Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (52,53)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (52,53)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
LII
ĐỐI NGHỊCH GIỮA XÁC THỊT VÀ THẦN KHÍ
VÀ SỰ «CÔNG CHÍNH HÓA» TRONG ĐỨC TIN

1. Lời quả quyết này : «tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt...» (Gl 5,17) có ý nghĩa gì? Câu hỏi này xem ra quan trọng, và thậm chí còn là nền tảng trong bối cảnh chúng ta đang suy tư về sự thanh sạch của tâm hồn, điều mà Phúc Âm nói tới. Tuy nhiên, tác giả Thư gửi các tín hữu Galata mở ra trước mắt chúng ta những chân trời liên quan đến lãnh vực này còn rộng lớn hơn nữa. Trong sự đối nghịch của «xác thịt» với Thần Khí (Thần Khí Thiên Chúa), và của đời sống theo «tính xác thịt» với đời sống «theo Thần Khí» hàm chứa thần học về sự công chính hóa của thánh Phaolô. Thần học này là sự diễn tả của đức tin, tin vào ơn cứu chuộc của Đức Kitô biểu lộ trong thực tại nhân học và đạo đức học, mà trong bối cảnh như ta đã biết thánh Phaolô cũng gọi là «sự cứu chuộc của thân xác». Theo Rm 8,23, «sự cứu chuộc của thân xác» cũng có chiều kích «hoàn vũ» («cosmica» / liên hệ đến toàn thể tạo thành), nhưng có con người ở ngay trung tâm: con người là một ngôi vị hợp nhất giữa thân xác và tinh thần. Và chính trong con người này, trong «tâm hồn» của con người, và như thế trong toàn thể hành vi của nó, ơn cứu chuộc của Chúa Kitô được trổ sinh hoa trái, nhờ sức mạnh của Thần Khí thực hiện sự «công chính hóa», tức là làm cho con người «dồi dào» ơn công chính (như được ghi trong diễn từ trên núi: Mt 5,20), «dồi dào» như chính Thiên Chúa muốn và mong đợi.

2. Điều thật ý nghĩa đó là, khi nói đến những «việc do tính xác thịt» (x. Gl 5,11-21) Phaolô không chỉ nhắc đến «dâm bôn, ô uế, phóng đãng... say sưa, chè chén» – nghĩa là, hiểu cách khách quan, tất cả những gì có tính chất là «tội lỗi xác thịt» và vui thú nhục dục gắn liền với xác thịt – nhưng còn kể ra những tội khác nữa mà ta không thể gán cho đặc tính «xác thịt» và «nhục dục», như là: «thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị...» (Gl 5,20-21). Theo các phạm trù nhân học (và đạo đức học) của chúng ta, ta có xu hướng gọi tất cả «những việc làm» được liệt kê ra ở đây như là những «tội của tinh thần» nhân phàm («peccati dello spirito» umano) hơn là tội của «tính xác thịt» (peccati della «carne»). Chúng ta có thể thoáng thấy nơi chúng những hậu quả thuộc «dục vọng của con mắt» hay của «thói kiêu ngạo» nhiều hơn là những hậu quả của «dục vọng xác thịt». Thế nhưng, Phaolô xác định tất cả chúng như là «những việc do tính xác thịt». Điều đó chỉ có nghĩa trên nền một hậu cảnh ý nghĩa rất rộng (theo một nghĩa hoán dụ nào đó) mà từ ngữ «xác thịt» nhận lấy trong các thư Phaolô. Nó không chỉ đối nghịch mà cũng không đối nghịch nhiều với «tinh thần» nhân phàm cho bằng là với Thần Khí Chúa đang hoạt động trong linh hồn (tinh thần) con người.

3. Thế nên, có một so sánh loại suy rất ý nghĩa giữa cái mà Phaolô định nghĩa như là «những việc do tính xác thịt» và những lời mà Đức Kitô giải thích với các môn đệ về điều mà trước đó Người đã nói với những người Pharisêu về «sự thanh sạch» và «sự ô uế» theo nghi thức (x. Mt 15,2-20). Theo những lời đó của Đức Kitô, thì «sự thanh sạch» đích thật (cũng như sự «ô uế») theo nghĩa luân lí nằm ở nơi «tâm hồn» và xuất phát «từ tâm hồn» con người. Cũng theo nghĩa đó, những «việc ô uế» không những chỉ những «tội ngoại tình» và «tà dâm», nghĩa là những «tội xác thịt» theo nghĩa chặt, nhưng còn là «những ý định gian tà... trộm cắp, làm chứng gian và vu khống». Như chúng ta đã nhận thấy được rằng, Đức Kitô dùng ở đây ý nghĩa chung cũng như ý nghĩa riêng của «sự ô uế» (và như thế gián tiếp Người cũng nói đến ý nghĩa chung và riêng của «sự thanh sạch»). Thánh Phaolô diễn tả cách tương tự: những việc do «tính xác thịt» trong các bản văn của Phaolô được hiểu theo nghĩa chung và cả theo nghĩa riêng. Tất cả mọi tội lỗi đều diễn tả «lối sống theo tính xác thịt», là lối sống nghịch với «đời sống theo Thần Khí». Phù hợp với qui ước ngôn ngữ của chúng ta (và phần nào đã được biện minh), cái được xem như là «tội của tính xác thịt» trong danh mục của Phaolô là một trong những biểu hiện (hay loại) của điều mà ngài gọi «những việc do tính xác thịt», và theo nghĩa này, đó là một trong những dấu hiệu của lối sống «theo tính xác thịt» chứ không «theo Thần Khí».

4. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma: «Vậy thưa anh em, chúng ta đang mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của thân xác (ích kỉ) nơi anh em, thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,12-13). Những lời này lại dẫn chúng ta vào miền những ý nghĩa phong phú và đa dạng mà những từ ngữ «thân xác» và «tinh thần» («thần khí») hiển lộ đối với thánh Phaolô. Tuy nhiên, ý nghĩa sau cùng của lời tuyên bố đó có tính khuyến thiện, và do đó có giá trị đối với nền đạo đức (ethos) của Tin mừng. Khi nói ta cần phải diệt trừ những hành vi thuộc thân xác nhờ Thần Khí trợ giúp, thánh Phaolô diễn tả chính cái điều mà Đức Kitô đã nói trong diễn từ trên núi, khi Người gợi đến tâm hồn (lòng) con người và cổ võ họ làm chủ những đam mê, gồm cả những thèm muốn của người đàn ông lộ ra qua «cái nhìn» hướng về người phụ nữ nhằm thỏa mãn dục vọng xác thịt. Chiến thắng ấy, như thánh Phaolô viết, chính là «diệt trừ những hành vi của thân xác nhờ Thần Khí», là điều kiện cần thiết cho «đời sống theo Thần Khí», nghĩa là một cuộc sống đối nghịch lại với «sự chết» mà văn mạch ấy nói đến. Thật vậy, lối sống «theo tính xác thịt» sinh ra hoa quả là «sự chết», nó đem lại kết quả là «hủy diệt» Thần Khí.

Bởi thế, từ «sự chết» không chỉ có nghĩa là cái chết thân xác, nhưng còn có nghĩa là sự tội mà thần học luân lí gọi tội nguy tử (hay tội trọng). Trong các Thư gửi tín hữu Rôma và Galata vị Tông đồ mở rộng liên tục chân trời của «tội-chết», cả về phía «khởi nguồn» của lịch sử con người cũng như về phía cùng đích của nó. Và do đó, sau khi kể ra nhiều thứ «việc làm của tính xác thịt», vị thánh Tông đồ khẳng định rằng «kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa» (Gl 5,21). Chỗ khác ngài cũng viết với xác quyết tương tự: «Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa» (Ep 5,5). Cả trong trường hợp này, những việc làm loại ta khỏi «thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa» – tức là những «việc làm của tính xác thịt» – được kể ra như để làm ví dụ và có giá trị chung, mặc dù những tội nghịch cùng đức «trong sạch» theo nghĩa hẹp được đặt ở hàng đầu (x. Ep 5,3-7).

5. Để hoàn tất bức tranh mô tả sự đối kháng giữa «thân xác» và «hoa quả của Thần Khí» ta cần nêu lên nhận xét này là, trong tất cả những gì là biểu hiện của đời sống và cách ứng xử theo Thần Khí, thánh Phaolô cũng đồng thời nhìn thấy đó là biểu hiện của sự tự do mà Đức Kitô «đem lại cho ta trong ơn giải thoát» (Gl 5,1). Ngài đã viết chính xác như sau: «Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức bác ái mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,13-14). Như chúng tôi đã nói trước đây, sự đối kháng giữa «xác» và «Thần», giữa đời sống «theo tính xác thịt» và đời sống «theo Thần Khí», thấm sâu vào toàn thể giáo lí thánh Phaolô về ơn công chính hóa. Với một sức thuyết phục đặc biệt, vị Tông đồ các dân ngoại tuyên bố ơn công chính hóa con người được thực hiện trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Con người được nên công chính trong «đức tin hành động nhờ đức ái» (Gl 5,6), chứ không chỉ nhờ tuân giữ từng điều của Luật Cựu ước (nhất là điều luật về cắt bì). Thế nên ơn công chính hóa đến «từ Thần Khí» (Thiên Chúa) chứ không đến từ «xác thịt». Bởi thế, ngài khuyến cáo các tín hữu thuộc các giáo đoàn nhận thư của ngài hãy giải thoát mình khỏi quan niệm sai lầm, bởi «tính xác thịt», về ơn công chính hóa, để theo quan niệm đích thật xuất phát từ «Thần Khí». Theo nghĩa đó, ngài khuyên các tín hữu giữ mình tự do đối với Lề Luật, và hơn nữa, đó phải là sự tự do mà do chính Đức Kitô Đấng «giải thoát chúng ta» mang lại.
 
Như vậy, theo tư tưởng của vị thánh Tông đồ, chúng ta cần phải xem và nhất là thực hiện đức trong sạch theo Tin mừng, tức là trong sạch trong tâm hồn, theo tầm vóc của sự tự do mà Đức Kitô «Đấng giải thoát chúng ta» mang lại.
 
LIII

ĐỜI SỐNG THEO THẦN KHÍ
ĐƯỢC XÂY DỰNG TRONG SỰ TỰ DO ĐÍCH THẬT
 
1. Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Galata: «Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức bác ái mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,13-14). Trong chương trước chúng ta đã dừng lại ở tuyên bố này; nhưng giờ đây chúng ta xem lại và liên kết với lập luận chính yếu của suy tư của chúng ta.

Cho dẫu đoạn Kinh thánh trích dẫn trên đây liên hệ trước hết tới chủ đề ơn công chính hóa, nhưng ở đây Thánh Phaolô hướng đến việc giải thích chiều kích đạo đức của sự đối kháng giữa «thân xác-tinh thần», nghĩa là giữa lối sống theo tính xác thịt và lối sống theo Thần Khí. Đúng hơn, chính ở đây ngài đụng đến điểm cốt yếu vì đã gần như là tỏ lộ cái cội rễ nhân học của ethos trong Tin mừng. Thật vậy, nếu như «toàn thể Lề luật» (luật luân lí của Cựu ước) «được nên trọn» trong giới răn bác ái, thì chiều kích của nền đạo đức (ethos) mới củaTin mừng không gì khác hơn là một lời kêu gọi hướng đến sự tự do của con người, một lời kêu gọi thực hiện sự tự do đầy đủ hơn và, theo nghĩa nào đó, vận dụng đầy đủ hơn tiềm năng tinh thần của con người.

2. Xem ra như là Thánh Phaolô chỉ đặt đối kháng sự tự do với Lề Luật và Lề Luật với sự tự do.Tuy nhiên, phân tích bản văn sâu hơn ta thấy Thánh Phaolô trong Thư Galata nhấn mạnh trước hết đến sự qui phục về mặt đạo đức của sự tự do đối với yếu tố mà nhờ đó toàn thể Lề Luật được nên trọn, nghĩa là tình yêu, tức nội dung của giới răn trọng nhất của Tin mừng. «Đức Kitô đã giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do», đúng theo nghĩa Người đã tỏ lộ cho chúng ta sự tự do về mặt đạo đức (và thần học) phải lệ thuộc đức ái và đã liên kết sự tự do với giới răn yêu thương. Như vậy, chúng ta hiểu ơn gọi để hưởng tự do («Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do»: Gl 5,13) có nghĩa là xây dựng nền đạo đức (ethos) thể hiện «đời sống theo Thần Khí». Thực ra cũng có một mối nguy bởi hiểu sai lầm sự tự do, và thánh Phaolô đã chỉ rõ sai lầm ấy như ngài đã viết trong cùng văn mạch đó: «Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức bác ái mà phục vụ lẫn nhau» (ibid.).

3. Nói cách khác, Phaolô nhắc nhở chúng ta tránh xa khả năng có thể sử dụng tự do cách xấu xa, một lối sử dụng tự do đi ngược lại với sự giải thoát tinh thần con người mà Đức Kitô đã thực hiện và mâu thuẫn với sự tự do mà «Đức Kitô, Đấng đã giải thoát chúng ta» mang lại. Quả thật, Đức Kitô đã thực hiện và tỏ lộ một sự tự do chỉ tròn đầy trong tình thương yêu bác ái, một sự tự do mà bởi đó chúng ta «phục vụ lẫn nhau»; nói cách khác, đó là sự tự do nên như nguồn mạch cho các «việc làm» mới và cho «đời sống» theo Thần Khí. Phản đề của sự do này, nghĩa là ta chối từ nó, khi nào tự do trở thành «duyên cớ cho con người sống theo tính xác thịt». Tự do khi ấy thành một cội nguồn của những «việc làm» và «đời sống» theo tính xác thịt. Nó không còn là sự tự do đích thực mà vì đó «Đức Kitô đã giải thoát chúng ta» và đã trở thành «một duyên cớ để con người sống theo tính xác thịt», thành cội nguồn (hay khí cụ) cho một cái «ách» riêng của thói kiêu căng, của dục vọng của con mắt và của dục vọng của tính xác thịt. Như thế người nào mà sống «theo tính xác thịt», nghĩa là nô lệ cho – dẫu họ không hoàn toàn ý thức, nhưng có thực sự – dục vọng với ba mặt của nó, và nhất là dục vọng xác thịt, thì sẽ không còn tự do đó nữa, tự do mà vì đó «Đức Kitô đã giải thoát chúng ta»; người ấy cũng không còn thích hợp để làm quà tặng đích thực là bản thân mình. Hơn nữa, người ấy không còn khả năng hiến thân, là khả năng vốn kết nối hữu cơ với ý nghĩa hôn phối của thân xác con người, điều mà chúng ta đã bàn đến trong những phân tích sách Sáng thế trước đây (x. St 2,23-25).

4. Như vậy, giáo lí của thánh Phaolô về sự thanh sạch phản âm diễn từ trên núi cách trung thành và đích thực, cho ta một cái nhìn về sự «thanh sạch của tâm hồn» theo Tin mừng trong viễn tượng rộng lớn hơn của Kitô giáo, và nhất là cho phép ta liên kết sự thanh sạch của tâm hồn với tình bác ái, là cái làm cho toàn thể «lề luật được nên trọn». Cũng như Đức Kitô, Phaolô có biết đến ý nghĩa lưỡng diện của «sự thanh sạch»/«sự ô uế» : một nghĩa tổng quát và một nghĩa đặc thù. Theo nghĩa tổng quát, tất cả những gì là tốt về mặt luân lí thì «thanh sạch», ngược lại tất cả những gì là xấu về luân lí thì «ô uế». Những lời của Đức Kitô trích dẫn trên đây theo Mt 15,18-20 xác nhận điều đó cách rõ ràng. Những lời của thánh Phaolô nói về những «việc làm của tính xác thịt» đối nghịch với «hoa quả của Thần Khí» là cơ sở để có một cách hiểu tương tự về vấn đề này. Phaolô để những gì là xấu xa về luân lí giữa những «việc làm của tính xác thịt», còn mọi thứ tốt đẹp về luân lí lại được nối kết với đời sống «theo Thần Khí». Như thế, một trong những biểu hiện của đời sống «theo Thần Khí» chính là cách ứng xử phù hợp với một nhân đức, mà thánh Phaolô như xác định cách gián tiếp hơn trong Thư gửi tín hữu Galata, và nói cách trực tiếp trong Thư gửi tín hữu Têxalônica.

5. Trong những đoạn Thư Galata mà chúng ta đã phân tích chi tiết trước đây, thánh Phaolô tông đồ đã kể ra ở hàng đầu trong số «những việc làm của tính xác thịt», là: «dâm bôn, ô uế, phóng đãng». Thế nhưng, sau đó, khi đối kháng «hoa quả của Thần Khí» với những việc làm này, ngài đã không trực tiếp nói đến «sự thanh sạch», mà chỉ gọi tên một nhân đức: «tiết độ», enkráteia. Sự «tiết độ» (hay tự chủ) này có thể được nhận ra như là một nhân đức liên hệ đến sự tiết chế thuộc phạm vi các dục vọng giác quan, nhất là về dục tính. Như thế, nó đối nghịch với «dâm bôn, ô uế, phóng đãng», và cả với «say sưa», «chè chén». Thế nên, người ta có thể cho rằng cái «tiết độ» của Phaolô được hàm chứa trong từ ngữ «tiết chế» (continenza) hay «điều độ» (temperanza), tương ứng với từ temperantia trong tiếng Latinh. Như thế, ta gặp thấy một hệ thống các nhân đức nổi danh mà Thần học về sau, nhất là Kinh viện, theo một nghĩa nào đó đã mượn từ Đạo đức học của Aristốt. Tuy nhiên, chắc chắn Phaolô không dùng hệ thống này trong bản văn của ngài. Bởi lẽ, «sự thanh sạch» phải được hiểu là một lối sống chính đáng trong lãnh vực tính dục tùy theo bậc sống của mỗi người (chứ không nhất thiết cứ phải là một sự chế dục tuyệt đối), đang khi đó chắc chằn trong cách hiểu của Phaolô, chữ «thanh sạch» ấy có nghĩa là biết «tiết chế» hay enkráteia. Do đó, trong bối cảnh các bản văn của Phaolô chúng ta chỉ thấy đề cập đến sự thanh sạch cách chung chung và gián tiếp thôi, cụ thể như, đối lại với «những việc của tính xác thịt» như «dâm bôn, ô uế, phóng đãng» tác giả kể ra «hoa quả của Thần Khí», tức là những việc làm mới qua đó «đời sống theo Thần Khí» bộc lộ ra. Người ta cũng có thể suy ra rằng một trong những việc làm mới này là «thanh sạch» (la purezza): nghĩa là, cái đối nghịch với «ô uế» (l’impurità), và với «dâm bôn» và «phóng đãng».

6. Nhưng trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica, Phaolô đã viết cách rõ ràng không mơ hồ về luận cứ này rồi. Chúng ta đọc thấy: «Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ [1] để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa» (1Tx 4,3-5). Dẫu rằng cũng trong văn mạch này chúng ta liên hệ đến ý nghĩa tổng quát của chữ «thanh sạch», trong trường hợp ở đây được đồng nhất với sự «nên thánh» (vì «ô uế» được coi như là phản đề của sự «nên thánh»), nhưng toàn thể văn mạch chỉ cho thấy cách rõ ràng người ta muốn nói về «sự thanh sạch» hay «ô uế» nào, nghĩa là, điều mà ở đây Phaolô gọi là sự «ô uế» là cái gì, và sự «thanh sạch» góp phần như thế nào cho sự «nên thánh» của con người.

Do đó, trong những suy tư kế tiếp chúng ta sẽ lấy lại đoạn văn của Thư Thứ nhất gửi tín hữu Têxalônica mà ta mới trích dẫn.

Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
------------------------------------
[1] nguyên ngữ tiếng Hy lạp là tò heautoû skeûos có nghĩa là thân xác mình, mà cũng có thể hiểu là người vợ mình (x. 1Pr 3,7), chúng ta không đi vào tranh luận chuyên môn chú giải ở đây.