Trong hôn nhân, phải giải quyết đến kỳ cùng

Trong hôn nhân, phải giải quyết đến kỳ cùng

 

TRONG HÔN NHÂN, PHẢI GIẢI QUYẾT ĐẾN KỲ CÙNG
 
Tuần qua, con gái tôi bực mình với người chồng sắp cưới của nó. Nó không cho tôi biết những chi tiết mà chỉ nói rằng vị hôn phu của nó không muốn nói đến vấn đề này.

"Này con," tôi nói với con gái, "con phải giải quyết điều này. Nếu không giải quyết, thì hôn nhân của con không thể tiến xa được."

Tôi khuyến khích cô con gái phải tìm mọi cách để đối thoại với vị hôn phu của nó. Tôi giải thích "Mẹ không thể can dự đến những khác biệt của chúng con, nhưng mẹ sẵn sàng nghe nếu cần để con hả giận."

Vài ngày sau, nó cho biết chúng đã giải quyết xong. "Hầu như chỉ là sự hiểu lầm, thưa mẹ," cô con gái giải thích cho tôi biết.

Thấy cảnh ấy, tôi nhớ lại thời niên thiếu của tôi trong lúc hứa hôn cũng như trong đời sống hôn nhân. Nếu vợ chồng chúng tôi có học được điều gì trong gần 30 năm chung sống thì đó là giá trị của sự thành thật và đối thoại cách cởi mở.

Người ta thường tạo những bức tường để tự bảo vệ, nhưng sự bảo vệ đó có thể ngăn cách chúng ta. Sự đối thoại thành thật, trái lại, có nghĩa tín thác nhau với tất cả những bí ẩn, với tất cả tâm tình và tất cả hiểu biết mà không che giấu gì. Việc thố lộ tâm tình tới mức có thể bị khước từ đòi hỏi chúng ta tôn trọng những khả năng độc đáo của mỗi người.

Khi chúng tôi mới lấy nhau, và khi nhà tôi không chú ý đến tôi lắm, tôi chán nản đến nỗi không ngủ được. Tôi ngồi một mình ở phòng khách và suy nghĩ. Thường thường, nhà tôi thức giấc và thấy tôi không ngủ nên đi tìm tôi.

"Chuyện gì vậy?" nhà tôi hỏi. Tôi trả lời: "Không có gì," vì tôi không biết phải tỏ lộ tâm tình như thế nào, nhất là điều không hay. Không hiểu nhà tôi có thương yêu tôi đủ để lắng nghe những điều tôi lo lắng, thất vọng, than phiền? Liệu rằng nhà tôi có chấp nhận những điều đó không?

May mắn thay, nhà tôi không để mặc cho sự liên hệ của chúng tôi thành vô nghĩa. Thay vào đó, anh ấy giúp tôi bằng những câu hỏi từ tốn. Và kết quả là chúng tôi thảo luận về những điều thật sự trở ngại. Dần dà, chúng tôi học được cách tin tưởng nhau, chia sẻ cho nhau. Chúng tôi tránh đổ lỗi cho nhau, vì nó thường làm việc đối thoại khó khăn hơn. Thay vì nói rằng, "Anh đã làm điều này điều nọ..." tôi nói, "Em thấy buồn khi..."

Nói những chuyện trên trời dưới biển như chuyện thể thao, trời mưa hay nắng không giúp đôi vợ chồng giải quyết vấn đề tài chánh hay quyết định sinh hoạt giải trí cuối tuần. Những vấn đề ngoài sự kiểm soát, như tiền sửa chữa chiếc xe hay bệnh hoạn của cha mẹ già, có thể khiến hôn nhân căng thẳng. Nhưng sự thành thật, sự đối thoại chân thành có thể giúp đôi vợ chồng vượt qua những trở ngại. Thí dụ, khi cha tôi chết vì bệnh ung thư, tôi cám ơn nhà tôi đã cố gắng chuyện chợ búa dùm tôi. Nhưng tôi còn cần anh ấy hơn nữa, để âu yếm tôi. Nói lên những nhu cầu đó tạo một sự khác biệt lớn lao trong lúc tôi căng thẳng.

Thật vậy, việc đối thoại ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống vợ chồng. Một cú điện thoại từ người về nhà trễ có thể "giữ" cho bữa cơm tối được ngon miệng và không ai mất lòng. Ðôi khi, những hoạch định phải thay đổi và những hứa hẹn không thể thực hiện.

Giống như thế, không chỗ nào việc đối thoại tốt đẹp lại cần thiết cho bằng vấn đề tài chánh của gia đình. Thật vậy, các nhà chuyên môn nói rằng, vấn đề tài chánh thường là nguyên nhân của những đổ vỡ hôn nhân. Vợ chồng phải thảo luận một cách cởi mở về mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn sau khi nhận định cách thực tế nguồn tài chánh của họ. Họ có thể thấy rằng cần mất một thời gian thì những mơ ước mới trở thành hiện thực, và có khi không bao giờ thực hiện được. Và, dĩ nhiên, một người không thể cung cấp hết tất cả. Sự hiểu biết chỉ xẩy ra khi đối thoại cách thành thật. Và đối thoại không chỉ trao đổi những tin tức. Những tâm tình và những bất đồng phải được nói lên và được lắng nghe mà không phê phán.

Khi lấy nhau, tôi đã mơ ước đến một cuộc du lịch đặc biệt để kỷ niệm 25 năm thành hôn. Chúng tôi không bao giờ thực hiện được điều này vì cả gia đình phải vật lộn với tình trạng kinh tế khó khăn. Chúng tôi phải hy sinh để giúp đứa con gái lớn ra trường đại học.

Bởi thế khi đến ngày kỷ niệm, chúng tôi xin một Thánh Lễ mà trong đó chúng tôi đã lập lại lời thề hứa hôn nhân. Sau đó là phần tiệc trà với khoảng 50 khách. Một người bạn tặng chúng tôi cái bánh cưới. Nói cho cùng, đó là một buổi tối đáng nhớ mà chúng tôi luôn nhớ lại nhờ một người bạn đã quay phim video. Chúng tôi không có chuyến du lịch mong muốn, nhưng chúng tôi đã có ngày kỷ niệm 25 năm thành hôn tuyệt vời.

Dù rằng chúng tôi đã lấy nhau gần 30 năm và có thể đoán được phản ứng của người kia, nhưng vẫn còn những ngạc nhiên xẩy ra. Những bất ngờ này có thể đưa đến những kỷ niệm đặc biệt.

Thí dụ, tôi vẫn thường cười nhạo chồng tôi về việc để con gái mua đồ dùm cho ngày sinh nhật của tôi hay ngày lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, năm vừa qua, nhà tôi tự đi sắm đồ. Anh ấy khiến tôi kinh ngạc không những bởi chọn đúng kích thước của tôi mà còn chọn đúng món hàng tôi từng ưa thích nhưng không dám mua.

Khi chồng tôi bị giải phẫu vài năm trước đây, anh ấy không thể lái xe trong bốn tuần lễ. Tôi biết anh ấy khó chịu lắm. Bởi thế, sau khi mới lành bệnh và có thể ra khỏi nhà, tôi chở nhà tôi đi ăn kem. Lần khác tôi chở đến khúc sông mà chúng tôi thường đến để ngắm cảnh hoàng hôn.

Ngồi ở đó, chúng tôi nhắc lại những buổi ngắm cảnh lần trước và những giây phút êm đềm của quá khứ. Ðó là những lần đối thoại vô giá mà chúng tôi không thể có nếu chồng tôi không bị đau.

Ðối thoại không chỉ bằng lời nói. Nhiều khi hành động có giá trị hơn lời nói. Khi tôi không được khỏe, chồng tôi cố nài tôi ngồi xuống. Anh ấy đợi tôi. Và rồi trao cho tôi chén nước trà. Sự săn sóc của nhà tôi nói rằng, "Anh yêu em."

Khi chồng tôi có những lo lắng, khó khăn và tôi nấu cho anh ấy món ăn ưa thích hay có khi chỉ ngồi bên cạnh và mơn trớn nhẹ nhàng, anh ấy hiểu và cất lời "Cám ơn em."

Ngược lại, sự đối thoại vô ngôn cũng có thể nguy hiểm. Nếu nhà tôi cứ đọc báo trong khi tôi muốn nói chuyện thì tôi phải hiểu là anh ấy chẳng lý gì đến tôi. Nếu anh ấy nhờ tôi lấy cái này cái nọ và tôi ném xuống trước mặt thì cũng chẳng khác gì nói rằng, "Ðừng bao giờ nhờ tôi nữa!"

Khi hai người sống chung, không phải mỗi giây phút đều là yêu thương hay nồng ấm. Sự đối thoại giúp chúng ta liên kết và tái liên kết. Nó là cái cầu giữa chúng ta. Trong hôn nhân, những chữ xin lỗi và vui lòng tha thứ là những câu quan trọng và cần được sử dụng luôn. Khi việc đối thoại tăng tiến, sự tín thác và hiểu biết cũng gia tăng, và chúng ta hiểu biết nhau hơn. Tình yêu chín mùi.

Từ những giây phút ngại ngùng chia sẻ cho đến khi tin tưởng nói cho nhau nghe những thầm kín riêng tư trong hôn nhân chỉ có thể thực hiện qua việc đối thoại thành thật và cởi mở.
 
(nguoitinhuu)