TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TẠO NÊN SỰ HỢP NHẤT VỢ CHỒNG TRÊN BÌNH DIỆN LUÂN LÍ
Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:
XCII
TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TẠO NÊN SỰ HỢP NHẤT VỢ CHỒNG TRÊN BÌNH DIỆN LUÂN LÍ
1. Khi chỉ ra tính loại suy giữa mối liên kết hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh và tương quan giữa chồng với vợ trong hôn nhân, tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô viết như sau: «Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh ; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền» (Ep 5,25-27).
2. Điều có ý nghĩa là bản văn giới thiệu hình ảnh của Hội Thánh lộng lẫy như một Cô dâu rất đẹp về vẻ xác thể bên ngoài. Hẳn đây là một ẩn dụ; thế nhưng nó rất hiệu quả trong lí luận, và minh chứng việc yếu tố thân xác được khắc ghi trong loại suy tình yêu phu thê sâu tới mức nào. Hội Thánh «xinh đẹp lộng lẫy» là Hội Thánh «không tỳ ố, không vết nhăn». Vết «tỳ ố» có thể hiểu như là một nét xấu xí, «vết nhăn» hiểu như là một dấu hiệu của già nua tuổi tác, lão suy. Theo nghĩa ẩn dụ, cả hai diễn ngữ này đều chỉ những khuyết điểm luân lí, tội lỗi. Có thể nói thêm, nơi thánh Phaolô, «con người cũ» có nghĩa là con người tội lỗi (x. Rm 6,6). Do đó, với tình yêu phu thê cứu độ của mình Đức Kitô biến Hội Thánh, không những không còn tội lỗi, mà còn vẫn «trẻ mãi muôn đời».
3. Lãnh vực ẩn dụ như ta thấy thì rất rộng. Những diễn ngữ tham chiếu trực tiếp đến thân xác con người như để biểu lộ đặc trưng của tương quan giữa hôn phu và hôn thê, giữa chồng và vợ, cũng đồng thời chỉ cho thấy những thuộc tính và phẩm chất thuộc bình diện luân lí, tâm linh và siêu nhiên. Đó là điểm cốt yếu của hình thức loại suy này. Bởi thế, tác giả bức thư có thể định nghĩa tình trạng «xinh đẹp lộng lẫy» của Hội Thánh bằng cách liên hệ với tình trạng thân xác của một vị hôn thê, không một nét xấu xí và già nua («hoặc bất cứ một khuyết điểm nào»), nói cho đơn giản, đó là tình trạng thánh thiện và không tội lỗi: Hội Thánh «thánh thiện và tinh tuyền» là thế. Do đó, vấn đề rõ ràng chính là xác định vẻ đẹp nào đây của vị Hôn thê, hiểu Hội Thánh là Thân Mình của Đức Kitô theo nghĩa nào, Thân Mình – Hôn Thê ấy đón nhận tặng phẩm của Hôn Phu Đấng «yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh» theo nghĩa nào. Thế nhưng rất ý nghĩa khi thánh Phaolô giải thích toàn thể thực tại vốn cốt yếu có tính chất thiêng liêng và siêu nhiên thông qua so sánh loại suy của thân xác và của tình yêu, nhờ đó các đôi vợ chồng nên «một xương một thịt».
4. Nguyên tắc hai chủ thể : Đức Kitô-Hội Thánh, Hôn Phu-Hôn Thê (chồng-vợ) được bảo toàn rõ ràng trong toàn thể bản văn. Tác giả trình bày tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh – là tình yêu biến Hội Thánh thành Thân Mình của Đức Kitô và Đức Kitô là Đầu – như là mẫu mực tình yêu của các cặp vợ chồng và như là mẫu của lễ hôn phối tác hợp nên vợ nên chồng. Tình yêu đòi hỏi vị hôn phu hay người làm chồng phải quan tâm mau mắn biết chăm lo đến nhu cầu của hôn thê hay người vợ mình, nó thúc đẩy người ấy khao khát sở hữu sắc đẹp của nàng và chăm sóc nàng. Vấn đề ở đây cũng là vẻ đẹp hữu hình, tức là sắc đẹp. Hôn phu âu yếm nhìn ngắm chăm chú người bạn trăm năm và như thao thức muốn nhận ra mọi nét đoan trang, duyên sắc mới mẻ nơi nàng và mọi sự ước muốn cho nàng. Điều tốt đẹp tạo ra bởi người đang yêu cho người mình yêu như là một bằng chứng kiểm nghiệm của tình yêu và mức độ sâu sắc của tình yêu người ấy. Trong khi trao hiến chính mình cách vô cầu, người đang yêu không thể hiện tình yêu mình ở ngoài tầm mức và sự minh chứng này.
5. Khi tác giả Thư Êphêsô – trong những câu tiếp theo của bản văn (ch. 5, 28-29) – chỉ hướng đến chính đôi vợ chồng, loại suy của tương quan của Đức Kitô với Hội Thánh còn vang sâu hơn nữa và khiến tác giả phải biểu lộ như sau : «Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình» (Ep 5,28). Bởi thế, ở đây ta gặp lại lí do của diễn ngữ «một xương một thịt», mà trong câu trên và những câu tiếp theo được nhắc lại và hơn nữa, còn được làm sáng tỏ hơn. Nếu những người chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân xác mình, thì điều đó có nghĩa là: tính chất “là một” (một xương một thịt hay một chủ thể) kia được đặt trên nền tảng “là hai” chủ vị và nó không có thực tính mà chỉ thuộc ý hướng tính. Thân xác người vợ thực ra không là thân xác của người chồng, nhưng phải được người chồng yêu thương như chính thân xác của mình. Vậy nên, vấn đề ở đây là sự hợp nhất của đôi vợ chồng, không theo nghĩa bản thể, mà theo nghĩa luân lí. Hiệp nhất vì yêu thương.
6. «Yêu vợ là yêu chính mình» (Ep 5,28). Câu này còn xác nhận hơn nữa tính chất sự hợp nhất ấy giữa chồng với vợ. Theo nghĩa nào đó, tình yêu làm cho cái «tự ngã» (hay cái «tôi») của tha nhân thành cái «tự ngã» của chính mình. Cái «tôi» của người vợ, có thể nói là, nhờ tình yêu đã trở thành cái «tôi» của người chồng. Thân xác biểu lộ ra cái «tôi» ấy và là nền tảng cho căn tính hay nhân dạng của cái «tôi». Sự hợp nhất vợ-chồng trong tình yêu thương còn được diễn tả qua thân xác. Điều ấy được diễn tả trong mối quan hệ tương hỗ giữa cả hai người, cho dẫu tác giả Thư Êphêsô nói trước hết về phía người làm chồng. Đó là do hệ quả từ cấu trúc toàn thể của hình ảnh. Dẫu vợ chồng phải «tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô» (điều này đã được lưu ý trong câu đầu tiên của bản văn trích dẫn Ep 5,22-33), nhưng tiếp theo đó người làm chồng trước hết chủ động là người yêu thương và đối lại, vợ là người được yêu thương. Và người ta thậm chí cũng có thể dám nghĩ rằng sự «tùng phục» của vợ đối với chồng ở đây (đặt trong văn mạch toàn thể của đoạn Ep 5,22-23) mang ý nghĩa trước hết là để cho mình được «hưởng nếm tình yêu». Sự «phục tùng» này liên hệ đến hình ảnh Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, và còn muốn diễn tả hơn thế, rằng Hội Thánh được hưởng nếm tình yêu hiến thân của Người. Hội Thánh, là Tân nương được Đức Kitô Tân Lang yêu thương cứu chuộc, đã trở nên Thân xác của Người. Người vợ, là hiền thê được đức Lang quân yêu thương phối giao, đã trở nên «một xương một thịt» với chàng, như thế theo nghĩa nào đó trở nên chính thân xác của chàng. Tác giả sẽ còn lặp lại ý tưởng này một lần nữa trong câu cuối cùng của đoạn văn phân tích: «Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình» (Ep 5,33).
7. Đây là sự hợp nhất vợ chồng về luân lí, vốn được xây dựng nhờ tình yêu. Tình yêu không chỉ kết hợp làm một hai chủ thể, nhưng còn đưa họ thâm nhập sâu xa vào bản thân của nhau, đồng thời khiến họ thuộc về nhau cả ở chiều kích tâm linh đến độ tác giả Thư có thể nói rằng: «Ai yêu vợ là yêu chính mình» (Ep 5,28). «Tôi» theo nghĩa nào đó (về luân lí) trở thành là «Em», và «Em» là «Tôi». Và như thế bản văn mà chúng ta phân tích tiếp nối với lời này: «Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người» (Ep 5,29-30). Câu văn này, ban đầu còn ám chỉ đến các tương quan vợ chồng, sau đó minh nhiên quay về với tương quan Đức Kitô – Hội Thánh, và như thế, nhờ ánh sáng của mối tương quan này, chúng ta có thể xác định ý nghĩa của toàn thể đoạn văn. Sau khi giải thích đặc tính của mối tương quan của người chồng với vợ của mình khi họ thành «một xương một thịt», tác giả còn muốn tái khẳng định mạnh mẽ câu nói trước của mình («Ai yêu vợ là yêu chính mình») và, theo nghĩa nào đó, bảo vệ lời đó bằng cách chối bỏ và loại trừ trường hợp đối nghịch («Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ»: Ep 5,29). Khi kết hợp với nhau bởi tình yêu, thân xác «của người khác» kia trở thành thân xác «của mình» theo nghĩa ta quan tâm chăm sóc đến thiện ích của thân xác người kia như của mình vậy. Những lời trên đây, vốn diễn tả một tình yêu «xác thịt» kết hợp vợ chồng, diễn tả một nội dung tổng quát hơn và, đồng thời cũng rất là cốt yếu. Xem ra những lời ấy nói về tình yêu này trước hết bằng ngôn ngữ của «agape» (tình yêu dâng hiến).
8. Diễn ngữ thứ hai, theo đó người đàn ông «nuôi nấng và chăm sóc» thân xác của mình – tức là người chồng «nuôi nấng và chăm sóc» thân xác của người vợ như của mình – xem ra muốn ám chỉ nhiều đến sự chăm sóc như của mẹ cha, tức mối quan hệ bảo hộ, hơn là sự ân cần trong tương quan của vợ chồng. Sở dĩ có tính chất đó là vì ở đây tác giả rõ ràng chuyển từ mối tương quan kết hợp vợ chồng sang tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Những diễn ngữ liên hệ đến sự chăm sóc thân xác, trước hết như nuôi nấng, hay dưỡng nuôi, gợi cho nhiều nhà nghiên cứu Kinh thánh liên tưởng đến Thánh Thể, mà Đức Kitô với tình yêu của đấng lang quân đã dùng để «nuôi nấng» Hội Thánh. Nếu những diễn ngữ này, dù chỉ với một âm điệu nhỏ hơn, chỉ đặc tính của tình yêu vợ chồng, cách riêng chỉ tình yêu làm cho đôi vợ chồng trở nên «một xương một thịt», chúng cũng đồng thời giúp ta hiểu, ít là cách chung, phẩm giá của thân xác và mệnh lệnh luân lí phải chăm sóc cho thiện ích của thân xác mình: nghĩa là mưu cầu thiện ích tương xứng với phẩm giá của nó. Sánh ví Hội Thánh với Thân Mình của Đức Kitô, Thân Mình mà Người yêu thương và cứu chuộc bằng một tình yêu phu thê, như thế hẳn phải để lại trong lòng độc giả của đoạn Thư Êphêsô này một ý nghĩa thâm sâu về «đền thờ» thân xác con người nói chung, và cách riêng trong hôn nhân, như là một «cảnh vực» trong đó ý nghĩa «đền thờ» ấy xác định thật sâu xa tương quan giữa các ngôi vị, và nhất là tương quan giữa người đàn ông và người phụ nữ, xét như người vợ và là mẹ của những đứa con của họ.
Luy Nguyễn Anh Tuấn