THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC (4)

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC (4)

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ

HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

(tiếp theo)

4. Điều hòa sinh sản tự nhiên

Hai vợ chồng mỗi lần giao hợp có cần phải có ý hướng sẽ thụ thai, tức có con hay không? Không. Họ chỉ cần tôn trọng hành vi tính dục, cởi mở với nhau, và mở ngỏ đón nhận sự truyền sinh nếu có xảy ra cách tự nhiên như kết quả của sự giao hợp vợ chồng. Ý hướng của họ cần thiết phải là kết hợp với nhau trọn vẹn trong tình yêu. Họ có thể giao hợp để tạo cho nhau hạnh phúc, để quên đi một lần cãi vã, hay để giải tỏa bớt căng thẳng, .... Họ có thể giao hợp chỉ đơn giản để mà hợp hoan, vì tính dục là một thiện hảo. Vợ chồng không nhất thiết phải có một lí do hay động lực nào khác.

Hội thánh không hề đưa ra một chỉ thị nào về số con cái vợ chồng cần phải có. Vợ chồng tự do quyết định. Nếu họ có những lí do chính đáng để chưa muốn có con lần này, nghĩa là muốn trì hoãn sự thụ thai, họ được yêu cầu sử dụng các phương pháp gọi là Phương pháp Điều hòa Sinh sản Tự nhiên (PĐST). Những phương pháp này tôn trọng ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Ngược với những Phương pháp nhân tạo, PĐST bảo vệ và tăng cường các kinh nghiệm hợp nhất nguyên thủy và trần truồng nguyên thủy. Khi vợ chồng dùng PĐST, họ tự hiến cho nhau và đón nhận nhau không chút dè dặt. Họ sống và tôn trọng kinh nghiệm hợp nhất nguyên thủy. Dùng tới các phương pháp nhân tạo là phá hủy kinh nghiệm hợp nhất này vì đôi bạn không tôn trọng ý nghĩa hôn phối của thân xác như đã nói. Chống thụ thai dẫn đến chia rẽ, trong khi dùng PĐST tạo thuận lợi cho sự thân mật, hợp nhất, và yêu thương vợ chồng.

Hơn nữa, trong PĐST vợ chồng sống kinh nghiệm trần truồng nguyên thủy. Điều quan trọng là kinh nghiệm nguyên thủy giúp cho các nhân vị khám phá và thực hiện sự tự do của mình: sự tự do của tặng phẩm bản thân dành cho nhau. Trong sự trần truồng nguyên thủy, ta có thể nhận ra dấu hiệu của sự tự do trong thông giao. Đó chính là điều được tạo nên nhờ PĐST.

PĐST giúp đôi vợ chồng thông giao, trao đổi với nhau, cách hoàn toàn trong sáng và riêng tư, chuyện tình dục và sinh sản. Đàn ông thì “phong nhiêu” hai mươi bốn giờ một ngày và bảy ngày một tuần. Phụ nữ chỉ có khả năng thụ thai trong một số ngày nào đó trong chu kì kinh nguyệt của chị mà thôi. Vợ chồng sử dụng PĐST trao đổi với nhau: chị sẽ nói với chồng mình những ngày nào có thể và những ngày nào không thể thụ thai, và người chồng lắng nghe. Sự đối thoại làm gia tăng tình vợ chồng thân mật và củng cố dây liên kết hôn phối của họ. Những con số thống kê gần đây càng khẳng định thực tế này. Những cặp vợ chồng sử dụng PĐST ít có li dị, chỉ chiếm có 1%, trong khi tỉ lệ li dị hiện nay trong các nước phương tây lên đến 40 đến 50%, ở Việt Nam con số ấy cũng gần xấp xỉ. Có bốn lí do để sử dụng PĐST này khi chưa hay không muốn có con:

  • khi gặp vấn đề thể lí: sức khỏe của một trong hai người, ... ;
  • những lí do tâm lí: một trong hai người có thể đang trong thời kì có nhiều lo âu hay bị suy nhược, trầm cảm, ... ;
  • những lí do kinh tế: khó khăn về tài chánh, ... ;
  • những lí do xã hội: chiến tranh, hạn hán, căng thẳng gia đình, ....

Những lí do này phải là chính đáng, và điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng, thế nào là lí do chính đáng? Không muốn có con vì một chuyến du lịch muốn làm theo ý thích, vì muốn mua sắm một chiếc xe hay một đồ đạc tiện nghi hay máy móc điện tử gia dụng chẳng hạn, thì không là lí do chính đáng. Đó chỉ là do tính toán ích kỉ. Để biết đâu là lí do chính đáng, đôi vợ chồng phải cầu nguyện và suy nghĩ đến trách nhiệm của họ trước mặt Chúa và đối với nhau. Các cặp kết hôn phải xét đến những nghĩa vụ của họ đối với nhau. Người chồng phải quan tâm đến những nhu cầu của vợ, và vợ cũng phải quan tâm như thế đến chồng mình. Hơn nữa, cả hai còn phải chăm lo cho con cái, những đứa con hiện có. Họ cũng phải xét tới cả những nghĩa vụ đối với xã hội. Hai vợ chồng phải quyết định theo lương tâm liệu họ có những lí do có chính đáng hay không để trì hoãn sinh con. Họ có thể xin tham vấn nơi một linh mục, một người bạn hay một ai đó được cho là bậc khôn ngoan, nhưng chính họ là người cuối cùng phải quyết định. Và để cho rõ ràng, vợ chồng có thể nhờ tới PĐST để trì hoãn việc sinh con nếu họ có lí do chính đáng cho quyết định đó, nhưng không bao giờ được dùng các loại phương pháp chống thụ thai.

5. “Văn hóa” khiêu dâm và sự thủ dâm

Tình dục có thể bị biến dạng nên xấu xa. Thay vì giải thoát con người, giúp họ nên những nhân vị tự do như trong hôn nhân lành mạnh, thì lại biến người ta thành nô lệ. “Văn hóa” khiêu dâm và nạn thủ dâm hủy diệt đi ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Hình ảnh khiêu dâm hướng cái nhìn tập chú vào sắc tướng bên ngoài và kích thích dục vọng. Nhân vị bị giảm thiểu chỉ còn là những gì thuộc bề ngoài của thân xác có thể xem thấy được. Không có dấu chỉ nào hướng đến mặt vô hình của tình thân và sự thiêng liêng của nhân vị. Cũng nên lưu ý rằng trong thế giới của các thứ văn hóa khiêu dâm «không hề có nhân vị». Con người ta sống trong một thế giới huyễn tưởng của bóng hình, không thực sự có con người. Có thể là những cái bóng phi ngã vị, chứ không là nhân vị.

Một người dành hầu hết thời gian để xem phim ảnh, sách báo khiêu dâm, sẽ khó mà thiết lập được các mối quan hệ thực sự với tha nhân trong đời thường. Người ấy, nếu là nam nhân, sẽ quen nhìn các chị em phụ nữ như những đồ vật để mà hưởng dùng, và ngược lại, nếu là người nữ, cũng thế. Họ chấp nhận sống thường xuyên với cái nhìn dục vọng trên thân xác người khác, và như thế họ huỷ diệt ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Thèm khát thay vì yêu thương, và ảo tưởng thay thế thực tại.

Cũng có thể nói tương tự như thế đối với hiện tượng thủ dâm. Đó cũng là sống trong thế giới huyễn tưởng của những bóng hình mờ ảo, không thực. Thủ dâm cũng xóa bỏ ý nghĩa hôn phối của thân xác. Thật vậy, Thiên Chúa ban cho mọi người nam cũng như nữ một năng lực dục tính, thường được gọi là những xung năng tình dục. Năng lực này là điều tốt, vốn là một yếu tố hấp dẫn lẫn nhau giữa người nam và người nữ, và được tham phần vào ý nghĩa hôn phối của thân xác con người. Bởi thế, năng lực dục tính này phải được lưu thoát ra qua ngõ tình yêu chứ không phải trong dâm ô. Năng lực dục tính hướng đến một ngã vị khác, phục vụ cho tình yêu. Đối với người đàn ông, nó được tiền định dành hướng về người đàn bà, và ngược lại. Trong hành vi thủ dâm, năng lực ấy quay hướng về chính bản thân chủ thể. Đó là một thứ khuyết tật tình dục: cái lẽ ra để cho một ngã vị khác trong tình yêu lại xoay hướng về bản thân để tìm thỏa mãn. Hành vi thủ dâm, như thế, không biểu hiện tình yêu, mà là nỗi cô đơn. Để tự giải thoát khỏi tình trạng này, ngoài việc làm chủ bản thân khi chọn đọc, xem, hoặc tiếp xúc với các phương tiện văn hóa phẩm và môi trường xã hội, người ta cần tìm cơ hội thuận tiện để phát triển các tương quan với bạn hữu đích thật.

6. Đồng tính luyến ái

Nhiều người trong chúng ta biết những anh chị em đang sống xu hướng bị thu hút bởi người đồng giới, có khi họ là một trong các thành viên của chính gia đình chúng ta. Tình cảnh này có thể gây đau khổ nhiều, và cũng khó để mà đưa ra làm đề tài trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Về đề tài quan trọng này, chúng tôi xin giới thiệu một bài báo khá hay về Đồng tính : «The origins and healing of homosexual attractions and behaviors» của Dr Richard Fitzgibbons[1]. Ở đây, chỉ xin đưa ra vài nhận định có thể có ích.

Trong số những người đồng tính luyến ái, một số là đồng tính do mình lựa chọn, số khác thì không. Chúng ta cần phải phân biệt hai nhóm này. Đức hồng y george Pell, địa phận Sydney nước Úc, nói những người thuộc nhóm thứ hai là “những người cảm thấy mình như bị giam trong ngục tù mà không do chính mình xây dựng nên”. Nghĩa là, có một nguyên nhân, về văn hóa hay gia đình, hoặc từ cả hai phía, vượt ngoài tầm kiểm soát của một con người, đặt người ấy ở trong tình thế bị hấp dẫn bởi một người khác cùng giới.

Một nhận định sau đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề hơn, đó là : chúng ta sinh ra đời với một giới tính có sẵn, là nam hay là nữ, nhưng đồng thời, nam tính hay nữ tính ấy của chúng ta vẫn còn ở phía trước chúng ta như một nhiệm vụ còn phải hoàn thành. Chủ thể nam giới có nhiệm vụ phải phát triển và nuôi dưỡng một nhân cách nam giới, và chủ thể nữ giới thì phải lo phát triển và nuôi dưỡng một nhân cách nữ giới. Vì nhiều lí do, nhiệm vụ này có thể gặp khó khăn chưa hoàn thành. Một khuyết điểm hay thất bại nào đó có thể cuối cùng dẫn tới có khuynh hướng chịu sự hấp dẫn đồng tính.

Dưới ánh sáng của Thần học về Thân xác, chúng ta hiểu rằng chịu sự thu hút giới tính từ người đồng giới là một hoàn cảnh đau thương. Thiên Chúa muốn đàn ông và đàn bà hấp dẫn nhau về giới tính. Họ được tạo dựng để cho nhau. Thân xác họ và con người họ bổ túc cho nhau. Họ tự thích ứng với nhau như thế nào đó để có thể «hợp nhất», nên «một xương một thịt».

Nhưng người đồng tính hay người chịu sự thu hút đồng giới (SSA: Same Sex Attraction) phải chịu hai nỗi thống khổ lớn. Thứ nhất, người ấy đau khổ bởi chính tình trạng mình bị hấp dẫn bởi người cùng giới. Đó thực là một nỗi đau. Trong họ có một cảm giác phân rã nào đó. Theo một nghĩa nào đó, người ấy đau đớn bởi cảm thấy như mình thiếu một căn tính cá nhân. Người ấy tự hỏi, tại sao tôi lại bị thu hút bởi người đồng giới trong khi đại đa số những người khác thì không như thế ? Thứ hai, người đồng tính đau khổ vì biết rằng hành vi tính dục đồng giới của họ không bao giờ có thể hoàn tất sự kết hợp họ «nên một xương một thịt» được. Một quan hệ tính dục đồng giới không bao giờ có thể hoàn thành được điều đó. Có hôn phối, nghĩa là sự kiện «hai người» kết hợp nên «một xương một thịt», thực sự là khi mà hai người diện đối diện, diễn tả tình yêu của họ và hợp hoan trên thân xác. Điều đó thì lại không thể xảy ra được nơi một quan hệ đồng tính. Hai người đàn ông, hay hai người đàn bà không thể đối diện với nhau, kết hợp với nhau và nên «một xương một thịt» được, vì các bộ phận sinh dục của họ không làm được chuyện đó. Đó là một dữ kiện cốt yếu, bởi lẽ, như chúng ta đã thấy, thân xác có tính «biểu tượng». Thân xác kết hợp chúng ta cả về mặt thế lí lẫn tâm linh: kết hợp thân xác diễn tả sự hiệp thông bên trong của các ngã vị.

Vì thế Hội thánh dạy rằng[2] sự nghiêng chiều về đồng tính luyến ái là «vô trật tự cách khách quan» và những hành vi vi đồng tính là tội lỗi. Hội thánh cũng lưu ý rằng đối với phần lớn những người bị bị sự thu hút đồng giới sự nghiêng chiều này là «một thử thách». Những anh chị em này, cũng như mọi người bình thường khác, phải sống khiết tịnh phù hợp biết kiêng khem các hành vi tính dục đồng giới, và nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho họ sống sự tự do nội tâm. Hơn nữa, Hội thánh còn khẳng định rõ ràng rằng họ «phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị».

Có một trị liệu pháp nào khả dĩ giúp những anh chị em này hay không? Từ hai mươi năm qua có rất nhiều những nghiên cứu và khảo sát về Đồng tính. Bài báo của Fitzgibbons không chỉ bàn về những nguyên nhân của Đồng tính luyến ái, mà còn phác thảo một viễn tượng cho sự chữa lành và hướng trị liệu hữu ích cho những người nam cũng như nữ trong lãnh vực này.

Kết luận

Trong bối cảnh văn hóa hiện nay, chúng ta không dễ sống khiết tịnh. Nhưng không phải là không thể, vì như Đức Giêsu đã nói, điều đối với con người là không thể thì Thiên Chúa có thể làm được. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể (Mt 19,26). Một đời sống cầu nguyện sâu sắc, năng tham dự các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và Thánh thể là những phương thế hiệu nghiệm giúp giải phóng thân xác được tự do sống những kinh nghiệm nhân bản nguyên thủy. Tất cả các Kitô hữu đều được kêu gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống riêng của mình. Khi lãnh nhận Phép Rửa, Kitô hữu đã cam kết điều khiển sức mạnh tình cảm của mình trong đức khiết tịnh[3]. Thánh Ambrôsiô dạy rằng:

“Có ba hình thức sống đức khiết tịnh: một là của bậc phu phụ, thứ đến là của người góa bụa và thứ ba là của kẻ đồng trinh. Chúng ta không ca tụng hình thức này mà loại bỏ hình thức khác.... Chính ở điểm này, kỷ luật của Hội Thánh rất phong phú”[4].

Những anh chị em bị thu hút đồng giới được mời gọi kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh của mình, thâm sâu hơn với hi lễ thập giá của Chúa Kitô. Cũng như Đức Kitô đã hiến dâng những đau khổ của Người làm hi lễ, những người này cũng có thể hiến tế chính mình như vậy.

THƯ MỤC

  1. Giovanni Paolo II, Uomo e Donna lo creò, Città Nuova Editrice, Libreria Editrice Vaticana, Ed. V, 2001.
  2. Percy, A., La théologie du corps décomplexée, Ed. Emmanuel, Paris 2007.
  3. Harvey, J. E., OSFS, Homosexuality and The Catholic Church, Ascension Press, Philipino Edition, 2007
  4. Fitzgibbons, R., «The origins and healing of homosexual attractions and behaviors», 2nd Pan American Conference on Family and Education, Toronto, Ontario, tháng 5 / 1996. X. http://www.catholiceducation.org/articles/homosexuality/ho0011.html.

 



[1] R. Fitzgibbons, «The origins and healing of homosexual attractions and behaviors», 2nd Pan American Conference on Family and Education, Toronto, Ontario, tháng 5 / 1996.

[2] GLHTCG 2357-2358.

[3] GLHTCG 2348.

[4] Thánh Ambrôsiô, De viduis, 23: Sancti Ambrosii Episcopi Mediolanensis opera, v. 141 (Milano-Roma 1989) 266 (PL 16,241-242). X. GLHTCG 2349.