP VỚI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA GIAO ƯỚC (bài 105) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

CV

Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA THÂN XÁC CON NGƯỜI TƯƠNG HỢP VỚI Ý NGHĨA HÔN PHỐI CỦA GIAO ƯỚC

(Ngày 12 tháng 01 năm 1983)

 

1. Bây giờ chúng ta sẽ phân tích tính bí tích của hôn phối dưới khía cạnh dấu chỉ. Khi xác định rằng trong cấu trúc của hôn phối, xét như là dấu chỉ bí tích, một cách cốt yếu còn có «ngôn ngữ thân xác», là chúng ta đã tham chiếu đến truyền thống lâu đời của Thánh Kinh. Truyền thống ấy có nguồn gốc phát xuất từ sách Sáng thế (nhất là đoạn 2,23-25) và đạt đến cao đỉnh cuối cùng trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô (cf. Ep 5,21-33). Các tiên tri của Cựu ước đã đóng một vai trò cốt yếu hình thành nên truyền thống này. Phân tích các bản văn của Hôsê, Êzêkiel, Isaia đệ II, và các tiên tri khác, ta thấy mình đang bước đi trên lối đường loại suy, mà diễn tả cuối cùng là việc loan báo giao ước mới dưới hình thức của một lễ tân hôn giữa Đức Kitô và Hội thánh (cf. ibid.). Trên cơ sở của truyền thống lâu đời này, người ta có thể nói về một «trào lưu tiên tri về thân xác» đặc biệt, hoặc bởi sự kiện chúng ta gặp phép loại suy này trước hết nơi các Tiên tri, hoặc liên quan đến chính nội dung của nó. Ở đây, «trào lưu tiên tri về thân xác» chính xác có nghĩa là «ngôn ngữ của thân xác».

2. Phép loại suy xem ra có hai tầng. Trong tầng thứ nhất và là nền tảng, các Tiên tri nhìn giao ước  được thiết lập giữa Thiên Chúa và Israel ví như một cuộc hôn nhân (vẫn hiểu hôn nhân như một giao ước giữa người chồng và người vợ) (cf. Cn 2,17; Ml 2,14). Trong trường hợp này, Giao ước xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa, Đức Chúa của Israel. Trong tư cách là Đấng Tạo Thành và là Đức Chúa, Ngài kí kết giao ước trước tiên với Abraham và rồi với Môsê, điều đó đã xác nhận một sự tuyển chọn đặc biệt rồi. Và từ đó đến các Tiên tri, giả thiết trước là toàn thể nội dung về pháp lí – luân lí của Giao ước đi sâu xa hơn, đồng thời tỏ lộ một chiều kích tuyệt đối sâu hơn chiều kích «hợp đồng» thông thường. Thiên Chúa, khi tuyển chọn dân Israel, kết hợp làm một với dân Ngài bởi tình yêu và ân sủng. Mối dây kết hợp đặc biệt này mang tính liên vị ở chiều sâu, và bởi thế, Israel, dẫu là một dân, được trình bày trong nhãn quan tiên tri của Giao ước này như là một «Tân nương» hay «người vợ», nghĩa là, theo nghĩa nào đó, như một ngôi vị:

«... Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, / tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; / Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, / tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. [...] Thiên Chúa ngươi phán như vậy. [...] Tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, / giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay» (Is 54,5.6.10).

3. Yahvê là Đức Chúa của Israel, nhưng cũng là Tân lang của nàng. Các sách Cựu ước xác nhận Yahvê là Đấng duy nhất hoàn toàn làm «chúa tể» (thống trị trên) dân Ngài. Ngoài các mặt khác của quyền chúa tể của Yahvê, Đức Chúa của Giao ước và là Cha của Israel, còn có một nét mới lạ của dung mạo vị chúa tể này được các Tiên tri mạc khải, đó là chiều kích tương quan hôn phối. Như thế, sự thống trị tuyệt đối là do tình yêu tuyệt đối. Trong tương quan với đấng tuyệt đối đó, Giao ước mà bị phá vỡ không chỉ có nghĩa là một «khế ước» với đấng Lập Luật quyền uy tối thượng bị đổ vỡ, nhưng còn là một sự bất trung và phản bội, như đâm một nhát gươm vào trái tim của người Cha, người Chồng và là Đức Chúa.

4. Trong phép loại suy các Tiên tri dùng, nếu như người ta có thể nói đến các tầng lớp, thì đây theo một nghĩa nào đó là tầng thứ nhất và nền tảng. Bởi vì Giao ước của Yahvê với Israel có tính chất như dây liên kết hôn phối giống như khế ước vợ chồng, tầng thứ nhất của loại suy vén tỏ cho thấy tầng thứ hai, đó chính là «ngôn ngữ của thân xác». Chúng ta nghĩ đến ở đây trước hết là ngôn ngữ theo nghĩa khách quan. Các vị Tiên tri sánh Giao ước như với hôn ước, liên hệ tới bí tích đệ nhất mà St 2,24 nói đến, trong đó người nam và người nữ, bởi chọn lựa tự do, trở nên «một xương một thịt». Thế nhưng, cách thức diễn tả của các Tiên tri có đặc trưng là, khi giả định «ngôn ngữ của thân xác» theo nghĩa khách quan họ đồng thời chuyển tiếp qua nghĩa chủ quan của nó. Nghĩa là, có thể nói, họ cùng thuận ý cho rằng chính thân xác có thể lên tiếng. Trong các bản văn tiên tri về Giao ước, trên cơ sở của phép loại suy về sự kết hợp hôn nhân của đôi vợ chồng, chính thân xác «cất tiếng nói»; nói bằng nam tính và nữ tính của thân xác, nói bằng thứ ngôn ngữ mầu nhiệm của sự trao hiến bản thân, và sau cùng nó nói – điều này xảy ra rất thường xuyên – khi thì bằng ngôn ngữ của sự trung tín, nghĩa là của tình yêu, khi thì bằng ngôn ngữ của sự bất trung, nghĩa là «ngoại tình».

5. Đáng chú ý là chính các thứ tội lỗi của dân được tuyển chọn (nhất là những tội bất trung thường xuyên không phụng thờ Đức Chúa Thiên Chúa duy nhất, tức là những hình thái khác nhau thờ ngẫu thần) đã trở thành dịp cho các Tiên tri tố cáo. Đặc biệt, Hôsê là vị Tiên tri tố cáo về sự «ngoại tình» của Israel, ông nói không những bằng lời mà, theo nghĩa nào đó, còn biểu lộ cách bí nhiệm bằng những hành động mang ý nghĩa biểu trưng: «Hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm, vì cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm.» (Hs 1,2). Hôsê chiếu tỏa toàn bộ ánh rạng rỡ của Giao ước – của hôn ước mà trong đó Yahvê tự biểu lộ như một người phối ngẫu tinh tế, trìu mến, bao dung, nhưng đồng thời cũng rất đòi hỏi và nghiêm khắc. Israel «ngoại tình» và «làm điếm» là điều trái nghịch rõ ràng với dây liên kết hôn ước, mà Giao ước vốn xây dựng trên đó, giống như một cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông với một người đàn bà.

6. Êzêkiel cách bí nhiệm cũng diễn tả tội thờ ngẫu tượng bằng biểu trưng giống như vậy, và sử dụng biểu trưng về sự ngoại tình của thành Giêrusalem (cf. Ez 16), và ở một nơi khác, về sự ngoại tình của Giêrusalem và của Samaria (cf. Ez 23): «Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi yêu đương... Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – và ngươi thuộc về Ta» (Ez 16,8). «Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường» (Ez 16,15).

7. Trong các bản văn tiên tri, thân xác con người nói một «ngôn ngữ» mà nó không là tác giả. Tác giả của ngôn ngữ ấy là con người với tư cách như là người nam hay người nữ, với tư thế như là người chồng hay là vợ (con người với ơn gọi trường cửu hướng đến sự hiệp thông các ngôi vị). Thế nhưng, theo một nghĩa nào đó, con người không thể diễn tả mà không có thân xác ngôn ngữ đặc biệt ấy về cuộc sống riêng tư và ơn gọi của mình. Con người, ngay từ «thuở ban đầu», đã được thiết định cách thế sao cho những lời sâu thẳm nhất của tâm linh – lời của yêu thương, dâng hiến, trung thành – đòi hỏi có một «ngôn ngữ của thân xác» thích đáng. Thiếu ngôn ngữ của thân xác thích đáng những lời yêu thương sâu thẳm ấy không thể bộc lộ trọn vẹn được. Từ Tin Mừng chúng ta biết rằng điều ấy muốn nói đến hoặc đời sống hôn nhân hoặc đời sống độc thân khiết tịnh «vì Nước Trời».

8. Như là những phát ngôn nhân được linh hứng cho Giao ước của Yahvê với Israel, các Tiên tri cách chính xác tìm cách diễn tả, qua «ngôn ngữ của thân xác» này, khi thì chiều sâu hôn phối của Giao ước nói trên, khi tất cả những gì nghịch cùng Giao ước ấy. Các Tiên tri ca tụng sự trung thành, ngược lại các ngài gọi bất trung như là một sự «ngoại tình» - bởi thế họ nói theo các phạm trù đạo đức, và đặt hai sự thiện và ác luân lí đối kháng nhau. Tính cách đối nghịch giữa thiện và ác là điều cốt yếu đối với đạo đức học (ethos). Các bản văn tiên tri trong lãnh vực này một có ý nghĩa quan yếu, như chúng tôi đã nêu lên trong những suy tư trước đây. Thế nhưng, xem ra «ngôn ngữ của thân xác» theo các Tiên tri không là ngôn ngữ chỉ nói duy về đạo đức (ethos), một lời ca tụng sự trung thành và sự thanh khiết, mà còn gồm cả những kết án «ngoại tình» và «đàng điếm». Thật vậy, đối với mỗi ngôn ngữ, tức là thể thức diễn tả nhận thức, các phạm trù chân lí và phi-chân-lí (giả) là rất cốt yếu. Trong các bản văn tiên tri vốn nhận thấy tính cách loại suy của Giao ước giữa Yahvê với Israel như là hôn ước, thì thân xác nói sự thật qua sự trung tín và tình yêu vợ chồng, còn khi phạm tội «ngoại tình», thì đó là một sự giả trá, thân xác phạm sai lầm.

9. Vấn đề ở đây không phải là thay thế những dị biệt đạo đức học bằng những dị biệt luận lí. Nếu như các bản văn tiên tri cho thấy sự trung tín trong hôn nhân và sự khiết tịnh được xem như là «chân lí», và ngược lại, sự bất trung hay đàng điếm, như là phi-chân-lí, như là «giả trá» của ngôn ngữ của thân xác, đó là vì trong trường hợp thứ nhất, chủ thể (= Israel như hiền thê) sống phù hợp với ý nghĩa hôn phối tương ứng với thân xác con người (do nam tính và nữ tính của thân xác này) trong cấu trúc toàn vẹn của nhân vị; trong trường hợp thứ hai, trái lại, cũng chủ thể ấy sống mâu thuẫn và chống nghịch với ý nghĩa ấy.

Vậy, chúng ta có thể nói rằng điều cốt yếu đối với hôn nhân bí tích là «ngôn ngữ của thân xác», phản chiếu chân lí. Chính nhờ đó mà thực có dấu chỉ bí tích.

 

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

Top