Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (50,51)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (50,51)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
L

TRUYỀN THỐNG CỰU ƯỚC
VÀ Ý NGHĨA MỚI CỦA «SỰ TRONG SẠCH»
 
1. Những lời Đức Kitô tuyên bố trong diễn từ trên núi mà hiện giờ chúng ta đang suy niệm cần được hiểu trọn vẹn hơn nhờ một phân tích nữa về sự trong sạch. Đức Kitô khi giải thích ý nghĩa đúng đắn của giới răn «chớ ngoại tình» Người đã nhắc đến con người nội tâm, như thế đồng thời Người cũng đã xác định chiều kích nền tảng về sự trong sạch, là điều mà các tương quan nam-nữ trong và ngoài hôn nhân phải được ghi dấu. «Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28), những lời này diễn tả những điều nghịch lại cùng đức trong sạch. Đồng thời những lời này đòi hỏi phải có tâm hồn trong sạch mà lời loan báo các mối phúc thật trong diễn từ trên núi nói đến: «Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa» (Mt 5,8). Như thế hướng về tâm hồn con người Đức Kitô mà kêu gọi: Người mời gọi chứ không kết án lòng con người như chúng ta đã làm sáng tỏ trước đây.

2. Đức Kitô nhìn thấu lòng con người, thấy sâu tận tâm can con người cái nguồn mạch của sự thanh khiết – và cả cái vẩn đục về mặt luân lí – nhìn thấy ý nghĩa nền tảng và chung nhất của lời. Điều đó được xác nhận, ví dụ như, từ câu trả lời của Người nói với những người Pharisêu, họ bị vấp ngã bởi các môn đệ của Người «vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa» (Mt 15,2). Bấy giờ Chúa Giêsu nói với những người ở đó: «Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế» (Mt 15,11). Trả lời cho thắc mắc của Phêrô, Người đã giải thích cho các môn đệ bằng những lời như thế này: «... những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế. Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế ; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế» (x. Mt 15, 18-20; và Mc 7,20-23).

Khi ta nói cái gì đó «trong sạch» hay «tinh khiết», theo nghĩa đầu tiên hết của từ ngữ này, là chúng ta muốn nói cái ấy đối nghịch với cái dơ bẩn hay ô nhiễm. «Vấy bẩn» có nghĩa là «làm cho bẩn», «làm ô uế». Điều đó liên hệ đến những lãnh vực khác nhau của thế giới vật thể. Chẳng hạn như, khi người ta nói một «con đướng dơ bẩn», hay một «căn phòng bẩn thỉu», mà người ta cũng nói «không khí ô nhiễm». Và như thế, cả khi nói về con người, con người có thể là «dơ dáy» khi cơ thể mình chưa được tắm rửa. Để tẩy rửa đất bụi bám vào người, ta cần tắm rửa thân thể. Trong truyền thống Cựu ước việc thanh tẩy theo nghi thức có một tầm quan trọng đặc biệt, ví dụ như, việc rửa tay trước khi ăn, như đoạn văn trích dẫn trên đây nói tới. Có rất nhiều giới luật chi tiết liên quan đến việc tẩy rửa thân xác liên hệ tới sự ô uế bởi dục tình hiểu chỉ theo nghĩa sinh lí học, chúng ta đã nhắc đến trước đây (x. Lv 15). Theo tình trạng hiểu biết về y khoa thời bấy giờ, những thanh tẩy ấy có thể tương ứng với các chỉ dẫn về vệ sinh. Xét như những chỉ thị ấy được đặt ra nhân danh Thiên Chúa và được ghi trong Sách Thánh Luật Cựu ước, thì việc giữ các chỉ thị ấy cách gián tiếp có một ý nghĩa tôn giáo; chúng là những thanh tẩy theo nghi thức và trong đời sống của con người thuộc Giao ước cũ, chúng phục vụ cho sự «thanh sạch» theo nghi thức.

3. Liên hệ tới truyền thống pháp lí-tôn giáo của Cựu ước nói trên có một lối hiểu sai lầm về sự thanh sạch luân lí [1]. Sự thanh sạch luân lí thường được hiểu chỉ ở mặt bên ngoài và có tính «vật thể». Dù sao đi nữa, xu hướng minh nhiên hiểu như thế cũng phổ biến. Đức Kitô triệt để chống lại lối hiểu đó, Người nói không có gì «từ bên ngoài» vào lại làm con người ra ô uế, sự vấy bẩn trên bề mặt «vật chất» không hề làm cho con người ta ra bẩn thỉu theo nghĩa tinh thần (luân lí), hay bề trong. Mọi sự tẩy rửa, kể cả tẩy rửa theo nghi thức, cũng tự nó không có khả năng làm cho tinh thần nên thanh sạch. Sự thanh sạch luân lí có nguồn mạch duy nhất của nó từ bên trong con người : nó xuất phát từ tâm hồn. Có lẽ những chỉ thị riêng của Cựu ước (những chỉ thị, ví dụ như, trong Lv 15,16-24; 18,1 tt; hoặc 12,1-5) ngoài mục đích vệ sinh, cũng còn nhằm gán một chiều kích nội giới nào đó cho xác thân và tính dục trong nhân vị. Dẫu sao đi nữa, Đức Kitô rất thận trọng với việc kết nối sự thanh sạch theo nghĩa luân lí (đạo đức) với sinh lí học và với những hoạt động sinh dục liên hệ. Nhờ lời Chúa từ đoạn Mt 15,18-20 trích dẫn trên đây mà ta biết rằng những sự «dơ bẩn» này kia liên quan đến sinh hoạt tình dục, theo nghĩa thuần cơ thể học, sinh vật- sinh lí học, tự chúng không xác định tính chất sạch hay dơ theo nghĩa luân lí (đạo đức).

4. Lời tuyên bố trên đây (Mt 15,18-20) là hết sức quan trọng nhất là về mặt ngữ nghĩa. Khi nói đến sự thanh sạch theo nghĩa luân lí, tức là nói đến nhân đức trong sạch, chúng ta đã sử dụng một loại suy (analogia), theo đó sự xấu luân lí được sánh với chính sự dơ bẩn. Hẳn là kiểu loại suy đó (sự so sánh tương tự), từ thời rất xa xưa, đã có mặt trong các khái niệm đạo đức học. Đức Kitô đã dùng và xác nhận lối loại suy đó hết kích cỡ của nó: «những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế». Ở đây Đức Kitô nói về mọi sự xấu luân lí, về mọi thứ tội lỗi, nghĩa là vi phạm các thứ giới răn, và Người kể ra, nào là «những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống», không giới hạn vào một thứ tội đặc biệt nào. Như thế, ý niệm «trong sạch» và «dơ bẩn» theo nghĩa luân lí trước hết là một ý niệm tổng quát, chứ không đặc thù. Bởi thế, mọi thiện ích (điều tốt) luân lí đều là biểu hiện sự thanh sạch, và mọi ác hại (điều xấu) luân lí là biểu hiện của ô uế. Lời tuyên bố Mt 15,18-20 không rút gọn sự thanh sạch chỉ trong một phạm trù luân lí duy nhất, nghĩa là không chỉ liên hệ đến giới răn «chớ ngoại tình» và «chớ thèm muốn vợ người đồng loại ngươi», tức là chỉ trong lãnh vực tương quan giữa đàn ông và đàn bà quan hệ đến thân xác và dục vọng xác thịt. Tương tự như thế, chúng ta cũng có thể hiểu mối phúc thật của diễn từ trên núi hướng tới những người có «lòng trong sạch», cả theo nghĩa chung và theo nghĩa riêng biệt. Chỉ tùy theo văn mạch mà ta gặp ý nghĩa đó mới có thể được giới hạn và xác định.

5. Ý nghĩa rộng hơn và tổng quát hơn của sự thanh sạch cũng có ở trong các thư của thánh Pholô, trong đó chúng ta sẽ dần dần xác định các ngữ cảnh minh nhiên thu hẹp ý nghĩa của sự thanh sạch vào lãnh vực «thân xác» và «tính dục». Tức là ý nghĩa mà chúng ta có thể nhặt lấy từ những lời Đức Kitô loan báo trong diễn từ trên núi về dục vọng, vốn được bộc lộ trong «cái nhìn người phụ nữ» và được qui là «tội ngoại tình trong lòng» (x. Mt 5,27-28).

Thánh Phaolô không phải là tác giả của những lời nói về ba thứ dục vọng. Như ta biết, những lới ấy ở trong Thư Thứ nhất của Gioan. Nhưng người ta có thể nói rằng, tương tự như trong Gioan, có nhắc đến sự đối kháng trong nội tâm con người giữa Thiên Chúa và thế gian (cái xuất phát «từ Chúa Cha» và cái đến «từ thế gian») – sự đối kháng phát sinh từ tâm hồn và đi vào hành động con người như là «dục vọng của con mắt, dục vọng của tính xác thịt và thói cậy mình có của» – thánh Phaolô thì lại nêu lên một sự mâu thuẫn khác ở trong con người Kitô hữu, đó là: sự đối nghịch và đồng thời cũng là sự căng thẳng giữa «xác thịt» và «Thần Khí» (viết hoa, có nghĩa là Chúa Thánh Thần). «Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt; đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,16-17). Từ đó, đời sống «theo tính xác thịt» thì nghịch lại cùng đời sống «theo Thần Khí». «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí» (Rm 8,5).

Trong những phân tích kế tiếp chúng tôi sẽ tìm cách chứng mình rằng sự thanh sạch – tức là trong sạch trong tâm hồn, điều mà Đức Kitô đã nói tới trong diễn từ trên núi – được thực hiện chính trong đời sống «theo Thần Khí».
 
----------------------------------
[1] Bên cạnh một hệ thống phức hợp các chỉ thị liên hệ đến sự thanh sạch theo nghi thức, và cũng trên cơ sở đó mà giải quyết các nố (i.e., từng trường hợp được phân loại chi tiết) luật pháp, trong Cựu ước còn có khái niệm sự thanh sạch luân lí, được truyền lại qua hai trào lưu.

Các Tiên tri đòi hỏi một lối sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, Đấng mà người ta tin làm xoay chuyển lòng dạ con người, khiến họ biết vâng phục tự bên trong và sống hoàn toàn ngay thẳng trước mặt Ngài (x. ví dụ, Is 1,10-20; Gr 4,14; 24,7; Ed 36,25 tt.). Thánh vịnh gia cũng đòi hỏi một thái độ tương tự: «Ai được lên núi Chúa?... / Đó là kẻ tay sạch lòng thanh... / Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành» (Tv 24/23,3-5).

Theo truyền thống Tư tế, con người vốn biết sâu sắc thân phận tội lỗi của mình và tự sức mình không có khả năng thanh tẩy, nên cầu khẩn Thiên Chúa để xin Ngài biến đổi con tim mình vì biết rằng đó chỉ có thể là công trình do tay Ngài sáng tạo: «Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, ... / xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết... / một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê » (Tv 51/50,12.9.19).

Cả hai trào lưu này của Cựu ước gặp nhau trong mối phúc của «những ai có tâm hồn trong sạch» (Mt 5,8), dù rằng những lời lẽ diễn tả mối phúc có vẻ gần gũi hơn Thánh vịnh 24 (x. Dupont, Les béatitudes, vol. III: Les Evangélistes, Gabalda, Paris 1973, ttr. 603-604).
 
LI

LỐI SỐNG THEO TÍNH XÁC THỊT
VÀ SỰ CÔNG CHÍNH HÓA TRONG ĐỨC KITÔ
 
1. «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt». Hôm nay chúng tôi muốn đào sâu những lời này của thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galata (5,17), đó là lời mà tuần trước chúng ta đã kết thúc suy tư của mình về đề tài ý nghĩa đúng đắn của sự thanh sạch. Phaolô biết sự căng thẳng trong nơi sâu thẳm của con người, nói chính xác là, trong chính «tâm hồn» con người. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thân xác (vật thể) và tinh thần (linh hồn), như hai thành tố nhân học khác hẳn nhau và tạo nên chính yếu tính của con người tự «thuở ban đầu». Nhưng còn phải biết là, trong con người có một xu hướng mạnh mẽ hình thành nên cùng với tội nguyên tổ, là điều mà con người «lịch sử» ai cũng dự phần. Trong cái xu hướng ở nơi thâm sâu con người ấy, thân xác đối nghịch lại với tinh thần và dễ thống trị tinh thần [1]. Nhưng ngôn ngữ của Phaolô còn muốn nói ý nghĩa gì đó xa hơn nữa: ở đây uy thế thống trị của «tính xác thịt» gần như đồng nhất với cái mà theo lối nói của Gioan, là ba thứ dục vọng «xuất phát từ thế gian». Theo ngôn ngữ của các thư thánh Phaolô [2], «xác thịt» không chỉ ám chỉ con người «bề ngoài», nhưng còn muốn nói con người mà «lòng» đã qui thuận theo «thế gian» [3], theo nghĩa nào đó con người ấy sống khép kín trong những giá trị chỉ thuộc về thế gian và nhằm tới những mục đích thế gian vốn có sức khống chế người đó: đó chính là những giá trị rất nhạy cảm đối với con người «xác thịt». Như thế ngôn ngữ của Phaolô có vẻ như gắn kết với nội dung cốt yếu của Gioan, và ngôn ngữ của cả hai vị biểu lộ điều mà đạo đức học và nhân học hiện nay nói qua các từ ngữ khác nhau, ví dụ như : «quyền tự chủ tuyệt đối của con người» («autarchia umanistica»), «chủ nghĩa duy thế tục» («secolarismo») hoặc, với một nghĩa tổng quát, «chủ nghĩa duy khoái lạc» («sensualismo»). Con người sống «theo tính xác thịt» là con người sống với một tâm thái chỉ hướng về những sự xuất phát «từ thế gian». Đó là con người của «cảm giác», con người lê thuộc ba thứ dục vọng. Những hành động của người ấy xác nhận điều đó, như chúng ta sắp nói tới chút nữa đây.

2. Con người ấy sống gần như ở cực ngược lại với những gì «Thần Khí muốn». Thần Khí Thiên Chúa ước muốn một thực tại khác với điều tính xác thịt ước muốn, khát khao một điều khác với tính xác thịt thèm khát, và điều này đã có mặt trong lòng con người rồi, ngay tại nguồn mạch nội tâm của những khát vọng và những hành vi của con người, «khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17).

Phaolô diễn tả điều này một cách còn rõ ràng hơn, khi ngài viết ở một chỗ khác về điều xấu ngài không muốn mà lại làm, và không thể - hay đúng hơn, có thể nhưng rất giới hạn – làm điều tốt mà ngài «muốn» (Rm 7,19). Không đi vào những vấn đề chú giải chuyên môn của bản văn này, nhưng người ta có thể nói rằng sự căng thẳng giữa «tính xác thịt» và «thần khí» trước tiên là thuộc nội giới, cho dẫu nó không bị giản lược chỉ ở mức đó. Nó biểu lộ trong tâm hồn con người «cuộc chiến đấu» giữa thiện và ác. Nỗi đam mê, mà Đức Kitô nói tới trong diễn từ trên núi (x. Mt 5,27-28), dẫu là một hành vi «nội giới», hẳn vẫn là một biểu hiện của lối sống «theo tính xác thịt» (nói theo ngôn ngữ của Phaolô). Đồng thời, nỗi đam mê ấy cho ta thấy trong nội tâm của ta lối sống «theo tính xác thịt» đối nghịch lại với lối sống «theo Thần Khí» như thế nào, và đời sống theo Thần Khí, trong tình trạng hiện tại của con người với tội lỗi di truyền, thường xuyên bị cám dỗ thỏa hiệp với sự yếu đuối ra sao, và nó còn cho thấy rằng đời sống theo tính xác thịt (điều mà con người vốn hay nhượng bộ) là không đủ, nếu nó không được củng cố để làm chính điều mà «Thần Khí ước muốn». Từ đó chúng ta có thể rút ra điều này là, những lời của thánh Phaolô (nói về lối sống «theo Thần Khí» và lối sống «theo tính xác thịt») vừa là một tổng hợp vừa là một chương trình; và cần phải được hiểu trong chìa khóa này.

3. Chúng ta cũng thấy sự đối lập giữa lối sống «theo tính xác thịt» và lối sống «theo Thần Khí» trong Thư gửi các tín hữu Rôma. Ở đây (cũng như ở trong Thư gửi tín hữu Galata) sự đối lập ấy cũng được đặt trong bối cảnh của học thuyết thánh Phaolô về sự công chính hóa nhờ đức tin, tức là nhờ quyền năng của chính Đức Kitô hoạt động trong thâm sâu cõi lòng con người nhờ Chúa Thánh Thần. Trong bối cảnh đó Phaolô đưa sự đối lập ấy đến những hệ quả cực điểm của nó khi ngài viết: «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được. Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa. Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dẫu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính» (Rm 8,5-10).

4. Người ta thấy rõ những chân trời mà Phaolô vạch ra trong bản văn này: ngài lên tận «nguyên khởi» - nghĩa là, lên tận tội nguyên thủy là nguồn gốc của đời sống «theo tính xác thịt» và đã tạo ra trong con người cái di sản là khuynh hướng chỉ biết sống lối sống như thế, cùng với gia sản sự chết. Đồng thời Phaolô hướng về chiến thắng cuối cùng trên tội lỗi và sự chết, mà sự phục sinh của Đức Kitô là dấu chỉ và là lời tiên báo: «Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác phải chết của anh em được sự sống mới» (Rm 8,11). Và trong viễn ảnh cánh chung này, thánh Phaolô nhấn mạnh sự «công chính hóa trong Đức Kitô, điều vốn đã được định trước rồi cho con người “lịch sử”», cho mọi người «hôm qua, hôm nay và ngày mai» trong lịch sử thế giới và cả trong lịch sử cứu độ: một sự công chính hóa vốn thiết yếu đối với con người nội tâm và nhằm cho chính «tâm hồn», tâm hồn mà Đức Kitô đã nại đến khi Người nói về sự «thanh sạch» và «ô uế» theo nghĩa luân lí. Sự «công chính hóa» bởi đức tin không đơn giản chỉ là một chiều kích của kế hoạch Thiên Chúa cứu độ và thánh hóa con người, nhưng là một sức mạnh đích thật hoạt động trong con người và được mạc khải cũng như xác định trong hành động của con người.

5. Và đây, ta lại nghe những lời từ Thư gửi tín hữu Galata: «Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy...» (5,19-21). «Còn hoa quả của Thần Khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ...» (5,22-23). Trong giáo lí của thánh Phaolô, lối sống theo «tính xác thịt» thì đi ngược lại lối sống «theo Thần Khí» không chỉ ở bên trong con người, trong «tâm hồn» con người, mà, như ta sẽ thấy, còn thể hiện ra cả một không gian bao la và đa dạng trong việc làm. Một mặt, thánh Phaolô nói về những «việc làm» phát sinh từ «tính xác thịt» - có thể nói, những việc làm qua đó bộc lộ con người sống «theo tính xác thịt» - và mặt khác, ngài nói về «hoa quả của Thần Khí», tức là những hành động [4], những hành vi ứng xử trong cuộc sống, các nhân đức, qua đó bộc lộ con người «sống theo Thần Khí». Trường hợp thứ nhất liên hệ đến con người đang rơi vào trong sự kiềm tỏa của ba thứ dục vọng mà thánh Gioan nói chúng xuất phát «từ thế gian», đang khi đó, trong trường hợp thứ hai ta gặp lại điều mà trước đây chúng ta đã gọi là nền đạo đức (ethos) của sự cứu chuộc. Chỉ bây giờ ta mới có thể làm sáng tỏ được cách đầy đủ bản chất và cấu trúc của nền đạo đức ấy. Nó được diễn tả và khẳng định trong con người, trong mọi «việc làm», trong hành động và hành vi ứng xử của họ, nhờ hoa quả của sự tự chủ đối với ba thứ dục vọng: dục vọng của con mắt, của tính xác thịt, và của thói kiêu căng (tất cả những gì mà lòng người có thể bị «lên án» cách chính đáng và những gì mà người ta có thể ngờ vực con người cũng như «nội tâm» con người).

6. Nếu sự tự chủ trong phạm trù đạo đức được hiển lộ và thể hiện ra qua «bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ» - như Thư Galata đã viết – thì đàng sau mỗi một thể hiện này, mỗi hành vi ứng xử này, mỗi nhân đức luân lí này là một chọn lựa riêng, nghĩa là một cố gắng của ý chí, là hoa quả của lòng trí con người được thấm nhuần bởi Thần Khí Thiên Chúa, biểu hiện ra qua chọn lựa điều thiện. Khi nói với ngôn ngữ của thánh Phaolô: «Thần Khí ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt» (Gl 5,17) và trong những «ước muốn» này con người cho thấy mình có những ước muốn mạnh hơn «tính xác thịt» và những ước muốn phát sinh từ các thứ dục vọng. Trong cuộc chiến đấu giữa thiện và ác này, con người cho thấy mình mạnh mẽ hơn đó là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong tâm hồn con người để làm cho những ước muốn của họ sinh hoa kết quả tốt đẹp. Bởi thế, những cái đó không chỉ là và không hẳn là «những việc làm» của con người, cho bằng là «hoa quả của “Thần Khí”» (viết Hoa).

Không đi sâu vào các cấu trúc của nội giới con người nhờ những phân biệt tinh tế mà thần học hệ thống cung cấp cho ta (nhất là kể từ thánh Tôma Aquinô), nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ trình bày tổng hợp giáo thuyết Kinh thánh, để hiểu những gì cần yếu và đủ về sự khác biệt và đối lập giữa «tính xác thịt» và «Thần Khí».

Chúng ta đã thấy rằng giữa những hoa quả của Thần Khí thánh Phaolô Tông đồ cũng nêu ra sự «tiết độ» (hay tự chủ). Không được quên điều đó, vì trong những suy tư về sau chúng ta sẽ trở lại đề tài này để bàn thảo cách chi tiết hơn.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch
 
-----------------------------------
[1] «Như những người Hy lạp, Phaolô không bao giờ đồng nhất “xác thịt tội lỗi” (sinful flesh) với thân xác thể lí (physical body)...

Như thế, đối với Phaolô, xác thịt (flesh) không được đồng nhất với giới tính hay với thân xác thể lí. Nó gần gũi hơn với tư tưởng của người Do thái (Hebrew) dùng để chỉ một con người thể lí (ngã vị trong một thân xác) – bản ngã (self) bao gồm những yếu tố thể lí và tâm lí, như là phương thế hiện diện với cuộc sống bên ngoài và là cấp thấp hơn của kinh nghiệm.

Xác thịt (flesh), hay nói đúng hơn, con người xác thịt là con người trong thân phận phàm nhân của mình với những giới hạn, yếu đuối về mặt tinh thần, dễ bị tổn thương, là một thụ tạo mỏng dòn, và phải chết...

Con người mỏng manh cả đối với sự xấu (Ác thần) cũng như đối với Thiên Chúa; con người là một chuyên xa (vehicle), một kênh máng, một gia trang, mọt đền thờ, một chiến trường (thánh Phaolô dùng mỗi ẩn ngữ) giữa cái thiện và cái ác.

Mỗi người phải chọn lựa cái gì (hoặc Ai) chiếm ngự, cư ngụ và là chủ nhân mình – là tội lỗi, sự ác, thần dữ đang hoạt động trong con cái bất tuân, hay là Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần, đức tin, ân sủng.

Khả năng chọn lựa như thế làm lộ rõ mặt kia của quan niệm của thánh Phaolô về bản tính con người, tâm thứctâm linh con người» (R.E.O. White, Biblical Ethics, Paternoster Press, Exeter 1979, ttr. 135-138).

[2] Ý nghĩa của từ Hy lạp sarx («xác thịt») trong các thư của thánh Phaolô phụ thuộc vào ngữ cảnh của bức thư. Ví dụ trong thư gửi tín hữu Galata người ta có thể xác định ít nhất hai ý nghĩa khác nhau của chữ sarx.

Viết thư cho các tín hữu Galata, thánh Phaolô đã đấu tranh với hai mối nguy hiểm đang đe dọa cộng đoàn Kitô hữu trẻ trung.

Một đàng, những người Kitô hữu trở lại từ Do thái giáo có ý thuyết phục những người trở lại từ ngoại giáo phải chấp nhận cắt bì, vốn là một điều bắt buộc trong Do thái giáo. Phaolô quở trách họ vì như thế là đã «kiêu hãnh về phần xác thịt», tức là, đặt niềm hy vọng trở lại trong sự cắt bì xác thịt. «Xác thịt» trong ngữ cảnh này (Gl 3,1-5,12; 6,12-18) có nghĩa là «cắt bì», như là tượng trưng một sự lệ thuộc mới vào lề luật Do thái giáo.

Mối nguy hiểm thứ hai trong Hội thánh Galata trẻ trung đến từ ảnh hưởng của phái «Thánh Linh», là những kẻ hiểu công trình của Chúa Thánh Thần như là sự thần hóa con người hơn là quyền năng tác động theo nghĩa đạo đức. Điều đó dẫn họ đến chỗ xem nhẹ các nguyên tắc luân lí. Khi viết cho họ thánh Phaolô gọi là «tính xác thịt» tất cả những gì thúc đẩy con người đến gần đối tượng của dục vọng và nuôi sống nó bằng một lời hứa hấp dẫn về một đời sống sung mãn bên ngoài (x. Gl 5,13 – 6,10).

Bởi thế, con người xác thịt (sarx) thì «kiêu hãnh» vì Lề Luật cũng như vì sự vi phạm Lề Luật, và cả hai trường hợp đều hứa hẹn điều chúng không thể giữ.

Phaolô phân biệt rõ ràng đối tượng của hành động và con người xác thịt (sarx). Trung tâm của sự quyết định không phải là nơi «tính xác thịt»: «Anh em hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa» (Gl 5,16).

Con người rơi vào tình cảnh nô lệ cho tính xác thịt khi qui phục «tính xác thịt» và lời nó hứa hẹn (theo nghĩa của «Lề Luật» hay vi phạm lề luật). X. F. Mussner, Der Galaterbrief, Herders Theolog. Kommentar zum NT, IX, Herder, Freiburg 1974, tr. 367; R. Jewett, Paul’s Anthropological Terms, A Study of Their Use in Conflict Settings, Arbeiten zur Geschichte des antiken Judentums und des Urchristentums X, Brill, Leiden 1971, ttr. 95-106.

[3] Trong các thư của ngài, thánh Phaolô nhấn mạnh cái kịch tính của những gì được giải quyết theo lối thế gian. Bởi vì con người do tội lỗi mình đã bỏ quên Thiên Chúa, «bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo những đam mê của lòng họ hướng về những điều ô uế» (Rm 1,24), từ đó mà có mọi thứ vô trật tự về luân lí đạo đức làm biến dạng cả đời sống tính dục (ibid., 1,24-27) lẫn những sinh hoạt đời sống xã hội và kinh tế (ibid., 1,29-32) và thậm chí cả về văn hóa nữa. Thật vậy, «họ biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy» (ibid., 1,32).

Bởi một người mà tội lỗi đã đi vào thế gian (ibid., 5,12), «tên ác thần của thế gian này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy Tin mừng vinh quang rạng rỡ của Đức Kitô» (2Cr  4,4); và bởi thế «từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lí» (Rm 1,18).

Bởi thế, «muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người... và vẫn nuôi hy vọng có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (ibid., 8,19-21), và để được tự do đó mà «Đức Kitô đã giải thoát chúng ta» (Gl 5,1).

Ý niệm «thế gian» trong thánh Gioan có những ý nghĩa khác nhau: trong Thư Thứ Nhất của ngài, thế gian là nơi bộc lộ của ba thứ dục vọng (1Ga 2,15-16) và ở đó các tiên tri giả và các đối thủ của Đức Kitô tìm cách dụ dỗ những tín hữu; nhưng các Kitô hữu chiến thắng thế gian nhờ đức tin của họ (ibid., 5,4); thật vậy, thế gian đã xế bóng cùng với các dục vọng của nó, và ai thực thi ý muốn của Thiên Chúa sẽ sống đời đời (x. ibid., 2,17).

(X. P. Grelot, Monde, in Dictionnaire de Spiritualité, Ascétique et mystique, doctrine et histoire, Beauchesne, tập 68-69, ttr. 1628 tt. Xem thêm: J. Mateos – J. Barreto, Vocabulario teologico del Evangelio de Juan, Edic. Cristiandad, Madrid 1980, ttr. 211-215).

[4] Các nhà chú giải cho thấy rằng, dẫu đôi khi đối với thánh Phaolô ý niệm «hoa quả» cũng được áp dụng cho các «việc làm của tính xác thịt» (vd. Rm 6,21; 7,5), nhưng «hoa quả của Thần Khí» không bao giờ được gọi là những «việc làm» (opera).

Thật vậy, đối với Phaolô, «những việc làm» là hành động riêng của con người (hay những gì mà Israel đặt niềm trông cậy phó thác) đáp trả trước mặt Thiên Chúa.

Phaolô cũng tránh dùng từ «đức hạnh», aretè; từ này chỉ thấy xuất hiện một lần duy nhất theo nghĩa chung nhất trong đoạn Pl 4,8. Trong thế giới Hy lạp, từ này mang một ý nghĩa quá qui nhân (antropocentrico); nhất là những người phái Khắc Kỷ đã nhấn mạnh sự độc lập tuyệt đối của con người (autarchia) khi chủ trương sống đức hạnh.

Trái lại, từ ngữ «hoa quả của Thần Khí» lại nhấn mạnh hành động của Thiên Chúa trong con người. «Hoa quả» này tăng trưởng ở trong họ như là tặng phẩm của một đời sống mà Tác Giả duy nhất là Thiên Chúa. Còn con người cùng lắm có thể góp phần tạo ra những hoàn cảnh thích ứng thuận lợi, hầu hoa quả được sinh ra và chín muồi.

Hoa quả của Thần Khí, khi nói ở dạng thức số ít, một cách nào đó tương ứng với «sự công chính» của Cựu ước hàm nghĩa cả một cuộc sống phù hợp với thánh ý Chúa; và cũng tương ứng cách nào đó với «đức hạnh» của phái Khắc Kỷ, không thể tách rời với cái kia. Ta thấy điều đó chẳng hạn như trong Ep 5,9.11:

«Kết quả của ánh sáng là tất cả những gì lương thiện, công chính và chân thật... Anh em đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối».

Tuy nhiên, «hoa quả» của Thần Khí thì khác với «sự công chính» và cũng khác với «đức hạnh», bởi vì (trong mọi biểu hiện phong phú của nó mà ta có thể thấy trong các danh mục những nhân đức) nó hàm ẩn một hiệu quả của hành động của Thần Khí, vốn là nền tảng và sự thể hiện của đời sống Kitô hữu.

(X. H. Schlier, Der Brief an die Galater, Meyer’s Kommentar, Vandenhoeck-Ruprecht, Göttingen 19715 ttr. 255-264; O. Bauernfeind, Aretè, in Theological Dictionary of the New Testament, ed. G. Kittel G. Bromley, vol. 1, Eerdmans, Grand Rapids 19789, tr. 460: W. Tatarkiewicz, Historia Filozofii, t. 1. PWN, Warszawa 1970, tr.121; E. Kamlah, Die Form der katalogischen Paränese im Neuen Testament, Wissenschaftliche Untersuchungen zum Neuen Testament, 7, Mhr, Tübingen 1964, tr. 14).