TÌNH YÊU PHU THÊ VÀ GIAO ƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG CÁC TIÊN TRI- Thần học Thân xác của đức Gioan Phaolô II

TÌNH YÊU PHU THÊ VÀ GIAO ƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG CÁC TIÊN TRI- Thần học Thân xác của đức Gioan Phaolô II

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCV

 

TÌNH YÊU PHU THÊ VÀ GIAO ƯỚC TRONG TRUYỀN THỐNG CÁC TIÊN TRI

 

1. Qua việc so sánh tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh với tương quan phu thê của các đôi vợ chồng, Thư gửi Tín hữu Êphêsô đã tham khảo truyền thống các Tiên tri của Cựu ước. Để minh họa cho điều đó, chúng tôi trích dẫn bản văn sau đây của Isaia: «Đừng sợ chi : ngươi sẽ không phải xấu hổ; chớ e thẹn : ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân, và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa. Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng Cứu Chuộc ngươi, phán như vậy. Ta cũng sẽ làm như thời Noê : lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy» (Is 54,4-10).

2. Bản văn của Isaia trường hợp ở đây không có trách mắng Israel như một hôn thê bất trung, như ở trong các bản văn khác vốn vọng lại rất nhiều, đặc biệt là Hôsê hay Êzêkiel. Nhờ thế, nội dung cốt yếu của loại suy Thánh kinh trở nên trong suốt hơn: tình yêu của Thiên Chúa – là Đức Chúa đối với Israel – dân được chọn được diễn tả như tình yêu của người đàn ông – hôn phu đối với người đàn bà được chọn làm vợ anh qua khế ước hôn nhân. Bằng cách đó, Isaia giải thích các biến cố làm nên dòng lịch sử của Israel, đồng thời leo lên tận mầu nhiệm được giữ kín như ngay chính tâm lòng Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, tác giả dẫn dắt chúng ta theo cùng một hướng của tác giả Thư Êphêsô, nhiều thế kỉ sau, đặt trên cơ sở ơn cứu chuộc đã được hoàn tất bởi Đức Kitô, tác giả Thư này sẽ mạc khải trọn vẹn hơn nhiều chính mầu nhiệm sâu thẳm.

3. Bản văn của vị Tiên tri này thể hiện hoàn toàn màu sắc của truyền thống và của não trạng con người Cựu ước. Vị Tiên tri, trong khi nói nhân danh Thiên Chúa và như nói bằng lời lẽ của Ngài, hướng về Israel ngỏ lời như vị hôn phu ngỏ với hôn thê do Ngài tuyển chọn. Những lời lẽ này ứ tràn và cháy bỏng tình thương yêu thật sự và đồng thời phản chiếu toàn thể đặc trưng của hoàn cảnh lịch sử cũng như não trạng đặc thù của thời đại ấy. Những lời đó nhấn mạnh điều này, rằng sự chọn lựa từ phía người đàn ông làm cho người phụ nữ hết nỗi hổ thẹn, mà theo suy nghĩ của xã hội khi đó xem ra sự hỗ thẹn này gắn liền với tình trạng không có chồng: do còn độc thân đồng trinh, hoặc do góa bụa, hoặc do người vợ không đẹp lòng chồng bị chồng rẫy (x. Đnl 24,1) hay có thể vì người vợ bất trung. Tuy nhiên, bản văn trích dẫn không đề cập đến sự bất trung; nhưng nêu ra lí do vì «lòng mến yêu khoan dung» [1], nói như thế muốn ám chỉ không những bản tính xã hội của hôn nhân trong Cựu Ước, mà còn muốn nói chính tính chất ơn ban là tình thương của Thiên Chúa đối với Israel : ơn huệ ban tặng hoàn toàn do sáng kiến của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là ám chỉ đến chiều kích ân sủng mà từ nguyên thủy đã sẵn có trong tình yêu ấy. Đây có lẽ là «lời tỏ tình yêu» mạnh mẽ nhất từ phía Thiên Chúa, gắn liền với lời thệ ước long trọng trung thành mãi mãi.

4. Hình ảnh loại suy tình yêu kết hợp các đôi vợ chồng trong đoạn văn này được làm nổi bật mạnh mẽ. Isaia nói «... Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất» (Is 54,5). Như thế, trong bản văn này chính Thiên Chúa, trong sự uy nghi của một Đấng Tác Thành và là Chúa của tạo thành, được gọi minh nhiên như là «hôn phu» (đấng sánh duyên cầm sắt) của dân được tuyển chọn. Vị «hôn phu» này nói về «tình yêu» vĩ đại của Người, một tình nghĩa sẽ không bao giờ «thay đổi» đối với Israel-hôn thê, nhưng sẽ là nền tảng vững chắc cho «giao ước hòa bình» với Người.  Như thế, cái lí do cho tình yêu phu thê này và cho cuộc hôn phối này được kết hợp với nền tảng giao ước. Hơn nữa, «Đức Chúa các đạo binh» tự gọi mình không những là «Đấng Tác Thành», nhưng còn là «Đấng Cứu Chuộc». Bản văn mang một nội dung thần học hết sức là phong phú.

5. Trong khi đối chiếu bản văn của Isaia với Thư gửi Tín hữu Êphêsô và nhận thấy tính liên tục về hình ảnh loại suy của tình yêu phu thê và hôn nhân, chúng ta phải lưu ý ngay sự khác biệt trong nhãn giới thần học. Tác giả Thư Êphêsô trong chương thứ nhất đã nói đến mầu nhiệm của Tình yêu và sự Tuyển chọn, trong đó «Thiên Chúa, Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta» ôm ấp con người trong Người Con của Người, đặc biệt nói đến như một mầu nhiệm «được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa». Đó là mầu nhiệm Tình yêu của một Thiên Chúa là Cha tuyển chọn từ trước muôn đời để ta được nên thánh («để trước thánh nhan Người ta trở nên tinh tuyền thánh thiện»: Ep 1,4) và nên con của Người trong Đức Kitô («đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô»: 1,5). Trong bối cảnh đó, loại suy về hôn nhân nơi Isaia («Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh»: Is 54,5) xem ra như là một toát lược làm nên thành phần của viễn tượng thần học. Chiều kích đầu tiên của tình yêu và chọn lựa, như mầu nhiệm được giữ kín nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, là một chiều kích của tương quan phụ tử chứ không phải «phu thê». Theo Thư gửi Tín hữu Êphêsô, đặc tính đầu tiên của mầu nhiệm ấy vẫn luôn nối kết với chính phụ tính của Thiên Chúa (tính chất Thiên Chúa là người Cha – ND.), được các Tiên tri đặc biệt làm nổi bật (x. Hs 11,1-4; Is 63,8-9; 64,7; Ml 1,6).

6. Hình ảnh loại suy về tình yêu phu thê và hôn nhân chỉ xuất hiện khi «Đấng Tác Thành» và là «Đức Thánh của Israel» của bản văn Isaia tự tỏ lộ như là «Đấng Cứu Chuộc». Isaia nói: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel (Is 54,5). Trong bản văn này chúng ta đã có thể, theo một nghĩa nào đó, đọc song song giữa «Đấng Hôn phu» và «Đấng Cứu Chuộc». Chuyển sang Thư gửi Tín hữu Êphêsô, chúng ta phải thấy rằng tư tưởng này đã được phát triển rất đầy đủ ở đây. Dung mạo của Đấng Cứu Chuộc [2] đã được phác họa từ trong chương I như là của riêng Đấng là «Thánh Tử yêu dấu» đệ nhất của Chúa Cha (Ep 1,6), Con yêu dấu tự muôn đời; của Đấng mà trong Người tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa Cha yêu thương «từ muôn thuở». Người là Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha «trong Người nhờ máu Người đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người» (Ep 1,7). Cũng chính Chúa Con, với tư cách như Đấng Kitô (hay Messia), «đã yêu mến Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh» (Ep 5,25).

Lối nói tuyệt vời này của Thư Êphêsô tóm lược lại và đồng thời làm sáng tỏ hơn những yếu tố của Bài Ca về Người Tôi Trung của Yahweh và Bài Ca của Sion (x. vd. Is 42,1; 53,8-12; 54,8).

Như thế, hiến mình vì Hội Thánh đồng nghĩa với hoàn tất công trình cứu chuộc. Bằng cách đó, «Đấng tác thành, là Đức Chúa các đạo binh» của bản văn Isaia trở thành «Đức Thánh của Israel», của «Israel mới», cũng là Đấng Cứu Chuộc. Trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô viễn tượng thần học của bản văn tiên tri vẫn được bảo tồn và hơn nữa, còn được đi sâu hơn và có sự biến đổi. Có những yếu tố mới xuất hiện, như là chiều kích ba ngôi và kitô luận [3] và cuối cùng là cánh chung luận.

7. Như vậy, thánh Phaolô khi viết thư cho dân Chúa, dân Giao ươc mới, và chính xác là cho Hội Thánh tại Êphêsô, không còn lặp lại: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi» nữa, mà sẽ minh thị cách thức «Đấng Cứu Chuộc», là Trưởng Tử và là Con «yêu dấu của Chúa Cha» tự muôn đời, tỏ lộ tình yêu cứu độ của Người, vốn hệ tại ở sự hiến thân mình cho Hội Thánh, như là tình yêu phu thê trong đó Người kết hợp với Hội Thánh và biến Hội Thánh thành Thân Mình Người. Như thế đó, hình ảnh loại suy của các bản văn tiên tri Cựu ước (ở đây là của Sách Tiên tri Isaia) vẫn được lưu giữ trong Thư Êphêsô nhưng đồng thời rõ ràng có một sự thay đổi. Ứng với loại suy ấy và nhờ đó mà mầu nhiệm được diễn tả và giải thích theo một nghĩa nào đó. Trong bản văn Thư Êphêsô mầu nhiệm này chỉ vừa mới được phác họa, như thể «hé lộ» một chút; ngược lại, trong Thư Êphêsô mầu nhiệm được vén tỏ ra trọn vẹn (theo nghĩa là mầu nhiệm vẫn luôn là mầu nhiệm). Trong Thư Êphêsô có sự phân biệt rõ ràng chiều kích vĩnh cửu của mầu nhiệm xét như nó được giữ kín nơi Thiên Chúa (là «Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta») với chiều kích lịch sử nơi mầu nhiệm được thực hiện theo chiều kích Kitô học và Giáo hội học. Loại suy hôn nhân liên hệ trước hết theo chiều kích thứ hai này. Trong các sách Tiên tri (Isaia) loại suy hôn nhân cũng trực tiếp liên hệ đến một chiều kích lịch sử: nó được kết nối với lịch sử của dân được tuyển chọn của Cựu Ước, nghĩa là với lịch sử của dân Israel. Còn chiều kích Kitô học và Giáo hội học trong hiện thực lịch sử Cựu Ước chỉ hiện diện như tiềm thể, nghĩa là chỉ được loan báo cách tiên trưng.

Tuy nhiên, dù sao cũng rõ ràng là bản văn Isaia đã giúp ta hiểu rõ hơn Thư gửi Tín hữu Êphêsô và loại suy tuyệt diệu về Tình yêu phu thê của Đức Kitô và Hội Thánh.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch

--------------------------------------------

[1] Trong bản Hipri chúng ta thấy có những từ ngữ hesed-rahamim xuất hiện đồng thời nhiều lần.

[2] Mặc dù trong các bản văn thánh kinh cổ xưa hơn «Đấng Cứu Chuộc» (Hr. gō’ēl) có nghĩa là một nhân vật bởi quan hệ máu mủ buộc phải trả thù cho người bà con thân thích mình bị giết chết («Người đòi nợ máu») (x. vd. Ds 35,19), hoặc là phải giúp đỡ người thân tộc bất hạnh («Người bảo tồn dòng dõi») (x. vd. R 4,6), đặc biệt, hoặc là chuộc người ấy từ «phận nô lệ» về (x. vd. Lv 25,48), nhưng dần dần theo thời gian danh từ này được áp dụng một cách loại suy cho Đức Chúa Yahweh, «Ngài đã đưa Israel ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay của Pharaon, vua Ai cập» (Đnl 7,8). Cách riêng, trong Isaia đệ nhị  trọng tâm dịch chuyển từ hành động cứu chuộc sang con người Đấng Cứu Chuộc, đã đích thân giải cứu Israel hầu như chỉ nhờ chính sự hiện diện của Người mà thôi mà «không đòi quà cáp hay tiền chuộc» (Is 45,13). Bởi thế, chuyển tiếp từ «Đấng Cứu Chuộc» của tiên tri Isaia 54 sang Thư gửi Tín hữu Êphêsô có cùng lí do để áp dụng trong thư nói trên các bản văn Bài Ca về Người Tôi Trung của Yahweh (x. Is 53,10-12; Ep 5,23.25-26).

[3] Thay cho quan hệ «Thiên Chúa–Israel» thánh Phaolô đưa vào quan hệ «Đức Kitô–Hội Thánh», ngài áp dụng vào Đức Kitô tất cả những gì Cựu Ước nói về Yahweh (hay Adonai – Kýrios). Đức Kitô là Thiên Chúa, nhưng thánh Phaolô cũng áp dụng cho Người những gì Sách Thánh nói về Người Tôi trung của Yahweh trong bốn Thánh thi về Người Tôi Trung (Is 42; 49; 50; 52-53), những Thánh thi này được diễn dịch trong thời kì chuyển tiếp giữa hai Giao ước cũ và mới theo nghĩa gắn với Đấng Cứu Thế (Messia). «Đầu» và «Thân Mình»  không có nguồn gốc từ Kinh Thánh nhưng có lẽ từ môi trường văn hóa Hi lạp bấy giờ (có thể chịu ảnh hưởng bởi phái Khắc Kỉ chăng?). Trong Thư gửi Tín hữu Êphêsô chủ đề này được sử dụng trong bối cảnh về hôn nhân (trong khi trong Thư Thứ Nhất gửi Tín hữu Côrintô chủ đề «Thân Mình» được dùng để phô diễn trật tự trong xã hội). Từ quan điểm của Kinh Thánh việc đưa vào lí do này là hoàn toàn mới mẻ.