Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI

Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐƠN ĐỘC NGUYÊN THỦY CỦA CON NGƯỜI
1. Trong những suy tư trước chúng ta đã đi đến một kết luận sơ khởi được rút ra từ những lời trong sách Sáng thế thuật lại cuộc tạo dựng con người, nam và nữ. Những lời ấy hay chính xác hơn, thành ngữ «thuở ban đầu» đã được Chúa Giêsu viện dẫn trong cuộc đối thoại về tính bất khả phân li của hôn nhân (Mt 19,3-9; Mc 10,1-12). Nhưng kết luận đó chưa kết thúc những phân tích của chúng ta. Thật vậy chúng ta phải đọc lại những chuyện kể trong chương một và chương hai của sách Sáng thế trong một bối cảnh rộng lớn hơn để có thể xác định được những ý nghĩa của bản văn cổ, bản văn mà Đức Kitô đã trưng dẫn. Vì thế, hôm nay chúng ta sẽ suy tư về ý nghĩa của sự đơn độc nguyên thủy của con người.

2. Điểm khởi đầu cho suy tư này xuất phát trực tiếp từ những lời sau đây của sách Sáng thế: «Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó» (St 2,18). Chính Giavê Thiên Chúa đã phán những lời đó. Những lời đó thuộc về trình thuật thứ hai về tạo dựng con người và do đó chúng phát xuất từ truyền thống yahvit. Như chúng tôi đã nhắc đến trước đây về bản văn truyền thống yahvit, thật là ý nghĩa vì trình thuật tạo con người được viết thành một đoạn riêng biệt (St 2,7) được kể trước đoạn tạo dựng người nữ đầu tiên (St 2,21-22). Và cũng thật ý nghĩa vì con người đầu tiên (’adam), vốn được tạo dựng từ «bụi đất», chỉ sau khi tạo dựng người đàn bà đầu tiên mới được xác định là «đàn ông» (’ish). Bởi thế, khi Thiên Chúa Giavê nói đến sự cô đơn, Ngài muốn nói về sự cô đơn của «con người», chứ không phải chỉ sự cô đơn của người đàn ông [1].

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sự kiện này thôi thì cũng khó mà rút ra những kết luận nào xa hơn nữa. Nhưng dẫu sao, toàn bối cảnh về sự cô đơn mà St 2,18 nói tới cho phép chúng ta tin rằng đó là sự cô đơn của «con người» nói chung (cả nam và nữ) chứ không phải chỉ là sự cô đơn của người đàn ông vì thiếu vắng người phụ nữ. Căn cứ trên toàn bối cảnh đó, xem ra sự cô đơn ấy mang hai ý nghĩa: một là vì nó xuất phát từ chính bản tính con người, tức là bởi nhân tính của mình (điều này được thấy rõ trong trinh thuật St 2), hai là xuất phát từ tương quan nam-nữ, điều này cũng hiển nhiên về một mặt nào đó vì căn cứ trên nghĩa thứ nhất. Phân tích chi tiết hơn sự mô tả có lẽ sẽ giúp ta khẳng định điều đó.

3. Vấn đề cô đơn chỉ được diễn tả trong trình thuật thứ hai về tạo dựng con người. Trình thuật thứ nhất không biết đến vấn đề này. Ở đó con người được tạo dựng, «có nam có nữ», chỉ trong một động tác («Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài… Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ»: St 1,27). Trình thuật thứ hai, như đã nói, kể cuộc tạo dựng con người trước, và chỉ sau đó mới kể việc tạo dựng người đàn bà từ chiếc «xương sườn» của người đàn ông. Trình thuật này hướng sự chú ý của chúng ta vào sự kiện “con người cô đơn”, và điều này xem ra như là vấn đề nhân học nền tảng, được đặt ra trước cả vấn đề giới tính nam nữ của con người ấy. Vấn đề được đặt ra trước không phải theo nghĩa thời gian cho bằng theo nghĩa hiện sinh: nó được đặt ra trước “bởi bản chất của nó” vốn như thế. Vấn đề cô đơn của con người cũng sẽ được hiển lộ ra như thế từ quan điểm thần học thân xác, nếu chúng ta phân tích thật sâu xa trình thuật tạo dựng thứ hai ở St 2.

4. Giavê Thiên Chúa xác định «con người ở một mình thì không tốt». Lời này không chỉ ở trong ngữ cảnh trực tiếp tạo dựng người đàn bà («Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó»), mà còn trong một ngữ cảnh rộng hơn với những lí do và hoàn cảnh, bối cảnh ấy giải thích sâu hơn ý nghĩa của sự cô đơn nguyên thủy của con người. Bản văn yahvit nối kết trước hết việc tạo dựng con người với nhu cầu «canh tác đất đai» (St 2,5), và điều đó tương ứng với ơn gọi chinh phục và cai quản trái đất trong trình thuật thứ nhất (x. St 1,28). Kế đến, bản văn thứ hai về tạo dựng nói đến việc đặt con người vào trong «vườn Êđen», và như thế hé mở cho chúng ta thấy tình trạng hạnh phúc nguyên thủy của con người. Cho tới lúc ấy, con người là đối tượng của hành động tạo dựng của Giavê Thiên Chúa, Đấng, đồng thời cũng là Nhà Làm Luật, đã thiết lập những điều kiện của Giao ước đầu tiên với con người. Cũng nhờ đó người ta thấy rõ con người còn là một chủ thể. Tính chủ thể ấy còn được biểu lộ xa hơn nữa khi Đức Chúa là Thiên Chúa «đã lấy đất nặn ra mọi thứ dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, để xem con người gọi chúng là gì» (St 2,19). Như vậy, ý nghĩa đầu tiên của sự cô đơn nguyên thủy được xác định trên cơ sở một “trắc nghiệm” («test») hay khảo hạch con người trước mặt Thiên Chúa (và một cách nào đó cũng đồng thời là trước mặt chính mình). Nhờ “trắc nghiệm” đó, con người mới ý thức sự ưu việt của mình, nghĩa là con người không thể để mình ngang bằng với bất kì một loài sinh vật nào khác trên trái đất.

Thật vậy, như bản văn ấy nói, «hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế» (St 2,19). «Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú», và tác giả kết: «nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng» (St 2,19-20).

5. Toàn phần văn bản này chắc chắn là để chuẩn bị cho trình thuật tạo dựng người đàn bà. Tuy nhiên, tự thân bản văn cũng có ý nghĩa rất sâu xa mà không phụ thuộc vào chuyện tạo dựng người đàn bà. Thế đó, từ giây phút đầu tiên, con người thọ tạo đứng trước mặt Thiên Chúa như thể đang đi tìm chính mình; người ta có thể nói rằng con người đi tìm một định nghĩa cho chính bản thân mình. Và cũng có thể nói như con người thời nay: con người đi tìm «căn tính» của mình. Nhận xét con người «cô đơn» giữa thế giới hữu hình và nhất là, giữa các sinh vật, có một ý nghĩa tiêu cực trong cuộc tìm kiếm ấy, bởi lẽ nhận xét ấy diễn tả cái con người còn thiếu («không là»). Thế nhưng, sự kiện con người tự thấy mình không thể đồng nhất về yếu tính với thế giới hữu hình của những sinh vật khác (animalia) lại có mặt tích cực cho cuộc tìm kiếm nguyên sơ này. Dẫu cho sự kiện đó vẫn chưa là một định nghĩa đầy đủ, nhưng nó là một trong những yếu tố của định nghĩa ấy. Nếu chấp nhận truyền thống luận lí và nhân học của Arixtốt thì chúng ta phải định nghĩa yếu tố này như một thứ “cận loại” (genus proximum) [2].

6. Tuy nhiên bản văn yahvit còn cho phép chúng ta khám phá ra những yếu tố khác nữa trong đoạn sách tuyệt vời này. Ở đó con người thấy mình cô đơn trước mặt Thiên Chúa chủ yếu là để diễn tả, qua một sự tự định nghĩa đầu tiên về bản thân, việc con người tự nhận biết mình, đó là sự biểu lộ sơ thủy và nền tảng về nhân tính. Nhận biết mình xảy ra cùng một lúc với nhận biết thế giới, nhận biết mọi thụ tạo hữu hình, mọi sinh vật mà con người đã đặt tên để khẳng định mình khác biệt chúng. Và như thế, con người ý thức mình là kẻ có khả năng nhận thức thế giới hữu hình. Với tri thức đó, trí thức đã giúp con người thoát ra khỏi chính bản thân mình một cách nào đó, con người đồng thời cũng vén tỏ bản thân với mọi đặc thù của con người cho chính mình. Con người không chỉ đơn độc tại yếu tính mà còn tại chủ thể. Thật vậy, sự cô độc còn nói lên chủ thể tính của con người vốn được cấu thành nhờ con người tự nhận thức về bản thân. Con người đơn độc bởi vì mình «khác biệt» thế giới hữu hình, khác biệt thế giới các sinh vật. Khi phân tích đoạn sách Sáng thế này, một cách nào đó, chúng ta thấy con người trước mặt Thiên Chúa Giavê «khác biệt» toàn thể thế giới các sinh vật (animalia) bởi hành động tự nhận thức đầu tiên như thế nào, và do đó cũng thấy mình tự tỏ cho mình biết về mình và tự khẳng định mình trong thế giới hữu hình như là một «ngã vị» như thế nào. Tiến trình mà đoạn St 2,19-20 mô tả sâu sắc như thế đó, cũng là tiến trình con người đi tìm định nghĩa về chính mình, chỉ cho ta thấy – qua việc nối kết lại với truyền thống triết học Arixtốt – cái cận loại (genus proximum) được diễn tả trong chương 2 sách Sáng thế bằng những lời: «con người đã đặt tên». Cận loại ấy lại liên hệ tới biệt loại (differentia specifica) mà Arixtốt đã định nghĩa như noûs, zoon noetikón (trí khôn, sinh vật có trí khôn). Nhưng không chỉ như thế, tiến trình ấy còn dẫn tới phác họa đầu tiên về con người như là một nhân vị có chủ thể tính riêng, là đặc trưng cho mình.

Chúng tôi tạm dừng phân tích ý nghĩa của sự cô đơn nguyên thủy của con người ở đây. Chúng ta sẽ tiếp tục trong các chương tiếp theo.
 
[1] Bản văn Do thái vẫn thường gọi con người đầu tiên là ha’adam, trong khi đó chữ «’ish» (đàn ông) chỉ được dùng khi có sự đối chiếu với «’ishshah» (đàn bà). Như thế, «con người» vốn cô đơn và điều ấy không liên hệ gì đến phái tính.

Trong một số ngôn ngữ châu âu, ý niệm của sách Sáng thế này rất khó diễn tả, bởi vì «con người» và «đàn ông» thường chỉ có một từ chung để gọi: homo, uomo, homme, hombre, man.

[2] «Một định nghĩa về yếu tính (quidditive) là một lời phát biểu giải thích yếu tính hay bản tính của sự vật.

Để xác định yếu tính một sự vật chúng ta có thể định nghĩa nó bằng cận loại (proximate genus) cùng với biệt loại (specific differentia) của nó.

Cận loại bao gồm trong nội hàm của nó mọi yếu tố cốt yếu của loài trên nó và như thế bao gồm mọi hữu thể về bản tính là cùng một gốc hay tương tự với vật đang được định nghĩa. Còn biệt loại bao gồm yếu tố khác biệt giúp phân biệt vật này với tất cả các vật khác cùng bản tính, bằng cách cho thấy nó khác với các vật khác như thế nào, những vật mà người ta có thể ngộ nhận là nó.

“Con người” được định nghĩa là một “con vật có lí trí”. “Con vật” là cận loại của “con người”, “có lí trí” là biệt loại của “con người”. Cận loại “con vật” bao gồm trong nội hàm của nó tất cả những yếu tố cốt yếu của loài trên nó, bởi vì con vật là một “thực thể vật chất, có sự sống, có cảm giác” (…). Biệt loại “có lí trí” là một yếu tố cốt yếu đặc biệt phân biệt “con người” với mọi “con vật” khác. Như thế, con người tạo thành một loài riêng và tách biệt tất cả các con vật khác và cũng tách biệt khỏi tất cả những loài trên con vật, gồm cỏ cây, những cơ thể và vật thể vô tri vô giác.

Hơn nữa, bởi vì biệt loại là yếu tố đặc biệt trong yếu tính của con người, do đó biệt loại gồm tất cả các “thuộc tính” đặc trưng nằm trong bản tính con người xét như là người, chẳng hạn như: khả năng nói, luân lí tính, biết cai quản, tôn giáo tính, sự bất tử v.v… là những thực tại không có mặt trong các hữu thể khác trong thế giới vật chất này» (C. N. Bittle, The Science of Correct Thinking, Logic, Milwaukee 197412, t. 73-74).
 
 

Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch