Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (56,57)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (56,57)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
LVI

NHÂN ĐỨC THANH SẠCH
THỂ HIỆN ĐỜI SỐNG THEO THẦN KHÍ

1. Trong các chương liền trước đây chúng ta đã phân tích hai đoạn văn Kinh thánh từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica (4,3-5) và Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (12,18-25), nhằm cho thấy cái gì có vẻ là cốt yếu trong giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch, hiểu theo nghĩa luân lí, hay xét như một nhân đức. Như ta có thể nhận thấy, nếu trong bản văn trích từ Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica sự thanh sạch hệ tại ở sự tiết độ, thì bản văn này, cũng như trong Thư gửi tín hữu Côrintô, cũng nhấn mạnh đến yếu tố «kính trọng». Qua sự kính trọng thân xác con người ấy (và hơn nữa, theo Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, sự kính trọng ấy gắn liền với nét đoan trang của nó), sự thanh sạch xét như là một nhân đức kitô giáo, trong các thư Phaolô biểu lộ một phương cách hữu hiệu để tách ta khỏi hậu quả của dục vọng xác thịt nổi lên trong tâm hồn. Xa lánh «gian dâm» bao hàm sự làm chủ thân xác trong «thánh thiện và kính trọng» giúp ta hiểu rằng, theo giáo lí của thánh Phaolô Tông đồ, thanh sạch là một «khả năng» (capacità) với trọng tâm dựa trên phẩm giá của thân xác, tức là phẩm giá của ngôi vị vốn gắn liền với thân xác của mình, một thân xác với giới tính là nam hay là nữ hiển lộ ra qua thân xác ấy. Sự thanh sạch, xét như là «khả năng», chính là một cách diễn tả và là hoa quả của «đời sống theo Thần Khí» theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ ấy, nghĩa là nó như là một khả năng mới của con người trong đó có hoa quả ân huệ của Chúa Thánh Thần. Hai chiều kích của đức thanh sạch ấy – chiều kích luân lí , hay nhân đức, và chiều kích đặc sủng, hay ân huệ của Chúa Thánh Thần – đều có mặt và nối kết mật thiết với nhau trong sứ điệp của Phaolô. Điều đó được thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, trong đó ngài gọi thân xác là «đền thờ (là ngôi nhà và là thánh điện) của Chúa Thánh Thần».

2. Sau khi đã dạy dỗ họ cách hết sức nghiêm túc ở phần đầu về những đòi hỏi luân lí của đức thanh sạch, Phaolô chất vấn các tín hữu Côrintô: «Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa» (1Cr 6,19). «Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình» (ibid., 6,18). Phaolô có nêu lên ở đây một điểm lưu ý lạ thường, đó là cái tội ấy khác các tội khác ở chỗ nó «phạm đến (nghịch cùng) thân xác» (trong khi các tội khác ở «ngoài thân xác»). Bởi thế mà trong ngôn ngữ Phaolô dùng ta đã thấy cái lí do tại sao ngài dùng các diễn ngữ như: «những tội của thân xác» hay «những tội lỗi xác thịt». Đó là những tội lỗi trực tiếp nghịch cùng nhân đức mà nhờ đó con người biết làm chủ «bản thân mình để sống trong thánh thiện và trọng kính» (x 1Tx  4,3-5).

3. Những tội lỗi ấy tự chúng «phàm tục hóa» (hay «xúc phạm đến») thân xác: thân xác của người nam hay của người nữ không còn được kính trọng như cần phải được kính trọng bởi phẩm giá ngôi vị của nó. Tuy nhiên, thánh Phaolô đi xa hơn: theo ngài, tội phạm đến thân xác lại là tội «xúc phạm đền thờ». Đối với Phaolô, điều quyết định phẩm giá của thân xác con người không chỉ là tinh thần của con người (nhờ đó con người mới trở nên như là chủ thể ngôi vị), nhưng còn là thực tại siêu nhiên tức là nơi Chúa Thánh Thần cư ngụ và hiện diện liên tục trong con người (trong linh hồn và thân xác con người) như hoa quả của ơn cứu chuộc Đức Kitô đã thực hiện. Như thế, «thân xác» con người từ nay không còn chỉ là «của mình» nữa. Và không chỉ vì đó là một thân xác của ngôi vị mà nó đáng được kính trọng như thế, và sự biểu hiện thái độ kính trọng đó của người nam và người nữ đối với nhau làm nên nhân đức thanh sạch. Khi thánh Phaolô viết: «Thân xác của anh em là Đền Thờ của Thánh Thần, mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19), ngài còn có ý chỉ một nguồn mạch khác của phẩm giá của thân xác, đó là Chúa Thánh Thần, Đấng cũng là nguồn mạch của nghĩa vụ luân lí phát xuất từ phẩm giá ấy.

4. Chính thực tại ơn cứu chuộc, cũng là «sự cứu chuộc thân xác», làm nên nguồn mạch này. Đối với Phaolô, mầu nhiệm đức tin này là một thực tại sống động, hướng trực tiếp đến mỗi con người. Nhờ ơn cứu chuộc, mỗi người như là đã lại nhận được từ Thiên Chúa chính bản thân mình và thân xác mình cách mới mẻ. Đức Kitô đã ghi khắc trong thân xác con người – trong thân xác của mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà – một phẩm giá mới, bởi chính nơi bản thân Người thân xác con người đã được đảm nhận, cùng với linh hồn, trong sự hợp nhất với Ngôi Lời-Chúa Con. Với phẩm giá mới này nhờ thân xác đã được cứu chuộc, đồng thời cũng phát sinh ra một nghĩa vụ mới mà thánh Phaolô đã ghi lại vắn tắt nhưng cũng thật cảm động: «Anh em đã được chuộc lấy với một giá rất đắt» (ibid., 6,20). Quả thật, hoa quả của ơn cứu chuộcThánh Thần cư ngụ trong con người và thân xác con người như trong một đền thờ. Trong Hồng Ân thánh hóa con người ấy, Kitô hữu đón nhận bản thân mình như hồng ân từ Thiên Chúa. Hồng ân mới và lưỡng diện ấy kèm theo nghĩa vụ. Thánh Phaolô Tông đồ đề cập tới nghĩa vụ này khi ngài viết cho các tín hữu, là những người ý thức Hồng ân đó, để thuyết phục họ không được «gian dâm», không được «phạm đến thân xác mình» (ibid., 6,18). Ngài viết: «Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác» (ibid., 6,13). Khó mà diễn tả ngắn gọn hơn nữa mầu nhiệm nhập thể mỗi người tín hữu mang nơi bản thân mình. Bởi thân xác con người trong Đức Giêsu Kitô trở nên thân xác của Thiên-Chúa-làm-Người (Dio-Uomo), nên trong mỗi con người, điều đó đạt đến một tầm cao siêu nhiên mới. Đó là điều mà mỗi Kitô hữu phải quan tâm đến trong lối sống liên hệ đến thân xác «của mình» và, dĩ nhiên cả thân xác của người khác nữa: người nam đối với người nữ cũng như người nữ đối với người nam. Thân xác được cứu chuộc hàm chứa một thước đo mới cho sự thánh thiện thân xác được thiết lập trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Chính «sự thánh thiện» đó Phaolô đã nhắc tới trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica (4,3-5), khi ngài viết «mỗi người hãy biết làm chủ bản thân mình để sống trong thánh thiện và trọng kính».

5. Đàng khác, trong chương 6 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Phaolô xác định chân lí về sự thánh thiện của thân xác khi nói những lời lẽ rất quyết liệt về «sự gian dâm», tức là tội nghịch cùng sự thánh thiện của thân xác, tội ô uế. Ngài viết: «Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người» (1Cr 6,15-17). Nếu theo giáo huấn của thánh Phaolô sự thanh sạch là một phương diện của «đời sống theo Thần Khí», thì điều đó có nghĩa là trong đời sống ấy có trổ sinh hoa trái từ mầu nhiệm thân xác được cứu chuộc, mầu nhiệm ấy như là một thành phần trong mầu nhiệm Đức Kitô, bắt đầu từ nhập thể và qua đó hướng tới mỗi người. Mầu nhiệm này cũng trổ sinh hoa trái là sự thanh sạch, hiểu như một dấn thân riêng trên nền tảng đạo đức học. Chúng ta «đã được chuộc lấy với một giá rất đắt» (1Cr 6,20), là giá ơn cứu chuộc của Đức Kitô, sự kiện đó khiến nảy sinh một sự dấn thân đặc biệt, ấy chính là nghĩa vụ «làm chủ bản thân trong sự thánh thiện và kính trọng». Ý thức thân xác mình được cứu chuộc khiến chúng ta muốn xa tránh «gian dâm», nói đúng hơn, ý thức đó hoạt động nhằm đắc thủ được khả năng hay tài năng thích hợp, gọi là nhân đức thanh sạch.

Giáo huấn từ Thư thứ nhất của thánh Phaolô (6,15-17) về nhân đức thanh sạch của Kitô giáo như là thể hiện của đời sống «theo Thần Khí» thật là sâu sắc và có sức mạnh của một đức tin duy thực siêu nhiên. Chúng ta cần phải trở lại suy tư về đề tài này nhiều lần nữa.
LVII

GIÁO LÍ CỦA THÁNH PHAOLÔ VỀ SỰ THANH SẠCH
NHƯ LÀ «ĐỜI SỐNG THEO THẦN KHÍ»
 
1. Trong chương trước chúng ta đã lưu tâm đến đoạn văn Kinh thánh thuộc Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô trong đó Phaolô gọi thân xác con người là «đền thờ của Chúa Thánh Thần». Ngài viết: «Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em» (1Cr 6,19-20). «Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?» (1Cr 6,15). Thánh Phaolô cho thấy mầu nhiệm «thân xác được cứu chuộc» do Đức Kitô thực hiện như là nguồn mạch của một nghĩa vụ luân lí đặc biệt, thúc bách người Kitô hữu sống thanh sạch, sống điều mà cũng thánh Phaolô ở một chỗ khác đã xác định là đòi hỏi phải «làm chủ bản thân mình trong sự thánh thiện và kính trọng» (1Tx 4,4).

2. Thế nhưng, chúng ta sẽ không khám phá được tận chiều sâu sự phong phú của tư tưởng chứa đựng trong các bản văn của Phaolô, nếu chúng ta không nhận thấy rằng mầu nhiệm cứu chuộc sinh hoa kết quả trong con người còn trên bình diện đặc sủng nữa. Theo lời thánh Phaolô, Thánh Thần là Đấng bước vào trong thân xác con người như bước vào «đền thờ» của mình, cư ngụ tại đó và hoạt động với các ơn huệ thiêng liêng của mình. Theo lịch sử khoa linh đạo, đó là bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần (x. Is 11,2 theo Bản Bảy Mươi và Vulgata), và trong những ơn ấy, ơn gần với đức thanh sạch nhất dường như là ơn «đạo đức» (eusebeía, donum pietatis) [1]. Nếu đức thanh sạch giúp con người sẵn sàng «biết làm chủ bản thân trong sự thánh thiện và kính trọng» như 1Tx 4,3-5 nói, thì lòng đạo đức, là ơn huệ của Chúa Thánh Thần, xem ra phục vụ cách riêng cho đức thanh sạch bằng cách giúp con người chủ thể của ta biết nhạy cảm với phẩm giá của thân xác, một phẩm giá riêng mà thân xác có nhờ mầu nhiệm tạo dựng và cứu chuộc. Nhờ ơn đạo đức, những lời của thánh Phaolô: «Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần sao? Thánh Thần đang ngự trong anh em ... và anh em đâu còn thuộc về mình nữa?» (1Cr 6,19) xuất phát từ một kinh nghiệm có sức thuyết phục và trở nên là một sự thật sống động qua những hành động trải nghiệm. Chúng mở ra một con đường rộng lớn hơn để sống kinh nghiệm về ý nghĩa hôn phối của thân xác và sự tự do trao hiến vốn gắn liền với ý nghĩa ấy, và trong sự tự do ấy tỏ lộ ra dung mạo sâu thẳm của đức thanh sạch và mối liên hệ hữu cơ của nó với tình yêu.

3. Dẫu rằng người ta làm chủ bản thân «trong sự thánh thiện và kính trọng» là nhờ xa tránh «gian dâm» - đó là cách thế cần thiết – nhưng điều đó luôn trổ sinh hoa trái trong kinh nghiệm sâu xa về tình yêu, một tình yêu vốn đã được ghi khắc «từ thuở ban đầu», theo hình ảnh giống như chính Thiên Chúa, trong toàn bản thể con người và cả trong thân xác con người. Do đó, thánh Phaolô kết thúc luận cứ của ngài trong chương 6 Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô bằng một lời khuyên nhủ rất ý nghĩa: «Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em» (c.20). Nhân đức thanh sạch - hay khả năng «làm chủ bản thân trong sự thánh thiện và kính trọng» - kết hợp với ơn đạo đức - là hoa quả của việc Chúa Thánh Thần cư ngụ trong «đền thờ» thân xác - thể hiện nơi thân xác một phẩm giá hoàn hảo trong các mối quan hệ liên vị đến mức chính Thiên Chúa được tôn vinh. Sự thanh sạch là vinh quang của thân xác con người trước mặt Thiên Chúa. Đó là vinh quang của Thiên Chúa trong thân xác con người, thân xác mà qua đó nam tính và nữ tính tỏ lộ. Từ sự thanh sạch hiển lộ một vẻ đẹp đặc biệt thấm sâu vào mọi lãnh vực đời sống chung của con người và từ đó giúp diễn tả sự đơn sơ mà sâu sắc, sự thân ái nhưng chân thành độc đáo của lòng tin cậy lẫn nhau giữa người với người. (Có lẽ về sau sẽ có một dịp khác để bàn về đề tài này rộng hơn. Mối liên hệ của sự thanh sạch với tình yêu và mối liên hệ của sự thanh sạch trong tình yêu ấy với ơn đạo đức vốn là ơn huệ của Chúa Thánh Thần, làm nên một mạng lưới âm thầm trong thần học thân xác nhưng đáng để có một phân tích sâu xa đặc biệt. Điều đó có thể được làm trong quá trình phân tích những gì liên hệ đến tính bí tích của hôn nhân).

4. Giờ đây ta tham chiếu Cựu ước một chút. Giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch hiểu như là «đời sống theo Thần Khí» xem ra tiếp nối cách nào đó với Các sách «khôn ngoan» của Cựu ước. Chẳng hạn như ta gặp ở đấy lời cầu nguyện sau đây xin được thanh sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm: «Lạy Đức Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con... xin chớ để đam mê xác thịt và dâm dật thống trị con, xin đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn» (Hc 23,4-6). Quả thật, sự trong sạch là điều kiện để có được và theo đuổi đức khôn ngoan, như ta đọc thấy cũng trong sách ấy: «Tôi đã hướng lòng về đức khôn ngoan, và khi giữ mình trong sạch, tôi tìm được đức khôn ngoan» (Hc 51,20). Hơn nữa, người ta cũng có thể xem xét như thế nào đó đoạn văn của Sách Khôn ngoan (8,21) mà phụng vụ có cho đọc theo bản dịch Vulgatha: «Scivi quoniam aliter non possum esse continens, nisi Deus det; et hoc ipsum erat sapientiae, scire, cuius esset hoc donum» [2].

Theo quan niệm đó, sự trong sạch không là điều kiện của đức khôn ngoan cho bằng là sự khôn ngoan là điều kiện cho đức trong sạch, như điều kiện cho một ơn huệ đặc biệt của Thiên Chúa. Trong các bản văn minh triết trích dẫn trên đây xem ra như đã phác thảo hai ý nghĩa của sự trong sạch: như là một nhân đức và như là một ơn huệ. Nhân đức thì nhằm phục vụ cho sự khôn ngoan, còn sự khôn ngoan thì sẵn sàng đón nhận ơn huệ đến từ Thiên Chúa. Ơn huệ đó củng cố nhân đức và giúp ta khôn ngoan biết hưởng nếm những hoa trái của một cách ăn ở và một lối sống thanh sạch.

5. Như Đức Kitô trong diễn từ trên núi khi nói về mối phúc thật của những ai «có tâm hồn trong sạch», Người nêu bật hạnh phúc được «hưởng kiến Thiên Chúa», vốn là hoa quả của tâm hồn trong sạch và trong viễn tượng cánh chung. Cũng thế, phần mình thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự chiếu tỏa ánh rạng ngời của nhân đức ấy trong chiều kích thời gian, khi ngài viết: «Mọi sự đều trong sạch với những người trong sạch. Nhưng với những kẻ nhiễm uế và không có đức tin, thì không có gì là trong sạch cả; trái lại trí khôn và lương tâm của họ đã bị nhiễm uế. Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người...» (Tt 1,15tt). Những lời lẽ nãy cũng nói đến sự thanh sạch hàm ý cả theo nghĩa chung cũng như theo nghĩa riêng, như đặc trưng của mọi thiện hảo luân lí. Đối với quan niệm của Phaolô về sự thanh sạch, theo nghĩa của đoạn văn 1Tx 4,3-5 và 1Cr 6,13-20, tức theo nghĩa «đời sống theo Thần Khí», thì nhân học về sự tái sinh trong Thánh Thần (x. thêm Ga 3,5tt) xem ra rất nền tảng. Đó như là kết quả của toàn bộ những nghiên cứu của chúng ta. Nhân học ấy phát triển từ những cội rễ nằm sâu trong thực tại thân xác được cứu chuộc nhờ Đức Kitô. Đó là một sự cứu chuộc mà hiển lộ cuối cùng là sự phục sinh. Có những lí do sâu xa để ta nối kết toàn bộ chủ đề sự thanh sạch với những lời của Tin mừng mà Đức Kitô đã nhắc đến sự phục sinh (và điều đó sẽ là chủ đề của phần sau của nghiên cứu của chúng ta). Chúng ta đã nêu ra điều ấy ở đây trước hết trong mối liên hệ với ethos của sự cứu chuộc thân xác.

6. Cách hiểu và trình bày sự thanh sạch – được kế thừa từ truyền thống Cựu ước và là đặc trưng của các Sách «khôn ngoan» – chắc hẳn là một chuẩn bị gián tiếp nhưng thực tế cho giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch hiểu theo nghĩa như là «đời sống theo Thần Khí». Chắc chắn là cách thức ấy giúp rất nhiều thính giả nghe diễn từ trên núi hiểu dễ dàng hơn những lới của Đức Kitô, khi Người nhắc đến «lòng» người trong khi giải thích giới răn «chớ ngoại tình». Như thế, toàn thể những suy tư của chúng ta đã cho thấy ít là trong mức độ nào đó mộ sự phong phú và sâu sắc nổi bật của giáo lí về sự thanh sạch trong chính nguồn Kinh thánh và Phúc âm của nó.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
---------------------------------
[1] Nói chung eusebeía hay pietas ở trong thời kì Hy-La muốn nói đến việc thờ kính các thần linh (như là «sùng bái»), nhưng vẫn còn giữ ý nghĩa rộng rãi nguyên thủy hơn là sự kính trọng đối với các cơ cấu sự sống.

Eusebía chỉ cách cư xử của những người bà con thân thuộc đối với nhau, những quan hệ giữa vợ chồng, và cả động thái đúng theo thể thức của các binh đoàn đối với Hoàng đế (Cesar) hay của các nô lệ đối với những người chủ.

Trong Tân ước, chỉ những văn bản thời về sau mới dùng eusebeía cho Kitô hữu; trong những văn bản cổ thời hơn từ ngữ ấy chỉ «những lương dân» đạo đức («buoni pagani») (Cv 10,2.7; 17,23).

Như thế, eusebeía thời Hy-La, cũng như «donum pietatis», dẫu chắc chắn có nghĩa là thờ kính thần linh, nhưng cũng còn mang một nghĩa rộng hơn nền tảng hơn trong phạm vi tương quan giữa người với người (x. W. Foerster, mục Eusebeía, trong Theological Dictionary of the New Testament, chủ biên G. Kittel – G. Bromiley, vol. VII, Eerdmans, Grand Rapids 1971, tt. 177-182).

[2] Đoạn văn của bản dịch Vulgatha này, được bản Neo-Vulgatha và phụng vụ giữ lại, và đã được thánh Augustinô trích dẫn nhiều lần (trong De S. Virg., par. 43; Confess. VI,11; X,29; Serm. CLX,7), nó đã thay đổi ý nghĩa của bản gốc tiếng Hi lạp vốn phải dịch như sau: «Tôi hiểu rằng Đức Khôn Ngoan tôi không thể có được, nếu Thiên Chúa chẳng ban cho tôi...».