Tháng 06/2014 Gia đình loan báo Tin mừng:TÌNH NGHĨA PHU THÊ

Tháng 06/2014 Gia đình loan báo Tin mừng:TÌNH NGHĨA PHU THÊ

Tháng 06/2014

Gia đình loan báo Tin mừng:

TÌNH NGHĨA PHU THÊ

Lời Chúa: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). X. St 2,18-24; Ep 21-32.

Ý cầu nguyện: Xin cho các đôi vợ chồng Kitô hữu biết sống trọn Giao ước nghĩa phu thê trong tình thân mật, thủy chung, khiết tịnh, hầu cho mầu nhiệm cao cả, Tình Yêu của Đức Kitô - Hội Thánh, không ngừng nhập thể.

Bài ca ý lực: Cả Nhà Thương Nhau (Ca Vang Tin Mừng tr.72)

1. Gia đình – một cộng đồng thân mật trong tình yêu và sự sống – bị tấn công

- Có thể nói gia đình ngày nay đang đi qua khủng hoảng. Sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói con người thời đại ngày nay là con người mang “tâm thức ủng hộ ly dị”.

- Nhận định của Liên HĐGM Á Châu 2004 nêu: Những thực tại mới mẻ đang làm lung lay nền tảng ổn định của nhiều gia đình. Nền văn hoá tự do mới toàn cầu đang nổi dậy và hô hào cho cá nhân chủ nghĩa, cho ích kỷ và thèm muốn, cho những lối sống và cách suy nghĩ nặc mùi thực dụng, tục hóa, đang là mối đe dọa cho gia đình. Toàn cầu hóa cũng kèm theo nghèo đói cùng cực, làm gia tăng phong trào di dân ồ ạt. Chiến tranh cùng với những mâu thuẫn tranh chấp đã xua đuổi con người ra khỏi mái ấm gia đình của mình.

Các gia đình đang phải đối đầu với các phương tiện truyền thông xã hội và những chương trình cưỡng bức hạn chế dân số đang gây ảnh hưởng trên các giá trị gia đình. Nạn HIV/AIDS lan tràn, nạn ma túy và hình ảnh khiêu dâm đang hủy hoại các gia đình, đặc biệt lớp trẻ là những người dễ bị băng hoại nhất.

Việc gia tăng các gia đình ly hôn và đổ vỡ là dấu hiệu cho thấy tình trạng rạn nứt trong gia đình. Phá thai và những nỗ lực khác nhằm thao túng sự sống con người đang là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Não trạng ngừa thai đang xói mòn tình yêu hôn nhân chân thật. Tình trạng phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị ngược đãi là một nhức nhối. Các giá trị đã từng làm nền tảng cho gia đình đang bị biến mất tới mức báo động.

Hiện trạng đó khơi dậy câu hỏi: sự thật của hôn nhân, gia đình là gì ?

2. Gia đình được xây dựng trên nền tảng cuộc hôn nhân vĩnh viễn và trọn vẹn

- Giáo lý HTCG dạy: đôi vợ chồng làm nên “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu phu thê, vốn được Đấng Tạo Hóa thiết lập và ban cho những luật lệ riêng. Cộng đồng đó được thiết lập bằng giao ước của đôi phối ngẫu, nghĩa là bằng sự ưng thuận cá vị không thể thu hồi” (GS 48). Cả hai hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được hai người ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận phải bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).[1]

- Lòng chung thủy diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời cam kết, còn là dấu chỉ bí tích của tình yêu Thiên Chúa vốn là Đấng trung tín, của mầu nhiệm cao cả của Giao ước tình yêu của Đức Kitô – Hội Thánh. Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương cho vợ chồng qua chính đời sống và tình yêu Người dành cho Hội Thánh. Vì thế Thánh Phaolô nói với các đôi vợ chồng hãy noi gương Chúa Giêsu, để hôn nhân của mình có thể trở thành Bí tích cao cả:

"Vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. (22) Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, (23) vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. (24) Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

(25) Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; [...] Yêu vợ là yêu chính mình. (29) Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, (30) vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. (31) Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.

Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5, 21-32).

3.  Sự thân mật và tình vợ chồng

- Trong hôn nhân, sự ái ân thể xác của đôi phối ngẫu trở thành dấu chỉ và bảo chứng của sự hiệp thông tinh thần. Tính dục không chỉ là cái gì thuần túy sinh học nhưng đụng chạm đến phần thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục chỉ thực sự nhân bản khi nó là một phần để hoàn thành tình yêu, qua đó hai người nam và nữ cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau suốt đời.[2]

Nhờ sự kết hợp trọn vẹn đó của đôi bạn, mục đích của hôn nhân được thực hiện, đó là: lưu truyền sự sống (sinh sản và giáo dục con cái) và đôi bạn yêu thương, nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hay giá trị này của hôn nhân.[3]

- Những xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân, làm tổn hại hạnh phúc gia đình cũng là vi phạm giao ước với Thiên Chúa, phản bội Tình yêu. Đó là tội lỗi, như:

. ngoại tình: là không chung thủy vợ chồng. Chúa Giêsu lên án tội ngoại tình, cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn (x.Mt 5,27-28). Ngoại tình vi phạm cam kết, làm tổn thương dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu kia, xâm phạm thể chế hôn nhân khi vi phạm hôn ước, vốn là nền tảng của thể chế đó[4].

. Ly dị: Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, là hôn nhân thì bất khả phân ly. Người bãi bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong Luật cũ (Mt 19,7-9). Đối với người Việt ta, phu thê là chuyện trăm năm, rất nghiêm túc và thiêng liêng.[5] Ý thức tính bất khả phân ly của dây hôn phối thành sự, một người phối ngẫu mà bị bó buộc phải chịu ly dị, người ấy không để mình bị lôi cuốn vào một sự kết hợp của quan hệ mới, nhưng chỉ lo sao chu toàn các bổn phận gia đình, và trách nhiệm kitô hữu của mình.[6]

 

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Thực hành tính dục vợ chồng của anh chị có diễn tả một tình cảm phu thê thâm sâu giữa hai nhân vị hay chỉ là những đáp ứng bản năng?
  2. Đâu là những cám dỗ về sự vượt ranh giới, thiếu chung thủy? Anh chị làm gì để vượt qua những khoảnh khắc yếu lòng? Làm thế nào để có thể tha thứ thật sự?
  3. Cộng đồng hội thánh nên làm gì để đồng hành với những anh chị em đang sống trong những quan hệ trái phép (ly dị tái hôn dân sự) hay “rối”?
UBMVGĐ

[1] GLHTCG 2346.

[2] Familiaris Consortio 11; GLHTCG 2360.2361.

[3] GLHTCG 2363.

[4] GLHTCG 2381.

[5] X. GLHTCG 2382. Ly thân trong một số trường hợp có thể là hợp pháp nếu vẫn duy trì dây liên kết hôn nhân. Nếu ly dị dân sự là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp (như chăm sóc con cái, bảo vệ tài sản) thì có thể chịu mà không lỗi phạm luân lý.X. GLHTCG 2383.

[6] Familiaris Consortio  83.