TỌA ĐÀM VỚI ĐỨC KITÔ VỀ NỀN TẢNG CỦA GIA ĐÌNH (bài 1) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

TỌA ĐÀM VỚI ĐỨC KITÔ VỀ NỀN TẢNG CỦA GIA ĐÌNH (bài 1) - Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

 

 

I.
TỌA ĐÀM VỚI ĐỨC KITÔ
VỀ NỀN TẢNG CỦA GIA ĐÌNH

1. Các công việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng các Giám mục sắp diễn ra tại Roma mùa thu năm tới đã bắt đầu tiến hành bấy lâu nay. Chủ đề của Thượng hội đồng lần này là: “De muneribus familiae christianae” (Những bổn phận của gia đình kitô giáo), chú tâm vào cộng đoàn đời sống nhân bản và kitô này, vốn là nền tảng từ “thuở ban đầu” (da principio)[1]. Đây chính là thành ngữ mà Chúa Giêsu đã dùng trong cuộc tọa đàm về hôn nhân, được tường thuật trong Phúc âm thánh Matthêu và phúc âm thánh Marcô. Chúng tôi tự hỏi hạn từ “thuở ban đầu” này có nghĩa là gì. Hơn nữa chúng tôi muốn làm sáng tỏ tại sao Đức Kitô viện tới cái “ban đầu” ngay trong bối cảnh đó và, bởi đó, chúng tôi cố gắng phân tích cụ thể hơn bản văn kinh thánh liên hệ.

2. Trong khi nói chuyện với những người Pharisêu, họ đặt vấn đề với Người về hôn nhân bất khả phân ly, Đức Giêsu Kitô đã nhắc tới hai lần “thuở ban đầu”. Buổi nói chuyện ấy diễn ra như thế này: «…Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?”. Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘ thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”» (Mt 19, 3tt; xt. Mc 10, 2tt). Đức Kitô không chấp nhận tranh luận ở bình diện mà những người đối thoại với Người cố dẫn vào, theo một nghĩa nào đó Người không thuận tình với chiều kích mà họ đã cố đặt ra cho vấn đề. Người tránh không để vướng mắc vào. Khi làm thế, Người minh nhiên viện đến lời của sách Sáng thế có liên hệ, là những lời mà cả những người đang đối thoại với Người thuộc nằm lòng. Từ những lời mạc khải rất cổ xưa ấy, Đức Kitô rút ra kết luận và buổi nói chuyện khép lại.

3. Do đó, “thuở ban đầu” mang ý nghĩa mà sách Sáng thế nói đến. Đức Kitô trích dẫn St 1, 27 dưới hình thức ngắn gọn: «Thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên họ có nam có nữ». Đang khi đó đoạn văn gốc đầy đủ nói từng chữ như sau: «Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ». Sau đó, Thầy chúng ta nhắc đến St 2, 24: «Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt». Khi trích dẫn gần như đầy đủ những lời này, Đức Kitô đã cho chúng một ý nghĩa có tính chuẩn mực rõ ràng hơn (bằng chứng là sách Sáng thế cũng khẳng định những điều y như vậy: “lìa bỏ… kết hợp…, thành một xương một thịt”). Ý nghĩa chuẩn mực đó là hợp lý vì Đức Kitô không chỉ tự giới hạn trong việc trích dẫn mà thôi nhưng Người còn thêm: «Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly». Câu nói «loài người không được phân ly» có tính quyết định. Dưới ánh sáng những lời ấy của Đức Kitô, St 2, 24 đưa ra nguyên tắc về tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân như chính nội dung của Lời Chúa, được diễn tả trong mạc khải cổ xưa nhất.

4. Tới đây người ta có thể cho rằng vấn đề đã chấm dứt, và những lời của Đức Giêsu Kitô xác nhận luật vĩnh cửu đã được Thiên Chúa hình thành và thiết lập từ “thuở ban đầu” khi tạo dựng con người. Cũng có thể rằng khi xác nhận luật nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, người Thầy của chúng ta không làm gì khác ngoài việc chỉ xác lập ý nghĩa chuẩn mực của riêng mình, viện tới chính thẩm quyền của nhà Lập pháp đệ nhất. Tuy nhiên, thành ngữ rất ý nghĩa “từ thuở ban đầu” ấy, được lặp lại hai lần, rõ ràng muốn mời gọi những người đối thoại suy nghĩ về cách thức mà con người đã được dựng nên trong mầu nhiệm sáng tạo, cụ thể như là “nam và nữ”, để hiểu cách chính xác ý nghĩa chuẩn mực của lời sách Sáng thế. Điều ấy cũng không kém hợp lý cho con người ngày nay hơn con người ngày xưa. Do đó, trong bài nghiên cứu này, khi xem xét tất cả những điều ấy, chúng ta phải đặt mình trong vị trí của những người đối thoại với Đức Kitô ngày hôm nay.

5. Trong những buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hàng tuần kế tiếp, như những con người hôm nay đối thoại với Đức Kitô, chúng ta sẽ thử dừng lại lâu hơn với những lời của thánh Matthêu (19, 3tt). Để trả lời cho chỉ dẫn mà Đức Kitô gói ghém trong những lời ấy, chúng ta sẽ cố đi sâu vào ý nghĩa của từ ngữ “thuở ban đầu” ấy, từ ngữ mà Người đã nhắc đến một cách rất ý nghĩa. Và như thế chúng ta sẽ theo dõi từ xa công việc lớn lao mà những người tham dự Thượng hội đồng các Giám mục sắp tới sẽ đảm đương, trên chủ đề này ngay từ bây giờ. Cùng với các ngài, rất nhiều nhóm gồm các mục tử và giáo dân cảm thấy mình có trách nhiệm đặc biệt về những nhiệm vụ mà Đức Kitô đặt ra cho hôn nhân và gia đình kitô giáo: những nhiệm vụ mà Người đã luôn đặt ra và hiện vẫn còn đặt ra trong thời đại chúng ta, trong thế giới ngày nay. Chuỗi những bài suy tư chúng ta đang bắt đầu hôm nay, với ý hướng tiếp tục trong những buổi gặp gỡ thứ tư kế tiếp, cũng có một mục đích đồng hành, có thể nói là từ xa, với các công việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng, nhưng không đề cập trực tiếp tới chủ đề của Thượng hội đồng mà hướng chú ý đến những cội nguồn sâu thẳm từ đó tuôn trào ra chủ đề này.

Ngày 05-09-1979
 
Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch


[1] Từ principio (khởi thủy), theo nghĩa đơn giản và trực tiếp, liên hệ đến nội dung của đoạn St 1,1 – 4,1. Đoạn sách thánh này là đối tượng của một phân tích suốt phần thứ nhất của quyển sách này. Theo nghĩa đầy đủ và sâu xa, người ta phải nói rằng principio là tình trạng nguyên thủy hiểu như là tiền sử thần học (preistoria teologica) của mỗi con người lịch sử. Nội dung thần học, cốt yếu của tình trạng nguyên thủy được phân tích và xếp đặt nhằm hướng tới soạn thảo một thần học về thân xác trong tình trạng nguyên thủy. Thật vậy, phần thứ nhất của luận văn nằm trong tác phẩm hiện tại dừng lại nơi ngưỡng cửa của tình trạng lịch sử của hiện sinh của con người, với sự dẫn nhập vào đề tài sinh sản trong viễn tượng của đau khổ và sự chết.
Một lưu ý quan trọng: đối với đức Gioan Phaolô II principio có một tác động nhất định để đào sâu một nhân học thích ứng (antropologia adeguata) và một thần học về thân xác nói riêng.