Thân Xác Người Nam, Người Nữ: Tặng Phẩm Tình Yêu

Thân Xác Người Nam, Người Nữ: Tặng Phẩm Tình Yêu

Tiếp theo dư âm của Đại hội Thế giới về Gia Đình lần VIII được tổ chức tại Philadelphia vừa qua, và với sáng kiến phục vụ cộng đồng, ngoài những buổi nói chuyện chuyên đề vào tối thứ Bảy hằng tuần tại Trung tâm Mục vụ TGP SG, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục – Ban Mục vụ Gia Đình kết hợp, tổ chức miễn phí các buổi chuyên đề hằng tháng tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà.

Thế nên, chiều thứ Bảy, ngày 27.02.2016 là buổi chuyên đề đầu tiên, với đề tài: THÂN XÁC NGƯỜI NAM, NGƯỜI NỮ: TẶNG PHẨM TÌNH YÊU, do cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn - đảm trách.

Qua đề tài này, ngài chia sẻ những tư tưởng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: thánh nhân, nhà nhân học, vị giáo hoàng của gia đình.

1. Ý nghĩa sâu xa của thân xác con người:

Con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác; hồn mà không có xác thì hồn lơ lững; xác mà không sống phần linh hồn thì xác đó chỉ là một bóng ma. Con người là hữu thể biết yêu và biểu hiện tình yêu qua thân xác. Thân xác con người là tặng phẩm tình yêu vì nó có ý nghĩa trong sự cho – nhận, hy sinh cho nhau và cho tình yêu đó. Thân xác là một ngôi vị, là một con người. Thân xác con người vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện để tồn tại và để biểu lộ cội nguồn của tình yêu Thiên Chúa.

2. Tặng phẩm của tình yêu:

Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II có nói: “Thân xác của bạn là tình yêu”. Tình yêu thì liên quan đến tặng phẩm, vì tình yêu là cho và nhận (qua thân xác con người). Bản tính của tình yêu nam nữ là hướng đến nên “một xương một thịt”. Được gọi là tình yêu hợp hôn, nghĩa là nên một.

Khi nói đến thân xác người đàn ông và thân xác người đàn bà là đã bao gồm giới tính trong đó. Trong cuộc sống ngày nay, khi những đối nghịch với tình yêu như ly thân, ly dị - đặc biệt là đối với người Công giáo – thì thân xác không còn là quà tặng của nhau nữa, không biểu hiện tình yêu mà đôi khi biểu hiện ngôn ngữ của căm ghét, giận dữ, thù nghịch. Người ta sống chung trước hay ngoài hôn nhân, thì khi họ trao thân cho nhau, đó có phải là tặng phẩm tình yêu không?! Và những hành vi tính dục thuộc về vợ chồng kia có phải là hành vi hôn nhân đúng nghĩa không?

3. Tình yêu là đích thực:

Tình yêu không chỉ là cảm xúc mà còn có sự tham gia của một chọn lựa tự do của cá nhân trong quyết định đồng hành mãi mãi với một nửa kia của mình. Thứ tình yêu mà không hướng tới giao ước đi cùng nhau đến trọn đời thì không phải là tình yêu đúng nghĩa, bởi vì tình yêu là vĩnh cửu.

“Thiên Chúa Làm Người” biểu hiện độc đáo và cụ thể như thế nào để trở nên tình yêu đích thực? Chính khi thân xác Người bị đóng đinh, bị tra tấn, đánh đập, phỉ bánh, chế nhạo và chịu hiến thân mình là một hành vi cao cả: chết cho người mình yêu. Những dấu thánh chính là bí tích tình yêu hữu hình và hữu thanh, mà con người trần thế có thể cảm nghiệm, sờ chạm được. Đối với người Công giáo, thứ Sáu Tuần Thánh là cao điểm của tình yêu Con Thiên Chúa hiến thân vì nhân loại. Qua cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hy vọng và tin tưởng về một tình yêu đích thực sẽ tồn tại mãi đến muôn đời. Vì thế, một tình yêu đích thực giữa người nam và người nữ không chỉ là đam mê của thân xác mà còn phải chết đi, hiến mình vì tình yêu. Việc cử hành hôn lễ của các đôi tân hôn trong nhà thờ là việc xã hội hóa, công khai hóa tình yêu của họ.

4. Kinh Thánh mạc khải về tình yêu:

Sách Sáng Thế từ chương 1 đến chương 3 mạc khải về hôn nhân, về tình yêu nam nữ. Niềm vui thống trị khi Chúa cho Adam đặt tên muôn loài kém xa nhiều so với tình yêu của một người đang yêu khi Adam gặp Eva. Adam đã sáng rỡ và tuyên bố tuyên ngôn tình yêu đầu tiên của nhân loại: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Đây chính là cứu cánh, là cùng đích, là lý do ta tồn tại.

5. Tình yêu hôn nhân phản chiếu chính tình yêu cho đi và trung tín của Thiên Chúa:

Người ta sẽ không nhận ra Thiên Chúa, nếu không có tình yêu hiện diện một cách cụ thể qua thân xác và nhất là tình yêu hôn nhân giữa hai người khác nhau về giới tính, cùng nhau gầy dựng một gia đình trong đó có sự sống mới xuất hiện. Vì tình yêu đích thực là luôn luôn mở ngõ ra với sự sống. Tình yêu nào ngăn cản sự sống, ngay trong ý định đều là tình yêu giả trá, bao gồm cả tình yêu mà có chủ định ngừa thai bằng mọi phương tiện nhân tạo hay phá thai, thủ dâm, đồng tính, chung sống ngoài hôn nhân. Tình yêu đích thực là hướng tới trung tín với nhau cho đến cuối đời và thuộc trọn về nhau. Do đó, đặc tính của hôn nhân là duy nhất và bất khả phân ly. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn tình yêu của đôi bạn Ki-tô hữu trong hôn nhân, phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một tình yêu cho đi và trung tín.

Tạm kết:

Trong xã hội thực dụng, vô cảm ngày nay, thế gian không nhìn thấy lòng thương xót vô hình của Thiên Chúa đâu cả. Thế gian chỉ thấy những bí tích của lòng thương xót nơi các đôi bạn Ki-tô hữu, nơi các gia đình sống yêu thương một cách trung thành “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”. Tình yêu của người Ki-tô hữu là tình yêu phản chiếu lòng trung thành và thương xót. Thế nên, những người tin Chúa phải sống cuộc hôn nhân của mình qua những thăng trầm, một cách trung thành và mãi mãi. Và tin tưởng rằng mình có làm được điều đó là do sức mạnh của ân sủng của Chúa ban, khi lãnh nhận bí tích Hôn phối. Do đó, đừng sợ đảm đương trách nhiệm hôn nhân vì luôn có Chúa đồng hành trong cuộc sống gia đình. Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô chương 13, câu 4-7, Thánh Phaolô đã có chỉ dẫn về việc sống tình yêu đích thực như sau:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

 

Trường Quốc Phương lược ghi