Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II-NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÍ

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II-NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÍ

Thần học về Thân xác của đức Gioan Phaolô II:

XCIV

NHỮNG KHÍA CẠNH LUÂN LÍ

CỦA ƠN GỌI KITÔ HỮU

 

1. Chúng ta đang xem xét bản văn Thư gửi Tín hữu Êphêsô 5,22-33, và đã phân tích nó trong những bài suy tư trước đây bởi lí do nó quan trọng đối với vấn đề hôn nhân và bí tích. Trong toàn thể nội dung, từ chương thứ nhất, Thư nói đến trước hết mầu nhiệm «được giữ kín nơi Thiên Chúa» «từ muôn thuở», như ơn huệ đã tiền định từ thuở đời đời cho con người. «Chúc tụng Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu» (Ep 1,3-6).

2. Cho đến giờ người ta nói về mầu nhiệm được giữ kín «từ muôn thuở» (Ep 3,9).

Những đoạn kế tiếp dẫn độc giả vào thời thực hiện mầu nhiệm ấy trong lịch sử con người : ơn huệ tiền định cho con người «từ muôn thuở» trong Đức Kitô (nay đã) trở nên sự thực cho con người cũng trong chính Đức Kitô : «... trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lành là Đức Kitô» (Ep 1,7-10).

3. Như thế, mầu nhiệm vĩnh cửu chuyển tiếp từ tình trạng «kín ẩn nơi Thiên Chúa» sang hồi mạc khải và thực hiện. Đức Kitô là Đấng mà nơi Người nhân loại «từ muôn thuở» đã được chọn và chúc phúc bằng «mọi phúc lành thiêng liêng» của Chúa Cha. Đức Kitô, theo ý định đời đời của Thiên Chúa, đã được định như là một thủ lãnh mà trong Người «muôn loài trong trời đất sẽ được qui tụ về» trong viễn ảnh cánh chung. Chính Người mạc khải mầu nhiệm vĩnh cửu ấy và thực hiện mầu nhiệm ấy giữa loài người. Do đó tác giả Thư gửi tín hữu Êphêsô, tiếp theo sau đó, khuyên nhủ những ai đã được mạc khải mầu nhiệm này và đã đón nhận trong đức tin, hãy rập khuôn đời mình trong tinh thần của chân lí đã tường. Một cách đặc biệt, ngài cũng khuyên như thế những đôi vợ chồng Kitô hữu.

4. Phần lớn bức Thư ở trong bối cảnh giáo huấn, như là lời dạy bảo của bậc làm cha mẹ. Xem ra tác giả như nói trước hết về những khía cạnh luân lí của ơn gọi Kitô hữu, nhưng đồng thời liên tục tham chiếu đến mầu nhiệm, vốn đã hoạt động trong họ nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô – và sinh hiệu quả đặc biệt nhờ phép Rửa. Sách Thánh viết: «Trong Đức Kitô, cả anh em nữa, anh em đã được nghe lời chân lí là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa» (Ep 1,13). Như thế, các khía cạnh luân lí của ơn gọi Kitô hữu vẫn được kết nối không chỉ với mạc khải mầu nhiệm thần linh vĩnh cửu trong Đức Kitô và đức tin người đón nhận, mà còn với trật tự bí tích, dẫu không được đặt ở hàng đầu trong Thư nhưng hiện diện cách âm thầm kín đáo. Hơn nữa, bởi sự thể không thể khác, là thánh Tông đồ Phaolô viết Thư này cho các Kitô hữu, là những người vốn nhờ phép Rửa họ đã trở nên là thành phần của cộng đoàn Hội Thánh. Từ cái nhìn này, đoạn Thư Êphêsô 5,22-33 được phân tích cho đến hiện giờ, xem ra có một tầm quan trọng đặc biệt. Quả thật, nó đặc biệt soi sáng cho mối tương quan cốt yếu giữa mầu nhiệm với bí tích và cách riêng, soi sáng cho tính bí tích của hôn nhân.

5. Tại trung tâm của mầu nhiệm này là Đức Kitô. Trong Người – chính trong Người – mà tự muôn thuở và mãi mãi nhân loại đã được giáng phúc thi ân «bằng mọi ơn phúc của Thánh Thần». Trong Người – trong Đức Kitô – nhân loại đã được chọn «từ trước cả khi tạo thành vũ trụ», được chọn «nhờ tình thương» của Người và được tiền định làm nghĩa tử. Rồi khi thời gian đến «thời viên mãn», mầu nhiệm vĩnh cửu này được thực hiện trong thời gian, nghĩa là trở thành hiện thực trong Người và nhờ Người; trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ. Nhờ Người và trong Người, mầu nhiệm đó được hoàn tất: trong Người «chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi...» (Ep 1,7). Bằng cách đó, những người mà bởi tin đã đón nhận các ơn huệ được ban cho trong Đức Kitô được tham dự thực sự vào mầu nhiệm vĩnh cửu, mặc dù mầu nhiệm hoạt động trong họ bên dưới bức màn của đức tin. Sự hiến ban những hoa quả siêu nhiên của ơn cứu chuộc bởi Đức Kitô đó, theo Thư gửi Tín hữu Êphêsô 5,22-33, mang tính chất của một sự tự hiến trong hôn nhân của chính Đức Kitô dành cho Hội Thánh, tương tự như quan hệ hôn phối giữa chồng với vợ. Vì thế, không chỉ những hoa quả của cứu chuộc là ơn huệ được ban tặng, mà trên hết đó là chính Đức Kitô. Người tự hiến ban chính mình cho Hội Thánh, như Hiền Thê của Người[1].

6. Chúng ta phải đặt câu hỏi có phải về điểm này loại suy đó không giúp ta thâm nhập sâu hơn và hiểu biết chính xác hơn nội dung cốt yếu của mầu nhiệm hay chăng. Chúng ta càng phải tự hỏi như thế là vì đoạn Thánh kinh «kinh điển» Ep 5,22-33 này xem ra không trừu tượng và tách biệt độc lập, nhưng tiếp nối theo một nghĩa nào đó những lời phát biểu của Cựu ước vốn trình bày Tình thương của Thiên Chúa là Đức Chúa đối với Dân Israel Ngài đã chọn theo cùng một lối loại suy ấy. Trước hết, những bản văn các sách Tiên tri có những diễn tả kiểu loại suy tình yêu phu thê để giới thiệu cách đặc biệt Tình yêu của Đức Chúa dành cho Israel, nhưng từ phía dân được chọn họ lại không đáp lại bằng một tình yêu xứng hợp và cảm thông; nói cho đúng, Thiên Chúa chỉ gặp phải một sự bất trung và bội phản. Sự bất trung và bội phản ấy được diễn tả trước hết qua việc thờ ngẫu thần, sùng bái các thần thánh ngoại lai.

7. Nói cho đúng, đa số các trường hợp đều nêu bật nỗi bi đát của chính sự bội phản và bất trung ấy khi gọi đó là một sự «ngoại tình» của Israel. Tuy nhiên, tất cả những phát biểu này của các Tiên tri về cơ bản đều xác tín minh nhiên rằng tình yêu của Đức Chúa dành cho dân Ngài chọn có thể và phải so sánh với kiểu tình yêu kết hợp giữa vợ với chồng, tức là tình yêu phu thê. Đây là lúc thích hợp để trích dẫn ra nhiều đoạn Thánh kinh như của Isaia, Osea, Êzêkiel (một số đoạn này đã được kể đến trước đây khi phân tích ý niệm «ngoại tình» ở trên nền những lời của Đức Kitô nói trong diễn từ trên núi). Không thể quên được rằng trong di sản của Cựu ước còn có sách Diễm Ca trong đó hình ảnh tình yêu phu thê đã được phác họa, quả đúng như vậy, mà không có điều tương tự tiêu biểu trong các văn bản sách tiên tri, nghĩa là trình bày trong tình yêu ấy hình ảnh của tình yêu Đức Chúa dành cho dân Israel mà không lẫn trong đó yếu tố tiêu cực của «ngoại tình», tức là sự bất trung. Như thế hình ảnh loại suy về hôn phu và hôn thê, phù hợp với hình tượng tác giả Thư gửi Tín hữu Êphêsô dùng để xác định mối quan hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh, đã có một truyền thống phong phú trong các sách Cựu ước. Trong khi phân tích hình ảnh loại suy này nơi bản văn «kinh điển» đoạn Thư Êphêsô, chúng ta không thể không tham khảo truyền thống ấy[2].

8. Để mô tả truyền thống ấy chúng ta sẽ tự giới hạn chỉ trích dẫn một đoạn văn của Isaia. Tiên tri Isaia nói: «Đừng sợ chi : ngươi sẽ không phải xấu hổ; chớ e thẹn : người sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân, và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa. Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?”, Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp [...]. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy» (Is 54,4-7.10).

Trong bài kế tiếp chúng tôi sẽ bắt đầu phân tích bản văn trích dẫn của Isaia này.

Luy Nguyển Anh Tuấn chuyển dịch

 



[1] Cần phải nhấn mạnh sự tự hiến bản thân Đức Kitô cho Hội Thánh. Đó là đối tượng tham chiếu đầu tiên cùa các bí tích – và cũng là của bí tích hôn nhân – là chính Đức Kitô trong tư cách như  Người tự ý hiến dâng bản thân mình. Bí tích không phải là một sự  miễn cưỡng bị giam hãm ở bên trong dấu chỉ.

[2] Phương pháp diễn từ của đức thánh cha là: ghép quan hệ hôn phối vào trong toàn thể nhiệm cuộc cứu độ, và một cách riêng vào trong nhiệm cuộc của mối quan hệ Đức Chúa – Israel được diễn dịch bằng ngôn ngữ phu thê và với một lối chú giải kế hoạch của Thiên Chúa theo lối nói hôn phối.