Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (46,47)

Thần học thân xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (46,47)

 

Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” 

THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II
 
XLVI
SỨC MẠNH NGUYÊN THỦY CỦA TẠO DỰNG
PHẢI TRỞ THÀNH SỨC MẠNH CỨU CHUỘC CHO CON NGƯỜI

1. Đã bấy lâu nay chúng ta suy tư trong phần hai này xoay quanh tâm điểm là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô trong diễn từ trên núi: «Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo: ai nhìn một người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi» (Mt 5,27-28). Vừa qua, chúng ta cũng đã làm sáng tỏ rằng những lời trên đây không thể được hiểu cũng như giải thích theo hướng Manikê. Dẫu sao, những lời ấy cũng không kết án thân xác và tính dục, nhưng chỉ hàm chứa một nhắc nhở phải vượt thắng dục vọng trong ba mặt của nó, nhất là dục vọng xác thịt. Lời nhắc nhở ấy xuất phát từ chính sự khẳng định phẩm giá ngôi vị của thân xác và tính dục, và chỉ chứng thực mạnh mẽ hơn sự khẳng định ấy mà thôi.

Xác định rõ sự diễn tả đó, hay là, chỉ rõ ý nghĩa đích thật của những lời diễn từ trên núi, những lời mà Đức Kitô đã viện đến tâm hồn con người (x. Mt 5,27-28), là điều quan trọng, không chỉ vì những «tập quán cố hữu» có nguồn gốc từ khuynh hướng Manikê đã ăn sâu trong cách nghĩ cũng như cách đánh giá các sự việc, nhưng còn vì một số quan điểm cận đại giải thích ý nghĩa về con người và về luân lí nữa. Ricoeur đã coi Freud, Marx, và Nietzche như là những «vị thầy về sự hoài nghi» [1] («maîtres du soupçon»), khi nhớ đến toàn thể những hệ tư tưởng của từng tác giả này, và có lẽ nhất là khi biết đến cái nền tảng ẩn bên dưới và khuynh hướng của mỗi tác giả đã hiểu và lí giải chính bản tính con người (humanum).

Có lẽ cần nhắc đến một chút nền tảng này và khuynh hướng này. Cần phải làm điều đó để khám phá thấy rằng một đàng có điểm gặp gỡ chung rất ý nghĩa, và đàng khác cũng có sự khác biệt căn bản với khoa giải nghĩa (ermeneutica), vốn phát xuất từ nguồn mạch Kinh thánh mà chúng ta cố gắng diễn tả trong các phân tích của mình. Vậy, đâu là điểm gặp gỡ? Các nhà tư tưởng được nhắc đến trên đây đã và đang ảnh hưởng trên suy tư và đánh giá của con người thời đại, xem ra trong bản chất họ cũng phán xét và lên án «lòng» người. Hơn nữa dường như họ phán xét và lên án tâm hồn con người bởi điều mà trong ngôn ngữ Thánh kinh (đặc biệt là Gioan) gọi là dục vọng, dục vọng với ba mặt riêng của nó.

2. Ở đây, ta có thể phân phối cách nào đó từng phương diện cho từng xu hướng tư tưởng. Trong khoa giải nghĩa của Nietzche, sự phán xét và kết án tâm hồn con người một cách nào đó tương ứng với cái mà trong ngôn ngữ Thánh kinh gọi là sự «kiêu hãnh về của cải»; trong khoa giải nghĩa của Marxít, tương ứng với cái gọi là «dục vọng của con mắt»; trong khoa giải nghĩa của Freud, tương ứng với cái gọi là «dục vọng của xác thịt». Điểm gặp gỡ của những quan điểm này với khoa giải nghĩa dựa trên nền tảng Kinh thánh nằm ở chỗ khi khám phá ra dục vọng trên ba mặt của nó trong tâm hồn con người, cả chúng ta lẽ ra cũng phải đặt nghi vấn cõi lòng ấy không ngừng. Thế nhưng, Kinh thánh không để chúng ta dừng lại ở đây. Những lời của Đức Kitô theo Mt 5,27-28 biểu lộ toàn thể thực tại ham muốn và dục vọng, nhưng không chấp nhận dục vọng ấy như là tiêu chuẩn tuyệt đối của nhân học và đạo đức học, hay đúng hơn không chấp nhận nó như là chính điểm cốt lõi của khoa giải nghĩa về con người. Trong Kinh thánh, dục vọng trong ba mặt của nó không phải là tiêu chuẩn nền tảng và càng không phải là tiêu chuẩn duy nhất và tuyệt đối của nhân học và đạo đức học, dẫu rằng đó hẳn là một hệ số quan trọng để hiểu con người, hiểu các hành động của con người giá trị luân lí của chúng.

3. Nếu muốn đạt được một giải thích đầy đủ về những lời của Đức Kitô về con người có cái «nhìn dục vọng» (x. Mt 5,27-28), chúng ta không thể bằng lòng với bất kì một quan niệm nào về «dục vọng», cả khi chúng ta có thể biết được đầy đủ chân lí «tâm lí học»; nhưng phải tham chiếu đến Thư Thứ nhất của Gioan 2,15-16 và «thần học về dục vọng» ẩn chứa trong đó. Con người kẻ «nhìn (...) mà thèm muốn» thật ra là con người của dục vọng ba mặt, là con người của dục vọng xác thịt. Do đó, con người «có thể» nhìn với cái nhìn đó và phải ý thức rằng nếu phó mặc cái nhìn bên trong này cho bản năng tự nhiên tự tung hoành, con người không thể tránh khỏi bị dục vọng xác thịt chi phối. Trong đoạn Tin mừng Mt 5,27-28 Đức Kitô cũng nói đến điều ấy và nhắc nhở ta phải lưu ý. Những lời của Người không những nói đến hành vi «dục vọng» cụ thể, mà cách gián tiếp còn nói đến «con người của dục vọng».

4. Mặc dù có điểm gặp nhau giữa những gì diễn từ trên núi nói về cái tâm của con người [2] với những gì khoa giải nghĩa (ermeneutica) của các «vị thầy về sự hoài nghi» đã diễn tả, tại sao không thể coi những lời của diễn từ trên núi ấy như là cơ sở cho khoa giải nghĩa nói trên hay cho một điều gì đó tương tự? Và tại sao những lời ấy diễn tả, tạo nên một nền đạo đức (ethos) hoàn toàn khác (không những khác với thuyết Manikê mà còn khác với thuyết của Freud) ? Tôi nghĩ rằng tất cả những phân tích và suy tư đã làm cho đến nay đã trả lời cho câu hỏi này. Một cách vắn tắt, có thể nói rằng những lời của Đức Kitô theo Mt 5,27-28 không có ý dẫn ta đến chỗ kết án và không ngừng nghi ngờ tâm hồn con người, nhưng chúng phải được hiểu và giải thích trên hết như là lời nhắc nhở hướng đến tâm hồn con người. Điều đó rút ra từ chính bản tính của nền đạo đức (ethos) của ơn cứu chuộc. Trên nền tảng của mầu nhiệm này, điều mà thánh Phaolô (Rm 8,23) định nghĩa là «sự cứu chuộc thân xác», trên nền tảng của cái thực tại gọi là «ơn cứu chuộc», và cũng từ đó, trên nền tảng của nền đạo đức (ethos) của ơn cứu chuộc thân xác, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở sự kết án cái tâm (địa) con người với lí do là nó thèm khát và chất chứa dục vọng xác thịt. Con người không thể dừng lại ở việc cứ liên tục ngờ vực «tâm hồn» không ngừng vì cớ nó biểu lộ dục vọng xác thịt và dục tình (libido) (đây vốn là điểm nhấn của một trong những nhà phân tâm học qua sự phân tích vô thức [3]). Ơn cứu chuộc là một chân lí, là một thực tại, mà nhân danh điều đó con người phải cảm thấy mình được gọi, và «được gọi thực sự». Con người phải ý thức tiếng gọi ấy còn nhờ những lời của Đức Kitô theo Mt 5,27-28, những lời được đọc lại trong bối cảnh đầy đủ của mạc khải thân xác. Con người phải cảm thấy mình được gọi để tái khám phá, đúng hơn, là để thực hiện ý nghĩa hôn phối của thân xác và diễn tả sự tự do nội tâm của dâng hiến, nghĩa là tình trạng và là sức mạnh tinh thần (hay tâm linh) không bị dục vọng xác thịt thống trị.

5. Con người được Tin mừng, nghĩa là từ «bên ngoài», gọi mời hướng đến điều đó, nhưng đồng thời cũng được gọi mời từ «bên trong». Đức Kitô trong diễn từ trên núi nhắc tới «tâm hồn», và những lời Người nói, theo nghĩa nào đó, dẫn đưa người nghe tới tiếng gọi nội tâm ấy. Nếu người ấy chịu nghe theo những gì lời ấy hoạt động trong mình cũng sẽ đồng thời có thể nghe được trong thâm tâm mình điều gì như thể tiếng vọng của cái «thuở ban đầu», cái «thuở ban đầu» tốt đẹp mà một lần Đức Kitô đã nói đến để nhắc nhở người nghe : con người – tức là người đàn ông, người đàn bà – là ai, và người này đối với người kia là ai trong công trình tạo dựng. Những lời của Đức Kitô tuyên bố trong diễn từ trên núi không phải là một lời nhắc nhở tan loãng vào thinh không. Những lời ấy không hướng tới kẻ còn mãi lặn ngập hoàn toàn trong dục vọng xác thịt, không có khả năng tìm được một hình thức khác của tương giao trong lãnh vực hấp dẫn miên trường này, là cái vốn luôn đi cùng lịch sử của người nam và người nữ, kể từ «thuở ban đầu». Những lời của Đức Kitô làm chứng rằng sức mạnh nguyên thủy (và cả ân sủng nữa) của mầu nhiệm tạo thành trở nên,đối với mỗi người nam cũng như nữ, sức mạnh (nghĩa là ân sủng) của mầu nhiệm cứu chuộc. Điều này liên hệ đến chính «bản tính» tự nhiên, là chính tầng nền của nhân tính của ngôi vị, liên quan đến các xung năng sâu xa nhất của «tâm hồn». Con người (với dục vọng) không cảm thấy một nhu cầu sâu xa phải gìn giữ phẩm giá của các mối tương quan được biểu lộ qua thân xác nhờ giới tính nam và nữ của mình hay sao? Con người không cảm thấy cần phải thấm nhuần các tương quan đó bằng tất cả những gì là cao sang và đẹp đẽ hay sao? Con người không cảm thấy cần phải dành cho chúng cái giá trị cao nhất là tình yêu sao?

6. Đọc lại lời mời gọi này, lời mời gọi vốn hàm ẩn trong lời của Đức Kitô trong diễn từ trên núi, ta thấy nó không thể tách rời khỏi bối cảnh cụ thể của cuộc sống. Lời mời gọi ấy luôn luôn có nghĩa (nhưng chỉ trong chiều kích của hành vi ta đang nói đến) là khám phá lại ý nghĩa của toàn thể hiện hữu, ý nghĩa của cuộc sống (trong đó bao hàm ý nghĩa của thân xác) mà ở đây ta gọi là «hôn phối». Ý nghĩa của thân xác theo nghĩa nào đó là phản đề (antitesi) của libido của Freud. Ý nghĩa của cuộc sống là phản đề của khoa giải nghĩa «hoài nghi». Kiểu giải nghĩa đó thật khác xa với khoa giải nghĩa mà chúng ta khám phá lại trong lời của Đức Kitô trong diễn từ trên núi. Những lời ấy không những mở ra một nền đạo đức (ethos) khác, mà còn mạc khải một viễn tượng khác các khả thể của con người. Trong chính tâm hồn mình con người không chỉ cảm thấy phải bị kết án và làm mồi cho thú dục vọng xác thịt, nhưng đồng thời còn cảm thấy mình được kêu gọi rất mạnh mẽ. Được gọi hướng tới sống chính giá trị cao đẹp nhất là tình yêu. Được gọi trong tư cách một ngôi vị trong sự thật của nhân tính mình, và cũng là trong sự thật của giới tính là nam và là nữ của mình, trong sự thật của thân xác mình. Được gọi trong sự thật vốn là di sản của cái «thuở ban đầu», di sản của tâm hồn, còn sâu hơn cả tội lỗi nguyên tổ di truyền, sâu hơn cả cái dục vọng với ba mặt của nó. Những lời của Đức Kitô được đặt trong bối cảnh của toàn thể thực tại tạo thành và cứu chuộc, đã tái hiện lại di sản sâu xa nhất và thông ban cho nó một sức mạnh thực sự trong cuộc sống con người.

-----------------------------------
[1] «Triết gia được đào luyện từ trường phái Descartes biết rằng các sự vật đều đáng ngờ, bản chất của chúng không như chúng lộ hiện. Thế nhưng người ấy không nghi ngờ ý thức xuất hiện trước chính mình chân thực.... Kể từ thời Marx, Nietzche và Freud chúng ta hoài nghi điều ấy. Sau khi hoài nghi về sự vật, chúng ta đã bắt đầu hoài nghi về ý thức của mình.
Thế nhưng ba bậc thầy về sự hoài nghi này không phải là ba bậc thầy của thuyết hoài nghi (scepticisme); họ chắc chắn là ba “kẻ phá hoại” [...].
Sau họ, hiểu (la compréhension) đã trở thành một lối giải nghĩa (herméneutique): tìm kiếm ý nghĩa, từ nay, đó không còn có nghĩa là ý thức vế ý nghĩa, nhưng là giải mã (déchiffrer)các diễn ngữ. Thế nên, điều ta phải đương đầu không phải chỉ là ba kiểu hoài nghi, nhưng là ba thủ đoạn [...].
Người ta đồng thời cũng khám phá một nét giống nhau sâu xa hơn giữa Marx, Freud và Nietzche. Tất cả ba người khởi đầu bằng một nghi ngờ liên hệ tới những ảo tưởng của ý thức và tiếp nối bằng trò giải mã...» (P. Ricoeur, Le conflit des interprétations, Seuil, Paris 1969, pp. 149-150).
[2] Cũng nên xem thêm Mt 5,19-20.
[3] Xem thí dụ của Freud với khẳng định tiêu biểu trong cọng trình cuối cùng: «Den Kern unseres Wesens bildet also das dunkel Es, das nicht direkt mit der Auβenwelt verkehrt und auch unserer Kenntnis nur durch die Vermittlung einer anderen Instanz zugänglich wird. In diesem Es wirken die organischen Triebe, selbst auch Mischungen von zwei Urkräften (Eros und Destruktion) in wechselnden Ausmaβen zusammengesetzt und durch ihre Beziehung zu Organen oder Organsystemen voneinander differenziert.
Das einzige Streben dieser Triebe ist nach Befriedigung, die von bestimmten Veränderungen an den Organen mit Hilfe von Objekten der Auβenwelt erwartet wird» (S. Freud, Abriβ der Psychoanalyse. Das Unbehagen der Kultur, Fischer, Frankfurt/M. – Hamburg 19554, pp. 74-75).
Thế nên, cái «cốt tủy» hay «tâm hồn» của con người có lẽ bị thống trị bởi sự kết hợp giữa bản năng dục tình và bản năng hủy diệt, và sống chính là thỏa mãn chúng.
 

 

XLVII

 

«ÁI TÌNH / EROS» VÀ «ĐẠO ĐỨC / ETHOS» GẶP NHAU VÀ
SINH HOA KẾT QUẢ TRONG TÂM HỒN CON NGƯỜI
1. Trong suốt dòng suy tư về lời tuyên bố của Đức Kitô trong diễn từ trên núi, trong đó khi liên hệ tới giới răn «chớ ngoại tình» Người đã ví «dục vọng» («cái nhìn dục vọng») với sự «ngoại tình trong lòng», chúng ta đã cố trả lời câu hỏi: những lời ấy chỉ kết án «tâm địa» con người hay trước hết đó là một lời mời gọi hướng tới cõi lòng? Một tiếng gọi được hiểu là mang tính đạo đức. Một tiếng gọi quan trọng và cốt yếu đối với chính nền đạo đức (ethos) của Tin mừng. Chúng ta đã trả lời rằng những lời nói trên trước hết là một tiếng gọi.

Đồng thời, chúng ta đã cố đưa suy tư tiếp cận những «lộ trình» đi xuyên qua tâm thức của con người thời đại. Trong Phần Một trước đây, chúng ta đã có lần nhắc đến «eros» (ái tình). Từ Hy lạp này, từ lãnh vực thần thoại đã được đưa vào triết học, rồi đi vào ngôn ngữ văn chương và sau cùng vào ngôn ngữ nói, xa lạ đến độ phản nghĩa với từ ngữ «ethos» và nó không được ngôn ngữ Kinh thánh biết đến. Nếu trong những phân tích hiện nay về các bản văn Kinh thánh chúng ta có dùng hạn từ «ethos», mà Bản dịch Bảy Mươi và Tân ước biết đến, thì chúng ta làm thế bởi ý nghĩa chung của từ ấy trong triết học và thần học, với nội dung bao hàm các lãnh vực phức hợp giữa thiện và ác, lệ thuộc vào ý muốn con người và qui phục các lề luật của lương tâm và tính mẫn cảm của «tâm hồn» con người. Ngoài việc là tên riêng của một nhân vật thần thoại, «eros» trong các văn phẩm của Platon còn có một ý nghĩa triết học [1] xem ra khác với ý nghĩa chung và cũng khác với ý nghĩa thường được gán cho nó trong văn chương. Dĩ nhiên, chúng ta phải xem xét tại đây cái thang bậc các ý nghĩa khác biệt nhau rất tinh tế, liên quan đến hoặc là nhân vật thần thoại, hoặc là nội dung triết học, hoặc nhất là quan điểm «xác thân» hay «dục tình». Xét thấy có nhiều ý nghĩa rộng rãi như thế, chúng ta nên chăng cũng lượng giá những gì liên hệ tới «ái tình/eros» [2] và được cho là «dâm ô/erotico», với những cách thức khác nhau như vậy.

2. Theo Platon, «eros» đại diện cho sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người, lôi kéo con người hướng đến tất cả những gì là thật, tốt và đẹp (chân, thiện, mỹ). Sự «lôi cuốn» này trong trường hợp đó cho thấy sức mãnh liệt của một hành động chủ quan của tinh thần con người. Ngược lại, theo ý nghĩa thông thường – cũng như trong văn chương – «sự lôi cuốn» này dường như trước hết có bản chất nhục dục. Nó khêu gợi cả hai người, đàn ông và đàn bà, hướng về nhau, đến gần nhau, giao hợp thân xác, điều mà St 2,24 nói tới.

Vấn đề ở đây là trả lời cho câu hỏi liệu «eros» có hàm chứa cùng ý nghĩa như trong bản tường thuật Kinh thánh (nhất là trong St 2,23-25) hay không, trong đó xác nhận chắc chắn sự lôi cuốn lẫn nhau và ơn gọi vĩnh cửu của con người – nhờ giới tính khác biệt của nam và nữ - hướng tới nên «một xương một thịt», đồng thời cũng phải thể hiện sự hiệp nhất-hiệp thông các ngôi vị. Và chính nhờ sự giải thích «eros» này (và cùng với mối quan hệ của nó với ethos) mà cách hiểu của chúng ta về «dục vọng» (concupiscenza), như diễn từ trên núi nói tới, cũng có được tầm quan trọng nền tảng.

3. Dường như trong ngôn ngữ chung người ta thường xét đến trước hết ý nghĩa «tâm lí học» của «dục vọng» như chúng ta đã định nghĩa trước đây, và cũng có thể gọi là ý nghĩa «tình dục học». Chúng tự giới hạn trong những tiền đề của chú giải theo lối chủ nghĩa duy tự nhiên, mang xu hướng nặng tính xác thể («somatica») và nhục dục (sensualistica) của dục tình con người. (Vấn đề ở đây dẫu sao cũng không phải là làm giảm thiểu giá trị của những nghiên cứu khoa học trong lãnh vực này, nhưng muốn lưu ý coi chừng mối nguy hiểm của chủ trương giản lược thực tại toàn thể vào chỉ một khía cạnh (riduttivismo) và loại trừ mọi khía cạnh khác được cho là thứ yếu (esclusivismo). Mà, theo nghĩa tâm lí học và tình dục học, thì dục vọng (concupiscenza) chỉ cái hướng chiều mãnh liệt nơi chủ thể hướng đến đối tượng bởi đặc tính nhục cảm của nó (giá trị nhục cảm). Sở dĩ hướng chiều đó nơi chủ thể mãnh liệt là vì sự «lôi cuốn» đặc thù ấy trải rộng tầm thống trị của nó trên cả lãnh vực cảm xúc của con người và liên hệ tới «thân xác» của họ (thể xác của người đàn ông và của người đàn bà). Trong diễn từ trên núi, khi chúng ta nghe nói về «dục vọng» của con người đang nhìn «người đàn bà mà thèm muốn», những lời này – hiểu theo nghĩa tâm lí học (tình dục học) – liên hệ đến lãnh vực những hiện tượng mà trong ngôn ngữ thông thường được định loại là «dâm ô» («erotico»). Trong giới hạn của lời tuyên bố Mt 5,27-28 vấn đề chỉ là hành vi nội tâm, trong khi tính chất «dâm ô» trên hết được dùng để chỉ những cung cách hành động và cư xử đối với nhau giữa người đàn ông và người đàn bà, là những hiển lộ bên ngoài của chính các hành vi thấp hèn đó. Tuy nhiên, có vẻ chắc chắn – là khi lí luận như thế – ta phải coi «dâm ô» («erotico») gần như tương đương với những gì «phát sinh ra từ nỗi thèm muốn» (và phục vụ cho việc thỏa mãn chính dục vọng xác thịt). Nếu quả là như thế, thì những lời của Đức Kitô theo Mt 5,27-28 có lẽ sẽ diễn tả một phán xét tiêu cực đối với những gì là «dâm ô» và, đồng thời là một lời cảnh cáo nghiêm khắc chống lại «eros» hướng đến tâm hồn con người.

4. Tuy nhiên, chúng ta đã nói rằng từ «eros» có nhiều biến thái ngữ nghĩa. Do đó, muốn xác định mối tương quan của lời tuyên bố của diễn từ trên núi (Mt 5,27-28) với lãnh vực rộng lớn những hiện tượng gọi là «dâm ô» (tức là, những hành vi và thái độ của người nam và người nữ đối với nhau nhờ đó họ đến gần nhau và kết hợp với nhau mật thiết nên «một xương một thịt» (x. St 2,24)), ta cần phải xem xét nhiều biến thái ngữ nghĩa khác nhau của «eros». Có thể là trong phạm vi của khái niệm «eros» – khi xét tới ý nghĩa của nó theo Platon – có chỗ cho ethos, cho các nội dung về đạo đức học và cách gián tiếp cả thần học nữa; những nội dung này, trong quá trình phân tích của chúng ta, đã được nêu lên qua lời mời gọi của Đức Kitô hướng đến «tâm hồn» con người trong diễn từ trên núi. Biết những biến thái ngữ nghĩa của «eros» và biết những gì mà, trong kinh nghiệm và những mô tả đa dạng về con người, trong các miền địa dư và văn hóa khác nhau qua các thời đại, được định nghĩa là «khiêu dâm» (erotico), cũng có thể giúp ta hiểu sự phong phú phức tạp và đặc biệt của «tâm hồn», là điều Đức Kitô nói đến trong tuyên bố của Người trong Mt 5,27-28.

5. Nếu chúng ta chấp nhận «eros» có nghĩa là sức mạnh tiềm ẩn bên trong «lôi cuốn» con người hướng tới cái thật, cái tốt và cái đẹp, thì sẽ thấy trong phạm vi khái niệm này mở ra một con đường dẫn đến điều mà Đức Kitô muốn diễn tả trong diễn từ trên núi. Những lời trong Mt 5,27-28, nếu như đó là một lời kết án tâm địa con người, thì hơn thế nữa, đồng thời còn là một lời kêu gọi nói với tâm hồn con người. Lời mời gọi ấy chính là phạm trù đạo đức (ethos) của ơn cứu chuộc. Lời mời gọi hướng tới chân, thiện, mỹ trong nền đạo đức của ơn cứu chuộc, đồng thời có nghĩa là lời mời gọi tất yếu phải chiến thắng những gì nảy sinh từ dục vọng với ba mặt của nó. Nhưng nó cũng có nghĩa là ta có thể và tất yếu phải biến đổi những gì mà dục vọng xác thịt đã làm ra nặng nề. Hơn thế nữa, nếu những lời của Mt 5,27-28 là tiếng gọi ấy, thì điều đó có nghĩa là, trong phạm vi liên quan tới eros, «ái tình/eros»«đạo đức/ethos» không phân rẽ nhau, không đối nghịch nhau, nhưng được kêu gọi gặp gỡ nhau trong tâm hồn con người và, nhờ cuộc gặp gỡ này, mà sinh hoa trái. Mô thức (forma) của những gì thuộc «ái dục» (bởi thế «erotico» không còn được chuyển ngữ chỉ như là dâm ô, khiêu dâm) cũng đồng thời là mô thức của ethos, tức là những gì liên quan đến «đạo đức».

6. Khẳng định đó rất quan trọng đối với nền đạo đức (ethos) và đối với cả đạo đức học (etica). Thật vậy, ý niệm đạo đức học rất thường gắn liền với một ý nghĩa «tiêu cực», vì nó gắn liền với những luật lệ, giới răn và cả lệnh cấm. Nói chung chúng ta có xu hướng xem những lời của diễn từ trên núi nói về «dục vọng» («nhìn ... mà thèm muốn») chỉ như là một lệnh cấm, một lệnh cấm trong lãnh vực «eros» (nghĩa là lãnh vực «ái dục/erotica»). Và rất thường chúng ta chỉ bằng lòng với việc hiểu như thế, mà không chịu tìm cách làm hiển lộ những giá trị thật sâu sắc và cốt yếu mà mệnh lệnh ấy hàm chứa, và quả quyết. Mệnh lệnh ấy không chỉ bảo vệ, nhưng còn phơi bày và giải phóng những giá trị ấy, nếu chúng ta học mở «lòng» mình ra đối với chúng.

Trong diễn từ trên núi Đức Kitô dạy chúng ta điều ấy và Người qui hướng tâm hồn ta về những giá trị đó.
 
Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển dịch 
 
------------------------------------
[1] Theo Platon, con người, đứng ở giữa thế giới của cảm giác và thế giới của Ý tưởng, đã được tiền định phải chuyển từ thế giới thứ nhất sang thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thế giới của Ý tưởng tự mình không thể vượt trên thế giới của cảm giác: chỉ có Eros, sinh đồng thời (congenito) với con người, mới có thể làm được điều đó. Khi con người bắt đầu linh cảm sự hiện hữu của các Ý tưởng nhờ chiêm ngắm những đối tượng đang hiện hữu trong thế giới cảm giác, nó đón nhận cái xung lực từ Eros, hay đúng hơn, từ nỗi khao khát các Ý tưởng tinh tuyền. Thật ra, Eros là khuynh hướng của con người «dục lạc» hay «nhạy cảm» hướng lên cái siêu việt: là sức mạnh hướng linh hồn lên thế giới Ý tưởng. Trong tác phẩm Simposio, Platon mô tả các giai đoạn Eros hoạt động như thế: Eros nâng linh hồn con người lên từ vẻ đẹp của một cơ thể (hay thân xác) riêng biệt đến vẻ đẹp của mọi thân xác, từ đó hướng đến cái đẹp của tri thức và sau cùng đến chính Ý tưởng Đẹp (x. Simposio 211; Repubblica 514).
Eros không hoàn toàn là người cũng không hoàn toàn là thần linh: là một cái gì đó đứng giữa hai thế giới (daimonion) và là trung gian. Đặc tính chánh yếu của Eros là khát vọng và thèm muốn trường cửu. Cả khi như là trao ban, Eros vẫn còn đó nỗi «thèm muốn chiếm hữu», nhưng nó khác với ái tình thuần túy nhục dục vì nó hướng lên cái siêu phàm.
Theo Platon, các vị thần linh không yêu bởi lẽ các ngài không cảm thấy thèm muốn, vì hết thảy các vị đã được thỏa mãn mọi khát vọng. Thế nên, các ngài chỉ có thể là đối tượng được yêu mến, mà không là chủ thể của tình yêu (Simposio 200-201). Bởi thế, các ngài không có quan hệ trực tiếp với con người. Chỉ nhờ trung gian của Eros mới có một tương quan gắn bó nào đó (Simposio 203). Do đó, Eros là con đường dẫn con người đến với thần linh, chứ không phải ngược lại.
Thế nên, khát vọng hướng tới siêu việt là một yếu tố cốt yếu của quan niệm Platon về Eros, một quan niệm vượt trên chủ thuyết nhị nguyên cực đoan về thế giới Ý tưởng và thế giới cảm giác. Eros giúp đi từ thế giới này sang thế giới kia. Bởi thế, đó là một hình thức trốn chạy thế giới vật chất, vốn là điều mà linh hồn buộc phải chối bỏ, bởi lẽ cái đẹp của một chủ thể khả giác chỉ có giá trị khi dẫn đến cái cao cả hơn.
Tuy nhiên, theo Platon, Eros vẫn luôn là tình yêu vị kỉ (hay qui ngã). Nó có xu hướng chinh phục và chiếm hữu đối tượng, một đối tượng giá trị nào đó. Yêu cái thiện hảo có nghĩa là ước muốn chiếm hữu nó mãi mãi. Tình yêu luôn là một khao khát sự bất tử và cả điều đó nữa cũng biểu lộ đặc tính qui ngã của Eros (x. A. Nygren, Êros et Agapé. La notion chrétienne de l’amour et ses transformations, Aubier, Paris 1962, pp. 180-200).
Đối với Platon, Eros là sự chuyển tiếp từ nhận thức sơ đẳng sang nhận thức sâu sắc hơn. Đồng đó là khát vọng chuyển tiếp từ «cái không hiện hữu», và là cái xấu, đến cái «hiện hữu viên mãn», và cũng là cái tốt (x. M. Scheler, Amour et connaissance, in Le sens de la souffrance, suivi de deux autres essais, Aubier, Paris s.d., p. 145).
[2] X. vd. C.S. Lewis, Eros in The Four Loves, Harcourt Brace, New York 1960, pp.131-133, 152, 159-160; P. Chauchard, Vices des vertus, vertus des vices, Mame, Paris 1965, p.147.