Tòa Thánh thiết lập Thánh Bộ về Giáo dân, Gia đình và Sự sống, bắt đầu hoạt động từ 01/9/2016

Tòa Thánh thiết lập Thánh Bộ về Giáo dân, Gia đình và Sự sống, bắt đầu hoạt động từ 01/9/2016

Theo đề nghị của Hội đồng Hồng y, hôm 04/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn quy chế thử nghiệm (ad experimentum) thiết lập Thánh bộ mới về Giáo dân, Gia đình và Sự sống, là sự hợp nhất của Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình bắt đầu hoạt động kể từ ngày 01/9/2016. Khi đó, cả hai cơ quan cũ sẽ chấm dứt mọi chức năng của mình và sẽ ngừng hoạt động, theo đó điều 131-134 và 139-141 của Tông Huấn Pastor Bonus (Mục tử Nhân lành) ngày 28/6/1988 sẽ bị bãi bỏ.

Quy chế mới thiết lập Thánh Bộ có thẩm quyền trong các lĩnh vực gắn liền với Tòa Thánh về thăng tiến sự sống, tông đồ giáo dân, về chăm sóc mục vụ gia đình và sứ vụ của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa, để bảo vệ và nâng đỡ sự sống con người. Thánh Bộ mới sẽ do một vị Tổng trưởng lãnh đạo, với sự hỗ trợ của một vị Tổng thư ký, vị này có thể là giáo dân, và ba vị phó tổng thư ký, sẽ bao gồm một số viên chức thích hợp, cả giáo sĩ và giáo dân, được lựa chọn từ các khu vực khác nhau của thế giới, phù hợp với luật hiện hành của Giáo Triều Rôma. Thánh Bộ sẽ được chia thành ba phân bộ: về giáo dân, về gia đình, và về sự sống, mỗi phân bộ do một vị phó tổng thư ký điều hành

Phân bộ về giáo dân sẽ thúc đẩy và khuyến khích việc thăng tiến ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và trên thế giới, là các cá nhân, đã lập gia đình hoặc chưa lập gia đình, hoặc là thành viên của các hiệp hội, các phong trào và cộng đoàn. Phân bộ cũng sẽ thúc đẩy các nghiên cứu nhằm góp phần vào việc thẩm tra tín lý về các chủ đề và các vấn đề liên quan đến tín hữu giáo dân. Phân bộ sẽ khích lệ sự hiện diện tích cực và có trách nhiệm của giáo dân trong các cơ quan tư vấn về quản trị trong Giáo Hội trên bình diện phổ quát và cụ thể; phân bộ sẽ đánh giá các sáng kiến ​​của các Hội đồng Giám mục gởi yêu cầu lên Tòa Thánh, phù hợp với các nhu cầu của Giáo Hội địa phương, để lập nên các thừa tác vụ và các văn phòng giáo hội mới, và sẽ xây dựng sự quy tụ tín hữu và các phong trào giáo dân mang tính cách quốc tế, phê chuẩn hoặc công nhận các quy chế không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Quốc Vụ Khanh.

Phân bộ gia đình, trong ánh sáng giáo huấn của Đức Giáo hoàng, sẽ thăng tiến mục vụ gia đình, bảo vệ phẩm giá của gia đình, dựa trên Bí tích hôn nhân, sẽ thúc đẩy các quyền và trách nhiệm của gia đình trong Giáo Hội và trong xã hội dân sự, do đó định chế gia đình có thể ngày càng có khả năng thực hiện chức năng của mình trong cả bối cảnh Giáo Hội và xã hội. Phân bộ sẽ theo dõi các hoạt động của các cơ quan, hiệp hội, phong trào và các tổ chức Công Giáo, cả trên bình diện quốc gia và quốc tế, nhằm mục đích phục vụ thiện ích của gia đình. Phân bộ sẽ đưa ra các hướng dẫn cho các khóa học chuẩn bị cho các cặp vợ chồng kết hôn và cho các chương trình mục vụ để hỗ trợ các gia đình trong việc giáo dục giới trẻ trong đức tin, trong đời sống giáo hội và dân sự, trong đó đặc biệt chú ý đến những người nghèo và người thiệt thòi. Phân bộ sẽ khuyến khích sự cởi mở của các gia đình để nhận con nuôi và nuôi nấng con cái, chăm sóc người già, với sự hiện diện trong các tổ chức dân sự trong việc hỗ trợ các hoạt động này.

Phân bộ về sự sống sẽ hỗ trợ và phối hợp hoạt động nhằm khuyến khích sinh sản có trách nhiệm và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi qua đời theo cách tự nhiên, chú ý đến các nhu cầu của con người trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Phân bộ sẽ thúc đẩy và khuyến khích các tổ chức, hiệp hội giúp đỡ phụ nữ và gia đình chào đón và bảo vệ quà tặng của sự sống, nhất là trong các trường hợp mang thai khó, ngăn chặn việc nhờ đến phá thai. Phân bộ cũng sẽ hỗ trợ các chương trình và sáng kiến ​​nhằm giúp những phụ nữ đã chấm dứt thời kỳ mang thai. Trên cơ sở giáo lý về luân lý Công giáo và giáo huấn của Giáo Hội, phân bộ sẽ nghiên cứu và thúc đẩy việc hình thành nên những vấn đề chính của y sinh học và luật lệ liên quan đến sự sống con người và ý thức hệ phát triển liên quan đến sự sống con người và căn tính về giới tính.

Tạ Ân Phúc