Tinh thần Gia đình
TINH THẦN GIA ĐÌNH
Nếu hạnh phúc gia đình có thể là môn chơi ghép hình, thì đâu là những mảnh hình ghép lại thành nó ? Nói cách khác đi, có thể hỏi, đâu là những viên gạch của một ngôi nhà hạnh phúc ? Don Bosco trả lời với một đáp số tuy đơn giản, nhưng cũng rất hiệu nghiệm. Đó là tinh thần gia đình. Nó là nền tảng căn bản của tất cả đường lối giáo dục Sa-lê-diêng.
Don Bosco muốn rằng tất cả mọi trường của Ngài được gọi là “nhà” để gợi lên trong tâm trí các bạn trẻ hình ảnh mái nhà thân yêu của các em. Trong tập sách nhỏ gói ghém những hàng chữ của Don Bosco về phương pháp giáo dục đề phòng, Ngài viết: Các nhà giáo dục phải như là những “người cha yêu thương”. Với những từ ngữ này, Don Bosco muốn cô đọng bản chất của bầu khí và môi trường giáo dục, tuy rất khó định nghĩa và diễn tả, nhưng có thể nhận thấy được ngay, khác nào nước cho cá và khí thở cho mọi loài sinh vật. Tinh thần gia đình là cái gì đó mà khi ai tiếp xúc với nó đều có thể nói được rằng: Ở đây, tôi cảm thấy dễ chịu !
Vậy đâu là những yếu tố căn bản của tinh thần gia đình ? Don Bosco đã được phú bẩm một trực giác rất bén nhạy. Đối với ngài nền tảng gia đình không phải chỉ là những liên hệ máu mủ mà thôi, hoặc là những liên hệ kinh tế, hay pháp lý xã hội, và cũng không hẳn là tôn giáo nữa. Có thể nói được rằng mối giây liên hệ căn bản nhất làm nên một gia đình là tình thương mến.
Tình thương là như mảnh đất phì nhiêu cung cấp cho con cái thực phẩm nhân loại, tâm lý cũng như tinh thần để con cái được phát triển cách toàn diện. Tình thương chân thành là như đá tảng vững chắc chứ không phải là nền móng cát xây dựng ngôi nhà cuộc đời tương lai của con cái.
Gia đình còn được định nghĩa là tế bào tình cảm tiên khởi của tiến trình trưởng thành lâu dài. Gia đình hạnh phúc là mái gia đình trong đó mọi người hít thở làn khí trong lành của tình thương chân thành, sâu đậm và bền bỉ. Hạnh phúc gia đình được thể hiện cách cụ thể qua những yếu tố căn bản cấu tạo nên tinh thần gia đình. Đó là:
1. Sự hiện diện
Trong một gia đình hạnh phúc thực sự thường có sự tham gia cộng tác, chung tay góp sức với sự đóng góp đầu tư của mỗi người, về thời giờ, sinh lực, khả năng, thiện chí, sự tân tậm cố gắng và tinh thần hy sinh. Nói tóm lại, trong gia đình, mỗi người hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp nhất của chính mình. Nhiều gia đình phải chịu cảnh chết dần, chết mòn chỉ vì sự biếng nhác của các phần tử trong gia đình.
Gia đình là một cơ cấu, điều đó có nghĩa là không có gì được coi là dư thừa, bị loại bỏ ra ngoài. Không ai được đóng vai trò làm khán giả đứng ngoài xem, hoặc có thể nói được rằng, việc đó không liên can đến tôi. Trong mối giây liên hệ vòng tròn, mỗi phần tử vừa là điểm khởi hành, vừa là điểm phải tới; là người tiếp nhận và cũng là người cho đi. Trong mối liên hệ của cơ cấu gia đình, mỗi phần tử có một chỗ đứng quan trọng đến nỗi nếu thiếu vắng sẽ không còn là gia đình đó nữa, nhưng sẽ là gia đình khác.
Bất cứ điều gì xảy đến trong gia đình, không ai có thể nói được rằng, nó không dính dáng gì với tôi cả, hoặc tìm mọi cách tỏ vẻ giả vờ như mình không có mặt trong nhà. Trong gia đình, cách ăn ở cư xử của người này đều có ảnh hưởng đến người khác và đến bầu khí chung. Cả khi bạn muốn trùm mền kín nằm ngủ suốt ngày, hoặc dìm mình trong cơn say mèn, mê mệt, bạn vẫn còn hiện diện trong gia đình.
2. Yêu thương lẫn nhau
Có thể nói được rằng, tình thương một chiều là tình thương "què quặt" mất hụt, là con đường cụt. Tình thương phải có sự đáp trả. “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Trong gia đình, mỗi người cần được yêu thương và cũng có bổn phận phải diễn tả tình thương yêu một cách cụ thể qua hành động, lời nói và việc làm.
3. Đối thoại
Một nguời cha trong gia đình đã có lần phát biểu:
Trong gia đình, chúng tôi để dành nhiều thì giờ nói chuyện tầm phào, những chuyện xem ra không quan trọng gì, chỉ mất thời giờ mà thôi. Trái lại, kinh nghiệm cho tôi thấy rằng, chính trong bầu khí tự nhiên, cởi mở đó mà những điều bí ẩn nhất được bộc phát ra bên ngoài, những hoàn cảnh khúc mắc éo le được đưa ra mổ xẻ trước ánh sáng và với lòng tín nhiệm, tin tưởng. Nếu con cái không cảm thấy thoải mái nói với cha mẹ những chuyện tầm thường như đá banh, đi chơi, những chuyện nghịch ngợm ở trường học, làm sao có thể hy vọng chúng sẽ có can đảm để tỏ lộ những vấn đề tế nhị và nghiêm trọng hơn như tình yêu lứa đôi, bạn bè hoặc những nguy hiểm luân lý chúng phải đối phó trong tuổi đang khôn lớn, hoặc những khó khăn trong cuộc sống học đường ?
Một trong những bí quyết cha mẹ có thể chiếm đoạt được sự tín nhiệm của con cái là học cách nói chuyện với con cái, thay vì nói cho con cái nghe.
4. Biết quý trọng
Tình thương mến cũng cần phải được diễn tả qua sự quý trọng lẫn nhau. Cha mẹ biết khen con cái trước những thành công nhỏ bé của chúng, biết nhìn đến những nỗ lực cố gắng và thiện chí của chúng hơn là đòi hỏi những thành công như lòng mình mong muốn. Con cái cũng cần phải tỏ lòng biết ơn trước những hy sinh khó nhọc thầm kín và hằng ngày của cha mẹ, và đừng cho rằng đó là chuyện dĩ nhiên, hoặc là bổn phận phải có của cha mẹ. Không biết quý trọng công ơn cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày, sẽ dần dà đưa đến sự coi thường và lòng vô ơn, bất hiếu.
5. Truyền thông
Gia đình là dụng cụ đầu tiên chuyển đạt sự hiểu biết, các giá trị, cách phán đoán, tư tưởng và cái nhìn. Là mảnh đất tốt, là môi trường thích hợp nhất để cùng nhau trưởng thành. Cha mẹ thồng truyền cho con cái sự hiểu biết và kinh nghiệm quá khứ, đồng thời cũng lãnh hội từ con cái những điều mới mẻ. Điều căn bản cần ghi nhớ là con người tiếp thu được nhiều hơn qua những mô phạm ngay trước mắt. Nhất là tuổi trẻ học hỏi nhiều qua những gì chúng quan sát, nhìn thấy, xem thấy, thực nghiệm hơn là qua lời nói. Vì thế môi trường lãnh hội trước tiên và nhiều nhất chính là ngay trong gia đình.
Gia đình còn là môi trường thực tập những gì được hấp thụ trên phương diện lý thuyết và ảnh hưởng tâm lý tinh thần, để có dịp điều chỉnh lại quan niệm và cái nhìn về bản thân. Như người ta đứng trước tấm gương để ngắm nhìn và thử áo quần, gia đình là môi trường để con cái được dịp thử sức, đối chiếu tư tưởng, so sánh cảm tình qua những va chạm, cọ sát trong gia đình, để được sửa dạy, chỉ dẫn với tình thương thông cảm, tha thứ, mà không sợ bị xét đoán, hoặc kết án.
6. Chia sẻ và cùng giải quyết vấn đề.
Gia đình hạnh phúc không phải là gia đình không có vấn đề hoặc gặp khó khăn, nhưng là gia đình trong đó các phần tử biết cùng chung tay góp sức để giải quyết những vấn đề không thể nào tránh khỏi được trong cuộc sống. Đứng trước những khó khăn, những sự rủi ro ngoài ý muốn, điều trước tiên không phải là điều tra xem lỗi tại ai, nhưng là tự hỏi, làm thế nào để giải quyết vấn đề và để vượt qua những khó khăn ấy ?
Nói tóm lại, tình thương yêu là rễ cái của sự sống còn và hạnh phúc gia đình. Họ chia sẻ không những chỉ cơm ăn, áo mặc, nhưng trước hết là những giá trị tinh thần, những vui buồn sướng khổ, những hy vọng và mong đợi. Gia đình biết cầu nguyện chung, với thời gian, tâm hồn sẽ rộng mở để mặc lấy tâm tình của Chúa, tâm tình của tình thương, thông cảm và tha thứ.
-----------
FERRERO Bruno, Come l’acqua per i pesci in Genitori Felici con il sistema di Don Bosco , LDC (1997) p. 11 - 14.
__________________
Gia Nhân
Gia Nhân
(Nguồn: gpnt.net)