THÂN XÁC CON NGƯỜI «ĐỀ TÀI» CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
LX
THÂN XÁC CON NGƯỜI
«ĐỀ TÀI» CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT
1. Trong những suy tư trước đây – về những lời mà Đức Kitô có nhắc đến cái «thuở ban đầu», hoặc trong diễn từ trên núi khi Người tham chiếu tới «cõi lòng» con người – chúng ta đã nỗ lực trình bày một cách có hệ thống để cho thấy chiều kích chủ thể nhân vị (soggettività personale) của con người là một yếu tố thiết yếu có mặt trong khoa giải nghĩa thần học (ermeneutica teologica), đó là điều ta phải khám phá và giả thiết phải có trước hết ở nền tảng của vấn đề thân xác con người. Bởi thế, không chỉ thực tại khách quan là thân xác, nhưng xem ra còn hơn thế nhiều, đó còn là ý thức chủ quan và cả «kinh nghiệm» riêng của chủ thể về thân xác, từng bước đi vào cấu trúc của các bản văn Kinh thánh, và như thế chúng đòi phải được xem xét và đưa vào trong suy tư thần học. Do đó, khoa giải nghĩa thần học phải luôn luôn xét đến hai mặt ấy. Chúng ta không thể xem thân xác như một thực tại khách quan bên ngoài con người chủ vị, bên ngoài chủ thể vốn là người nam hay là người nữ ấy. Hầu như tất cả các vấn đề về «đạo đức thân xác» hiện nay đều gắn liền với việc nhận dạng căn cước sâu xa của nó là thân xác của một nhân vị, và gắn liền với nội dung và phẩm chất của kinh nghiệm chủ quan, nghĩa là đồng thời gắn liền với điều anh «sống» nơi chính thân xác mình hoặc trong các mối tương quan giữa người với người, đặc biệt trong mối tương quan bất diệt «nam-nữ». Những lời trong Thư Thứ nhất gửi tín hữu Texalônica, trong đó tác giả khuyên hãy «gìn giữ thân xác mình được thánh thiện và đáng kính trọng» (nghĩa là toàn bộ vấn đề về «tâm hồn thanh khiết»), cũng cho thấy hiển nhiên hai chiều kích này.
2. Đó là hai chiều kích liên hệ trực tiếp đến con người cụ thể, sống động, liên hệ đến thái độ và hành vi của họ. Những công trình văn hóa, đặc biệt là về nghệ thuật, giúp cho những chiều kích «thân xác» và «kinh nghiệm thân xác» mở rộng ra, theo nghĩa nào đó, đến cả bên ngoài con người sống động. Con người gặp gỡ «thực tại thân xác» và «kinh nghiệm thân xác» cả khi thân xác trở thành một đề tài của hoạt động sáng tạo, một tác phẩm nghệ thuật, một nội dung của văn hóa. Tuy nhiên, ai cũng phải nhìn nhận rằng sự gặp gỡ này thuộc bình diện kinh nghiệm mĩ học, trong đó chủ yếu người ta nhìn theo quan điểm nghệ thuật (tiếng hy lạp aisthánomai : nhìn, quan sát) – và trong trường hợp nhất định, thân xác trở thành một thứ thân xác khách thể bên ngoài tách rời khỏi căn tính chủ thể của nó, và theo những tiêu chuẩn riêng của hoạt động nghệ thuật – , thế nhưng khi mang cái nhìn nghệ thuật này con người tiên thiên bị trói buộc quá sâu vào ý nghĩa của nguyên mẫu, hay vật (người) mẫu (trường hợp ở đây là chính con người – con người sống động và thân xác sống động của con người). Bởi lẽ bấy giờ con người có thể tách biệt hoàn toàn cái hiện thể vốn có bản chất mĩ học của công trình nghệ thuật và sự chiêm ngắm nó khỏi những động thái phản hồi và lượng định giá trị, vốn là những yếu tố hướng dẫn kinh nghiệm và lối sống sơ khởi của mình. Cái nhìn này (theo bản chất của nó là một cái nhìn «mĩ học») trong tâm thức chủ thể con người không thể hoàn toàn tách biệt với «cái nhìn» mà Đức Kitô nói đến trong diễn từ trên núi: nó đối lập với cái nhìn dục vọng.
3. Như vậy, toàn thể lãnh vực kinh nghiệm mĩ học cũng thuộc về phạm trù đạo đức (ethos) của thân xác. Do đó, đúng là cần phải nghĩ đến ngay ở đây sự cần thiết phải tạo ra một bầu khí thuận lợi cho sự thanh sạch. Thực ra bầu khí này có thể bị đe dọa không những bởi cách thức mà con người quan hệ và sống chung với nhau, nhưng còn bởi truyền thông xã hội: qua lời ăn tiếng nói hay viết lách (nghe, đọc); qua thông truyền hình ảnh (nhìn) theo lối truyền thống xưa cũng như nay. Bằng cách đó, chúng ta đụng chạm tới các lãnh vực và sản phẩm văn hóa khác nhau thuộc mĩ thuật, nghệ thuật tạo hình, sân khấu, và cả những gì dựa trên kĩ thuật nghe nhìn hiện đại. Trong lãnh vực rộng lớn và khá khác biệt này, chúng ta cần tự đặt ra một câu hỏi về thân xác con người đối tượng của văn hóa, dưới ánh sáng của khoa đạo đức (ethos) thân xác, mà ta đã phân tích cho tới nay.
4. Trước hết, ta cần xác định rằng thân xác con người mãi mãi là đối tượng của văn hóa, theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ ấy, bởi một lí do đơn giản là chính con người là chủ thể của văn hóa. Và trong hoạt động văn hóa và sáng tạo liên hệ đến nhân tính, con người đem cả thân xác mình vào trong hoạt động đó. Trong những suy tư hiện giờ chúng ta phải giới hạn khái niệm «đối tượng của văn hóa» lại và hiểu như là «đề tài» của các công trình văn hóa và cách riêng là của các công trình nghệ thuật. Tóm lại, vấn đề là biến thân xác thành đề tài hay đối tượng trong các công trình ấy. Thế nhưng, chúng ta cần phân biệt ngay ở đây một số điều, như để làm mẫu. Một điều, đó là thân xác sinh động của con người. Thân xác của một người đàn ông hay của một người đàn bà, vốn tự nó là đối tượng của nghệ thuật hay công trình nghệ thuật (vd. như trên sân khấu kịch, sàn diễn múa balê, và đến mức nào đó ở tại sân khấu hòa nhạc). Điều khác đó là thân xác được dùng làm (người) mẫu cho công trình nghệ thuật, như trong các nghệ thuật tạo hình, điêu khắc hay hội họa. Có thể chăng người ta gộp cả điện ảnh và nhiếp ảnh nghệ thuật nói chung vào cùng một hạng với nghệ thuật tạo hình? Có vẻ như là được. Tuy nhiên nhìn từ quan điểm thân xác như là đề tài hay đối tượng của nghệ thuật người ta phải xác minh ở đây có một nét dị biệt khá là cốt yếu. Trong hội họa hay điêu khắc, thân xác-con người luôn luôn làm mẫu cho hình tạo dưới bàn tay đặc thù đang lao động nghệ thuật tỉ mỉ của người nghệ sĩ. Trong điện ảnh, và nhất là trong nhiếp ảnh nghệ thuật, người mẫu không được tái tạo hình (trasfigurato) nhưng là một con người sống động được ghi hình (riprodotto) lại. Như vậy, thân xác con người không còn là mẫu cho công trình nghệ thuật nữa, nhưng đã trở thành đối tượng cho một sự sản sinh nhờ đến các kĩ thuật thích hợp.
5. Cần phải lưu ý ngay từ bây giờ sự phân biệt trên đây trong các công trình văn hóa là quan trọng nhìn từ quan điểm của đạo đức (ethos) thân xác. Và cũng cần phải nói thêm ngay rằng một khi đã trở thành nội dung hình tượng và truyền tải (truyền hình hoặc điện ảnh), sản phẩm nghệ thuật theo một nghĩa nào đó đã mất đi sự tiếp xúc căn bản với con người-thân xác, thực tại nguồn của hình tượng, và rất thường nó trở thành một đối tượng «vô danh», chẳng hạn cụ thể như một hình ảnh chụp vô danh công khai trên các tạp chí tranh ảnh, hoặc như một hình ảnh phổ biến trên các màn ảnh khắp nơi trên thế giới. Tình trạng vô danh đó là hậu quả của một sự «truyền bá» bằng hình ảnh-sao chép lại thân xác con người, một thân xác đã bị vật thể hóa trước hết bởi trợ giúp của công nghệ sản xuất. Điều đó, như đã được nhắc đến trên đây, xem ra rất khác biệt về căn bản với (người) mẫu tiêu biểu đã biến dạng trong các tác phẩm nghệ thuật, cách đặc biệt là trong các nghệ thuật tạo hình. Quả thực, tình trạng vô danh đó (lại là một cách thức «che dấu» hay «che phủ» đi căn tính của con người nhân vị bị tái tạo hàng loạt) còn tạo nên một vấn đề đặc thù nhìn từ quan điểm đạo đức thân xác con người trong các công trình văn hóa và cách riêng trong các công trình hiện nay của cái gọi là văn hóa hàng loạt.
Hôm nay chúng ta chỉ dừng lại ở những nhận xét ban đầu đại khái như thế, nhưng chúng có một ý nghĩa nền tảng cho đạo đức thân xác con người trong các công trình của văn hóa nghệ thuật. Kế tiếp, những nhận xét này sẽ cho ta biết chúng kết nối mật thiết như thế nào với lời Đức Kitô loan báo trong diễn từ trên núi, ở đó Người đã so sánh «cái nhìn thèm muốn» với «tội ngoại tình phạm trong lòng». Mở rộng những lời ấy đến lãnh vực nghệ thuật là điều hết sức quan trọng, nhằm «tạo ra một bầu khí thuận lợi sống đức khiết tịnh», điều mà đức Phaolô VI nói trong thông điệp Humanae vitae. Chúng ta sẽ tìm hiểu luận cứ này thật sâu xa và cách cốt yếu.
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch